Về cuộc lật đổ tôn giáo của khoa học

Sống không có Chúa không phải là dễ dàng. Nhưng ngay cả cái khó khăn này cũng cho ta một niềm an ủi khác: trong việc đương đầu với thân phận của chúng ta, không tuyệt vọng mà cũng không hi vọng hão huyền, có tồn tại một niềm vinh dự, hay có thể đơn giản chỉ là một sự thỏa mãn mãnh liệt – với tâm thần an lạc, sống đời không Chúa.

Bài viết của Giáo sư Steven Weinberg, nhà vật lí lí thuyết, giải Nobel vật lí năm 1979. Ông được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ về Khoa học và Hội Hoàng gia Anh, Hội Triết học Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Hoa kỳ về Khoa học và Nghệ thuật. Bài này đã được đăng trong tạp chí New York Review of Books, ngày 25 tháng Chín, 2008. Bản dịch tiếng Pháp của Olivier Postel-Vinay, La Religion terresée par la science, tr 31 tạp chí Books, N52, Mars 2014. Bản tiếng Việt: Hiếu Tân, 2014.

Khoa học và tôn giáo thật ra vốn không xung khắc, nhưng thật khó nói. Tiến bộ khoa học phần nào làm giảm những bí mật của vũ trụ, từ thế kỉ 18 đã gây ra sự suy tàn của đức tin. Quá trình này để lại cho nhân loại cái nhìn khá lạnh lẽo vào vũ trụ, nhưng lại thả ra sự mù quáng làm sinh ra đủ loại sùng bái. Và ngay cả không có Chúa đi nữa, thì chủ nghĩa hư vô cũng không phải là định mệnh.

Trong bài phát biểu nổi tiếng ở ĐH Harvart năm 1837 về “nhà bác học Mỹ”, triết gia Ralph Emerson đã thấy trước cái ngày mà nước Mỹ thôi không còn là “những người tập tễnh đi tìm học để biết những miền đất khác”. Tiên đoán của ông được thực hiện đầu thế kỉ 20, nhất là trong các lĩnh vực khoa học. Đây là điều may mắn. Trong danh sách các nhà bác học kiệt xuất, Emerson nêu tên Copernic, Galilée và Newton, bên cạnh Socrate, Jesus và Swendenborg[1].

Nhưng chắc chắn nhà triết học đã nghiệm thấy những tình cảm xáo trộn liên quan đến những hậu quả của tiến bộ khoa học: làm yếu đi những niềm tin tôn giáo. Theo lời của Herman Melville, ông nghĩ rằng “nếu ông sống vào thời sáng tạo thế giới, có thể ông đã đưa ra những gợi ý có giá trị”. Nhưng vị mục sư cổ, người theo thuyết-một-ngôi này nói chung có thiện ý với đấng Toàn Năng. Ông buồn tiếc về sự thụt lùi của đức tin – khái niệm trái ngược với sự sùng đạo thuần túy và sự thờ cúng – mà ông quan sát thấy ở Mỹ và cả ở Anh thời ông, nhưng tôi không nói rằng ông qui nó cho tiến bộ khoa học.

Tư tưởng về sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo có từ thời cổ. Theo nhà sử học Anh Edwart Gibbon, “Giáo hội Byzantine thấy trong sự nghiên cứu thiên nhiên dấu hiệu rõ nhất của tinh thần vô tín ngưỡng”. Mô tả nổi tiếng nhất về xung đột này [it ra ở Mỹ] là cuốn sách của Andrew Dickson White, xuất bản năm 1896 “Lịch sử chiến tranh giữa khoa học và thần học trong đạo Cơ đốc”[2].

Gần đây một số người tranh cãi về việc giữa khoa học và tôn giáo có tồn tại một sự chống đối nhau hay không. Trong một bài báo năm 1986 hai nhà sử học kì cựu về khoa học Bruce Lindberg và Ronald Numbers đã phát hiện ra nhiều chỗ sai trong cuốn sách của White. Quỹ Templeton treo một giải thưởng lớn cho ai thành công trong việc bác bỏ [sự tồn tại của] một đối kháng như vậy. Và một số nhà khoa học đã áp dụng quan điểm này để bảo vệ lí thuyết của họ chống lại trào lưu chính thống. Nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould là một trong số đó, ông lập luận rằng khoa học chỉ bàn đến những sự thật còn tôn giáo chỉ bàn đến những giá trị. Đây chắc chắn không phải là lập trường được bày tỏ bằng thông qua đa số những người sùng tín: sự thật là nhiều người trong số họ ngày nay đồng ý với Gould là một dấu hiệu về sự suy tàn của niềm tin vào siêu nhiên.

