John Lennon – gã nghệ sỹ khờ trong thế giới phù hoa

John ám chỉ The Beatles như một cái vỏ sò, đặt vào tai thì nghe được sóng đại dương. Beatles, trong cách nhìn của John, là những vỏ sò của thời đại và thế hệ họ. Bí quyết thành công đáng kinh ngạc của họ chính là ở chỗ đó.

John Lennon – gã nghệ sỹ khờ trong thế giới phù hoa

Đến nay The Beatles đã bán được hơn 1 tỉ đĩa hát, tức là cứ tám người dân trên trái đất có một đĩa hát, trong đó nhiều người thậm chí chưa được nghe nói về The Beatles của thành phố cảng Liverpool. Đó còn chưa kể đĩa CD, DVD, nhạc số… Đấy là một kỷ lục tuyệt đối chưa ai phá được, trong số những người đã qua đời cũng như những người đang sống, kể cả Elvis Presley, tượng đài âm nhạc phổ thông của Mỹ.

Phản kháng trong cô độc

Đến bây giờ, khi đọc và nghe lại những gì thuộc về John sẽ thấy cuộc đời anh giống như một công thức đã được tẩy sạch không còn nước bọt của ngành quảng cáo, không đầu hàng trước chủ nghĩa tuân thủ, không phải kiểu đứa con hư nay ngoan ngoãn lê gối về với người cha và càng không phải là mẫu công dân tiên tiến trong bảng phong thần của xã hội tiêu thụ. John nghệ sỹ toàn tòng, và những người như thế thường cô độc (cho dù John từng nói rằng anh sợ nhất sự cô đơn). Nhưng dấn thân vào con đường của mình, John thừa hiểu mình sẽ chỉ là một mũi tên cô độc. Trên con đường đó, những người như John không ngừng tìm tòi, không ngừng đấu tranh. Khi mà nằm mơ cũng không thể thấy được sự yên tĩnh, họ luôn luôn không thỏa mãn. Tâm trạng không thỏa mãn thiêu đốt người nghệ sĩ trên ngọn lửa của tất cả những dự định ngấm ngầm có thể tưởng tượng và không thể tưởng tượng. Nó giống như một cuộc đuổi bắt đến choáng váng, chạy theo con chim thần của sự giản dị nhưng phức tạp, phức tạp lạ lùng và cũng giản dị lạ lùng, đến nỗi hai tay không còn muốn động đậy trong cả tuyệt vọng. Và điều còn đáng sợ hơn nữa là sự cám dỗ người ta quay trở lại con đường mòn cũ, thỏa hiệp bởi quan niệm “âm nhạc là do người khác trả tiền để anh chơi”.

John đã từng như thế trong những năm tháng The Beatles, đã từng nhiều lần muốn thoát ly nhưng bị xã hội tiêu thụ xay nhuyễn thành một món pa tê thập cẩm chiều lòng đủ mọi thị hiếu. Nhiều lúc John muốn khẳng định chơi nhạc không phải vì tiền của người khác nhưng không làm được. Và đến khi John bắt đầu làm được điều ấy, thì chính xã hội đã từng cưng chiều anh đã phản bội lại John.

Khi 4 chàng tứ quái The Beatles bắt đầu để tóc dài, thanh niên không đến các hiệu cắt tóc nữa. Bắt chước John cận thị, thanh thiếu niên cũng mua kính đeo. Khi trên báo chí đăng ảnh nhóm The Beatles ngồi thiền cùng nhà tiên tri Ấn Độ Maharishi Mahesh Yogi, các chàng trai và cô gái bỗng quên khuấy trong một thời gian công dụng của những cái ghế. Thế hệ câm bắt đầu cất tiếng thông qua nhóm The Beatles, cố tìm thấy cái “tôi” trong bản thân mình, cái “tôi” này đã mất đi trong khu rừng rậm của xã hội tiêu thụ và thích nghi. John trong cuộc phỏng vấn với tờ Rolling Stones năm 1980 đã nhớ lại “Chúng tôi không là một cái gì tự đảm bảo ý nghĩa của mình, có giá trị độc lập như Mozart và Bach. Chúng tôi cũng tựa như những ông đồng bà cốt trong buổi gọi hồn, nếu không có sự giao tiếp giữa con người với con người, không có những bàn tay bắt nối với nhau, thì bản thân họ sẽ chẳng là gì cả. Toàn bộ vấn đề là ở thời gian, con người, nhiệt tình của tuổi trẻ. Có thể chúng tôi cũng là một lá cờ nào đó của một con tàu nào đó, có thể chúng tôi cùng kêu lên ‘Đất liền!’, nhưng điều chủ yếu là con tàu đó vẫn đang chạy trên biển và tất cả chúng tôi vẫn đang ở trên tàu”.

