⠀
Khăn búi tóc – ‘thời trang’ thuần Việt đã trở thành dĩ vãng
Tác dụng của việc vấn khăn là để làm gọn tóc nên ngoài chất liệu vải và màu sắc của khăn thì không còn điểm nhấn nào khác. Sự gọn gàng này thể hiện sự khác biệt so với người Trung Hoa…
Chân dung chụp năm 1896 của chàng trai 17 tuổi Vi Văn Định – con trai của Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Lý. Sau này ông Vi Văn Định trở thành Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929-1937) và tỉnh Hà Đông (1937-1941).
Khăn búi tóc được xem như vẻ đẹp thuần Việt của người xưa. Khăn búi tóc ở thời nay cũng có nhưng chủ yếu được sử dụng như một phụ kiện đi kèm với trang phục. Nếu như ngày trước khăn búi tóc để giúp tóc gọn gàng hơn thì khăn búi tóc thời hiện đại lại tăng thêm phần rườm rà cho trang phục và mái tóc.
Ngày xưa khăn búi tóc không chỉ sử dụng cho nữ mà dùng cho cả hai giới với mục đích giúp mái tóc trở nên gọn gàng. Kiểu vấn khăn nam giới có điểm chung là đều không để lộ phần mái tóc phía trước trán.
Với phụ nữ xưa thì khăn búi tóc có phần phức tạp hơn. Phần lớn các phụ nữ miền Bắc đều sử dụng khăn búi tóc. Cách họ thực hiện là luồng tóc thật vào khăn, còn kinh sư lại kiểu vấn Khăn vành, tức là khăn và búi tóc riêng biệt. Điểm chung có thể kể đến khi phụ nữ vấn tóc là họ rất trọng sự gọn gàng của phần mái, thể hiện sự trang nhã.
Đối với phụ nữ miền Nam, rất hiếm ảnh cho thấy họ vấn khăn, mà phần lớn là búi tóc sau gáy.
Khi nói đến trang phục truyền thống, từ sâu trong tiềm thức người Việt khăn búi tóc chính chính là phục sức mà họ nghĩ đến đầu tiên. Điều này có thể giải thích dựa trên lịch sử. Khăn búi tóc ra đời và thịnh hành vào thời Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Bởi vì triều đại gần nên việc ghi nhớ là hiển nhiên. Tuy nhớ và tôn vinh những trang phục có phục sức là khăn búi tóc nhưng người hiện đại vẫn chưa hiểu hết được sự độc đáo của loại phục sức này.
Khăn búi tóc được xuất xứ thế nào đến nay vẫn chưa có ai chắc chắn. Trong “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức có nhận định như sau: Khăn búi tóc được trở nên phổ biến vào đầu thời Nguyễn, được đi cùng với áo Thụ lĩnh – là loại áo cố đứng, tiền thân của áo dài hiện tại, với chức năng là làm gọn tóc tránh nóng, khó chịu khi vướng phải mái tóc dài. Về sau, người An Nam thời Nguyễn dần dần chú ý nhiều hơn đến hình dáng và kiểu cách của nó. Đến cuối thời Nguyễn, kiểu dáng khăn búi tóc đã đạt đến hình dạng ổn định nhất.
Khăn búi tóc của nam và nữ có rất nhiều sự khác biệt. Khác biệt lớn nhất chính là đối với nam: sẽ búi tóc phía sau kiểu củ tỏi rồi quấn khăn quanh đầu để gọn, không chừa lại tóc mái phía trước. Đối với nữ búi tóc cơ bản nhất chính là độn tóc, kiểu này được sử dụng rộng rãi từ miền Bắc vào đến Huế. Tuy kiểu quấn khăn có khác nhau nhưng kiểu búi tóc vẫn là như vậy. Do lúc phụ nữ độn luồn mái tóc vào khăn thì phần mái chẻ đôi hiện ra chứ không được che gọn như nam. Vì vậy khăn mỏ quạ xuất hiện với tác dụng che đi toàn bộ mái tóc và cả phần tóc mái phía trước bị chẻ ra.
Khăm mỏ quạ.
Một loại khăn búi tóc chỉ có ở phụ nữ chính là khăn vành dây. Đây là dạng khăn dùng vải khổ lớn và rộng để quấn. Được thực hiện như sau: Sau khi vấn tóc quanh đầu người ta sẽ đè khăn vành lên và vấn quanh đầu. Cách vấn này giúp che đi phần trán chẻ đôi ở phía trước. Để kiểu vấn khăn này đẹp thì khăn phải được vấn nhiều vòng. Càng nhiều vòng thì vân khăn hiện lên mới đẹp.
Khăn vành của Nam Phương Hoàng Hậu.
Tác dụng của việc vấn khăn là để làm gọn tóc nên ngoài chất liệu vải và màu sắc của khăn thì không còn điểm nhấn nào khác. Sự gọn gàng này thể hiện sự khác biệt so với những kiểu tóc thời Lý – Trần, thời Lê. Phụ nữ Việt thời này dùng chất liệu và kiểu dáng trang phục để bộc lộ thân phận chứ không sử dụng nhiều trang sức trên tóc như người Trung Hoa.
Tuy nhiên do sự đứt gãy văn hóa nên khăn búi tóc người Việt xưa so với khăn búi tóc thời nay thật sự khác biệt. Tóc được độn vào trong khăn không còn nữa mà khăn dùng bông để độn, người cài tóc chỉ cần buộc cố định khăn trên đầu. Tóc của nữ được xõa dài ra bên dưới. Về phần nam giới khi vấn khăn vẫn để tóc mái nên khi nhìn thấy rất khó chịu và lòa xòa. Giá trị làm gọn gàng mái tóc từ ngày xưa của khăn búi tóc bị bào mòn và phá vỡ. Khăn vành được đóng gói gần như khăn xếp và được gọi là mấn và hình dáng không còn giống như trước. Được sản xuất đại trà, mấn được đính lên nhiều hạt và những vật trang trí khác nên lại dần thoát ly đi hình ảnh ban đầu của nó.
Dạng này được yêu thích ở hiện tại bởi sự tiện lợi và hợp thời. Tuy nhiên đây không phải là giá trị truyền thống, biểu tượng vẻ đẹp dân tộc như nhiều người hiện tại đang tung hô.
Theo THOIXUA.VN
Tags: Thời trang, Văn hóa Việt