Di sản bất diệt của nền điện ảnh Liên Xô

Tuyên truyền hay không tuyên truyền cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, dù dưới hình thức nào, những phim đỉnh cao thời điện ảnh Xô Viết tồn tại đến ngày nay là do những giá trị về nội dung, tình cảm, lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật và sáng tạo kỹ thuật đã có những ảnh hưởng lớn đến điện ảnh thế giới, đặc biệt là điện ảnh Việt Nam.

Phần lớn khán giả nhầm lẫn giữa điện ảnh Nga và điện ảnh Liên Xô.

Nhiều người trách cứ chế độ lịch sử thời đó không để cho các nhà làm phim được tự do phát triển ý tưởng của mình mà phải làm theo thế giới quan của nhà nước, nếu không bị kìm hãm, điện ảnh Liên Xô còn rực rỡ hơn nhiều…

Nhiều người trẻ nói phim Liên Xô, phim cổ lỗ sĩ…

Tuy nhiên, nhiều khán giả, chủ yếu là khán giả của các nước xã hội chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa cũ vẫn thương nhớ điện ảnh thời Xô Viết, một khảo sát cho thấy người dân Nga hiện nay vẫn ưa chuộng phim thời Xô Viết hơn phim Nga hiện nay (theo số liệu của Trung tâm dư luận xã hội toàn Nga). Người Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt thân thiết đối với người dân và văn hóa Liên Xô những năm 50 – 90. Được cử đi học ở Liên Xô là một niềm vinh dự, nói tiếng Nga là niềm tự hào lớn, sở hữu một chiếc quạt hay chiếc tủ lạnh Liên Xô (những thứ mà bây giờ là đồ phế liệu hoặc, sắp trở thành đồ cổ quý hiếm) được coi là ‘nhà giàu’, được xem phim Liên Xô là cả một niềm cảm động lớn.

Truyền bá thông tin

Nền điện ảnh Liên Xô chỉ được chính thức bắt đầu khi đế chế Sa Hoàng sụp đổ và cùng đó là sự thành lập của Liên Bang Xô Viết. Nhận ra tầm quan trọng và tính phổ biến cũng như khả năng ảnh hưởng của điện ảnh đối với số lượng lớn quần chúng, điện ảnh được coi là phương tiện truyền bá thông tin về chủ nghĩa xã hội. Phim có khả năng truyền bá thông tin rất trực tiếp mà ít có môn nghệ thuật nào sánh được. Do điện ảnh là ‘tạo nên một thế giới không thật mà giống như thật’ (theo đạo diễn Aikira Kurosawa) thêm vào đó là về yếu tố tâm lý, hình ảnh và âm thanh luôn có ảnh hưởng trực tiếp và nhanh nhất tới người xem so với lời thoại hay chữ viết..

Chiến hạm Potempkin, (Sergei Einsenstein, 1925) là một phim câm được sản xuất từ những năm đầu của điện ảnh Xô Viết và cho đến nay, đây vẫn được coi là bộ phim bậc thầy của điện ảnh thế giới về thời điểm lịch sử, tính biểu tượng và biểu cảm của các chi tiết hình ảnh, nhất là trường đoạn dựng montage với đám đông người tiến bước trên những bậc thang của quảng trường… Dù với khả năng, kỹ thuật và công nghệ ngày nay, khó có đạo diễn nào có thể tái tạo một không khí vừa hào hùng, vừa đau thương đến thế.

Có ý kiến cho rằng, đây đúng là phim ‘tuyên truyền về sự tàn bạo của Sa Hoàng’ và là sự xuất hiện của xã hội chủ nghĩa là ‘cứu cánh của người dân’. Nếu suy xét hoàn cảnh thời đại, đúng là như vậy, song, đó là thời điểm chuyển hướng của lịch sử, lòng người tìm thấy niềm tin ở xã hội chủ nghĩa, hy vọng sẽ thoát khỏi một chế độ tàn trị để có một cuộc sống lý tưởng, công minh. Một bộ phim được sản xuất với kỹ thuật lạc hậu mà tồn tại được trong suốt gần một thế kỷ không thể là do vẻ hào nhoáng của nó, mà do những chân giá trị nó đem lại, và người nghệ sĩ chỉ có thể thuyết phục được người xem khi anh ta thực sự đặt niềm tin vào sản phẩm tinh thần của mình.

Kỷ niệm

Nhiều người chỉ trích rằng, điện ảnh Cách mạng (cả ở Liên Xô và Việt Nam), chỉ được thực hiện sau khi đã qua sự kiểm duyệt rất chặt chẽ về nội dung. Tuy nhiên, ở Liên Xô, sau khi Stalin qua đời, đã có sự thông thoáng hơn về nội dung phim, bên cạnh đó nhu cầu của khán giả cũng thay đổi. Họ muốn được xem, nghe và biết về những câu chuyện như những gì họ đang và đã trải qua, về những mất mát của đời thực, không còn là những bản anh hùng ca của chiến thắng vĩnh cửu.

