Franz Schubert – cuộc đời như bản dạ khúc dang dở

Nói đến nhạc sĩ thiên tài người Áo Franz Schubert, người ta sẽ nghĩ ngay đến lider – loại ca khúc thơ có đệm đàn piano. Đó là sự phối hợp tuyệt vời giữa thi ca, giai điệu và nhạc đệm.

Franz Schubert – nhạc và đời dang dở

Bên cạnh đó, Schubert cũng để lại cho kho tàng âm nhạc cổ điển 10 bản sonata, 20 bản tứ tấu, 7 bản giao hưởng hoàn chỉnh, 5 vở opera và rất nhiều tác phẩm thánh ca cũng như viết cho dàn nhạc thính phòng và piano. Nhưng thật trớ trêu, vượt lên trên 7 bản giao hưởng hoàn chỉnh kia lại là bản thứ 8, giọng Si thứ, viết năm 1822 và vẫn còn “dang dở” cho tới tận ngày nay chỉ với vỏn vẹn 2 chương đầu. Bệnh tật những năm cuối đời đã ngăn cản Schubert kết thúc tác phẩm của mình, nhưng ông đâu ngờ rằng chính sự dở dang đó đã để lại cho nhân loại những âm hưởng da diết, bất tận. Đây là bản giao hưởng duy nhất trong lịch sử âm nhạc cổ điển chỉ có hai chương nhưng vẫn được trình diễn liên tục ngay sau ngày ra mắt công chúng, cho tới tận hôm nay.

Biết đâu đó chẳng phải là ý muốn riêng của Schubert, ông muốn hậu thế tìm cách phát triển những tư tưởng âm nhạc đứt đoạn đoạn đó bằng chính cảm xúc và chiêm nghiệm của mình. Chỉ đáng tiếc, mọi nỗ lực hoàn thành bản Giao hưởng số 8 hay còn gọi là Giao hưởng dang dở (Unfinished Symphony) đều không thành công, bởi những gì các nhạc sĩ viết ra không thể nào ăn khớp với nguyên tác của Schubert. Chưa ai đủ năng lực nối tiếp nguồn cảm xúc bất tận mà Schubert đã khai mở từ 193 năm trước.

Năm 1815, Hoàng đế nước Pháp Napoleon bị phế truất. Niềm hy vọng về tự do và cách mạng lan rộng khắp châu Âu. Ban ngày, người dân bàn tán về số phận của cựu lục địa, ban đêm khiêu vũ trong các quán rượu, nhà hàng và các lâu đài quý tộc. Chính những nơi này đã sản sinh ra điệu valse (waltz) mà sau này đã được anh em nhà Strauss đã khai thác triệt để và trở thành những kiệt tác bất hủ của nhân loại. Schubert và các nhạc sĩ đương thời cũng hòa vào đám đông đó, và ông thường chơi những bản nhạc của mình trong các dạ hội riêng. Mặc dù các sáng tác của Schubert luôn được ngưỡng mộ nhưng ông lại không thể nổi tiếng, không có tên trong danh sách những nhạc sĩ hàng đầu thành Vienna lúc bấy giờ.

Tài năng tỏa sáng nhưng cuộc sống của Schubert lại quá nhọc nhằn. Đôi khi ông phải viết tới 12 tác phẩm ngắn một ngày chỉ với hi vọng sẽ kiếm được một khoản kha khá của các nhà xuất bản âm nhạc mà quên rằng họ còn chưa in hết hàng chục tác phẩm khác vừa hoàn thành trước đó một tháng. Có thể nói nguồn sáng tạo trong con người Schubert là bất tận, đặc biệt tuôn trào mạnh mẽ vào những năm cuối cuộc đời. Ngay cả những bản nhạc 4 chương có cấu trúc phức tạp cũng không tiêu tốn của ông bao nhiêu thời gian. Sáng tác với Schubert dường như chỉ là một cuộc dạo chơi nhàn nhã…