Chúng tôi thừa nhận rằng khoa học và tôn giáo không phải xung khắc nhau. Dù sao vẫn có các nhà khoa học kiệt xuất, cho dù họ ít về số lượng, nghiệm thấy một đức tin sâu sắc. Như nhà vật lí Charles Townes, giải thưởng Nobel, nhà di truyền học Francis Collins[3]. Nhưng nếu không có sự xung khắc, thì it nhất giữa chúng có cái mà nhà triết học Susan Haack gọi là một “sự căng thẳng” dần dần làm yếu đi niềm tin thật sự, đặc biệt ở phương Tây, nơi mà khoa học tiến bộ nhất[4]. Tôi muốn gợi ra ở đây một số nguồn gốc của sự căng thẳng ấy, sau đó đưa ra một vài nhận xét về vấn đề rất khó này do sự suy tàn của đức tin đặt ra: liệu có thể sống không có Chúa được không?

Dưới mắt tôi sự va chạm này không phải chủ yếu là kết quả của mâu thuẫn giữa những phát kiến khoa học và giáo lí tôn giáo. Chính đây là điều làm cho White băn khoăn, nhưng tôi cho là ông đã nhìn theo hướng xấu. Trong bức thư nổi tiếng gửi công chúa Christine, Galilée viết: “Ý định của Chúa Thánh thần là dạy chúng ta người ta lên trời như thế nào chứ không phải là dạy bầu trời chuyển động như thế nào.” Ông không nói lên ý kiến riêng của mình, mà dẫn lời một chức sắc của Giáo hội, Hồng y Giáo chủ Baronio, quản thủ thư viện Vatican. Những xung đột liên tục nảy sinh giữa Kinh Thánh và hiểu biết khoa học nói chung đã được điều đình tốt bởi phần sáng sủa nhất của các tôn giáo. Một số câu trong Cựu Ước và Tân Ước dường như nói rằng đất là phẳng. Như lời phê phán Copernic (Galilée dẫn trong thư gửi công chúa), một số Cha trong Giáo hội, nhất là Lactance đã không chịu chấp nhận với người Hy Lạp là nó tròn. Nhưng một số người Cơ đốc giáo cho hay họ đã biết điều này trước cả những chuyến thám hiểm của Colomb và Magellan. Và Danté cho rằng trung tâm quả cầu ấy là nơi để giam giữ những kẻ phạm tội.

Một nàng tiên trong mỗi dòng suối

Cái trước đây từng là một cuộc tranh luận nghiêm túc trong Giáo hội nguyên thủy thì gần đây trở thành giễu nhại. Nhà vật lí thiên văn Andrian Melott của đại học tổng hợp Kansas trong cuộc chiến chống những kẻ cuồng tín đòi các trường công phải dành thời gian giảng dạy Sáng tạo luận ngang bằng với thời gian dạy Tiến hóa luận, một sáng tạo làm người ta nghĩ tới việc đòi thời gian ngang bằng cho giảng dạy môn Địa lí Trái đất phẳng với môn Địa lí Trái đất tròn.

Mặc dầu cuộc xung đột ấy tương đối không nguy hại, vẫn còn ít nhất bốn nguồn gốc quan trọng cho sự căng thẳng giữa khoa học và tôn giáo. Khoa học đến từ niềm tin vào nguồn gốc chủ yếu của sức mạnh của nó trong quan sát những hiện tượng bí ẩn – sấm sét, động đất, bệnh tật – những thứ dường như cần đến một sự can thiệp của thần thánh. Đã có một nàng tiên nga trong mỗi con suối, một ông thần rừng trong mỗi gốc cây. Nhưng với thời gian, phần lớn những bí ẩn đã được giải thích bằng những nguyên nhân thuần túy tự nhiên. Khả năng giải thích hiện tượng này hiện tượng khác không hoàn toàn xóa bỏ tín ngưỡng. Nhưng nếu con người tin vào Thượng đế vì vô vàn những bí ẩn dường như không có một cách giải thích nào khác, mà những bí ẩn ấy dần dần sáng tỏ khi thời gian trôi đi, thì người ta chỉ có thể chờ đợi một sự suy yếu của tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà sự phát triển của chủ nghĩa vô thần và thuyết bất khả tri trong giới tinh hoa thế kỉ 18 đi theo ngay sát sự ra đời của khoa học hiện đại thể kỉ tiếp sau.

