Đừng đổ lỗi cho con cháu chúng ta

Xin đừng đổ lỗi cho cháu con bởi làm sao chúng có thể thành thật được trong một xã hội mà sự dối trá tràn lan, nói một đằng, làm một nẻo? Làm sao chúng không hung đồ khi người lớn, thậm chí là quan chức cấp lãnh đạo sở còn hành xử như lũ côn đồ?

Đừng đổ lỗi cho con cháu chúng ta

Không ít người còn đặt câu hỏi vì sao giờ đây tình trạng bạo hành ở thế hệ trẻ lại xảy ra nhiều và với hình thức mang tính côn đồ đến thế? Rồi câu trả lời cuối cùng thường qui về cho ngành giáo dục.
Thế nhưng đã bao giờ mỗi chúng ta tự vấn chính mình rằng chúng ta, những người lớn có lỗi trong chuyện này?

Tất nhiên lỗi lớn nhất, trực tiếp nhất ở đây là ngành giáo dục nhưng chả lẽ chúng ta lại “vô can”?

Không! Người xưa có câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người sinh ra vốn lương thiện như tờ giấy trắng. Vậy ai đã làm “vấy bẩn” tờ giấy trắng này?

Nói trắng ra, chúng ta đang có lỗi, và thậm chí có tội với con cháu bởi chúng ta chưa xây dựng được một xã hội tốt đẹp như mong muốn.

Xin đừng đổ lỗi cho cháu con bởi làm sao chúng có thể thành thật được trong một xã hội mà sự dối trá tràn lan, nói một đằng, làm một nẻo?

Làm sao chúng không hung đồ khi người lớn, thậm chí là quan chức cấp lãnh đạo sở còn hành xử như lũ côn đồ, cầm ly bia choảng nhau đến sửt đầu, mẻ trán?

Chúng tử tế làm sao khi có cả những công chức nhậu say về nhà đánh vợ đến tử vong?

Chúng ngoan ngoãn sao được khi không hiếm những gia đình vợ chồng đánh chửi nhau như phường giang hồ, trộm cướp?

Chúng trung thực làm sao được khi nạn tham ô, tham nhũng đến mức “người ta ăn của dân không từ một thứ gì” như lời của bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan?

Chúng tử tế sao được khi có nơi các thầy, các cô trong trường cũng không từ một thủ đoạn nào để triệt hạ lẫn nhau?

Chúng lương thiện sao được khi có những cuốn sách đăng cả chuyện người mẹ uống nước trong chiếc sọ người?

Chúng không hung đồ sao được khi phim ảnh và các trò chơi ngập tràn sự chém giết?…

Đành rằng người tốt còn nhiều và rất nhiều nhưng cái xấu, cái ác cũng không hề ít.

Hãy nhớ rằng chúng chính là sản phẩm của chúng ta, là đứa con chúng ta đẻ ra, là cái cây chúng ta gieo trồng, chăm bón và chúng cũng chính là tấm gương phản chiếu thực trạng của đời sống xã hội.

Khi sự việc xảy ra, chúng ta yêu cầu kỉ luật thật nặng.

Nhưng đuổi học chúng ư? Đó chỉ là sự bất lực.

Kỉ luật thầy cô ư? Đó chỉ là xử lý cái ngọn.

Điều gốc gác ở đây là chúng ta phải và dứt khoát phải xây dựng bằng được một xã hội nhân ái, nhân văn, “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” như lời trong một bài hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Không có chỗ nào có thể “sạch” trong một căn nhà “nhếch nhác”.

Theo DÂN TRÍ

Tags: , ,