Khái quát về thị trường chứng khoán Mỹ

Thị trường chứng khoán Mỹ có lịch sử phát triển lâu dài và đã đạt đến trình độ cao về mọi mặt. Mô hình thị trường chứng khoán Mỹ đã được nhiều nước học tập, áp dụng và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng nước.

Khái quát về thị trường chứng khoán Mỹ

Thời điểm đánh dấu sự ra đời Thị trường chứng khoán Mỹ là 17/5/1792 khi một số nhà môi giới công bố thoả thuận của họ sau khi nhóm họp dưới gốc cây ngô đồng ở số 68 phố Wall (gọi là Hiệp ước cây ngô đồng) và đến năm 1800 đánh dấu sự ra đời Sở giao dịch chứng khoán đầu tiên, tiếp theo đó là hàng loạt các Sở giao dịch chứng khoán được hình thành trên khắp nước Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay là một thị trường quan trọng bậc nhất trên thế giới nếu xét trên tổng thể khối lượng tưbản giao dịch và sự ảnh hưởng to lớn của nó đối với các thị trường chứng khoán khác. Điều đáng chú ý là 2/3 nghiệp vụ giao dịch chứng khoán ở Mỹ được thực hiện trên thị trường phi tập trung, đặc biệt là đối với các hàng hoá là trái phiếu chính phủ.

Sở Giao dịch Chứng khoán NewYork (NYSE) là Sở giao dịch lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ. Thị trường chứng khoán này của Mỹ còn được gọi là thị trường phố Wall – nơi phôi thai những giao dịch đầu tiên của nước Mỹ kể từ năm 1864 và hiện là trung tâm giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, quản lý tới hơn 80% các giao dịch chứng khoán của Mỹ và kể từ năm 1962 đã trở thành thị trường chứng khoán quốc gia.

Năm 2000, tổng số có 262,5 tỷ cổ phần được giao dịch trên NYSE, số cổ phần giao dịch bình quân ngày đạt 1.041,6 triệu USD. Giá trị giao dịch bình quân ngày cũng đạt 43,9 tỷ USD, tổng giá trị giao dịch trong năm 2000 của NYSE đạt 11,1 nghìn tỷ USD. Năm 2000 là năm NYSE hoàn thiện hơn nữa hệ thống giao dịch bằng sự thay đổi của cách yết giá (yết giá dạng thập phân thay vì dạng phân số trước kia). Cuối năm 2000, có 2.862 cổ phiếu được niêm yết trên NYSE với tổng giá trị là 17,1 nghìn tỷ USD.

Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (American Stock Exchange – AMEX) là thị trường chứng khoán tập trung lớn thứ hai ở Mỹ và hiện nay có khoảng 1/5 số chứng khoán của Mỹ được mua bán trên thị trường này. Cũng tương tự nhưSở giao dịch chứng khoán NewYork, AMEX hoạt động theo hệ thống đấu giá mở và các chuyên gia trên thị trường đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, thành viên của Sở là 661 thành viên.

Bên cạnh các thị trường chứng khoán tập trung là các Sở giao dịch (hiện có khoảng 14 Sở GDCK khác nhau), tại Mỹ còn có thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) rất phát triển đó là Nasdaq.

Thị trường OTC qua mạng máy tính Nasdaq được thành lập từ năm 1971, là bộ phận lớn nhất của thị trường thứ cấp Mỹ xét về số lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường với trên 15000 chứng khoán, lớn hơn rất nhiều so với số lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường tập trung NYSE. Chứng khoán giao dịch trên thị trường này chiếm đa số là của các công ty thuộc ngành công nghệ thông tin và các công ty vừa và nhỏ.

Thị trường được vận hành bởi một hệ thống các nhà tạo lập thị trường và các nhà môi giới, có khoảng 600 nhà tạo lập thị trường hoạt động tích cực trên Nasdaq và trung bình mỗi nhà tạo lập thị trường đảm nhận 8 loại cổ phiếu. Thị trường Nasdaq chịu sự quản lý hai cấp của Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) và Hiệp hội các nhà giao dịch chứng khoán quốc gia Mỹ (NASD) quản lý trực tiếp. Thị trường Nasdaq hiện nay đã được nối mạng toàn cầu với nhiều thị trường OTC khác trên thế giới.

Theo DÂN KINH TẾ

Tags: , , ,