⠀
Khái quát về âm nhạc truyền thống ở các nước Đông Nam Á
Cùng khám phá những nét đặc trưng và bản sắc độc đáo trong nền âm nhạc truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á.
Myanmar
Thế giới biết nhiều đến những điệu múa truyền thống và nhà hát đẹp của đất nước Myanmar, cả đến những nhạc cụ độc đáo như đàn Saung Gauk (giống như đàn harpe nhưng hình cung) hay các trống đồng cổ của người Karen. Những nhạc cụ này có mối liên hệ sâu xa trong lịch sử âm nhạc vùng Đông Nam Á.
Âm nhạc truyền thống Myanmar du dương, nhìn chung là không có hòa âm, và thường ở nhịp 4/4 (na-yi-se) hay 2/4 (wa-let-se) hay 8/16 (wa-let-a-myan). Nền âm nhạc này có nhiều loại khác nhau. Một hình thức nổi bật là byaw thường được chơi ở các lễ hội tôn giáo và được hát lên trên nền đệm của loại trống dài và thon, thỉnh thoảng được xen vào bằng tiếng của loại trống to hơn.
Nhóm nhạc truyền thống dân gian thường biểu diễn trong các nat pwe, một loại nhà hát, và trong các lễ hội gọi là hsaing waing. Tuy chưa rõ nguồn gốc, nhưng người ta vẫn cho rằng xuất xứ của nó từ vương triều Ayuthaya của người Thái hay ít nhất là chịu ảnh hưởng bởi các nhóm trống, cồng chiêng Ayuthaya trong những năm 1700 qua những cuộc xâm lược không ngừng của triều đại Konbaung.
Nhóm nhạc truyền thống này gồm trống và các loại cồng chiêng cùng với những nhạc cụ pha màu sắc khác như hne (một loại kèn dăm kép), và pat waing hay hsaing wan (một bộ gồm 21 trống định âm được kết tròn lại với nhau). Ngoài ra có thể có thêm các nhạc cụ khác như kyi waing (các cồng chiêng nhỏ bằng đồng đặt trong một khung tròn) và maung hsaing (các cồng chiêng đồng lớn hơn được đặt trong khung chữ nhật) cũng như si và wa (một loại chuông và lục lạc) và gần đây còn có thêm chauk lone bat (một nhóm 6 trống bắt đầu được dùng từ những năm 1900).
Campuchia
Âm nhạc Campuchia chịu ảnh hưởng nhiều bởi các hình thể âm nhạc cổ xưa của người Hindu. Vũ điệu tôn giáo rất phổ biến, và chúng thường mô tả những cốt truyện, huyền thoại cổ xưa. Một vài điệu múa được đệm bởi dàn nhạc pinpeat gồm có một ching (giống như chũm chọe), roneat (như đàn xylophone bằng tre), pia au (giống sáo), sralai (tương tự kèn oboe), chapey (giống đàn banjo trầm), cồng chiêng, tro (tương tự đàn fiddle) và nhiều loại trống khác. Mỗi cử điệu của vũ công đều mang một ý nghĩa đặc biệt, bao gồm những quan niệm trừu tượng. Nhạc cụ truyền thống Campuchia bao gồm nhiều loại nhạc cụ hơi, dây, và gõ được cả dân tộc đa số là Khmer lẫn các dân tộc thiểu số sử dụng.
Ngày nay người ta ít biết về âm nhạc truyền thống Campuchia. Một trong những nguyên nhân chính là quốc gia này bị chiến tranh tàn phá nặng nề trong những thập kỷ vừa qua. Chế độ tự phong Khmer Đỏ dưới sự lãnh đạo của Pol Pot đã tìm cách phá hủy tận gốc những nền tảng văn hóa của Campuchia để bắt đầu lại từ “Điểm 0”.
Ngày nay chỉ còn một vài tập quán truyền thống còn sót lại, đôi khi lại pha trộn với những ảnh hưởng đại chúng và của phương Tây. Việc tìm hiểu truyền thống của dân tộc Khmer cổ là một điểm rất quan trọng cho nhiều hình thức nghệ thuật và âm nhạc tồn tại ở Đông Nam Á. Kinh đô Angkor Wat đã từng là nơi hội tụ của các nền văn hóa Á châu trong hơn 500 năm. Đó là trung tâm của đế chế Khmer và nơi đón tiếp các khách đến thăm, thương nhân, nghệ sĩ từ Trung Quốc, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia. Chúng ta có thể thấy được nhiều ảnh hưởng của Indonesia trên âm nhạc và nhạc cụ Campuchia. Cũng có nhiều điểm tương đồng với các hình thức âm nhạc, nhạc cụ của Thái Lan, Lào và Miến Điện.
