⠀
Hệ lụy từ một xu hướng điện ảnh bệnh hoạn, vô nhân tính của nước Mỹ
Yếu tố bạo lực dường như không thể thiếu trong những bộ phim ăn khách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của Mỹ. Những đề tài lớn như chiến tranh, điều tra phá án, và ngay cả lịch sử – tôn giáo cũng không tránh khỏi yếu tố bạo lực.
Tối 20/7/2012, một vụ xả súng đẫm máu xảy ra ở rạp chiếu phim Century 16 tại bang Colorado, Mỹ khiến 12 người thiệt mạng và 70 người bị thương.
Các nhân chứng cho biết kẻ sát nhân xả súng trong yên lặng, hắn tỏ ra bình tĩnh, không gào thét, không kích động. Một phút sau khi nhận được cuộc gọi khẩn, cảnh sát có mặt tại hiện trường với số lượng lớn.
Kẻ sát nhân mang theo một khẩu súng trường, một khẩu súng săn và hai khẩu súng ngắn đường kính 40 mili. Hắn bắn rất nhanh, các luồng đạn rải khắp khán phòng. Hành động hung hãn của hắn khiến cảnh sát không thể tiến vào trong phòng chiếu được.
Nhanh chóng hắn lủi qua lối cửa thoát hiểm đã được mở sẵn nhưng rất may cảnh sát vòng ngoài đã tóm được hắn. Trên người kẻ sát nhân được trang bị đầy đủ vòng cổ chống đạn và găng tay chuyên dụng của những tay súng chuyên nghiệp.
Khi bị bắt, hắn tự xưng mình là “Joker”. Theo điều tra ban đầu về “Joker”, hắn tên thật là James Holmes, 24 tuổi, sinh viên chuyên ngành Y của trường Đại học Colorado. Hắn đã nhuộm tóc giống như nhân vật Joker, nhân vật phản diện vô cùng độc ác trong phim “The Dark Knight” trong loạt phim Người Dơi.
Ám ảnh từ một nhân vật phản diện
“The Dark Night” (Batman) kể về cuộc chiến đấu giữa Người Dơi và Joker – tên tội phạm nguy hiểm, điên cuồng luôn xuất hiện với bộ mặt hóa trang trắng toát và cái miệng cười rộng ngoác.
Bộ phim đã thu về 900 triệu USD tiền bán vé trên khắp thế giới. Bộ phim trở thành một trong những đại diện điển hình của loạt phim người hùng ở Hollywood. Thành công của nó được cho là nhờ nhân vật Joker do Heath Ledger thủ vai (Batman 2). Heath đã mang lại cho khán giả một Joker thực sự điên cuồng, vai diễn xuất sắc đến đáng sợ. Không lộ mặt thật trong suốt bộ phim, Joker khiến người xem rùng mình mỗi khi hắn liếm lưỡi đầy phấn khích khi chuẩn bị thực hiện một tội ác man rợ hay điệu cười nổi gai ốc, mái tóc bết mồ hôi và cái miệng màu máu đỏ rộng ngoác đến tận mang tai. Joker làm bất cứ điều gì mình muốn, dù là điên rồ nhất. Joker là yếu tố giúp The Dark Knight thành công đến vậy. Không thể phủ nhận sức ám ảnh ghê sợ của vai diễn này.
Lần đầu ra mắt công chúng, suất chiếu đầu tiên của The Dark Knight cũng vào lúc nửa đêm. Khi đó, 3.700 rạp trên toàn nước Mỹ đều có những suất chiếu đêm cho Batman 2, ngay trong 3 ngày đầu tiên, các suất đêm đã đem về 18.5 triệu đô la.
Đến năm 2012, nhà sản xuất cũng mong đợi hiệu ứng tương tự và quyết định mở màn suất chiếu đầu của “The Dark Night Rises” vào lúc nửa đêm và bi kịch đã xảy ra.
Vụ xả súng đẫm máu của “Joker” là cú sốc quá lớn với ngành giải trí Mỹ. Nó giống như một “cái tát” cảnh tỉnh vào nền điện ảnh vốn nổi tiếng với những cảnh bạo lực ghê gớm nhất thế giới.
Điện ảnh Mỹ bạo lực nhất thế giới
Yếu tố bạo lực dường như không thể thiếu trong những bộ phim ăn khách ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của Mỹ. Những đề tài lớn như chiến tranh, điều tra phá án, và ngay cả lịch sử – tôn giáo cũng không tránh khỏi yếu tố bạo lực. Bạo lực được sử dụng tràn lan trong phim ảnh để tạo cảm giác mạnh, gây ám ảnh trong tâm trí người xem khiến họ phải sợ hãi.
Muốn khắc họa hình ảnh người anh hùng lớn bao nhiêu, mạnh mẽ bao nhiêu, yếu tố bạo lực, đẫm máu càng phải khủng khiếp bấy nhiêu. Bạo lực đẫm máu là phông nền để tôn vinh chủ nghĩa anh hùng trong điện ảnh Mỹ.
Và yếu tố bạo lực đã từ lâu trở thành “thương hiệu”, trở thành mồi câu khách của điện ảnh Mỹ. Có thể nhìn thấy những cảnh đẫm máu như thế này trong rất nhiều bộ phim Mỹ, dù với đề tài nào, dù với thể loại nào. Những nhà làm phim Mỹ không bao giờ quên đưa sức mạnh súng ống, sức mạnh vũ khí, sức mạnh “hủy diệt kẻ yếu” vào trong những thước phim của mình.
Đã từ lâu, các nhà tâm lý học đã khẳng định, những bộ phim bạo lực đẫm máu có tác động không nhỏ đến tư duy người xem. Thậm chí, những cảnh đẫm máu có thể khiến người xem bị ám ảnh trong suốt một thời gian dài. Xem phim về bạo lực, khán giả dễ bị kích động. Báo chí Mỹ từng cảnh báo về nạn bạo lực học đường xảy ra tràn lan ở các trường học Mỹ. Theo điều tra xã hội học năm 2001, những học sinh xem nhiều phim bạo lực dễ nảy sinh những hành động côn đồ, mất kiểm soát.
Sau những lời cảnh báo về yếu tố bạo lực trong phim ảnh, vụ xả súng đẫm máu của “Joker” không chỉ là cú sốc lớn với điện ảnh Mỹ, nó còn chứng minh cho những người làm điện ảnh thấy, hệ lụy đen tối từ những hình ảnh bạo lực là nhãn tiền là có thật.
Theo DÂN TRÍ