Nhưng tiếc thay, ông đồng bà cốt, cái vỏ sò và thậm chí lá cờ trên cột buồm con tàu đều không là những dụng cụ tìm chân lý đáng tin cậy. Có thể kêu “Đất liền!” nhưng chỉ nhìn thấy ảo ảnh. Chiếc kính tròn nổi tiếng của John Lennon còn chưa bảo đảm cho người ta tránh được áo giác quang học, mà nhiều khi còn góp phần gây ảo giác. Nhờ một ông đồng bà cốt nào đó, người ta gọi lên những âm hồn hết sức khác nhau, áp một cái vỏ sò nào đó vào tai và nghe thấy nhiều tiếng gầm của những đại dương khác nhau, ngẩng đầu nhìn lên lá cờ trên cột buồm, người ta định hướng gió sai trong giông tố xã hội.

Bề ngoài thì hình như không có gì báo trước cuộc khủng hoảng, nhóm The Beatles đã lên tới đỉnh cao của vinh quang. Dường như họ đã tìm thấy hòn đá màu nhiệm biến được tất cả thành vàng. Các đĩa hát mà họ thu âm đã bán được hàng chục triệu bản và luôn luôn dẫn đầu các bảng xếp hạng âm nhạc danh tiếng. Những anh chàng đói khát của thành phố Liverpool ngày hôm qua, nay đã trở thành những nhà triệu phú. Các bài hát của họ được mọi người công nhận. Các giai điệu của họ được chơi bởi dàn nhạc giao hưởng của thành phố Boston và dàn nhạc của Duke Ellington, được đưa vào vũ ba lê và các tiết mục music hall ở Broadway, được Frank Sinatra và Ella Fitzgerald hát lại. Họ trở thành nhân vật của phim hoạt hình và truyện tranh. Trong các quán rượu ở Hollywood hay thế giới của tuổi choai choai, họ đã đột nhập vào mốt của các tạp chí, tạo xu hướng thời trang, họ đi vào thế giới quảng cáo, vào ma túy, mại dâm… tóm lại, trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn hóa và lối sống hiện đại phương Tây.

John Lennon là người đầu tiên cảm thấy điều đó sau khi nhìn qua lớp sương mù của thành công về thương mại, qua vẻ đáng sợ của những tảng đá ngầm mà chiếc tàu ngầm màu vàng chở họ lướt trên đó, bị lôi cuốn theo dòng sinh hoạt ngốn ngấu hết thảy, một lối sinh hoạt đầu hàng “muốn sao cũng được”. John từng đau khổ thú nhận: “Không ai dám đụng ngón tay đến chúng tôi. Chúng tôi thành công ghê gớm. Nhưng chúng tôi đã bán mình. Âm nhạc của chúng tôi trở thành nhạc chết và để sáng tác thứ nhạc ấy chúng tôi đã phải tự giết mình”. Các nhà phát hành băng đĩa và công chúng chờ đợi và đòi hỏi ở The Beatles những tiếng “yeah yeah yeah” ngày càng mới mẻ tương tự như họ đã nghe thấy lần đầu trong bài hát “She loves you”.

Các chàng The Beatles thật khó lòng trả lời “không” với những sự chào đón như thế, công chúng như một con bò sữa, vừa gợi cảm, vừa đem lại thu nhập. Paul McCartney, George Harrison, Ringo Starr vẫn muốn bám lấy những tiếng “yeah yeah yeah” đầy điên dại. Nhưng John thì chống lại. Cần nói thêm là ngay từ năm 1966, khi The Beatles còn đang ở đỉnh cao chói lòa, John Lennon cho rằng các buổi biểu diễn bắt đầu tràn lan, thoái hóa thành chứng cuồng The Beatles điên loạn, thành những âm thanh chói tai, trong khi đó, thông điệp của nó bị chìm nghỉm.

