⠀
Giới hạn của tự do biểu đạt – phân tích pháp lý từ vụ Charlie Hebdo
Vụ Charlie Hebdo đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tiếp tục tranh luận và sửa đổi pháp luật về tự do biểu đạt không chỉ ở nước Pháp mà còn ở các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bài viết của PGS,TS Vũ Công Gia, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội và ThS Nguyễn Minh Tâm, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội.
1. Quyền tự do biểu đạt trong luật nhân quyền quốc tế
Quyền tự do biểu đạt (QTDBĐ – freedom of expression) là một trong những quyền dân sự cơ bản được ghi nhận và bảo vệ trong luật nhân quyền quốc tế và pháp luật ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Quyền này được thể hiện cụ thể dưới hai hình thức cơ bản là tự do ngôn luận (freedom of speech) và tự do báo chí (freedom of press), ngoài ra còn bao gồm tự do xuất bản, tự do internet… Đây là những quyền tự do rất thiếu yếu và quan trọng, được gọi là những “quyền bảo vệ quyền”, bởi chúng là một trong những phương tiện quan trọng để bảo vệ các quyền và tự do khác. QTDBĐ được ghi nhận đầu lần tiên trong Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (Universal Declaration of Human Rights, 1948 – UDHR); sau đó được tái khẳng định và cụ thể hóa trong Điều 19 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, 1966 – ICCPR)[1], theo đó: “Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có QTDBĐ. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”.
Cụ thể hơn, QTDBĐ bao gồm “các tranh luận chính trị, bình luận về một người và về các vấn đề chung, vận động, thảo luận về quyền con người, báo chí, các biểu đạt về văn hóa và nghệ thuật, giáo dục và tranh luận tôn giáo”, thậm chí bao gồm cả “các biểu đạt có thể được xem là gây xúc phạm”. Hình thức của tự do biểu đạt cũng rất phong phú, có thể được thực hiện bằng hình ảnh (tranh vẽ, ảnh chụp…), hoặc âm thanh (bản nhạc, bài hát…) và thông qua các phương tiện khác nhau (sách, báo, tờ rơi…)[2].
Tuy nhiên, QTDBĐ cũng phải chịu những hạn chế nhất định theo khoản 3 Điều 19 và Điều 20 ICCPR. Những hạn chế này phải được quy định rõ ràng trong luật, phải được xem là “cần thiết” và “có lý do chính đáng”, nhằm để: (i) tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; và (ii) bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng.
Trong các giới hạn trên, tôn trọng “các quyền” của người khác được hiểu là bao gồm các quyền con người được ghi nhận trong ICCPR và trong luật nhân quyền quốc tế nói chung[3]. Còn “an ninh quốc gia” thường được viện dẫn như một giới hạn khi độc lập về chính trị hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia bị đe dọa[4], mà thường là các “bí mật nhà nước”[5]. “Trật tự công cộng” có thể được hiểu là tổng thể các quy tắc bảo đảm một xã hội hoạt động hòa bình và ổn định[6], thông thường giới hạn ở đây bao gồm việc cấm phát ngôn kích động việc phạm tội, bạo lực hoặc làm mọi người kinh hãi. Trong khi “đạo đức công chúng” là khác nhau theo thời gian và giữa các nền văn hóa, việc đặt ra các giới hạn là cần thiết để duy trì sự tôn trọng giá trị cơ bản của cộng đồng[7]; và “sức khỏe công chúng” thường được viện dẫn nhằm hạn chế các quảng cáo thương mại.
Liên quan đến vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, Ủy ban Nhân quyền – HRC, cơ quan được Liên hợp quốc thành lập để giám sát việc thực thi ICCPR – cho rằng, “việc cấm đoán biểu trưng thiếu tôn trọng một tôn giáo hay một hệ thống tín ngưỡng là không phù hợp” với ICCPR, trừ khi “trong những hoàn cảnh cụ thể” với “chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực”[8].
Như vậy, có thể thấy nội dung của tự do biểu đạt là rất rộng, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm QTDBĐ là rất quan trọng trong một xã hội dân chủ, là điều kiện không thể thiếu để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, song việc thực hiện quyền này cũng phải “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt”, nói cách khác, nó cũng có những giới hạn (hay hạn chế) nhất định, để bảo đảm rằng tự do biểu đạt không gây ra những chia rẽ, rối loạn, bạo lực trong cộng đồng.