Từ đó khả năng giải thích của khoa học luôn luôn làm cho những người gắn giá trị với tôn giáo cảm thấy lo lắng. Plato hoảng sợ trước mưu toan của Démocrite và Leucippe giải thích tự nhiên bằng những thuật ngữ của thuyết nguyên tử mà chẳng nhắc nhở gì đến các vị thần (cho dù họ chưa đi quá xa theo hướng này). Và, trong tập X của cuốn Những qui luật, ông đề nghị kết tội những người phủ nhận sự tồn tại của các vị thần, hoặc phủ nhận các vị thần chăm sóc đến loài người, năm năm trong nhà trừng giới cách li, và sau đó là tử hình nếu hắn ra khỏi nhà tù mà còn tái phạm. Bị đụng chạm bởi thuyết tự nhiên của Descartes, Newton bác bỏ ông cái tư tưởng về có thể giải thích thế giới mà không có đấng sáng tạo. Trong một bức thư gửi nhà thần học Richard Bentley, ông biện hộ bằng thí dụ rằng nếu không có thượng đế thì không có gì giải thích được sự khác biệt giữa vật thể sáng, như Mặt trời và những ngôi sao, và Vật thể tối, như trái đất. Một sự trớ trêu của lịch sử, vì chính Newton, chứ không phải Descartes, là người đã thấu hiểu đúng những qui luật của chuyển động. Hơn ai hết, chính nhờ có ông mà các hiện tượng thiên văn có thể giải thích được không cần yếu tố thần thánh, nhưng bản thân Newton, theo nghĩa này, không phải là người theo thuyết newton.

Chẳng cần phải nói rằng, trước đây cũng như mãi mãi sau này, không phải tất cả mọi sự vật đã và sẽ được giải thích. Nhưng, và đây là điều quan trọng, không có cái gì chúng ta đã quan sát được lại cần được lần ra manh mối bằng một sự can thiệp siêu nhiên. Một số người thấy rằng trong những bí ẩn này (như nguồn gốc sự sống) vẫn còn chỗ cho một bằng chứng về sự tồn tại của Thượng đế. Nhưng những bí ẩn cứ lần lượt được đưa ra ánh sáng, chúng ngày càng tạo ra những tình cảm bấu víu một cách tuyệt vọng vào những ý kiến xưa cũ.

Những giải thích do khoa học đem lại đã gieo rắc hoài nghi – và đây là nguồn căng thẳng thứ hai – lên ý tưởng về một địa vị đặc biệt của con người, như một diễn viên do Thượng đế tạo ra để đóng những vai đầu tiên trong vở bi hài kịch lớn về tội lỗi và giải thoát. Chúng ta đã phải thừa nhận rằng nơi cư trú của chúng ta, Trái đất, chỉ là một trong các hành tinh quay quanh mặt trời; rằng mặt trời của chúng ta chỉ là một trong những vì sao, chắc chắn có đến hàng tỉ, rằng giải ngân hà cũng chỉ là một trong vô vàn giải ngân hà có thể thấy được, và có thể những đám mây ngân hà khi dãn nở ra cũng chỉ là một phần không giới hạn của một đại vũ trụ lớn hơn nhiều, mà phần lớn các vùng là không hiếu khách (không có đất sống). Như nhà vật lí Feynmann đã viết “lí thuyết cho rằng ‘tất cả những cái ấy đều chỉ là những quang cảnh do Thượng đế sắp đặt để giúp cho cuộc đấu tranh của con người vì cái thiện và cái ác’ dường như không đáng tin cậy”.

Từ quan điểm này, phát mình của Darwin và Wallace rằng loài người là dòng dõi của động vật từ rất xa xưa, thông qua một quá trình chọn lọc tự nhiên tác động lên biến dị của các thế hệ kế tiếp diễn ra một cách ngẫu nhiên, là quan trọng nhất ngày nay: không cần đến một thánh thần nào để giải thích sự hình thành của loài người. Phát hiện này đã dẫn đến sự mất lòng tin. Không có gì lạ là phát hiện này luôn làm cho những người theo tôn giáo bảo thủ nhất hết sức lúng túng. Tôi cứ hình dung ra sự bấn loạn của họ sẽ như thế nào vào cái ngày mà các nhà khoa học đạt được sự hiểu biết tập tính của loài người nhờ môn hóa học và vật lí của bộ não, và không còn điều gì cần phải giải thích bằng linh hồn phi vật chất của chúng ta nữa.

Ở đây tôi nói đến những tập tính (comportement) mà không nói đến ý thức. Những hiện tượng thuần túy chủ quan, như điều mà chúng ta cảm thấy khi chúng ta nhìn màu đỏ hay khi chúng ta phát hiện ra một lí thuyết vật lí, dường như khác với thế giới khách quan mà khoa học mô tả đến nỗi khó mà tưởng tượng được chúng có thể chắp nối với nhau. Như nhà triết học Anh Colin McGuinn “Vấn đề là biết tinh thần có ý thức nhập vào bộ não vật lí như thế nào, làm thế nào xuất hiện sự thống nhất trong tính không đồng nhất bề ngoài này. Đây là một vấn đề cực kì gai góc, và tôi không tin rằng ai đó có những ý tưởng nghiêm túc về cách giải quyết vấn đề này[5].”

