Khủng bố Hồi giáo – đứa con hư hỏng của Mỹ và phương Tây

Liệu phương Tây sẽ hối lỗi và nhận trách nhiệm đối với sự trỗi dậy và phát triển của mối tai họa khủng bố đang đe dọa toàn thế giới? Liệu họ đã sẵn sàng hành động thực chất để bảo vệ an ninh cho thế giới?

Khủng bố Hồi giáo – đứa con hư hỏng của Mỹ và phương Tây

Ai tạo ra khủng bố?

Khủng bố tiếp tục trở thành chủ đề nóng, nhất là khi các vụ tấn công liên tiếp xảy ra tại một nước phương Tây như Anh, đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ.

Sau các vụ khủng bố này, một lần nữa những cáo buộc cho rằng chính phương Tây phải chịu trách nhiệm cho sự xuất hiện của chủ nghĩa khủng bố lại được nhắc lại.

Các cơ quan tình báo phương Tây, mà trên hết là Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã khơi nguồn cho chủ nghĩa khủng bố vì CIA đã đào tạo và trang bị cho những “chiến binh thánh chiến” đầu tiên người Afghanistan, những người sau đó đã có mặt ở hầu hết các nước Hồi giáo và Arab.

Trong những năm 1970-1980, CIA đã cung cấp loại tên lửa vác vai Stingers nổi tiếng (một loại vũ khí giết người) cho các nhóm thánh chiến Afghanistan.

Giới phân tích châu Phi giờ đây thậm chí còn có ý kiến cho rằng những cuộc chiến tranh chết chóc tại Afghanistan, Libya, Iraq, Syria, Yemen – những đất nước Hồi giáo – được các nước phương Tây nhìn nhận như những hoạt cảnh, những câu chuyện giải trí.

Mỗi ngày, các cuộc mưu sát, tấn công – do các nhóm chiến binh thánh chiến được phương Tây trang bị vũ khí, đào tạo và được Saudia Arabia, Qatar cung cấp tài chính tiến hành – đã khiến hàng trăm người thiệt mạng tại Syria, Afghanistan và Iraq.

Chính tại các nước phương Tây như Đức, Pháp, Anh, Mỹ… những đối tượng cầm đầu khủng bố đã tìm thấy nơi cư trú và ẩn náu, đồng thời chuẩn bị kế hoạch tấn công những người vô tội tại Afghanistan, Syria… . Bây giờ, điều đó xảy ra ở chính châu Âu, tại chính những quốc gia mà chúng từng hoặc đang trú ngụ.

Từ lâu, phương Tây đã sử dụng thuật ngữ “khủng bố Hồi giáo” cho các mục đích chiến lược. Tuy nhiên, kể từ vụ tấn công vào London hồi tháng 7/2005, mối hiểm họa này đã quay lại tấn công chính những người đã từng bảo vệ chúng, nếu không muốn nói là những người đã tạo ra chúng.

Những cuộc tấn công mới đây tại châu Âu đã khiến hàng chục dân thường thiệt mạng. Họ không những là nạn nhân của khủng bố, mà còn là những người phải gánh chịu hậu quả từ chính sách quản lý lỏng lẻo của chính phủ vốn đã rất tệ trong việc thích ứng với thế giới đang thay đổi.

Tại sao những người dân ở London, Nice, Berlin hay Paris lại phải mất đi tính mạng của mình? Một câu hỏi mà những nhà lãnh đạo phương Tây chưa từng đặt ra khi họ bị ám ảnh bởi quyết tâm thao túng thế giới bằng những biện pháp của họ.

Bạo lực mà các phần tử khủng bố al-Qaeda (một sản phẩm của phương Tây) gây ra đối với các nước Hồi giáo kể từ 3 thập kỷ gần đây đã kéo sự phát triển của các quốc gia thuộc khu vực này như Afghanistan, Libya, Iraq, Syria, Yemen ngược trở lại cả thế kỷ. Có phải mục đích của những hành động bạo lực do các nhóm chiến binh thánh chiến gây ra (có sự ủng hộ của Mỹ và được Saudi Arabia viện trợ tài chính) là chấm dứt sự phát triển và chia cắt nhiều đất nước theo những gì mà Mỹ muốn thực hiện đối với khu vực này?

Giờ đây, những vụ khủng bố dồn dập không chỉ tác động đến các nước Hồi giáo, Arab mà còn nhằm vào các nước phương Tây. Các hành động khủng bố, núp dưới danh nghĩa Hồi giáo, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong khu vực gồm 1,5 tỷ người Hồi giáo.