Indonesia
Nói về âm nhạc Indonesia chúng ta không thể không nhắc đến âm nhạc Gamelan, một trong những truyền thống âm nhạc lâu đời nhất của thế giới. Indonesia là đất nước nơi có lượng người Hồi Giáo lớn nhất. Vì vậy chúng ta cũng cần phải nói về ảnh hưởng của văn hóa đạo Hồi đến sự phát triển văn hóa Indonesia.
Trong qúa trình lịch sử của mình, quần đảo Indonesia đã được tiếp xúc với tín ngưỡng Shaman ở miền Bắc với nguồn gốc Trung Á, với đạo Hindu, Phật giáo Tiểu Thửa và Phật Giáo Đại Thừa. Âm nhạc truyền thống của vùng đảo Iberian (Tây Nam Âu châu, bao gồm Tây-ban-nha và Bồ -đào-nha) pha trộn với âm nhạc truyền thống của các quốc gia Trung Đông, cộng thêm ảnh hưởng của phương Tây đã làm nên âm nhạc Indonesia với hàng trăm hình thức âm nhạc khác nhau thường được dùng để đệm cho múa và kịch. Trong số đó, âm nhạc của vùng Java, Bali, Sumatra, Flores và một số đảo khác là được chú ý nhất.
“Karawitan” là thuật ngữ để chỉ loại âm nhạc Gamelan đặc trưng ở đảo Java. Lịch sử các nhóm nhạc Gamelan ở đây có từ rất lâu đời, ngay từ thời đại đồ đồng Đông Sơn vào thế kỷ 2 TCN. Khi những Wali (người truyền giáo) đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 16, sứ mệnh của họ không chỉ nhằm vào các mục đích tôn giáo. Chẳng bao lâu sau họ đã chi phối chính trị địa phương và cài được người trở thành các sultan (vua của Hồi giáo) người Hindu.
Hiểu rõ vai trò quan trọng của âm nhạc trong toàn bộ đời sống của dân Java, họ đã chấp nhận những tập quán địa phuơng như các vở kịch với búp-bê wayang kulit, và thậm chí còn hỗ trợ cho sự phát triển của âm nhạc Gamelan.
Phần việc chính của các nhà truyền đạo Hồi giáo không đến từ các thương nhân Ả Rập mà là Ấn Độ. Điều đó thật hiển nhiên khi chúng ta thấy những ảnh hưởng của âm nhạc Ả Rập không tác động đến dòng nhạc Karawitan. Ở miền Tây Sumatra, ngay bên ngoài các thánh đường Hồi giáo, người ta thích hát các ca khúc theo phong cách Ả Rập gọi là kasidah (tiếng Ả-rập: “quasidah”), học hỏi các ca khúc này trong trường học và tập chơi loại đàn lute 5 dây mang tên gambus, trông giống như đàn “Oud” của Ba Tư.
Ngoài Karawitan còn có những loại hình âm nhạc khác như:
– Âm nhạc “Kerongcong” phối hợp cả hai thang âm slendro và pelog, dùng cả nhạc cụ bản địa lẫn Âu châu. Âm nhạc này được hình thành do các thương nhân Bồ-đào-nha đến định cư tại Java và Sumatra vào thế kỷ 16.
– Truyền thống hát đơn gọi là tembang.
Âm nhạc dân gian Java và Sumatra vẫn còn ít được khám phá. Ở đây chúng ta thấy kho tàng phong phú về giai điệu lagu bao gồm các ca khúc trẻ em, lagu dolanan, các vũ khúc dukun mang màu sắc kịch và tôn giáo tính của đạo shaman. Ngoài ra còn có các vũ điệu kotekan rất giống với những vũ điệu của dân tộc Thái ở miền Bắc Việt Nam.