Trái lại, hoạt động của não bộ và những tập tính của chúng ta (kể cả những cái mà chúng ta gọi là tình cảm) thuộc về cùng cái thế giới hiện tượng khách quan và tôi thấy tự nó không có gì trở ngại, cho việc đưa nó vào một lí thuyết khoa học, cho dù điều này tất nhiên không hề dễ dàng. Điều này không phải là nói rằng chúng ta sẽ có thể và cần phải quên đi ý thức của mình để chỉ lo về những tập tính, như Skinner với những con bồ câu của ông[6]. Chúng ta biết quá rõ rằng hành vi của chúng ta phần nào được ý thức của chúng ta quản lí, và rằng để hiểu điều này cần thiết lập một mối tương liên nhất định giữa cái khách quan và cái chủ quan. Điều này không cho chúng ta biết cái này sinh ra từ cái kia như thế nào, nhưng ít nhất nó khẳng định với chúng ta rằng không có gì là siêu tự nhiên diễn biến trong linh hồn cả.

Vụ Aristote

Những người không khoa học cho rằng một số phát triển gần đây của vật lí học gợi ý rằng những hiện tượng tự nhiên là không thể đoán trước (như vật lí lượng tử, lí thuyết hỗn độn, v.v..) là những dấu hiệu của sự từ bỏ quyết định luận, dành một chỗ tiềm tàng cho sự can thiệp của thần thánh hay những linh hồn vô hình thể. Những lí thuyết này chắc chắn dẫn chúng ta đến những quan niệm tinh tế hơn của quyết định luận, nhưng đối với tôi dường như chúng không có bất cứ ẩn ý gì về cuộc sống của con người.

Một nguồn thứ ba của căng thẳng đóng vai trò quan trọng hơn trong thế giới hồi giáo hơn là trong thế giới cơ đốc giáo. Vào khoảng năm 1100 một triết gia, thầy tu khổ hạnh đạo Hồi là Abou Hamid al-Ghazali đã chống lại ngay cả những tư tưởng về qui luật tự nhiên, với lí do là những tư tưởng như thế trói tay Thượng đế. Theo ông, một mẩu bông đặt vào lửa cháy và tàn lụi đi không phải vì sức nóng của ngọn lửa, mà vì Thượng đế muốn thế. Các qui luật của tự nhiên đã có thể hòa hợp với đạo Hồi, như sự thâu tóm những gì nói chung Thượng đế muốn, nhưng al-Ghazali không đi con đường đó. Ông thường được mô tả như nhà triết học có ảnh hưởng nhất của đạo Hồi. Tôi muốn biết nhiều hơn để đánh giá ảnh hưởng của ông lên nền văn minh hồi giáo. Mặc dầu khoa học trong những nước Hồi giáo phát triển rực rỡ hơn nơi nào hết trong thế kỉ 9, 10, nó bắt đầu tàn lụi một hai thế kỉ sau al-Ghazali. Điềm báo cho sự thụt lùi này là việc nhà thần học Hồi giáo Cordoue cho đốt tất cả các văn bản khoa học và y học vào năm 1194. Và khoa học trong thế giới Hồi giáo không bao giờ ngóc đầu lên được nữa. Những nhà nghiên cứu tài năng đến từ những nước này định cư ở phương Tây và tại đó họ tiến hành những công cuộc nghiên cứu hàng đầu, như nhà vật lí Pakistan Abdus Salam, người hồi giáo đầu tiên nhận giải Nobel năm 1979. Nhưng trong bốn mươi năm sau này, trong lĩnh vực vật lí và thiên văn mà tôi gần gũi, tôi không thấy có bài báo khoa học nào được viết trong các nước Hồi giáo mà đáng đọc. Chắc chắn là trong số hàng nghìn văn bản xuất hiện ở đó, có cái gì đó tôi có thể đã bỏ sót. Nhưng, năm 2002, tạp chíTự nhiên đã công bố một hồ sơ về khoa học trong các nước Hồi giáo, đã phát hiện chỉ có ba lĩnh vực xuất sắc:désalinisation (giảm độ mặn của nước biển?), thuật luyện chim săn, và nuôi lạc đà.

Một mối bận tâm về tự do của Chúa nhắc ta nhớ đến mối bận tâm của al-Ghazali cũng đã có thời nổi lên ở châu Âu cơ đốc giáo, nhưng với kết quả rất khác. Vào thế kỉ 18 Paris và Cantorbery có một sự mập mờ lên án những lời dạy của Aristote là người có vẻ đã hạn chế tự do của Chúa, như sự sáng tạo ra khoảng trống, hay tạo ra nhiều thế giới, hoặc làm cho các thiên thể chuyển động theo đường thẳng. Ảnh hưởng của Thomas d’Aquin và Albert le Grand đã cứu triết học Aristote ở châu Âu, và cùng với nó là tư tưởng về những qui luật của tự nhiên. Nhưng mặc dù nhà triết học Hy Lạp này không bị lên án nữa, uy tín của ông đã bị thử thách, đây là một điều tốt, vì không có cái gì vững chắc mà không được xây dựng trên vật lí học của ông. Những tăng lữ của Giáo hội phản động, bằng cách làm tổn thương uy tín của Aristote, có thể đã mở đường cho những phát minh hàng đầu của các khoa học về tự nhiên, được thực hiện ở Paris và Oxford trong thế kỉ 14.

