Hành trình gian khó sau khi Liên Xô tan rã và hiện trạng của quân đội Nga

Quân đội Nga trải qua những năm cuối của thập niên 1990 trong hoàn cảnh khó khăn nhất kể từ tình trạng hỗn loạn sau Cách mạng Nga năm 1917.

Hành trình gian khó sau khi Liên Xô tan rã và hiện trạng của quân đội Nga

Cú sốc của quân đội Nga sau khi Liên Xô sụp đổ

Vào ngày 7/5/1992, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin ban hành lệnh hành pháp thiết lập Lực lượng vũ trang Nga mới và nắm lấy quyền tổng tư lệnh.

Có lẽ trong cơ cấu xã hội Nga, quân đội là bộ phận chịu ảnh hưởng bất lợi nhất từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Vào tháng 12/1991, trên 3,6 triệu tướng lĩnh, sĩ quan và lính nghĩa vụ từng tuyên thệ trung thành với Liên Xô bỗng chốc nằm riêng rẽ trong 15 quốc gia riêng biệt.

Một sĩ quan phát biểu giận dữ tại một cuộc họp các sĩ quan toàn quân ở Moscow vào đầu năm 1992: “Lực lượng phòng không ở Estonia đã bị bỏ rơi và lãng quên. Yelstin đưa ra lời hứa hẹn rồi bội hứa”.

Một sĩ quan khác lại nêu vấn đề như sau: “Rất khó nói về mức độ sẵn sàng chiến đấu hôm nay, bởi lẽ sĩ quan và binh lính không được luân chuyển và không có ai thay thế họ dù chỉ một ngày. Quân đội không thể tiếp tục trong tình trạng này. Như tôi đây là một người Ukraina xét về mặt dân tộc, vợ tôi là người Nga, 4 con tôi sinh ra ở các nước Baltic, Ukraina, Nga và Kazakhstan. Tôi muốn hỏi Tổng thống tại cuộc họp này, tôi giờ là công dân của nước nào? Ngày mai tôi sẽ sống với gia đình ở đất nước nào?”.

Quân đội Nga trải qua những năm cuối của thập niên 1990 trong hoàn cảnh khó khăn nhất kể từ tình trạng hỗn loạn sau Cách mạng Nga năm 1917, đối diện việc bị cắt giảm ngân sách diện rộng, tinh thần rệu rã, việc NATO tiến dần tới biên giới Nga, và một loạt các xung đột trong không gian hậu Xô viết.

Phải mãi đến khi ông Vladimir Putin được chỉ định làm người kế vị ông Yeltsin vào ngày 31/12/1999 (và kế đó là việc ông Putin được bầu làm tổng thống vào năm 2000) thì quân đội Nga mới bắt đầu phục hồi sau những tổn thương cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ngày nay, quân đội Nga được xếp trong số 3 quân đội mạnh nhất thế giới. Từ đầu năm 2022, họ tham gia cuộc xung đột ủy nhiệm, đối đầu với sức mạnh quân sự và kinh tế tổng hợp của khối quân sự NATO trên chiến trường Ukraina.

Quân đội Nga gia tăng quy mô

Nga hiện đang trong quá trình mở rộng quy mô lực lượng vũ trang của mình liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Vào tháng 12/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu công bố quân đội nước này cần mở rộng từ 1 triệu quân lên 1,5 triệu quân.

Ông Shoigu nói: “Để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh nước Nga, cần thiết phải tăng quân số lực lượng vũ trang lên mức 1,5 triệu quân nhân, bao gồm 695.000 quân nhân hợp đồng”.

Hồi tháng 1/2023, người đứng đầu ngành quốc phòng Nga tổ chức hội nghị với các thứ trưởng quốc phòng và tư lệnh Nga về thực hiện chỉ đạo trên, với mục tiêu hoàn thành trong thời gian từ năm 2023 đến 2026.

Ngày 2/5/2023, Bộ trưởng Shoigu đưa ra cập nhật về tình trạng hiện nay của chương trình tái vũ trang nước Nga. Ông tiết lộ rằng quân đội Nga đang mua lượng vũ khí nhiều gấp 3 so với năm 2022. Đối với những loại vũ khí đang có nhu cầu cao, ông nói, lượng mua tăng tới 7 lần.

Tướng Shoigu nhấn mạnh rằng năng lực của quân đội Nga phụ thuộc vào việc bổ sung kịp thời vũ khí, nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng phải theo kịp với nhu cầu quân sự của Nga.

Cơ cấu quân đội Nga

Quân đội Nga gồm 5 quân chủng: Lục quân, Phòng không-Không quân-Vũ trụ, Hải quân, Đổ bộ đường không, và Lực lượng Tên lửa chiến lược.

Quy mô Lục quân Nga

Lục quân là quân chủng lớn nhất của quân đội Nga. Năm 2022, quân chủng này có khoảng 550.000 quân nhân.

Lục quân Nga gồm 8 sư đoàn súng trường cơ giới, 3 sư đoàn xe tăng, một sư đoàn pháo binh và súng máy, và khoảng 100 lữ đoàn các loại từ súng trường cơ giới và xe tăng đến pháo binh, pháo phản lực, liên lạc kiểm soát, tác chiến điện tử, phòng không, công binh, quân cảnh, và các đơn vị Phóng xạ, hóa học và sinh học.

Binh sĩ lục quân Nga được chia thành các đội quân binh chủng hợp thành nằm tại các quân khu miền Tây, miền Nam, miền Trung và miền Đông.

