Hồ Quý Ly – một hiện tượng lịch sử

Thất bại của Hồ Quý Ly có nguyên nhân của nó trong tổ chức và chỉ đạo chiến tranh và cả trong cải cách, nhưng đó là thất bại của một sự nghiệp anh hùng, của một con người anh hùng.

Hồ Quý Ly – một hiện tượng lịch sử

Vào cuối thế kỷ XIV, đất nước trong tình trạng rối ren, Nhà Trần đang trên con đường suy tàn, trong hoàn cảnh đó, Hồ Quý Ly – một quý tộc có thanh thế đã lấn át quyền lực nhà vua, đến năm 1400, tự lên ngôi lập ra một vương triều mới: Triều Hồ.

Hồ Quý Ly sinh năm Ất Hợi (1335) tự là Lý Nguyên, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung). Về dòng dõi Hồ Quý Ly, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung Quốc, thời Hậu Hán (947 – 950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu – Nghệ An). Đến thời loạn mười hai xứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ”.

Mẹ Hồ Quý Ly là con gái Phạm Bân, một thầy thuốc giỏi người huyện Vĩnh Lộc, là quan Thái y dưới triều vua Trần Anh tông (1293 – 1314). Hồ Quý Ly có hai người cô trong họ lấy vua Trần Minh tông (1314 -1329), một bà sinh ra vua Trần Nghệ tông (1370 – 1372) được phong là Minh Từ Thái hậu, một bà sinh ra vua Trần Duệ tông (1372 – 1377) được phong là Đôn Từ Thái phi.

Hồ Quý Ly lấy con gái vua Trần Minh tông là công chúa Huy Ninh. Sau này, con gái đầu của ông là Khâm Thánh lại lấy vua Trần Thuận tông (1388 – 1389) sinh ra Trần Án. Năm 1399, Trần Án lên ngôi là Trần Thiếu Đế, được 2 năm bị giáng truất.

Vào năm Kỷ Dậu (1369) khi vua Trần Dụ tông mất, vua Trần Nghệ tông là người nhu nhược không điều khiển được triều chính phải trao cho Hồ Quý Ly nhiều quyền hành. Hồ Quý Ly được vua Trần tin dùng phong cho làm Khu mật Đại sứ, gia tước Trung Tuyên Hầu. Tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390), sau khi tiêu diệt được vua Chiêm là Chế Bồng Nga, Hồ Quý Ly càng thao túng triều đình nhà Trần. Ông được con rể là vua Trần Thuận tông phong cho chức “Nhập nội phụ chính Thái sư, Bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên Trung vệ quốc đại vương”, được đeo lân phủ vàng. Với vị thế đó, Hồ Quý Ly dần nắm những vị trí then chốt trong triều và quân đội.

Tháng hai năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly tự lên làm vua đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, lấy Quốc hiệu là Đại Ngu, đổi lại họ thành họ Hồ. Làm vua được 10 tháng, bắt chước tục nhà Trần, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương rồi làm Thái Thượng Hoàng cùng trông coi việc nước.

Trong khoảng 35 năm nắm quyền chính ở triều Trần và triều Hồ, Hồ Quý Ly từng bước tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt.

Về mặt hành chính: Hồ Quý Ly đổi các lộ ra làm các trấn, đặt thêm các chức An phủ phó sứ cùng các chức phó khác ở châu huyện. Ở các lộ thì đặt các chức quan như Đô hộ, Đô thống, Thái thú quản các việc quân sự và dân sự.

Về mặt chính trị: Hồ Quý Ly tìm cách gạt bỏ dần các thế lực thân cận triều Trần và tăng cường quyền lực chính quyền mới, tập trung quyền hành vào tay cá nhân. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở động An Tôn (Thành Tây Đô), bắt vua Trần dời đô để thực hiện việc thoán đoạt và xây dựng căn cứ đề phòng trường hợp bị lật đổ.

