⠀
Khởi nghiệp ở Việt Nam: Không thể tạo ra cái mới trên nền tư duy cũ
Muốn kích thích sáng tạo thì phải sẵn lòng chào đón thất bại. Bằng không, tôi e Việt Nam sẽ chỉ xây dựng được những tượng đài đổi mới sáng tạo, trông cao to, mà không giải quyết được vấn đề cấp thiết nào.
Tác giả: Dương Ngọc Thái, kỹ sư an ninh mạng.
Tôi từng mở công ty công nghệ, làm giám đốc ở tuổi đôi mươi. Công ty có bảy người, ai cũng chức danh đầy mình.
Hồi đó cơn sốt start-up chưa lan đến Việt Nam, nếu không tôi cũng đã tự phong cho mình là nhà sáng lập. Chúng tôi dành nhiều thời gian làm website công ty, thiết kế logo, chọn slogan, in danh thiếp, tạo địa chỉ email, mở văn phòng, mua bàn ghế, sắm máy móc thiết bị, ký giấy tờ phân chia cổ phần, quyền hạn và trách nhiệm.
Nói chung, chúng tôi có đầy đủ những gì một doanh nghiệp phải có, chỉ thiếu mỗi khách hàng. Kết quả, công ty dẹp tiệm, không tạo ra đồng doanh thu nào.
Lần thứ hai khởi nghiệp, tôi không làm những thứ râu ria, màu mè, tập trung 100% tìm kiếm và phục vụ khách hàng. Công ty làm đến năm thứ hai mới có website, năm thứ ba mới có văn phòng nhỏ, chẳng ai có chức danh gì, ngoại trừ khi cần giao tiếp với khách.
Chúng tôi chỉ làm những gì vừa đủ để vận hành công ty, tập trung tạo doanh thu, mở rộng thị trường, thu hút tài năng. Đến hôm nay, chúng tôi đã có một đội ngũ đủ tốt, doanh thu tạm ổn, khách hàng hài lòng.
Giữa hai trải nghiệm này là gần 12 năm tôi làm việc ở Google. Google nổi tiếng với văn phòng đẹp, nhưng ít ai biết trong phần lớn lịch sử, Google chỉ thuê chỗ, sửa sang lại, chứ không xây mới.
Google làm ăn hối hả gần 20 năm, lên đỉnh cao mới tính xây trụ sở vào năm 2015. Vậy mà lúc đó vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng công ty đã hết khả năng sáng tạo, không còn biết làm gì mới lấy tiền đi xây nhà.
Mấu chốt kinh doanh thành công là làm ra thứ mà nhiều người muốn. Các công ty ở Silicon Valley không vội xây trụ sở, vì có xây 10 tòa nhà cũng không thể giúp họ giải quyết đúng vấn đề thế giới đang cần.
Làm ra cái nhiều người muốn là một quá trình mơ hồ, tốn tiền, dễ thất bại. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, một nửa số doanh nghiệp mới thường đóng cửa trong vòng năm năm và 65% sẽ dẹp tiệm trong vòng một thập kỷ. Lý do thứ nhất: làm ra thứ chẳng ai cần. Lý do thứ hai: hết tiền. Chưa có start-up nào chết vì thiếu văn phòng.
Mỗi năm, Singapore tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề lớn của an ninh mạng. Chính phủ Singapore cam kết cấp vốn lên đến một triệu SGD, không hoàn lại và cũng không nhận bất kỳ quyền lợi hay cổ phần của các dự án. Yêu cầu duy nhất, nhưng rất khôn ngoan, là các đội phải đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Singapore và phải thuê ít nhất 50% nhân lực là người Quốc đảo. Tôi biết đã có ít nhất một đội từ Việt Nam được chọn, hiện vẫn đang làm ăn như doanh nghiệp Singapore.
Chính phủ Mỹ cũng có nhiều chương trình tài trợ trực tiếp, cắt giảm hay hoàn thuế cho startup và doanh nghiệp nhỏ. Chương trình Small Business Innovation Research ra đời năm 1982, mỗi năm vẫn đang giải ngân trung bình 2,5 tỷ USD cho các công ty nhỏ để thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực.
Một chuyên gia nói với tôi rằng Việt Nam không thể làm như các nước, vì ai nhận tiền ngân sách mà làm ăn thua lỗ sẽ phải chịu trách nhiệm, có thể bị đi tù. Có lẽ trước tiên, nhà chức trách cần rà soát lại và đổi mới những quy chế đang trói chân sáng tạo. Không thể tạo ra cái mới trên nền tư duy cũ.
“Build something people want” (Làm thứ nhiều người muốn) là tôn chỉ của Y Combinator, vườn ươm công nghệ tư nhân đã tạo ra hàng loạt siêu kỳ lân chục tỷ USD như Dropbox, Stripe, Airbnb, Doordash… Họ được coi như những tượng đài đổi mới sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề thiết thực của thế giới, dù sau lưng họ là hàng nghìn công ty đã chết.
Muốn kích thích sáng tạo thì phải sẵn lòng chào đón thất bại. Bằng không, tôi e Việt Nam sẽ chỉ xây dựng được những tượng đài đổi mới sáng tạo, trông cao to, mà không giải quyết được vấn đề cấp thiết nào.
Theo VNEXPRESS
Tags: Kinh doanh - Sản xuất, Khởi nghiệp