John đã đúng. Anh thèm muốn một cử tọa không chỉ lắng nghe mà đi sâu vào nội dung. John cũng muốn công chúng của mình, những người đã song hành với họ từ những ngày “yeah yeah yeah”, sẽ hiểu một thứ âm nhạc khác hơn thế, nghiêm túc hơn thế. Nhưng không phải ai cũng hiểu được điều này. The Beatles ngày càng trở thành nạn nhân của xã hội tiêu thụ mà điển hình là các cửa hàng kinh doanh băng đĩa, đồ lưu niệm, sách báo… Tất cả bởi The Beatles là một chỗ đầu tư rất chắc ăn. “Tôi đã phải nằm dưới cái máy xay của đủ mọi thứ hợp đồng từ năm 22 tuổi. Trong những năm ấy, tôi chỉ biết có thế. Tôi không được tự do. Tôi bị nhốt trong lồng. Các hợp đồng gây trong tôi một cảm giác về mặt thể xác là mình phải ngồi tù. Đến lúc nào đó trong cuộc đời, ngẫm lại tôi thấy rock’n’ roll không còn là niềm vui với mình nữa”, John kể lại.

Kẻ cô độc giữa sa mạc loài người

Nhiều người bảo John là một gã nghệ sỹ khờ khạo, không biết nắm lấy cơ hội để đưa mình trở thành một biểu tượng kiểu như Elvis Presley. Đáp lại, John im lặng. Hơn ai hết, John hiểu mình là ai và muốn gì trong âm nhạc của mình.

Trong lịch sử đã từng có những ca sĩ tài năng hơn rất nhiều. Lennon không là một nhà thơ vĩ đại, không là một nhà soạn nhạc vĩ đại, càng không phải là một ca sĩ hay một tay guitar vĩ đại. Chính John đã thừa nhận: “Tôi là một nhạc sĩ sơ đẳng, chưa học chơi đàn hay soạn nhạc bao giờ”. Sự thành công có thể thấy được ở John là anh giống như một vận động viên chạy nhiều môn phối hợp mà đường chạy của nó chính là ý thức thời đại. John có thông điệp của mình và có nhiều người lĩnh hội được. Hơn thế, John Lennon thuộc thế hệ “baby boom” (đợt dân số tăng vọt ở phương Tây sau đệ nhị thế chiến), những đứa trẻ sinh ra trong thời loạn lạc. Có John, có The Beatles, những đứa trẻ “baby boom” bắt đầu nói bằng tiếng nói của Lennon, tiếng nói của nhóm The Beatles.

Sáng tác của The Beatles và điều không kém phần quan trọng là lối sống của họ thể hiện tâm hồn bị vò nát của một thế hệ mới ra đời đã cảm thấy lạc lõng, đứng lên chống lại thói đạo đức giả của xã hội và chủ nghĩa tuân thủ của bố mẹ. Thế hệ này xén bớt váy và để tóc dài, tôn vinh tình yêu là lẽ sống cao quý nhất của cuộc đời. Xen giữa đó là những làn khói trắng và tinh thần “ngược dòng”. Nhưng đó lại là một câu chuyện rất dài khác.

John, sau nhiều lần thỏa hiệp, nhưng rốt cục vẫn kiên định theo cách của mình. Khi mà cuộc chiến tại Việt Nam lan rộng, các chàng trai The Beatles bị ông bầu bắt buộc “phải lảng tránh các câu hỏi” thì John là người duy nhất nói thẳng “Tôi không thể ngậm tăm mãi được”. Đó là năm 1968 và năm đó ca khúc “Revolution” (Cách mạng) ra đời trong sự dè chừng của 3 thành viên còn lại trong nhóm. Và đây cũng có thể xem là ngọn lửa âm ỉ để sau đó The Beatles hoàn toàn tan rã vào năm 1970.