2. Khái quát vụ Charlie Hebdo
Đây là sự kiện thảm sát tại Tòa soạn Charlie Hebdo, một tờ tuần báo châm biếm nổi tiếng của Pháp, diễn ra vào ngày 7/1/2015 ở thủ đô Paris, khiến 12 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương. Thủ phạm gây ra vụ việc này là hai thanh niên Pháp gốc Hồi giáo, nguyên nhân được cho là do Báo Charlie Hebdo đã nhiều lần đăng hình biếm họa Nhà tiên tri Muhammad (còn được gọi là Mahomet, Môhamet, Môhammet hay Mohammed) – biểu tượng thiêng liêng của người Hồi giáo. Việc vẽ (chưa nói đến vẽ biếm họa) Nhà tiên tri đã được coi là một sự xúc phạm và là một sự cấm kỵ đặc biệt trong Hồi giáo. Chính vì vậy, trong cuộc tấn công, những tay súng đã hét lên rằng “Allahu Akbar” (Chúa là tối cao) và “the Prophet is avenged” (Nhà tiên tri đã được báo thù)[9].
Báo Charlie Hebdo không chỉ một lần thực hiện việc châm biếm Nhà tiên tri Muhammad. Đầu tiên, vào năm 2006, Báo đã cho đăng lại 12 bức biếm họa Nhà tiên tri Muhammad gây tranh cãi của báo Jyllands-Posten (Đan Mạch) và đã bị khởi kiện (năm 2007) bởi Hiệp hội những tổ chức Hồi giáo tại Pháp cũng như Liên hiệp Hồi giáo thế giới (song các đơn kiện này đã bị tòa án Pháp bác bỏ). Năm 2011, Báo Charlie Hebdo lại phát hành số đặc biệt mang tên Charia Hebdo để châm biếm chiến thắng của Đảng Phục hưng (theo Hồi giáo) ở Tunisia, dẫn đến việc Tòa soạn báo bị ném bom xăng thiêu rụi. Mặc dù vậy, tháng 1/2013, Charlie Hebdo lại phát hành một số báo mang tên La Vie de Mahomet (Cuộc đời của Mahomet) trong đó miêu tả bằng tranh theo cách thức châm biếm cuộc đời của Nhà tiên tri, khiến cho Tổng biên tập báo bị Tổ chức Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đưa vào danh sách 11 nhân vật phương Tây “bị săn lùng, sống hay đã chết, vì tội ác chống lại Hồi giáo”. Ngay trong ngày diễn ra thảm kịch (7/1/2015), Tờ báo (số 1117) đã đưa trên trang bìa hình vẽ nhà văn Michel Houellebecq cùng cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông đề cập tới một nước Pháp Hồi giáo lúc giao thời và một bức tranh khác với tiêu đề “Toujours pas d’attentats en France” (Vẫn chưa có vụ tấn công nào ở Pháp) trong đó vẽ hình một người Hồi giáo đứng nói “Attendez! On a jusqu’à la fin janvier pour présenter ses vœux…” (Hãy cứ chờ xem! Ta còn cả tháng Một để đưa ra lời nguyện [đầu năm]…)[10].
Những sự việc nêu trên đã gây ra hai luồng quan điểm trái chiều, không chỉ trong phạm vi nước Pháp, mà còn diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới, một bên ủng hộ và bên kia phản đối hành động của báo này. Ở nước Pháp, công luận chia thành hai phe: Je suis Charlie (phe ủng hộ tự do ngôn luận kiểu có thể làm những việc như Báo Charlie Hebdo, lấy khẩu hiệu Tôi là Charlie mà người biểu tình giương lên sau vụ thảm sát) và Je ne suis pas Charlie (phe không ủng hộ tự do ngôn luận kiểu có thể làm những việc như báo Charlie Hebdo, sử dụng khẩu hiệu Tôi không phải là Charlie để nhại lại theo một cách thức phản đối khẩu hiệu Tôi là Charlie).
Bỏ qua các yếu tố chính trị, chủ nghĩa khủng bố, truyền thống văn hóa, hay lịch sử di dân của người Hồi giáo (ở châu Âu),… chúng tôi tập trung phân tích vụ việc dưới góc độ của luật nhân quyền quốc tế, để xem liệu hành động của báo Charlie Hebdo có phù hợp hay không; và qua đó đưa ra quan điểm nhận định về xu hướng tiếp diễn của vụ việc này.