Về mặt quân sự: Nhà Hồ ra sức tăng cường lực lượng quân đội về mặt số lượng, cách tổ chức và trang bị. Hồ Quý Ly đã cho định lại biên chế, chỉnh đốn quân đội về mặt tổ chức. Ông chủ trương cải tiến vũ khí và trang bị như mở xưởng rèn đúc vũ khí, tuyển các thợ giỏi vào các công xưởng quân sự. Trước họa xâm lăng, Hồ Quý Ly coi trọng công cuộc phòng thủ đất nước. Nhiều công trình kỹ thuật quân sự khá lớn được xây dựng như Thành Nhà Hồ, Thành Đa Bang và cả hệ thống công trình quy mô dài gần 400km từ núi Tản Viên men theo sông Đà, sông Hồng…

Về mặt kinh tế: Cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là phép hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy “Thông Bảo hội sao” và đổi mới chế độ thuế khóa. Đó là những cải cách tiến bộ nhằm tước giảm thế lực của quý tộc nhà Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ về tài chính của triều đình. Theo phép hạn điền, trừ Đại vương và Trưởng công chúa, mỗi chủ đất chỉ được giữ 10 năm trở xuống, sổ sách phải sung công, nghĩa là khôi phục sở hữu Nhà nước về ruộng đất. Ai có tội được phép lấy ruộng mà chuộc tội.

Về mặt văn hóa giáo dục: Quá trình cải cách giáo dục của Hồ Quý Ly kéo dài 15 năm từ 1392 đến 1406. Trong cả thời kỳ tham chính và chấp chính. Khi có vị trí cao ở triều nhà Trần, Hồ Quý Ly đưa ra những cải cách được bắt đầu từ chủ trương làm sách “Minh Đạo” vào tháng 12 năm 1392. Sách gồm 14 thiên, đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử và những nghi vấn có căn cứ về sách Luận ngữ, một trong những tác phẩm kinh điển của Nho giáo.

Hồ Quý Ly có hoài bão xây dựng một nền văn hóa dân tộc. Ông trọng chữ Nôm, dịch thiên Vô Dật trong sách Thượng Thư ra chữ Nôm để dạy quan gia (vua Thuận tông). Năm 1396, dịch sách Kinh Thi ra chữ Nôm cho hậu phi và cung nhân học. Ông chủ trương quy định cụ thể nội dung và hình thức cho việc thi cử. Chủ trương bỏ lối viết ám cổ văn và đưa tính (toán) vào nội dung thi. Trong kỳ thi Thái học sinh năm 1400 lấy 20 người đỗ đạt, trong đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân… là những người có tài, có chí nổi tiếng sau này. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho mở trường ở các châu, phủ thuộc các lộ Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông gồm hầu hết miền đồng bằng và duyên hải vùng Bắc bộ ngày nay.

Về mặt xã hội: Hồ Quý Ly cho mở “Quảng tế thư” như một loại bệnh viện công chữa bệnh bằng châm cứu. Lại cho lập kho “Thường Bình” một loại kho nhằm bình ổn giá cả giúp cho nông dân nghèo. Ban hành cân, thước, đấu để thống nhất đo lường góp phần làm tăng thêm giá trị văn minh trong đời sống xã hội.

Về kiến trúc xây dựng: Tuy với mục đích chính trị song Hồ Quý Ly đã để lại một số công trình đồ sộ, có ý nghĩa về văn hóa, nghệ thuật trên đất Thanh Hóa. Đó là đàn tế Nam Giao, Cung Bảo Thanh (Ly Cung) và đặc biệt là Thành Nhà Hồ – một công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ bậc nhất ở nước ta.

Là nhân vật lịch sử tiến bộ trong lịch sử Việt Nam, có những chính sách tiến bộ nhưng Hồ Quý Ly lại không có khả năng đoàn kết lực lượng để thi hành chính sách của ông cho nên đã thất bại. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Hồ Quý Ly có sai lầm trong tổ chức và chỉ đạo chiến tranh, cả chiến lược và chiến thuật mà nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định là không đoàn kết được toàn dân đánh giặc và thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm.

Đánh giá về những cải cách của Hồ Quý Ly và sự thất bại của triều Hồ, Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã viết trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 5 (264) – 1992 như sau: “Thất bại của Hồ Quý Ly có nguyên nhân của nó trong tổ chức và chỉ đạo chiến tranh và cả trong cải cách, nhưng đó là thất bại của một sự nghiệp anh hùng, của một con người anh hùng”.

Theo THANH HÓA ONLINE

Tags: , ,