Nguồn thứ tư của căng thẳng chắc chắn là quan trọng nhất. Các truyền thống tôn giáo thường dựa trên sự kính trọng uy quyền, đó là uy quyền của một thủ lĩnh không thể sai lầm, như một tiên tri, giáo hoàng hay giáo sĩ Hồi giáo, hoặc uy quyền của một bộ kinh, như Kinh Thánh hoặc Coran. Galilée đã gặp những khó khăn như ta đã biết, có lẽ không phải chỉ vì ông đã bộc lộ những ý kiến trái ngược với kinh thánh, nhưng vì ông đã làm một cách độc lập mà không làm như những nhà thần học can dự trong lòng Giáo hội.

Các nhà bác học cũng phụ thuộc những quyền uy, nhưng với một bản chất khác. Nếu tôi muốn hiểu một điểm tinh tế trong thuyết tương đối tổng quát, tôi có thể tham khảo một bài báo đăng gần đây của một chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng tôi biết rằng bài báo ấy có thể nhầm lẫn. Ngược lại, chắc chắn tôi sẽ không đọc những bài báo gốc của Einstein, vì ngày nay một học sinh cấp ba hiểu thuyết tương đối tổng quát tốt hơn bản thân Einstein. Lí thuyết này, như người ta mô tả, chỉ là một sự gần đúng. Mà chúng ta thì tiến bộ lên.

Các khoa học có những anh hùng của chúng, như Einstein, chắc chắn là nhà vật lí lớn nhất của thế kỉ qua, nhưng dưới mắt chúng ta họ không phải là những tiên tri không bao giờ nhầm lẫn. Đối với những ai trong cuộc sống hàng ngày tôn trọng sự độc lập tinh thần và để ngỏ cho phản biện – những đức tính mà Einstein ngưỡng mộ, đặc biệt về vấn đề tôn giáo – tấm gương của khoa học rọi một ánh sáng bất lợi vào sự tôn kính đối với quyền uy thân thiết với tôn giáo truyền thống. Thế giới luôn cần những anh hùng, nhưng nó có thể tạm bằng lòng với những tiên tri.

Sự suy tàn của niềm tin tôn giáo được thể hiện rõ ở Tây Âu, nhưng có thể là lạ nếu nói rằng nó cũng xảy ra tương tự ở Hoa Kỳ. Thế mà, không có những bằng chứng khoa học nhỏ nhất, những quan sát cá nhân của tôi đưa tôi đến ý tưởng rằng có nhiều người Mỹ tin tôn giáo là tốt và phẫn nộ khi nghe chỉ trích nó, nhưng chính họ không phải lúc nào cũng có đức tin tôn giáo vững chắc. Ý tưởng ấy đến với tôi từ những cuộc thảo luận với bạn bè tự nhận là theo tôn giáo này hay khác, và từ việc họ đặt câu hỏi về cái mà họ cho là cuộc sống sau cái chết, về bản chất của Thượng đế hoặc của tội lỗi. Thông thường nhất, là họ thừa nhận họ không biết gì về chuyện đó, rằng điều quan trọng không phải là cái mà họ tin, mà là cuộc đời mà chúng ta sống. Bản thân tôi đã nghe một giáo sĩ ki tô giáo nói điều đó. Tôi hoan nghênh, nhưng dù sao đó cũng là một uẩn khúc chủ yếu trên bình diện đức tin.

Dù tôi không chứng minh được, nhưng tôi ngờ rằng những người Mỹ được hỏi họ có tin vào Chúa, vào các thiên thần, thiên đường và địa ngục không, thì theo bổn phân tôn giáo họ tự thấy phải trả lời là có, mặc dầu thật ra họ nghĩ ngược lại. (Xem: État Unis: un déclin réligieux très rélatif , tr 33) Và, dĩ nhiên, ở phương Tây hầu như không thấy có ai mảy may quan tâm đến những cuộc tranh luận lớn gần đây xâu xé những tín đồ cơđốc nữa- phái phản đối tam vị nhất thể chống phái nhất thần giáo, v.v..

Tôn giáo còn trụ được bao lâu nữa?