Như đã trình bày, tự do biểu đạt có nội dung rất rộng, có thể bao gồm những biểu đạt “được xem là gây xúc phạm”, biểu đạt “thiếu tôn trọng một tôn giáo hay một hệ thống tín ngưỡng”. Như vậy, theo luật nhân quyền quốc tế, hành động của báo Charlie Hebdo có thể được cho phép; và “những người ủng hộ” hành động của báo Charlie Hebdo cũng bởi họ cho rằng đó là để bảo vệ “QTDBĐ” và “quyền tự do tôn giáo”. Ông Gerard Biard, Tổng biên tập báo Charlie Hebdo giải thích rằng, “những tranh biếm họa do họ vẽ là để bảo vệ tự do tôn giáo”. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng khẳng định quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận[11].
Ngược lại, “những người phản đối” hành động của Báo Charlie Hebdo cho rằng, “có những nguyên tắc của tự do biểu đạt mà không nên bị hủy hoại”, và đặt câu hỏi liệu hành động báng bổ Nhà tiên tri của báo này thực sự là “một điều cảm tính hay khôn ngoan khi đổ thêm dầu vào lửa?”[12]. Đức Giáo hoàng Francis một mặt lên án vụ tấn công thảm sát, mặt khác cũng cho rằng, “tự do ngôn luận cũng có giới hạn, nhất là khi nó xúc phạm, chế giễu đức tin của người khác”[13]. Ngoài ra, trong vụ kiện năm 2007, bên luật sư của Nhà thờ Hồi giáo cho rằng, những bức hình biếm họa gây liên tưởng giữa người Hồi giáo và những kẻ khủng bố Hồi giáo; và đó là một sự phân biệt chủng tộc[14].
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào ngày 18/1/2015 tại Pháp cho thấy, có đến 42% số người được hỏi cho rằng các bức tranh châm biếm là xúc phạm tới người Hồi giáo, và không nên được xuất bản công khai; 51% đồng tình với ý kiến “nên hạn chế tự do ngôn luận trực tuyến và trên mạng xã hội”; và 57% cho rằng, việc phản đối các bức tranh biếm họa không ngăn được việc xuất bản chúng[15].
Quan điểm của chúng tôi nghiêng về luồng quan điểm thứ hai, cho rằng hành động của báo Charlie Hebdo đã vượt quá giới hạn của QTDBĐ, bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, mặc dù luật nhân quyền quốc tế có thể cho phép những biểu đạt mang tính xúc phạm, nhưng nó được hiểu là đối với một nhân vật của công chúng (gồm cả những người nắm giữ quyền lực chính trị cao nhất)[16]; và những người ủng hộ cho rằng, họ đang bảo vệ “QTDBĐ” và “quyền tự do tôn giáo”. Tuy nhiên, theo chúng tôi, có lẽ “những người ủng hộ” đang không tôn trọng quyền con người của những người Hồi giáo và có sự phân biệt đối xử đối với họ (về tôn giáo), bởi hình biếm họa Nhà tiên tri Muhammad mang quả bom trong chiếc khăn đội đầu của mình lại dễ làm người khác liên tưởng những người Hồi giáo với những kẻ khủng bố (như quan điểm của luật sư nêu trên)[17].
Tự do biểu đạt của báo Charlie Hebdo và “những người ủng hộ” ở đây đã không làm rõ được ranh giới giữa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Chính điều này đã làm vấn đề hiện nay càng trở nên căng thẳng, nó không khác gì hành động “đổ thêm dầu vào lửa”. Không một người Hồi giáo chân chính nào ủng hộ chủ nghĩa khủng bố; và Hồi giáo, cũng giống như những tôn giáo lớn khác, bên cạnh những điểm hạn chế lịch sử, đều chứa đựng những tư tưởng sâu sắc về quyền con người.
