Khoảng không cá nhân – nét độc đáo trong văn hóa Nhật Bản

Người Nhật có khái niệm khá rõ ràng về các khoảng không cá nhân, được hiểu một cách đơn giản là không gian xung quanh một người nào đó mà họ sẽ cảm thấy không thoải mái nếu bị xâm phạm.

Khoảng không cá nhân – nét độc đáo trong văn hóa Nhật Bản

Tuỳ theo từng người hoặc từng hoàn cảnh mà đôi khi nó có thể rộng bằng một cẳng tay hoặc một cánh tay tính từ người đó đi. Khoảng không cá nhân đó hiện hữu một cách tự nhiên đến nỗi bất kỳ ai cũng tôn trọng nó, và người ta thường cảm thấy xấu hổ đến mức họ phải xin lỗi mỗi khi xâm phạm của người khác.

Khi đi tàu điện ở Nhật, bạn sẽ nhận thấy các khoảng không cá nhân này được quy định sẵn, rất ngăn nắp và quy củ. Nếu bạn ngồi xuống ghế trên tàu điện, thì khoảng không đó sẽ có hình dạng của một hình hộp chữ nhật, với độ rộng bằng đúng độ rộng phần ghế bạn ngồi và đó cũng là mức tối đa bạn nên duỗi tay, hay giở báo ra đọc, hay làm bất cứ việc gì khác, chỉ cần không xâm phạm cái hộp của người đang ngồi bên cạnh.

Bạn có thể xếp túi xách của bạn lên trên đùi, và để trên đấy thêm một cái túi nữa, hoặc tay bạn, hoặc tay bạn và điện thoại, hoặc tay bạn và điện thoại và tai nghe và quyển sách và vé tàu, mọi thứ của bạn. Bạn được tự do trong cái hộp ấy. Nó có thể là thoải mái, nhưng cũng có thể là ngột ngạt, tùy theo cách bạn suy nghĩ về nó, nhưng nó gần như là của bạn. Người ta sẽ xin lỗi nếu vạt áo của họ vắt sang bên chỗ bạn định ngồi xuống, hay cùi chỏ của họ đang lấn sang phần được cho là của bạn. Còn nếu bạn xâm phạm, dù chỉ một chút thôi, thì ở một đất nước như Nhật Bản, bạn cũng có thể trở thành “kẻ gây phiền hà” (jamanahito). Và theo như tôi biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta sẽ có cách (nhẹ nhàng hay gay gắt tùy trường hợp) để thông báo cho bạn biết là bạn đang lấn sang khoảng không của người khác.

Nhưng khái niệm về khoảng không cá nhân này hình như chưa được rõ ràng lắm ở Việt Nam. Mới đây thôi, tôi đi xe bus từ ngoại thành vào Hà Nội, và vì lên xe ngay từ những bến đầu nên tôi có một chỗ ngồi khá thoải mái, bên cạnh một chỗ còn trống. Một lát sau có hai cô bạn nữ, dường như là sinh viên, lên xe. Một cô ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh tôi. Rồi sau khi đo bằng mắt ước lượng khoảng trống còn lại giữa hai chiếc ghế, cô xịch sát vào người tôi và kéo cô bạn kia xuống ngồi chung. Tôi co người lại cho vừa vào hai phần ba chiếc ghế của mình khi thấy hai cô quay sang nhoẻn miệng cười như một lời cảm ơn.

Ở Việt Nam, vì ranh giới không được quy định rõ ràng, nên việc xen vào các khoảng không của nhau khá dễ dàng và thoải mái. Câu chuyện tôi vừa kể trên có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, nó đã trở nên bình thường, quen thuộc đến nỗi cả những người xâm phạm lẫn người bị xâm phạm không gian cá nhân đều không cảm thấy quá phiền hà. Chuyện đó cũng tương tự như việc bạn chấp nhận cho người phụ xe xếp 5 người ngồi một ghế thay vì 4 theo như thiết kế của phương tiện; chấp nhận bị người khác chen lấn, xô đẩy trong khi đang xếp hàng mua sắm, chấp nhận bị ai đó chen vào làn đường của bạn một cách vô lý khi đang lái xe.

Nhưng tôi nghĩ, mở rộng ra, nếu việc vi phạm khoảng không cá nhân không dừng lại ở không gian hữu hình mà còn là thời gian, tiền bạc, tài sản, suy nghĩ, quan điểm… thì nó sẽ không còn là chuyện nhỏ, không còn là chuyện dễ chấp nhận. Bởi không ai có quyền can thiệp một cách phi lý vào cách bạn sống, vào các thói quen, sở thích, vào thời gian, vào cơ hội, vào những gì đáng ra sẽ thuộc về bạn và do bạn quyết định.

Việc có những khái niệm rõ ràng về khoảng không cá nhân trong tất cả các lĩnh vực kể trên là điều mà một xã hội văn minh, đại đô thị – nơi có quá nhiều người phải chia sẻ không gian sống cùng nhau – sẽ phải làm. Với một số người đang có thói quen xâm phạm đến khoảng không cá nhân của người khác, họ sẽ phải từ bỏ thói quen đó.

Sự tôn trọng các khoảng không cá nhân bắt đầu từ những việc hàng ngày, trong quy mô nhỏ, sẽ là nền tảng tạo nên sự tôn trọng khoảng không, tự do cá nhân trong những vấn đề lớn, trên quy mô lớn hơn.

Theo BẾ MINH NHẬT/ VNEXPRESS

Tags: , , ,