Cho đến những ngày cuối đời, John Lennon vẫn tin vào thông điệp của bài “Revolution”, vẫn căm thù chiến tranh, mong muốn thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp, phủ nhận bạo lực. John từng nói với Abbie Hoffman và Jerry Rubin (hai thủ lĩnh của phong trào hippy phản chiến) rằng: “Nếu các anh bắt đầu dùng đến bạo lực, thì đừng trông mong gì ở tôi. Đừng chờ tôi có mặt ở chiến lũy, nếu chiến lũy ấy không cắm đầy hoa”. Nhưng đó quả là một sự mơ mộng. Hoa đã bị đổ máu nhưng John thì không bao giờ nửa vời. Kết cục cuối cùng mà sau này John Lennon thấy chua chát đó là hai thủ lĩnh nổi tiếng ấy đã thỏa hiệp và phong trào bị dập tắt. Abbie Hoffman trở thành một nhà tư sản mẫu mực, còn Jerry Rubin thì làm cho một hãng tài chính ở phố Wall.

Còn John thì vẫn thế, bất chấp một thời gian dài bị chính quyền Mỹ gây khó dễ, thậm chí đòi trục xuất anh ra khỏi Mỹ, nhưng chưa bao giờ John “ngậm tăm” một chuyện gì, nếu điều ấy có lợi cho Hòa bình và Tình yêu. John từng nói trước khi bị bắn chết: “Nếu người nào ở nước Mỹ cho rằng Hòa bình và Tình yêu là bản rập khuôn của những năm sáu mươi, thì anh ta nhầm to, đó là hai khái niệm vĩnh cửu”. Dường như có những lo sợ nào đó về những tuyên bố ấy, nhất là khi John sau 5 năm ẩn dật, quyết định phát hành album vào cuối năm 1980. Và cuối cùng, Hòa bình và Tình yêu bị kết liễu bởi khẩu súng P.38.

John từng than vãn: “Người ta đã đặt tên cho tôi và bắt tôi suốt đời phải là một thần tượng nhạc rock, nhưng tôi căm ghét chuyện này”. Tuy nhiên, lần này thì John đã nhầm. Thần tượng bao giờ cũng phải là thần tượng, nếu không người ta sẽ lật đổ ngay lập tức. Có nhà phê bình đã từng nói: “Số phận các thần tượng bị lật đổ còn tồi tệ hơn số phận các ông vua bị trần truồng. Bởi các thần tượng được công chúng dựng lên, còn vua chúa thì cứ lên ngôi cha truyền con nối”.

Lennon phẫn nộ nói: “Tôi đã mất tự do sáng tác sau khi bị nhét trong mô hình của nhà sáng tạo, nghệ sĩ, diễn viên, như dư luận nghĩ thế, như quần chúng muốn thế. Và nhiều nghệ sĩ đã trở thành nạn nhân của cái mô hình hư ngụy này, họ đã chết vì rượu chè như Dylan Thomas, vì điên như Van Gogh, vì bệnh hoa liễu như Paul Gauguin”. Ở phương Tây không thiếu những dẫn chứng để thấy thần tượng trong bộ dạng của cả gã hề lẫn đấu sĩ La Mã. Suốt đời anh ta làm trò cười và giúp công chúng giải trí, mà cảnh chót của buổi huy hoàng nếu là cảnh chết tự nhiên trên giường sẽ không làm vừa ý họ, nếu vậy họ cho rằng họ đã bị đánh lừa và “đòi lại tiền”.

John bị “đóng đinh” trong bộ quần áo The Beatles. John nói: “Sẽ có lúc nhạc rock’n’ roll giết chết tất cả chúng ta. Nán lại lâu một cách tai hại trong nền kinh doanh này thì nguy hiểm chết người cả về sáng tác lẫn thể xác”. Bộ quần áo The Beatles như tấm áo choàng đỏ của người đấu bò tót, mà cũng tựa như bao chụp đầu người bị đem đi hành hình. “Các anh tìm kiếm cái gì ở tôi? Hãy nhớ rằng tôi là một nghệ sĩ, chứ không phải là một con ngựa đua!”, John Lennon từng nói, giọng gần như van nài. Nhưng hoài công vô ích. Tiếng nói của con người được hàng triệu người nghe, đồng thời là tiếng kêu giữa sa mạc. Bị vây quanh bởi một bức tường dày đặc hàng triệu người sùng bái, John Lennon tưởng chừng không thể thoát ra.