Ở đây tôi nhấn mạnh đến những sự việc liên quan đến Chúa và cuộc sống sau khi chết, với ý thức rõ ràng rằng đó chỉ là một khía cạnh của đời sống tôn giáo, và không phải điều quan trọng nhất dưới mắt nhiều người. Tôi nhấn mạnh điều này vì là nhà vật lí học, nghề nghiệp của tôi là khám phá điều gì là đúng chứ không phải điều gì làm cho chúng ta thấy thoải mái hay hạnh phúc. Vì lợi ích của con người, điều quan trọng không phải là một tập hợp niềm tin, mà là cái khác: một tập hợp những nguyên tắc đạo đức, những qui tắc về tập quán tính dục, những thói quen ăn uống, những qui tắc lễ hội tôn giáo, những nghi lễ cưới xin ma chay, sự vững tâm khi thấy mình thuộc về một cộng đồng, là cái mà trong những trường hợp quá khích, hòa hợp với việc thích giết những người trung thành với những tôn giáo khác.

Đối với một số người còn có hình thức tâm linh mà Emerson đã viết mà tôi không hiểu, thường được mô tả như một tình cảm hòa hợp với thiên nhiên hoặc với toàn thể loài người, nó không nhờ đến bất kì niềm tin đặc biệt nào vào siêu tự nhiên. Trạng thái tâm linh này là trung tâm của đạo Phật, thứ đạo không kêu gọi người ta tin tưởng vào một Thượng đế. Đạo Phật về mặt lịch sử dựa trên cái siêu nhiên, vào hiện tượng luân hồi. Chính cái mong muốn thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử thúc đẩy người ta đi tìm giải thoát. Những nhân vật lớn của nó là những bồ tát, những người đã đạt đến giác ngộ, nhưng quay trở lại với chúng sinh để chỉ ra con đường đến một thế giới chìm trong bóng tối mơ hồ. Có lẽ sự suy giảm đức tin cũng tác động đến tôn giáo này. Một cuốn sách gần đây của Dalai-lama có nhắc đến luân hồi và sự suy tàn của Phật giáo ở Nhật Bản ngày nay, nước châu Á tiên tiến nhất về khoa học.

Những tác dụng khác nhau của đức tin có lẽ vẫn còn tồn tại vài thế kỉ nữa, ngay cả sau khi mọi niềm tin vào siêu tự nhiên đã biến đi, nhưng tôi tự hỏi liệu tôn giáo còn tồn tại được bao lâu nữa nếu không có cái đó, khi nó không còn là sự qui chiếu vào cái nằm bên ngoài hiện hữu của con người.

Mục đích của tôi không phải là đề xuất rằng sự suy tàn của đức tin là một hiện tượng tích cực (ngay cả nếu tôi nghĩ thế), cũng không xúi giục ai bỏ tôn giáo của mình, theo gương những cuốn sách của Richard Dawkins, Sam Harris và Christopher Hitchens[7]. Trong giai đoạn này của cuộc đời, tôi đã biện hộ cho việc tăng chi phí dành cho nghiên cứu khoa học và giảng dạy bậc cao, phản đối tăng ngân sách cho nghiên cứu tên lửa đạn đạo hoặc đưa người lên sao Hỏa, tôi nghĩ mình đã là bậc thầy trong nghệ thuật không bao giờ làm cho bất kì ai thay đổi ý kiến. Tôi đơn giản chỉ mong hiến cho những ai đã mất, có thể sẽ mất hoặc sợ mất đức tin tôn giáo của họ, một vài ý kiến không dựa trên một hình thức chuyên môn nào, về mặt tích cực của cuộc đời không có Chúa.

Trước hết là lời cảnh báo này: hãy coi chừng những thứ thay thế đã sao chép những đặc điểm tồi tệ nhất của các tôn giáo và vứt bỏ đi những giáo huấn tốt đẹp của những tôn giáo ấy: những thủ lĩnh không bao giờ sai, những kinh sách thiêng liêng, những nghi lễ của quần chúng, hành hình những kẻ bỏ đảng, cái chiều hướng công chúng a dua theo việc tiêu diệt những ai không cùng phe đảng.

Khi còn là một sinh viên trẻ ở trường đại học, tôi có quen với một nhà thần học, Will Herberg, người đã băn khoăn với sự vô tín ngưỡng của tôi. Ông giải thích với tôi rằng cần phải tôn sùng Chúa trời, nếu không chúng ta bắt đầu sùng bái lẫn nhau. Tôi thấy mối nguy này là đúng, nhưng tôi cậy vào cách khắc phục khác: bỏ đi cái thói quen xấu là sùng bái bất cứ cái gì.

