Khi một doanh nghiệp quốc gia chỉ toan tính cho lợi ích của riêng mình

Gần 31 triệu đồng, tương đương 1.090 Euro, là số tiền tôi đã trả cho chuyến bay hồi hương một chiều của Vietnam Airlines (VNA) từ Paris về TP HCM tháng 9 năm ngoái.

Khi một doanh nghiệp quốc gia chỉ toan tính cho lợi ích của riêng mình

Bình thường, số tiền trên là giá vé khứ hồi hạng phổ thông của hãng hàng không quốc gia chặng này. Tôi hỏi vì sao giá vé tăng gấp đôi, và được trả lời “vì là chuyến bay hồi hương”.

Cô sinh viên ngồi cạnh tôi trong chuyến bay ấy đã thắc mắc vì sao chỉ VNA được thực hiện các chuyến hồi hương. “Nếu các hãng khác cũng được bay hồi hương, giá vé có lẽ không cao đến vậy”, cô nói.

Con người bạn của tôi từ Mỹ bay về Hà Nội bằng chuyến hồi hương của VNA với giá 47 triệu đồng, cũng bằng giá vé khứ hồi hạng phổ thông của nhiều hãng hàng không khác.

Nay, COVID chưa hết, VNA đơn phương tái đề nghị nâng mức giá trần và áp giá sàn với vé máy bay. Đề xuất này từng được hãng đưa ra hơn ba năm trước và không được chấp thuận.

Khác với những chuyến bay hồi hương, VNA không thể “một mình một chợ” với các chuyến bay nội địa, hãng buộc phải đưa ra giá vé đủ rẻ trong tương quan với ba hãng còn lại trên thị trường.

Ở đây, chuyện áp giá sàn, nâng giá trần vé máy bay có ba cái lạ.

Thứ nhất, VNA là hãng hàng không duy nhất vừa được vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Đành rằng Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối của hãng, nhưng VNA đã là công ty cổ phần, có cổ đông chiến lược ngoại, đang niêm yết trên sàn chứng khoán, đáng lẽ phải hành xử một cách công khai, minh bạch, bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Từ trước đến nay, hiếm có công ty cổ phần nào được hỗ trợ số tiền lớn như vậy từ ngân sách miễn phí.

Gói 4.000 tỷ đồng dành cho VNA là sự trợ giúp đặc biệt từ ngân sách, tức tiền thuế của dân. Với hơn 96 triệu dân, để có số tiền trên, mỗi người Việt Nam đã góp vốn không lấy lãi cho VNA gần bốn mươi ngàn đồng, bằng một bữa cơm trưa văn phòng ở TP HCM. VNA đã sử dụng tiền vay không phải trả lãi, rồi tiếp tục kiến nghị tăng giá vé máy bay toàn thị trường?

Thứ hai, đón đầu làn sóng du lịch, đi lại của người tiêu dùng hậu COVID, theo quy luật thị trường, nếu nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung chưa tăng kịp, tất giá cả sẽ tăng. Trên app của VNA, tôi đếm được 25 tới 30 chuyến bay mỗi ngày, chỉ riêng tuyến Hà Nội – TP HCM. Trong trường hợp VNA không thể tăng chuyến, người tiêu dùng sẽ tiếp nhận các mức vé cao hơn, và một chuyến bay luôn có nhiều mức giá. Vì sao phải áp sàn hay nâng trần giá vé? Còn nếu VNA tăng thêm chuyến mà giữ nguyên giá vé, số hành khách sẽ nhiều hơn, doanh thu và lợi nhuận cộng dồn của hãng sẽ tăng tương ứng.

Đằng sau kiến nghị tăng giá vé của VNA dường như là sự e ngại các công ty hàng không khác tiếp tục khuyến mại giá rẻ để thu hút người tiêu dùng, giành thị phần. Thay vì tự nâng cấp để đạt lợi nhuận cao, bù đắp cho thua lỗ năm ngoái, VNA muốn đặt ra một hàng rào bằng giá vé để ngăn người tiêu dùng tìm những lựa chọn tốt hơn.

Thứ ba, kiến nghị của VNA trong trường hợp được chấp thuận là vi phạm Luật Cạnh tranh. Điều 6 khoản 2 và 3 của Luật nêu rõ: “Chính sách của nhà nước về cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Áp giá sàn đồng loạt là triệt tiêu tự do cạnh tranh. Khi người dân không còn được bay giá rẻ, quyền lợi của họ còn được đảm bảo không?

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, quy mô nền kinh tế Việt Nam 2020 đạt 343 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 3.521 USD. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người ở các vùng, miền chênh lệch rất nhiều. Với không ít người, đi một chuyến bay từ Thủ đô vào TP HCM tốn nửa tháng lương nếu bay giá rẻ và cả tháng lương nếu bay giá cao. Họ phải dành dụm hàng năm mới dám đi du lịch. Chính sách giá VNA đề xuất càng gây khó cho kích cầu tiêu dùng nói chung, du lịch nói riêng khi nền kinh tế đang tái khởi động trở lại.

Dân số Việt Nam hơn 96 triệu người. Số khách nội địa hiện khoảng 10 triệu mỗi năm. Tức là gần 90% dân số chưa được tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu do mức sống của họ chưa với tới. Cứ 10 người Việt Nam mới có gần hai người từng đi máy bay. Tỷ lệ này rất thấp so với thế giới và thấp gần nhất khu vực Đông Nam Á, theo một báo cáo ngành hàng không của hãng nghiên cứu độc lập.

Do đó, việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như càng khép lại cánh cửa mơ ước của hàng triệu người được một lần đặt chân lên máy bay, biết cảm giác vi vu trên bầu trời thế nào.

Được di chuyển bằng máy bay giá rẻ cũng là một phúc lợi xã hội, một cách tiếp cận với giao thông hiện đại, cải thiện chất lượng sống của dân chúng. Là một trong những doanh nghiệp tầm cỡ của đất nước, chính đại diện VNA cho rằng “muốn phát huy vai trò, trách nhiệm là hãng hàng không quốc gia”, “thể hiện hình ảnh quốc gia”.

Nếu ai còn nhớ, đại diện của chính phủ Việt Nam đã rất vất vả trong tiến trình đàm phán WTO, các hiệp định thương mại song và đa phương chỉ vì nhiều nước chưa chấp nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hiện mới chỉ có 65 nước công nhận điều này. Đây là một yếu tố rất bất lợi cho các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Đại đa số các nước trên thế giới cũng đã không áp dụng giá sàn với vé máy bay từ lâu. Nếu đề xuất của VNA được chấp thuận, Việt Nam càng khó khăn hơn trong việc chứng minh mình là một nền kinh tế thị trường. Thiệt hại với thương mại và kinh tế quốc gia lớn hơn nhiều số tiền mà hãng hàng không có thể thu được từ việc điều chỉnh giá vé máy bay với dân chúng của mình.

Một doanh nghiệp quốc gia sao không đặt lợi ích của người dân lên trên hết, thay vì chỉ toan tính cho lợi nhuận của riêng mình?

>> Về những đòi hỏi ngang ngược của ‘quý tử’ Vietnam Airlines
.

Theo HẢI LÝ / VNEXPRESS

Tags: ,