Trong cơn tuyệt vọng, Franz Schubert đã gửi các bản lider của mình cho đại thi hào người Đức Goethe nhưng chúng đã bị bỏ qua một cách đáng tiếc. Không chỉ vậy, ông còn bị bạc đãi đến cùng cực khi phải nhận những đồng thù lao rẻ mạt: 15 franc cho 6 bản lider trong số 24 bản của tập Hành trình mùa đông (Winter Journey). Nhưng Schubert vẫn miệt mài sáng tác. Các tác phẩm của ông thấm đượm nỗi u buồn và ca ngợi sự chịu đựng phi thường của con người trước số phận bất hạnh. Trong bản Tứ tấu cung Rê thứ viết cho đàn dây số 14, Schubert đã đưa vào chương Adante một loạt 5 biến tấu theo chủ đề của bản lider Cô gái và thần chết (Death And The Maiden) và đây cũng là một tên gọi khác của bản nhạc rất nổi tiếng này. Cũng như hầu hết tác phẩm của mình, Tứ tấu đàn dây số 14 buồn bã, bi thương nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên trong trẻo đầy tinh tế, chan chứa tình yêu cuộc sống bất chấp cái chết đã cận kề.

Nhưng với nhiều người, cái tên Franz Schubert chắc chắn phải gắn với bản dạ khúc – Serenade – một sáng tác ông muốn dành tặng cho người con gái thầm thương trộm nhớ đã lâu. Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ một bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến. Và trớ trêu nhất là cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.

Cho đến nay, Serenade thường được chơi dưới dạng chuyển soạn cho dàn nhạc hoặc piano độc tấu cùng dàn nhạc chứ ít được hát, nhưng nét giai điệu đẹp đẽ, lãng mạn và dịu ngọt như ánh hoàng hôn thì vẫn chinh phục được trái tim của hàng triệu người nghe. Ở Việt Nam, Serenade là một trong vài bản nhạc cổ điển hiếm hoi được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt và những ca sĩ hát Dạ khúc thành công nhất chính là Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Ngọc Lan, Khánh Hà…

Vào một ngày mùa đông tháng 11/1828, Franz Schubert giã từ cuộc đời ở tuổi 32 do bệnh thủy đậu ở ngoại ô thành Vienna. Mới một năm trước thôi, chính ông còn cầm nến đưa “đàn anh” L.V. Beethoven ra nghĩa trang và khi về ngang quán rượu đã nâng ly rồi nói, “một ai đó sẽ đến lượt và đi theo bước chân của Beethoven”. Không thể ngờ câu nói đó đã vận vào chính Schubert. Số tài sản sau khi mất của nhạc sĩ thiên tài chỉ vẻn vẹn chút tiền lẻ và tập bản thảo viết tay dầy cộp. Phải chờ đến 43 năm sau, Giao hưởng số 8 mới được công diễn lần đầu và ngay lập tức nhận được sự yêu thích nồng nhiệt của công chúng. Không ít người, kể cả nhiều học giả và nhà phê bình âm nhạc đều có chung một nhận định, rằng bản giao hưởng này thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ về tính nhất quán và sự hoàn chỉnh, cho nên, 2 chương chính là con số vừa vặn để thể hiện được hết sức lôi cuốn của nó. Có lẽ đây cũng là lời giải thích xác đáng nhất cho những thất bại triệt để trong việc “hoàn thiện” bản giao hưởng này của các nhạc sĩ đời sau…

Kể từ thời J.S. Bach, W.A. Mozart, L.V. Beethoven, chưa một nhạc sĩ nào có được trực giác linh cảm kỳ lạ về giai điệu như Franz Schubert. Năm 1815, ông đã viết bản lider đầu tiên, kể về một cậu bé bị gã quỉ quái lôi kéo khỏi thế giới bình yên và trìu mến. Trong suốt 15 năm làm thầy giáo theo nghề của cha, Franz Schubert nghĩ tới âm nhạc nhiều hơn là việc dạy học bằng cái đầu của một thiên tài và trái tim nóng bỏng, luôn khao khát việc dâng hiến cái đẹp cho cuộc đời…
.

Theo MINH ANH / NGHE NHÌN VIỆT NAM

Tags: , ,