Liệu phương Tây sẽ hối lỗi và nhận trách nhiệm đối với sự trỗi dậy và phát triển của mối tai họa khủng bố đang đe dọa toàn thế giới? Liệu họ đã sẵn sàng hành động thực chất để bảo vệ an ninh cho thế giới?

Gậy ông đập lưng ông

Trong khi đó tại Mỹ, trang tin National Interest có bài phân tích với tựa đề: “Sự lúng túng của Washington biến nước Mỹ thành mục tiêu khủng bố”.

Theo bài viết, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ không bao giờ thừa nhận nhưng chính nỗi sợ hãi đã khiến ông đưa ra sắc lệnh về hạn chế nhập cảnh gây nhiều tranh cãi. Nỗi lo sợ người nước ngoài đến Mỹ từ những quốc gia mất kiểm soát, những quốc gia đã từng là tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố nhiều năm trước và ngay cả những quốc gia đã được quân đội Mỹ “giải phóng”.

Đó chính là lý do Chính quyền Tổng thống Donald Trump phải tìm cách xây dựng bức tường để tránh khỏi các vấn đề nóng của thế giới.

Tổng thống Trump tin rằng niềm hy vọng duy nhất của Mỹ là phải “biệt lập” hơn. Chính quyền Trump đang tìm cách giảm đáng kể số lượng sinh viên, doanh nhân, du khách, nhà báo, người tị nạn và những thành phần khác nhập cảnh vào Mỹ. Đây là một quá trình đáng buồn đối với một quốc gia từ lâu đã coi mình là một mô hình dân chủ, là “thành phố trên đồi”, là một ánh sáng cho thế giới và hơn thế nữa.

National Interest đặt câu hỏi là tại sao có rất nhiều người muốn tấn công nước Mỹ, chứ không phải là Brazil? Theo báo này, sự khác biệt rất quan trọng đó là chính sách đối ngoại của Washington. Mỹ hơn Brazil về khả năng can thiệp vào các quốc gia khác, hỗ trợ các phong trào độc tài và các chính phủ đánh bom và xâm chiếm các quốc gia khác.

Mỹ là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất, một quân đội hùng mạnh nhất, duy trì các căn cứ quân sự tốt nhất, triển khai nhiều nhất các nhóm tàu sân bay trên thế giới và có nhiều đồng minh nhất, nhưng thay vì tìm kiếm hòa bình và an ninh, Mỹ tham gia chiến đấu trong hầu hết các cuộc chiến tranh trên Trái đất.

Ví dụ, việc hỗ trợ cho chế độ độc tài và cuộc đảo chính chống lại các nhà lãnh đạo không thân thiện là hành động rất phổ biến trong Chiến tranh Lạnh. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ tiếp tục tham gia vào quá nhiều chiến dịch và chính điều này đã tạo ra những phần tử khủng bố.

Bất chấp thực tế, ý định rõ ràng của Chính quyền Trump là tăng cường mọi cuộc chiến đã được người tiền nhiệm Barack Obama khởi xướng hoặc tiếp nối. Chính quyền Obama trước đó đã tăng gấp đôi số binh sĩ ở Afghanistan nhưng cũng không đảm bảo xây dựng một chính phủ dân chủ mạnh mẽ, hiệu quả và trung thực. Tổng thống Trump bây giờ đã sẵn sàng để đi vào vết xe đổ đó.

Ông Donald Trump đã chạy đua vào Nhà trắng bằng cách chỉ trích Chính quyền Bush vì sự can thiệp “dại dột” vào Iraq đã tạo ra sự hỗn loạn ở quốc gia này và gây ra một cuộc chiến tranh giáo phái đẫm máu trong lịch sử. Chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng phải chịu trách nhiệm cho việc Al-Qaeda hình thành ở Iraq, trở thành tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, ông Trump đã tiếp tục theo đuổi chiến dịch chống IS của Obama, thay cho các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Jordan. Trên thực tế, Washington đã dẫn đầu liên minh chống IS và bây giờ Chính quyền Trump đang tăng cường cam kết quân sự của Mỹ tại Syria cũng như đề cập đến sự hiện diện vĩnh viễn của Mỹ tại Iraq.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Milton Friedman từ lâu đã nhắc nhở rằng chẳng có bữa trưa nào miễn phí. Với chính sách đối ngoại của Mỹ, không khó để hiểu tại sao một số người lại “ghét” chính phủ Mỹ và muốn làm hại nước Mỹ.

National Interest cho rằng điều đó không biện minh cho chủ nghĩa khủng bố, nhưng cần hiểu về gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Điểm khởi đầu của nỗ lực đó là phải ngừng tạo ra những kẻ thù.

Theo THÀNH MINH / ĐẤT VIỆT ONLINE (2017)

Tags: , , ,