Chúng ta sống trên lưỡi dao cạo

Vấn đề không phải là cứ khẳng định rằng dễ dàng sống không có Chúa thì khoa học có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Đối với một nhà vật lí, học cách sử dụng những bài toán đẹp để giải mã cuộc sống thực là một niềm vui không thể chối từ. Chúng ta đánh nhau để hiểu tự nhiên, từ xa xưa chúng ta đã liên tục xây nên những viện nghiên cứu, từ Thư viện Alexandrie và Ngôi nhà Thông thái ở Bagdad đến CERN và Phòng thí nghiệm Fermi (PTN lớn của Mỹ nghiên cứu vật lí hạt nhân) ngày nay. Nhưng chúng ta biết rằng không bao giờ chúng ta đi đến cùng đích của sự vật, vì cho dù một lí thuyết có thể đạt đến sự thống nhất tất cả các hạt và tất cả các lực, chúng ta sẽ không bao giờ biết tại sao lại chính là thuyết này chứ không phải thuyết khác mô tả đúng thế giới thực tại.

Tiếc thay, cái nhìn mà khoa học gợi ra lại khá lạnh lùng. Thiên nhiên không hề dạy chúng ta gì về mục đích cuộc sống, không có cơ sở khách quan nào hiến cho ta những nguyên tắc đạo đức, không có sự tương ứng giữa những qui luật tự nhiên với điều mà chúng ta nghĩ là qui luật đạo đức, chúng ta biết rằng ngay cả những tình cảm mà chúng ta trân trọng nhất, tình yêu với người bạn đời và con cái chúng ta, cũng có thể do những quá trình hóa học trong óc chúng ta tạo nên, kết quả của chọn lọc tự nhiên tác động lên sự đột biến sinh ra ngẫu nhiên trong quá trình hàng triệu năm. Tuy nhiên, chúng ta không buộc phải tiêu tan trong chủ nghĩa hư vô, cũng không phải dồn nén những tình cảm của mình. Tốt nhất, là chúng ta sống trên lưỡi dao cạo, giữa một bên là kì vọng phi thực tế và bên kia là nỗi tuyệt vọng.

Vậy thì chúng ta có thể làm gì? Hài hước, đức tính mà Emerson vốn hà tiện, có thể giúp chúng ta. Chúng ta cười thông cảm chứ không khinh bỉ khi nhìn đứa trẻ một tuổi cố đứng vững trong khi chập chững đi những bước đầu tiên; cũng vậy, chúng ta có thể tự cười chúng ta một cách thông cảm khi chúng ta cố gắng sống một cách thăng bằng trên lưỡi dao cạo ấy. Trong một số vở bi kịch vĩ đại của Shakespeare, vào khoảnh khắc hành động kịch đạt đến mức căng thẳng không thể chịu nổi, những nhân vật chính của bi kịch đối mặt với một kẻ thô kệch đưa ra những nhận xét buồn cười: một phu đào huyệt, một người gác cổng, cặp vợ chồng làm vườn, một người bê một rổ quả vả. Cảm giác bi thảm không giảm đi, nhưng cái hài đã đẩy nó ra xa.

Rồi thì có những thú vui nho nhỏ của cuộc đời, bị những bè phái tôn giáo khinh thường, từ những thày tu kín ở sa mạc Ai Cập đến lũ taliban của Afghanistan và đạo quân Mahdi của Iraq. Đi thăm New England vào đầu tháng sáu, khi những cây đỗ quyên và lệ quyên nở hoa, tưởng như mùa xuân đẹp lại trở về. Và đừng bỏ qua cái thú vui chè chén. Chúng ta không phải là những tín đồ Hồi giáo, chúng ta có thể đánh chén thỏa thích: khi bánh mì và rượu không còn là thánh thể nữa, thì chúng vẫn còn là bánh và rượu.

Rồi lại còn những thú vui mà các tác phẩm mỹ thuật đem lại cho chúng ta nữa. Trong lĩnh vực này, chúng ta chắc chắn sẽ mất mát vì đức tin suy tàn. Phần lớn những kiệt tác của quá khứ lấy cảm hứng từ tôn giáo. Chúng ta sẽ cảm thấy buồn khi nghĩ đến dòng thơ tôn giáo vĩ đại rồi sẽ biến mất. Người ta đã nhận thấy điều này: rất ít văn bản bằng tiếng Anh được viết trong mấy thập kỉ qua nói bất kì điều gì về đức tin, và khi tôn giáo can thiệp, như ở Stevie Smith[8]hay Philip Larsen, thì chính sự bác bỏ của ông nuôi dưỡng cảm hứng [đọc: Philip Larsen người luyện đan, Books, tháng Mười 2012]. Nhưng chắc chắn rằng thơ ca vĩ đại nhất không cần đến đức tin để tồn tại: Shakespeare là một bằng chứng: dưới mắt tôi không có tác phẩm nào của ông tỏ ra có chút cảm hứng tôn giáo.