Lục quân Nga có khoảng 2.800 xe tăng, 5.100 xe chiến đấu bộ binh, 6.100 xe thiết giáp chở quân, trên 1.750 pháo tự hành và pháo kéo, trên 1.350 hệ thống pháo phản lực và trên 2.530 hệ thống tên lửa phòng không. Ngoài ra, Nga còn dự trữ trong kho hàng chục ngàn xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân, pháo tự hành và pháo kéo.

Quy mô Phòng không-Không quân-Vũ trụNga

Đây là quân chủng có trách nhiệm bảo đảm an ninh vùng trời rộng lớn của Nga trải dài từ Bắc cực tới Biển Đen và Biển Caspi, và từ Biển Đen tới Thái Bình Dương. Quân số lực lượng này là khoảng 165.000 vào năm 2020. Họ được chia thành Lực lượng Không quân, Lực lượng Phòng không và Phòng thủ tên lửa, và Lực lượng Vũ trụ.

Nhành chính, Không quân, được trang bị nhiều loại thiết bị khác nhau, từ máy bay tiêm kích, cường kích đến máy bay ném bom hạng nặng, trực thăng vận tải và tấn công, máy bay vận tải, máy bay chở nhiên liệu, máy bay huấn luyện. Một số loại máy bay nổi bật là Su-34, Su-35, Mil Mi-24, và Tu-160.

Phòng không Nga được trang bị một loạt radar tĩnh và di động, thiết bị phòng không chống máy bay và chống tên lửa, từ hệ thống chống tên lửa đạn đạo tĩnh A-135 bảo vệ thủ đô Moscow đến hệ thống tên lửa S-300 và S-400.

Lực lượng Vũ trụ được trang bị các công cụ hỗ trợ kiểm soát không gian và các phương tiện đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Lực lượng này được tiếp cận hơn 100 căn cứ không quân từ Kaliningrad ở phía Tây tới đảo Sakhalin ở Viễn Đông, cũng như một vài căn cứ ở nước ngoài, đáng lưu ý là căn cứ không quân Khmeimim ở Syria.

Quy mô Hải quân Nga

Quân chủng này gồm 150.000 người, chia làm Hạm đội Baltic, Hạm đội phương Bắc, Hạm đội Biển Đen, và Hạm đội Thái Bình Dưong, cộng thêm đội tàu Caspi, lực lượng hải quân đánh bộ và Hàng không hải quân.

Đóng đại bản doanh ở thành phố Saint Petersburg, Hải quân Nga là lực lượng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Kho tàu của nó gồm trên 60 tàu ngầm tấn công và tên lửa, 80 tàu hộ vệ, 60 tàu đổ bộ, 11 tàu tuần phòng, 10 tàu khu trục, 2 tàu tuần dương và một tàu sân bay (Đô đốc Kuznetsov).

Nga nằm trong nhóm nhỏ các quốc gia trên thế giới sở hữu hải quân nước xanh, nghĩa là lực lượng có khả năng triển khai tàu bè của mình trên toàn cầu, tới các đại dương thế giới thay vì chỉ triển khai gần bờ (hải quân nước nâu). Các nước khác trong nhóm này bao gồm Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Italy và Ấn Độ.

Việc Liên Xô sụp đổ đã buộc Nga phải giảm đáng kể tham vọng hải quân của mình. Nga chỉ giữ lại một tàu sân bay của Liên Xô, 2 trong 5 chiếc còn lại được bán cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Để bù lại việc giảm tải trọng tàu, Nga áp dụng các giải pháp bất đối xứng, bao gồm việc trang bị nhiều loại chiến hạm, từ tàu hộ vệ cỡ nhỏ đến tàu ngầm tấn công tàng hình, với khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Lực lượng Dù và Tên lửa chiến lược – át chủ bài của Nga

Lực lượng Không vận (lính dù) và Lực lượng Tên lửa chiến lược là các quân chủng đặc biệt của quân đội Nga.

Lực lượng Dù gồm khoảng 45.000 nhân sự, có nhiệm vụ đổ bộ đường không. Lực lượng Đặc nhiệm và Lực lượng Dù nằm trong các bộ phận tinh nhuệ nhất của quân đội Nga. Quân Dù Nga được trang bị thiết giáp hạng nhẹ, bao gồm xe chiến đấu bộ binh và súng cối tự hành được thiết kế đặc biệt 2S9 Nona.

Lực lượng Tên lửa chiến lược của Nga có lẽ mang trọng trách lớn nhất trong toàn quân đội Nga. Họ chịu trách nhiệm phóng tên lửa hạt nhân trong trường hợp đối phương thực hiện tấn công hạt nhân hoặc tấn công quy ước nhưng nghiêm trọng đến mức đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga. Khoảng 50.000 nhân viên phục vụ trong lực lượng này.

Nga là 1 trong 5 nước trên thế giới sở hữu bộ ba hạt nhân, nghĩa là có khả năng phóng vũ khí hạt nhân từ hầm hạt nhân hoặc các đơn vị cơ động trên mặt đất, từ tàu ngầm và từ máy bay. Bộ ba hạt nhân của Nga được thiết kế để bảo đảm ngay cả khi ban lãnh đạo Nga không còn, hệ thống này vẫn có khả năng phóng vũ khí tiêu diệt đối phương, từ đó tạo ra đòn răn đe tâm lý cho kẻ thù của Nga.

Theo VOV

Tags: , ,