Nhưng có Yoko Ono bên cạnh, John đã bước ra và làm cuộc cách mạng cùng Yoko, một cuộc mạng đầy chất thơ và hiện thực. Nhà phê bình âm nhạc Jim Miller nói rằng: “John Lennon đã trở thành siêu minh tinh của Mỹ và cho đến nay là người duy nhất tự nguyện từ bỏ địa vị ngôi sao của mình”. Ngày mà John tuyên bố chia tay The Beatles, không ai nghĩ câu chuyện về một nhóm nhạc thoát thai từ thành phố cảng nghèo khó Liverpool trở thành những ông vua ông hoàng của làng nhạc thế giới lại bi đát như vậy. Thông thường, trong cổ tích, đoạn kết chưa bao giờ được kết thúc bằng một lá đơn ly dị.

Sau này, John đã nói rằng: “Sớm hay muộn công chúng sẽ đòi hỏi âm nhạc hiện thực, trung thực hơn, phải phát ra từ trái tim, chứ không phải từ buồng phổi. Cuộc sống là nghệ thuật. Nếu nghệ thuật muốn trở thành cuộc sống thì nó phải là thứ nghệ thuật tự nhiên. Đối với tôi, tất cả những gì không tự nhiên mà vô nghĩa sẽ phản lại nghệ thuật”. Đó là chân lý đến cuối đời của John.

Rời The Beatles, âm nhạc của John khác hẳn đi, thấm đẫm tinh thần chiến đấu. Những bài hát của anh ngày càng có tính chất khiêu khích, châm biếm xã hội, kiểu như “Working class hero”. Bài hát này nói về một chàng trai xuất thân từ tầng lớp dưới, ăn nên làm ra và tưởng như mình đã công thành danh toại và vì thế đã lên mặt “thông minh, tự do, không có giai cấp”. Nhưng sau khi cắt đứt cái cuống nhau xã hội của mình, người anh hùng giai cấp cần lao này đã rơi vào tình trạng giống như con dơi trong thơ La Fontaine, cả chuột lẫn chim đều không thừa nhận anh ta. Chung quanh John sa mạc ngày càng lớn, sa mạc này đến từ hai phía: sau khi rời khỏi các ụ tàu ở thành phố Liverpool nghèo khổ, anh vẫn không thể thực sự thả neo trên bờ đất hứa là nước Mỹ. “Tôi là dân Liverpool, tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi biết các đường phố và người dân ở đây. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn chạy khỏi nơi ấy, muốn bỏ chạy, muốn bứt khỏi đấy mà đi. Tôi biết rằng ngoài ranh giới Liverpool còn có những thế giới khác. Tôi muốn chinh phục các thế giới ấy. Và đã chinh phục được. Bi kịch của tôi chính là ở chỗ đó”. Để phát hiện nước Mỹ, nhất là để chinh phục nước Mỹ, Lennon đã phải trả giá cao nhất. Ngày 8/12/1980, John Lennon đã trả giá sòng phẳng.

Người nghệ sỹ ấy giống như người đàn ông trong bài hát “Nowhere man” mà John đã hát thời còn The Beatles, một người đàn ông không ở nơi nào, người đàn ông ấy đã xây một vương quốc riêng cho mình với chỉ hai thần dân: John và Yoko. Chiếc tàu ngầm màu vàng đã lặn. Bởi màu vàng trong thế giới thực đã không đón tiếp John như màu vàng của hoa và mặt trời, mà là một màu vàng của bạo lực. Một con người sống đến phút cuối đời vẫn hô vang những khẩu hiệu chống bạo lực cuối cùng đã ngã xuống bởi những phát súng bạo lực. Hơn 30 năm John ra đi, những chiếc đĩa nhựa vẫn quay vòng như bánh xe thời gian, nhả lại những thông điệp đến giờ vẫn không bị xói mòn.

Theo DEP.COM.VN

Tags: , ,