Tôi không còn nghĩ cần phải lo rằng việc bỏ đạo sẽ kéo theo sự suy thoái đạo đức. Biết bao người không tín ngưỡng đã sống cuộc đời mẫu mực (như tôi chẳng hạn) và mặc dù tôn giáo đôi khi đã gợi lên những chuẩn mực tuyệt diệu, nó cũng đã sinh ra những tội ác tàn bạo nhất. Dù sao đi nữa, niềm tin vào một đấng sáng tạo toàn năng tự bản thân nó không hề có một hàm ý đạo đức nào, việc quyết định tuân theo những mệnh lệnh của Ngài là đúng hay không luôn luôn tùy thuộc vào bạn. Ngay cả một người có đức tin cũng có thể đánh giá rằng Abraham đã sai khi tuân lệnh Chúa chấp nhận hi sinh Isaac, hoặc Adam có lí khi không nghe lời Ngài và đã ăn quả táo cùng với Ève, để rồi vẫn còn được ở bên nàng khi rời khỏi thiên đàng. Những người trẻ tuổi đã lao máy bay vào tòa nhà ở Hoa kỳ, hay làm nổ bom giữa đám đông ở London, Madrid hay Tel Aviv không phải chỉ là ngu ngốc khi tưởng tượng rằng họ tuân lệnh Chúa; cho dù họ nghĩ vậy đi nữa, họ cũng đã làm điều ác khi tuân lệnh Ngài.

Càng nghĩ về niềm vui sống, chúng ta càng luyến tiếc niềm an ủi cuối cùng mà đức tin vừa mang tới: hứa hẹn cuộc sống của chúng ta còn tiếp tục sau cái chết, và chúng ta sẽ lại được gặp ở đó những người mà chúng ta đã từng yêu mến. Đức tin càng suy thoái, thì chúng ta càng biết rõ rằng sau cái chết chẳng có gì cả. Đó là điều khiến chúng ta hèn nhát.

Trong “Về tuổi già” Cicéron đưa ra một lời an ủi nói rằng nỗi sợ chết là một sự ngu ngốc. Hai nghìn năm sau, ý kiến của ông vẫn luôn bất lực trong việc an ủi chúng ta. Về nỗi sợ chết, Philip Larkin viết thuyết phục hơn nhiều:

Tôn giáo đã thử tìm ra một cách đặc biệt, để biết nỗi sợ mà không gì có thể đánh bật đi được… Nó muốn làm chúng ta lầm tưởng rằng chúng ta không bao giờ chết. Cái lí lẽ phỉnh phờ ấy chẳng có gì hợp lí. Liệu người ta có thể không sợ hãi gì về việc người ta sẽ không cảm thấy gì nữa, không nhìn thấy gì nữa? Mà đây chính là điều chúng ta sợ – không quang cảnh, không tiếng động, không xúc giác, không mùi không vị, không còn tình yêu, không còn ràng buộc. Một trạng thái tê liệt mà không ai có thể trở lại bao giờ.

Sống không có Chúa không phải là dễ dàng. Nhưng ngay cả cái khó khăn này cũng cho ta một niềm an ủi khác: trong việc đương đầu với thân phận của chúng ta, không tuyệt vọng mà cũng không hi vọng hão huyền, có tồn tại một niềm vinh dự, hay có thể đơn giản chỉ là một sự thỏa mãn mãnh liệt – với tâm thần an lạc, sống đời không Chúa.

———————————————

Chú thích:

[1] Emmanuel Swendenborg là nhà khoa học, thần học và triết học Thụy Điển thế kỉ 18. Thuyết thần bí của ông ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà văn nhà thơ lãng mạn.
[2] Hai tập, xuất bản 1896. Prometheus tái bản 1993. Tác giả, Andrew Dickson White, mất năm 1918, là nhà ngoại giao và nhà sử học Mỹ. Ông đã sáng lập trường Đại học Cornell.
[3] Về sự Sáng thế của Chúa trời, Presses de la Renaissance, 2010.
[4] Susan Haack, Bảo vệ khoa học – Bên trong Lí trí: Giữa Khoa học và Thuyết Cynic. Prometheus, 2003
[5] Có bao giờ chúng ta hiểu được khoa học không? New York Review of Books, 10 tháng Sáu, 1999
[6] Nhà tâm lí học Mỹ Skinner, người sáng lập thuyết hành vi, đã làm một thí nghiệm với những con chim bồ câu mà ông nghĩ rằng đã thể hiện sự mê tín
[7] Richard Dawkins, Để dứt khoát với Chúa, Robert Laffont, 2008; Sam Harris, Sự cáo chung của đức tin, Norton, 2004 và Christopher Hitchens, Chúa không vĩ đại, Pocket, 2010.
[8] Thơ, L’Harmattan, 2003.

Theo KHOAHOCNET.COM

Tags: , , ,