Giáo dục ý thức thẩm mỹ: Liều thuốc trị bệnh vô cảm của người Việt

Cuộc đua tranh làm giàu bằng mọi giá có thể dẫn đến sự tàn nhẫn vô sỉ trong tính toán, nghèo nàn, đơn điệu về nội tâm, trống rỗng về tâm hồn, phá hủy những giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa thẩm mỹ.

Bài viết của Th.S Phạm Thị Tuân, trường chính trị Nghệ An.

Ý thức thẩm mỹ là một trong những hình thái ý thức xã hội, có quan hệ biện chứng khăng khít với ý thức đạo đức. Sự hình thành ý thức đạo đức sẽ bị chi phối, tác động bởi ý thức thẩm mỹ. Trong đó những lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp trở thành nhân tố tích cực trong phát triển con người mới. Nói một cách khác hơn, ý thức thẩm mỹ có sự tác động sâu xa đến tất cả các thuộc tính của nhân cách: Cả khí chất, năng lực, xu hướng và tính toán, góp phần tạo nên một nhân cách phát triển cho mỗi cá nhân với những đặc trưng vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện nay vừa hướng tới việc hình thành con nguời mới xã hội chủ nghĩa.

Ý thức thẩm mỹ là sự phản ánh hiện thực vào ý thức con người trong quan hệ với nhu cầu thưởng thức và sáng tạo cái đẹp. Trong các hình thức hoạt động thưởng thức và sáng tạo cái đẹp thì nghệ thuật là hình thức biểu hiện cao nhất của ý thức thẩm mỹ. Như vậy ý thức thẩm mỹ chính là năng lực cảm nhận của con nguời về cái đep, song cái đẹp ở đây là cái đẹp gắn liền với hiện thực, với cuộc sống của con người. Giáo dục thẩm mỹ là sự giáo dục và tự giáo dục, phát huy mọi năng lực bản chất người theo quy luật của cái đẹp. Chính vì vậy, giáo dục thẩm mỹ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của con nguời, nó góp phần định hướng cho đạo đức, nhân cách của chính cá nhân đó trong xã hội.

Trong quá trình đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, con người Việt Nam từng buớc được năng động hóa. Bản thân mỗi cá nhân tự điều chỉnh mình để thích hợp với cơ chế mới, đã kích thích sự năng động tích cực của mỗi cá nhân, tạo ra một động thái xã hội mang tính sáng tạo. Tuy nhiên trong quá trình điều chỉnh ấy, có khi lại thái quá, dẫn đến cuộc đua tranh làm giàu bằng mọi giá có thể dẫn đến sự tàn nhẫn vô sỉ trong tính toán, nghèo nàn, đơn điệu về nội tâm, trống rỗng về tâm hồn, phá hủy những giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa thẩm mỹ. Ở một số bộ phận, hiện nay có những nguời hướng vào những lợi ích cá nhân thực dụng, thờ ơ với lý tưởng chính trị – xã hội. Trong nhu cầu và thị hiếu, đã xuất hiện tâm lý của xã hội tiêu thụ… Thêm vào đó, có rất nhiều thanh niên quên đi những cái đẹp chân chính trong nghệ thuật, trong giá trị đạo đức truyền thống để tiếp thu cái gọi là “văn hóa ngoại lai”, “thẩm mỹ nước ngoài” để tạo thành thị hiếu cho bản thân. Ở họ, “cái đẹp” ở đây chính là ăn mặc hớ hênh, ăn nói “có gu”, sống chỉ biết mình, thờ ơ, vô cảm trước mọi vấn đề của xã hội… Nền đạo đức cũng vì thế mà xuống cấp trầm trọng, tồn tại ở trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Trong quá trình đó, chúng ta cần coi trọng giáo dục thẩm mỹ, hình thành ở họ tình cảm, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, phù hợp với những giá trị của dân tộc, thúc đẩy họ vươn tới cái đẹp và hành động theo cái đẹp. Tuy nhiên, trong những năm qua công tác giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thị hiếu nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục tình trạng lệch lạc thị hiếu, sai lệch trong năng lực cảm thụ cần phải phát huy tối đa năng lực thẩm mỹ tiềm ẩn trong con người họ, làm cho đời sống của họ thêm đa dạng, phong phú, tạo động lực thúc đẩy họ tích cực tham gia các hoạt động lành mạnh của xã hội. Từ đó hình thành nên nhân cách tốt, con người có ích cho xã hội. Đây là một trong những nhân tố quan trọng trong việc hình thành con người mới – con người xã hội chủ nghĩa.

Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu sự phong phú tinh thần của mỗi người, thiếu sự tham gia tích cực của nhân dân lao động – chủ thể sáng tạo nền văn hóa mới. Chính vì thế, việc xây dựng chiến lược giáo dục thẩm mỹ hướng tới toàn dân là nhiệm vụ cách mạng, cần phải có một chiến lược giáo dục toàn diện, thống nhất, lâu dài.

Giáo dục ý thức thẩm mỹ để nhân cách con người luôn cao đẹp trong mọi sự thay đổi, trong những hoàn cảnh mới là một vấn đề không hề đơn giản. Sự hình thành ý thức thẩm mỹ được giáo dục qua nhiều giai đoạn; từ tuổi ấu thơ cho tới trường đời. Để giáo dục ý thức thẩm mỹ cần kết hợp nhiều hình thức linh hoạt. Công tác giáo dục thẩm mỹ đòi hỏi phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, cả nội dung lẫn hình thức.

Thực hiện được mục tiêu đó, cần phải mở rộng các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thêm nhiều sân chơi, phù hợp với từng địa phương, nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ cho họ.

Cần đặc biệt chú ý giáo dục thẩm mỹ trong gia đình, nâng cao nhận thức cho mỗi thành viên trong gia đình bằng con đường thẩm mỹ. Khuyến khích các bà mẹ trẻ và những phụ nữ trẻ chuẩn bị làm mẹ học hát ru, ru con bằng những làn điệu truyền thống…

Giáo dục thẩm mỹ trong nhà trường được xem là hạt nhân của giáo dục, cần được tổ chức giảng dạy và học tập nghiêm túc. Chú ý trau dồi văn hóa cảm quan cho học sinh thông qua tất cả các môn học… Giáo dục lòng yêu thiên nhiên, con người, quê hương, đất nước.

Trong thực tiễn cuộc sống cần phải nhân rộng những gương điển hình, người tốt việc tốt kết hợp với phương pháp nêu gương để góp phần mở rộng những thị hiếu cao đẹp.

Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, bên cạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chúng ta đã gặp không ít khó khăn vì những văn hóa phẩm độc hại xâm nhập vào nước ta, làm tổn hại đến những giá trị truyền thống. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

Tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh cho công chúng, đồng thời nâng cao trình độ nhận thức và thị hiếu nghệ thuật của công chúng; định hướng tích cực cho công chúng thông qua nghệ thuật, hoạt động phê bình… là những nhiệm vụ quan trọng của văn hóa thẩm mỹ và văn hóa nghệ thuật…

Việc xây dựng và thực hiện chiến lược giáo dục thẩm mỹ toàn dân trong nền kinh tế mới cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương, dưới sự chỉ đạo thống nhất của nhà nước. Cùng với việc giáo dục thẩm mỹ mang tính quy củ, lâu dài, việc giáo dục thẩm mỹ còn cần được thực hiện một cách tự giác qua quá trình tự giáo dục, tích lũy của bản thân mỗi con người thì khi đó nhân cách con người mới có thể phát triển theo chiều hướng tích cực…

Như vậy khi mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường đang làm ảnh hưởng xấu đến những thị hiếu thẩm mỹ tích cực thì văn hóa thẩm mỹ với chức năng trau dồi sự tinh tế, độ nhạy cảm của năng lực cảm xúc, giúp con người tìm được chính mình trong cảm xúc vô tư, trong sáng trước cái đẹp, ngăn ngừa căn bệnh vô cảm về mặt thẩm mỹ thường gặp trong xã hội. Ý thức thẩm mỹ của con người phải trở thành nền tảng tinh thần của xã hội bởi nó đóng vai trò điều tiết và tác động đến việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, hình thành và phát triển ở họ một nhân cách hài hòa trọn vẹn.

Theo TRUONGCHINHTRINA.GOV.VN

Tags: ,