Thứ hai, hành động của báo Charlie Hebdo gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự công cộng, thậm chí là cả an ninh quốc gia. Bằng chứng là thời gian qua, các cuộc biểu tình bạo lực đã diễn ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại cả về người và tài sản[18]; an ninh ở nhiều nước châu Âu được đặt trong tình trạng báo động; công chúng thì sống trong lo sợ vì khủng bố có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào[19]. Có lẽ, khi thực hiện việc biếm họa Nhà tiên tri Muhammad, họ không hình dung ra được viễn cảnh này. Năm 2012, Tổng biên tập báo này còn nói rằng: “Một bức vẽ thì chẳng thể nào giết được ai” (A drawing has never killed anyone)[20].Còn tình hình thực tế lại cho thấy điều ngược lại, và đang có chiều hướng xấu đi.
Thứ ba, hành động của báo Charlie Hebdo gây ảnh hưởng tới đạo đức công chúng. Bởi, những người Hồi giáo bị đánh đồng với chủ nghĩa khủng bố, do đó, họ nhận được thái độ thù địch, sự phân biệt đối xử từ phía những người khác (ở một số quốc gia phương Tây mà họ đang sinh sống)[21]; những giá trị đạo đức cơ bản của cộng đồng người Hồi giáo đang không được tôn trọng.
Thứ tư, mặc dù Tổng biên tập của báo Charlie Hebdo nói rằng, việc vẽ tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad của họ không mang tính chính trị[22], nhưng theo chúng tôi, hành động của báo này (có lẽ) vô tình lại trở thành một hình thức tuyên truyền cho chiến tranh (cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hiện nay); và gây thù hằn dân tộc, tôn giáo để kích động sự thù địch, bạo lực.
Như vậy, những phân tích trên cho thấy, tự do biểu đạt (hay tự do ngôn luận) của báo Charlie Hebdo và “những người ủng hộ” đã vượt quá giới hạn và cần phải chịu các hạn chế theo luật nhân quyền quốc tế. Các hạn chế này đáng lẽ cần được đặt ra ngay từ khi vụ kiện năm 2007; và nếu điều này được thực hiện, có lẽ nước Pháp nói riêng và một số nước ở châu Âu nói chung sẽ không phải ở trong tình trạng như hiện nay[23]. Mặc dầu vậy, khả năng để đặt ra ngay các hạn chế là rất thấp, khi Tổng thống Pháp tuyên bố khẳng định sẽ quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận; còn báo Charlie Hebdo tiếp tục nhận được những khoản tài trợ lớn và dự kiến tăng thêm số lượng ấn bản[24]. Có lẽ, nút thắt quan trọng hiện nay là cần làm rõ ranh giới mong manh giữa Hồi giáo và chủ nghĩa khủng bố cực đoan, mà việc đầu tiên đó là hạn chế những hành động như báo Charlie Hebdo – những hành động giống như “đổ thêm dầu vào lửa” và vượt quá giới hạn của tự do biểu đạt.
3. Một số nhận xét
Qua những phân tích ở trên, có thể thấy tự do biểu đạt là một trong những quyền con người rất quan trọng, cấu thành nên một trong các “trụ cột của một xã hội dân chủ”. Do đó, quyền này cần phải được tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, tự do cũng có giới hạn của nó. Theo luật nhân quyền quốc tế, nếu như “tự do tư tưởng, quan điểm” là một quyền tuyệt đối, không phải chịu bất kỳ sự can thiệp nào; thì “tự do biểu đạt” lại phải đi “kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt”, đó là: tôn trọng quyền của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức công chúng; và không tuyên truyền cho chiến tranh, kích động thù địch, bạo lực… Cùng với đó, các quốc gia phải có nghĩa vụ và trách nhiệm áp dụng các hạn chế đối với QTDBĐ khi có những biểu hiện này.
Nếu đối chiếu những điều nêu trên với hệ quả và những gì đang và có thể sẽ diễn ra bởi hành động của báo Charlie Hebdo thì tự do biểu đạt của báo này cùng “những người ủng hộ” đã vượt quá giới hạn. Pháp cần ngăn cấm việc xuất bản của báo này bởi việc làm của họ là sai; và cần hạn chế những cuộc biểu tình chống Hồi giáo. Những hành động như vậy hiện nay chỉ càng gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình.