Lào
Lào đã từng là vương quốc “triệu voi” mạnh mẽ và ngày nay đang khẳng định một tính đồng nhất văn hóa mới. Nói về âm nhạc Lào người ta luôn so sánh ngay với âm nhạc Thái và Campuchia. Không phải chỉ có một vài tên gọi nhạc cụ giống nhau, mà các nền âm nhạc này còn có những sự kiện lịch sử, những ảnh hưởng và sự phát triển tương đồng.
Nhạc cụ tiêu biểu nhất của Lào là một loại “organ” dùng miệng thổi, bằng tre, gọi là khene. Nó được cho là do một người phụ nữ sáng tạo ra khi cố bắt chước tiếng hót của loài chim garawek. Người đàn bà ấy mang nhạc cụ mới đến dâng cho nhà vua. Vua có lời khen tặng nhưng muốn có nhiều thay đổi hơn. Nàng cố gắng hoàn thiện nhạc cụ này nhưng nhà vua cứ lập lại: “Tia nee khaen dee” (Lần này tốt hơn).
Âm nhạc dân gian Lào được gọi là Lam, và thường được đệm một cách tùy ứng bởi khene. Dàn nhạc cổ của Lào có thể được chia thành 2 loại, Sep Nyai và Sep Noi. Sep Nyai là nhạc lễ, nghi thức và gồm: 2 bộ cồng (kong vong), một đàn loại xylophone (lanat), một kèn thuộc loại oboe (pei hay salai), hai bộ trống lớn và 2 bộ chũm chọe (xing).
Âm nhạc truyền thống Lào có thể được chia thành 3 vùng khác nhau: Luang Prabang ở phiá Bắc, Vientiane ở miền Trung và Champassak ở miền Nam. Ở miền cực Bắc của Luang Prabang âm nhạc triều đình cổ điển của Lào phát triển đến đỉnh cao và lại biến mất. Ở Vientiane, các phong cách âm nhạc địa phương cho thấy những ảnh hưởng của Thái khá nhiều. Vùng Champassak phía Nam không chỉ chịu ảnh hưởng của âm nhạc Khmer mà còn có một sự pha trộn với âm nhạc Thái và âm nhạc bản địa Lào. Người ta biểu diễn âm nhạc theo phong cách Thái Lan, trên các nhạc cụ Thái Lan nhưng lại gọi tên nhóm nhạc theo tiếng Khmer: “Pin Peat”. Tuy vậy, sự pha trộn phong cách và kích thích phát triển lại tạo nên một bản sắc Lào độc đáo không thể so sánh được.
Malaysia
Để tìm hiểu âm nhạc truyền thống Malaysia, chúng ta cần xét đến hoàn cảnh văn hóa-xã hội và địa lý hình thành nên một vùng của Đông Nam Á gọi là thế giới Malay cổ xưa. Thế giới này là ngôi nhà mà Malaysia đã chia sẻ các đặc điểm nghệ thuật và văn hóa.
Âm nhạc Malaysia trước khi chịu ảnh hưởng văn hóa ngoại lai có thể được chia thành hai nhóm (theo thuyết vật linh) Proto (thuần chủng) và Deutro (có pha trộn chủng tộc với các giống dân khác). Các nhạc cụ truyền thống Mã Lai đa phần là bộ Gõ.
Tuy nhiên trong sự phát triển toàn diện của nền âm nhạc truyền thống Malaysia, các ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đã góp phần và có tác động mạnh giúp phát triển âm nhạc trong khu vực này. Sự tương đồng giữa trống mridangam và kèn hơi nagasvaram của Ấn Độ với gendang và serunai của dân tộc Malay cho thấy rõ ảnh hưởng Ấn Độ trên các nhạc cụ Mã Lai.
Mặc dù, có thể cho rằng những nhạc cụ nói trên của Malay có thể có nguồn gốc từ Trung Đông. Khi người Hồi giáo đến đất nước này, họ đã thay đổi đời sống văn hóa và tôn giáo của người Hindu. Trong số những thứ mà họ thay đổi, người Hồi giáo đưa vào vũ điệu zapin được đệm bởi trống kết thành khung cầm tay gọi là rebana. Có lẽ chính các thương nhân Ả Rập mang vào đây rebab, một loại đàn kiểu fiddle (như violin) có 3 dây bên cạnh các loại nhạc cụ như ghazal và naubat.