Năm 1957, bộ phim Khi đàn sếu bay qua đoạt giải Cành Cọ Vàng liên hoan phim Cannes. Không gian và bối cảnh phim khá hẹp, chỉ xoay quanh chuyện gia đình Boris và người yêu anh Veronika trong cuộc Thế chiến II. Tuy nhiên, tình yêu và nỗi đau được khai thác rất thật, rất gần với cuộc sống đời thường làm cảm động hang triệu người dân Liên Xô cũng như Việt Nam.

Còn nhớ những buổi sáng chủ nhật đầu những năm 90, khoảng 9 giờ là suất chiếu những phim Liên Xô cũ, một lần tình cờ tôi ngồi xem Khi Đàn Sếu Bay Qua, và khóc khi Veronika chạy giữa dòng người đông đúc đón những người lính trở về, kẻ khóc người cười, đủ mọi tâm trạng buồn, vui, mất mát. Lúc đó tôi khoảng 7 tuổi. Không hiểu rõ truyện phim, nhưng sức mạnh của hình ảnh, âm nhạc cùng với diễn xuất của Tatanya Samoilova khiến tôi nước mắt ròng ròng. Còn lại ấn tượng đến giờ là căn nhà bị đánh bom với tiếng piano, và cảnh cuối, khi đàn sếu bay qua trên bầu trời.

Hàng loạt những phim khác của Liên Xô thời bấy giờ đã liên tiếp chiếm được các giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế và khiến người xem nhớ mãi. Phim Bài ca người lính (đạo diễn Grigori Chukkhrai) đoạt giải BAFTA năm 1961, giải đặc biệt của ban giám khảo Liên hoan phim Cannes, đề cử giải Oscar cho kịch bản hay nhất và đề cử giải Cành cọ vàng cho phim hay nhất. Hay như phim Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân là phim truyền hình dài tập, sau khi phim được công chiếu, rất nhiều câu thoại trong phim được khán giả sử dụng trong đời thường. Phim cũng đặc biệt thành công ở phần âm nhạc, nhất là với bài hát Khoảnh khắc này không phải là vô nghĩa.

Đến thập niên 80, phim Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt đoạt giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất. Có rất nhiều những ý kiến trái ngược nhau về phim, những người trẻ cho rằng, đây là phim ‘tình cảm sến’ nhất của Liên Xô, lứa lớn tuổi hơn một chút thì nghĩ đây là bộ phim tình yêu đẹp nhất và ý nghĩa nhất họ từng xem…

Xét từ khía cạnh lịch sử, từ cuối những năm 70, đầu 80, các dự đoán về sự sụp đổ của ‘chế độ xã hội chủ nghĩa’ tại Liên Xô đã được đưa ra và có những dấu hiệu khá rõ ràng. Khi đã có những nghi ngờ về chế độ xã hội ‘lý tưởng’ này từ phía người dân Liên Xô, thì một bộ phim tình cảm lãng mạn như Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt là đúng lúc. Phim là lời trấn an, động viên người dân. Đây là trích đoạn lời bài hát trong phim: ‘Còn điều gì Matxcơva

chưa từng thấy/ Matxcơva chẳng dấu nỗi thương đau/Nhưng bất hạnh, lo âu, tất thảy/Trước Matxcơva đã phải cúi đầu.’

Chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô sụp đổ sau đó mười năm.

Trong cuốn sách viết về Sức mạnh của Phim, nhà sản xuất phim Micheal Wiese viết: ‘Một số phim đang được phát hành rộng rãi hiện nay có diễn xuất tốt; số khác có đạo diễn giỏi, kỹ xảo đặc biệt hoặc các cảnh hành động tuyệt vời. Rồi nào là những chuyển động tinh xảo của camera, kỹ thuật dựng phim, ánh sáng, âm nhạc, trang phục hay thiết kế bối cảnh đẹp. Nhưng cảm xúc là tâm điểm của tất cả những phim nổi tiếng và đáng nhớ… Khi cảm xúc của những nhà làm phim, cảm xúc của nhân vật, và cảm xúc của khán giả cùng hòa làm một, đó là dấu hiệu của sự vĩ đại.’

Tuyên truyền hay không tuyên truyền cho cách mạng xã hội chủ nghĩa, dù dưới hình thức nào, những phim đỉnh cao thời điện ảnh Xô Viết tồn tại đến ngày nay là do những giá trị về nội dung, tình cảm, lịch sử cũng như giá trị nghệ thuật và sáng tạo kỹ thuật đã có những ảnh hưởng lớn đến điện ảnh thế giới, đặc biệt là điện ảnh Việt Nam.

S.T

Tags: , ,