⠀
Để phát triển, việt Nam cần thích ứng với hoàn cảnh mới của thế giới
“Mở cửa, đi theo kinh tế thị trường, Việt Nam mới có điều kiện hội nhập kinh tế thế giới. Nếu không hội nhập với thế giới, liệu chúng ta có thể chơi với ai và sẽ phát triển thế nào đây?!” – TS. Trần Đình Thiên nói.
Phỏng vấn TS. Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Nền tảng kinh tế thị trường còn yếu
– Thưa ông, ngày nay nhiều lãnh đạo nhắc đến từ “cơ đồ” để khẳng định vị thế của đất nước. Là chuyên gia kinh tế gắn với quá trình phát triển dài, ông hẳn đồng tình với nhận định này?
– TS. Trần Đình Thiên: Ngày nay, chúng ta đã xây dựng đất nước “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng loạt chỉ số phát triển như GDP đầu người, xuất nhập khẩu, tỷ lệ đô thị hóa, thành tích xóa đói giảm nghèo… đều tăng trưởng vượt bậc và chưa từng có trong lịch sử mấy nghìn năm của đất nước. Nhà cửa, cầu đường, sân bay, bến cảng đều đàng hoàng hơn.
Với 16 FTAs, chúng ta đã mở cửa hội nhập quốc tế ở mức độ mà ít quốc gia trên thế giới có được. Cho đến nay, hầu như tất cả các nền kinh tế lớn, các cường quốc trên thế giới đều là đối tác chiến lược của Việt Nam.
Giờ đây, chúng ta đã đi cùng thế giới văn minh hơn, với tư thế ngày càng đĩnh đạc và nỗ lực cùng chia sẻ những giá trị tốt đẹp của nhân loại. Những giá trị đó bắt đầu thấm vào nước ta, giúp nâng tầm đất nước, hay như Hồ Chủ tịch từng nói, để “Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập phát triển, “sánh vai” thực sự là mục tiêu chiến lược quốc gia quan trọng hàng đầu mà Việt Nam đã, đang và tiếp tục kiên trì nỗ lực đạt tới.
– Tuy nhiên, cũng không thể và không nên bị “ngủ quên”. Ông băn khoăn nhất về điều gì liên quan đến quá trình phát triển?
– Tuy nhiên, cần nhìn nhận mặc dù chúng ta tiến hành cải cách, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng đến nay cấu trúc và cơ chế thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Chúng ta cam kết xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập, lại với “lợi thế đi sau”, song đến nay vẫn chưa hoàn thành trọn vẹn mục tiêu đó. Mới chỉ có 1/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.
Thực tế cho thấy nền tảng kinh tế thị trường của chúng ta hãy còn yếu, thể chế thị trường còn nhiều điểm tắc nghẽn, phân bổ nguồn lực vẫn dựa vào cơ chế cấp phát, xin – cho, mệnh lệnh hành chính còn nặng… Các thị trường nguồn lực quan trọng như thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động hay khoa học công nghệ… thiếu đồng bộ, chưa phát triển và vận hành đầy đủ theo nguyên lý thị trường. Năng suất lao động còn thấp, hiệu quả đầu tư chưa cao.
Những bài học lịch sử của đổi mới – triệt để cải cách thị trường, tin vào động cơ và sức mạnh của khu vực doanh nghiệp Việt vẫn còn nguyên giá trị. Ảnh: Hoàng Hà.
Bên cạnh đó, lực lượng chủ thể quan trọng bậc nhất trong kinh tế thị trường là doanh nghiệp tư nhân còn rất yếu, vẫn bị phân biệt đối xử, thậm chí bị kỳ thị.
Trong nhiều góc độ, ở một số khía cạnh quan trọng, chúng ta hãy còn tụt hậu, thậm chí tụt hậu xa hơn, so với nhiều nền kinh tế thị trường trên thế giới.
Có nghĩa là ở nước ta, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thị trường, song song với những nhiệm vụ mang tính thời đại khác, có tầm quan trọng ngày càng tăng, như thực hiện thành cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và phát triển xanh.
– Chính sách theo hướng nào kéo theo sự phát triển hướng đó. Lâu nay chúng ta vẫn ưu tiên kinh tế nhà nước là chủ đạo, thưa ông?