Philippines
Nói về âm nhạc truyền thống Philippines nhiều người nghĩ đến dàn cồng Kulintang hay những truyền thống đậm chất Gamelan. Mặt khác, những ảnh hưởng của cuộc chiếm đóng 300 năm của người Tây Ban Nha và nền âm nhạc của các sắc tộc khác nhau gọi là Aeta sống trên quần đảo này hay cả những tác động của âm nhạc Ả Rập thường bị lãng quên.
Du hành qua Philippines chúng ta sẽ nhận ra sự khác biệt với các quốc gia Đông Nam Á khác. Ngày nay gần hơn 80% dân số Philippines theo đạo Công giáo, kết quả từ quá trình thuộc địa hóa của người Tây Ban Nha. Chúng ta có thể thấy rằng âm nhạc chủ yếu sử dụng các thể loại ảnh hưởng bởi âm nhạc trong phụng vụ Kitô giáo, chẳng hạn các ca khúc Bình ca và những mầm mống đầu tiên của nhạc đa âm.
Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy nhiều loại nhạc múa, nhạc dân gian có nguồn gốc từ nhạc Trung cổ Âu châu, ví dụ thể loại rondalla với phần đệm của các nhạc cụ dây gảy đệm cho các ca khúc giống như polka của Ba Lan.
https://www.youtube.com/watch?v=CeoqutaWR2c
Thái Lan
Lịch sử và địa lý làm cho âm nhạc truyền thống Thái Lan có liên quan đến âm nhạc Trung quốc, Miến Điện, Lào, Campuchia, Java và Bali ở Indonesia và Philippines. Các yếu tố trong âm nhạc truyền thống tồn tại đến ngày nay cho thấy một mối quan hệ mật thiết giữa âm nhạc Thái Lan và âm nhạc miền Nam Trung Quốc, quê hương nguyên thủy của người Thái.
Vương quốc Nam Chiếu của tổ tiên người Thái, nằm ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ngày nay, đã rất phồn thịnh vào khoảng năm 600. Vào những năm sau đó, khi người Mông Cổ đẩy người Trung Hoa xa về phía Nam, người Thái đã di dân đi xa hơn nữa đến những vùng đất mà chúng ta biết ngày nay là Thái Lan, Lào, và Bắc Miến Điện. Khoảng năm 1238, người Thái lấy thành phố Sukkothai để làm thủ đô đầu tiên của mình và sau đó dời đô về thành phố thứ hai là Ayudhaya. Trong cả hai thành phố này, nền văn hóa phát triển và âm nhạc vang lên khắp nơi.
Vào năm 1767, người Miến Điện đột ngột tấn công Ayudhaya và hủy hoại thành phố này. Cuối cùng người Thái dời đô về Bangkok. Thành phố Bangkok trở thành nền tảng của triều đại Chakri. Nhiều nhà cầm quyền của thành phố này yêu thích âm nhạc và đã giúp phát triển loại nghệ thuật này .
Hệ thống âm nhạc truyền thống Thái thường đa phần được kể đến từ giai đoạn Bangkok. Có nhiều đặc trưng cho thấy có sự khác nhau rõ rệt giữa âm nhạc thời kỳ đầu Bangkok với nền âm nhạc trong giai đoạn Ayudhaya. Bản thân âm nhạc Thái về cơ bản, có nguồn gốc từ âm nhạc Trung Quốc, trong khi đó các nhóm nhạc cồng chiêng là từ Đông Nam Á. Âm nhạc truyền thống Thái được phục hồi lại dưới sự bảo hộ của triều đình. Âm nhạc phục vụ đắc lực trong các ngày lễ với thể loại múa và kịch. Mặt khác, âm nhạc dân gian Thái đa phần gồm những ca khúc đơn giản có phong cách giai điệu không phức tạp với ca từ quan trọng hơn là cách hát.
Brunei Darussalam
Brunei chia sẻ một số kết văn hóa với các quốc gia Đông Nam Á như Mã Lai, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia này nhưng Brunei cũng có những khác biệt tiêu biểu về văn hóa và di sản về âm nhạc dân gian, dân vũ và truyện tích dân gian. Âm nhạc truyền thống Brunei tồn tại qua nhiều thế kỷ trong các phong tục hoàng gia và truyền thống dân gian. Trong các dịp này âm nhạc được thể hiện qua nhạc lễ với các nhạc cụ như trống, kèn diễn vào lúc khai mạc và kết thúc các hoạt động lễ hội.