Vụ Charlie Hebdo đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tiếp tục tranh luận và sửa đổi pháp luật về tự do biểu đạt không chỉ ở nước Pháp mà còn ở các nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta hiện chưa có sự phân biệt rõ ràng về “tự do tư tưởng, quan điểm” và “tự do biểu đạt”, cũng như chưa xác định được chính xác phạm vi nội hàm của các quyền tự do này, vì vậy đôi khi dẫn đến sự kỳ thị, quy kết, thậm chí có những hành động đối xử không phù hợp với những người có quan điểm khác biệt nhưng ôn hòa, trong khi lại chưa có quy định hay biện pháp hiệu quả để kiềm chế, xử lý những phát ngôn hay hành động sai trái, cực đoan, vượt quá giới hạn hoặc vi phạm QTDBĐ. Đây là một trong những vấn đề quan trọng cần được giải quyết để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền như định hướng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và trong Hiến pháp năm 2013.
———————————-
Chú thích:
[1] Quyền này tiếp đó được Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee – HRC) giải thích chi tiết thêm trong Bình luận chung số 34 năm 2011 (thay thế cho Bình luận chung số 10 được HRC thông qua năm 1983). Ngoài ra, cộng đồng quốc tế cũng thông qua hai văn kiện liên quan đến quyền này, đó là: (i) Các nguyên tắc Siracusa về giới hạn và đình chỉ các điều khoản trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, 1984); và (ii) Các nguyên tắc Johannesburg về an ninh quốc gia, tự do biểu đạt và tiếp cận thông tin (The Johannesburg Principles on National Security, Freedom of Expression and Access to Information, 1995).
[2] Đoạn 11, 12 Bình luận chung số 34, có thể xem tại: http://www2.ohchr.org/english/bodies/hrc/docs/GC34.pdf.
[3] Đoạn 28 Bình luận chung số 34; Đoạn 35, 36 Các nguyên tắc Siracusa.
[4] Đoạn 29 Các nguyên tắc Siracusa.
[5] Đoạn 30 Bình luận chung số 34.
[6] Đoạn 22 Các nguyên tắc Siracusa.
[7] Đoạn 27 Các nguyên tắc Siracusa.
[8] Đoạn 48 Bình luận chung số 34.
[9] Xem: http://www.thetimes.co.uk/tto/news/world/europe/article4316408.ece; http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_t%E1%BA%A5n_c%C3%B4ng_Charlie_Hebdo.
[10] Xem: http://www.iol.co.za/news/world/cartoon-row-goes-to-french-court-1.313615
[11] Xem: http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20150118/tap-chi-charlie-hebdo-khang-dinh-bao-ve-tu-do-ton-giao/700368.html
[12] Xem: http://www.nytimes.com/2012/09/20/world/europe/french-magazine-publishes-cartoons-mocking-muhammad.html?_r=0
[13] Xem: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/giao-hoang-francis-tu-do-ngon-luan-cung-co-gioi-han-3134478.html
[14] Xem: http://www.iol.co.za/news/world/cartoon-row-goes-to-french-court-1.313615
[15] Xem: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/gan-nua-so-nguoi-phap-phan-doi-dang-biem-hoa-mohammed-3135485.html
[16] Đoạn 38 Bình luận chung số 34.
[17] Xem: http://www.iol.co.za/news/world/cartoon-row-goes-to-french-court-1.313615
[18] Xem: http://dantri.com.vn/the-gioi/lan-song-phan-doi-charlie-hebdo-bung-phat-o-nhieu-noi-1021103.htm
[19] Xem: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/735070/chau-au-bao-dong-cao-ve-nguy-co-khung-bo
[20] Xem: http://www.spiegel.de/international/europe/charlie-hebdo-editor-in-chief-on-muhammad-cartoons-a-856891.html
[21] Xem: http://dantri.com.vn/the-gioi/chau-au-va-van-de-hoi-giao-1021135.htm
[22] Xem: http://www.doisongphapluat.com/the-gioi/the-gioi-24h/tbt-charlie-hebdo-len-tieng-ve-tranh-biem-hoa-nha-tien-tri-mohammed-a79758.html
[23] Xem: http://www.doisongphapluat.com/the-gioi/binh-luan/chau-au-bao-dong-do-truoc-nguy-co-khung-bo-a79678.html
[24] Xem: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nhieu-to-chuc-quyen-tien-giup-tap-chi-charlie-hebdo-3131350.html
Theo LAPPHAP.VN
Tags: Nhân quyền, Charlie Hebdo, Luật pháp, Dân chủ, Luật pháp quốc tế