Người Brunei có nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác nhau. Trong số đó phải kể đến gendang, biola, guilintangan, gambus, gong và rebana là những nhạc thường được dùng để đệm cho các ca khúc truyền thống dân gian như anding, dang, mengalai, alus jua di, dang, samalaindang và những loại khác.
Có hai loại hình chính trong âm nhạc truyền thống Brunei là: nhạc Kedayan và nhạc Malay. Aduk-Aduk là điệu vũ nghi thức được người dân Kedayan biểu diễn trong các ngày lễ, đặc biệt vào cuối mùa thu hoạch. Điệu vũ này được đệm bằng các nhạc cụ gõ gồm có trống và vỏ dừa. Dân tộc Malay được biết đến với điệu vũ Jipin và Zapin được đệm theo bằng các nhạc cụ gồm có gambus dan biola, dombak và rebana.
Ngoài ra người Malay ở Brunei còn sử dụng một bộ gồm nhiều cồng chiêng nhỏ gọi là Guling tangan để đệm cho các thể loại nhạc khác. Âm nhạc dân gian Malay thường được vang lên trong các buổi lễ mừng công và những ngày kỷ niệm.
Việt Nam
Âm nhạc truyền thống Việt Nam rất đa dạng và dung hợp, kết hợp những ảnh hưởng ngoại quốc với đặc tính bản xứ. Xét về lịch sử, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi âm nhạc truyền thống Trung Quốc, có sự tương đồng với âm nhạc Nhật Bản, Triều Tiên và Mông Cổ. Vương quốc Champa cổ xưa cũng có ảnh hưởng nhất định đến âm nhạc truyền thống Việt Nam do các mối quan hệ với triều đình Việt Nam. Mặc dù có những ảnh hưởng ngoại lai, nhưng Việt Nam vẫn có được truyền thống âm nhạc đặc thù, độc đáo từ các dân tộc trên lãnh thổ này.
Âm nhạc truyền thống Việt Nam có những loại hình chính: âm nhạc triều đình, dân ca, nhạc kịch và âm nhạc thính phòng. Nhã nhạc là một hình thức âm nhạc triều đình phổ biến nhất, đặc biệt được dùng trong triều đại Trần đến cuối đời Nguyễn, được các vua Nguyễn tổng hợp và phát triển đặc biệt. Loại âm nhạc này có nền tảng từ âm nhạc triều đình thời kỳ đầu, pha trộn với những ảnh hưởng từ triều đình nhà Minh và sau này là âm nhạc Champa.
Dân ca Việt Nam được hát trong khi làm việc, tại tư gia hay các lễ hội. Ở miền Bắc Việt Nam có những hình thức phổ biến nhất là hát quan họ, hát chầu văn, hát ví dặm, hát ghẹo, và hát cò lả. Ở miền Trung và Nam Việt Nam có hình thức phổ biến nhất là hò và lý. Nhạc kịch cũng là một loại nghệ thuật ưu tiên ở Việt Nam. Trong hình thức này có hát chèo hay còn gọi đơn giản là chèo được coi là hình thức cổ xưa nhất trong các hình thức âm nhạc chính của nền âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ba hình thức âm nhạc thính phòng tiêu biểu của âm nhạc truyền thống Việt Nam là: ca trù hay hát ả đào ở miền Bắc, ca Huế ở miền Trung và nhạc tài tử ở miền Nam.
Việt Nam còn có nhiều hình thức dàn nhạc đa dạng. Mỗi hình thức đều có liên hệ gần với một loại nghệ thuật truyền thống đặc biệt, và có những đặc tính tiêu biểu bởi một loại nhạc cụ chính. Chính nhạc cụ này giúp tạo nên sắc thái và tiết tấu cơ bản cho dàn nhạc. Ví dụ, phách trong ban nhạc ca trù, sênh sứa trong ban nhạc xẩm, trống đế trong ban nhạc chèo, trống chiên trong ban nhạc tuồng, v.v….
Theo SÓNG NHẠC
Tags: Đông Nam Á, Âm nhạc, Văn minh nhân loại