– Thử thoát khỏi “lối mòn” truyền thống, nhận diện lại vấn đề. Trong quan niệm hiện nay của ta, “khu vực kinh tế tư nhân” chỉ bao gồm các doanh nghiệp tư nhân và các chủ thể tương đương là “hộ gia đình”; khu vực FDI cũng vậy, cũng chỉ bao gồm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tức là khái niệm “thành phần kinh tế” (mà chúng ta đã chuyển thành khái niệm mang tính thị trường thông thoáng hơn – “khu vực kinh tế”) đối với hai lực lượng này chỉ bao gồm các doanh nghiệp.
Trong khi đó, riêng với “khu vực kinh tế nhà nước”, nội hàm khái niệm lại gom vào rất nhiều thành tố “ngoài doanh nghiệp”. Bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước, khu vực kinh tế nhà nước còn bao gồm ngân sách nhà nước, các tài sản – công sản (tài sản công), các loại tài nguyên quốc gia… Về mặt lý luận, rõ ràng khái niệm “khu vực kinh tế” áp dụng cho các khu vực cụ thể là không tương đồng về nội hàm và cấu trúc.
Sự không tương đồng đó hàm chứa tình trạng không đồng đẳng trong quan niệm phát triển và không bình đẳng về thực lực – cấu trúc giữa các thành phần – khu vực kinh tế, tức là các chủ thể của kinh tế thị trường.
Thêm vào đó, về thái độ chính sách, chúng ta coi kinh tế nhà nước là “lực lượng chủ đạo” trong nền kinh tế, có vị thế vượt trội so với các khu vực – thành phần kinh tế khác. Đặt các thành phần đó cạnh nhau như là những lực lượng cạnh tranh thị trường bình đẳng trở nên khiên cưỡng về vị thế, khập khiễng về cấu trúc thực lực vì một bên, khu vực tư nhân chỉ có các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vốn còn nhỏ bé và non yếu, còn một bên là lực lượng doanh nghiệp nhà nước, cùng toàn bộ tài sản, nguồn lực quốc gia, có thế và lực mạnh gấp bội.
Chính cách tiếp cận không bình đẳng về cấu trúc như vậy dẫn tới thái độ phân biệt đối xử về cơ chế – chính sách.
Tôi cho là nên định nghĩa lại khái niệm kinh tế nhà nước. Hay nói cách khác, phải tách bạch các thành tố trong khu vực này, xem cái gì thuộc về doanh nghiệp nhà nước, cái gì thuộc nhà nước; kèm theo đó là chức năng, nhiệm vụ cụ thể – đặc thù trong nền kinh tế thị trường của mỗi thành tố.
Các thành tố ngân sách Nhà nước, tài sản công và tài nguyên quốc gia là các nguồn lực quốc gia, là kết quả đóng góp của tất cả các chủ thể kinh tế Việt, được giao cho nhà nước đại diện quản lý, phân bổ và giám sát sử dụng. Trong các nguồn lực này, hiện diện sự bình đẳng về “quyền tiếp cận – sử dụng” và “lợi ích thực thi” của tất cả các lực lượng doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế Việt.
Theo hướng đó, chúng ta sẽ có cách tổ chức nền kinh tế thị trường Việt Nam với i) các khu vực kinh tế doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, khu vực doanh nghiệp nhà nước Việt Nam bình đẳng hợp tác và cạnh tranh (hai thành tố này cấu thành nên “lực lượng doanh nghiệp Việt”), ii) khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, liên kết và cộng hưởng sức mạnh, tạo thành nền kinh tế thị trường Việt Nam.
Mỗi thành tố lực lượng nêu trên có chức năng hoạt động cụ thể khác biệt trong nền kinh tế, nhưng đều bình đẳng nhau trong tư cách “chủ thể kinh tế thị trường”.
Cho đến gần đây, khu vực kinh tế nhà nước được đánh giá là vẫn chưa đạt yêu cầu dẫn dắt nền kinh tế, chưa phát huy hết vai trò chức năng và tự bản thân nó vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Đây là một thực tế cần được quan tâm nghiêm túc, và phải phân tích thấu đáo thực trạng này.
Chúng ta cần đặt kinh tế nhà nước trong bối cảnh thời đại hội nhập. Thế giới đã trở nên phức tạp gấp bội phần trong khi hội nhập cũng tạo nhiều cơ hội và thách thức. Kinh tế nhà nước, cũng như các khu vực kinh tế khác của Việt Nam, vì thế, cần phải thay đổi từ tầm nhìn, cách tiếp cận đến thực lực phát triển, để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Quan hệ giữa “thị trường” và “định hướng”
– Mô hình kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa được chính thức đưa ra từ Đại hội IX nhưng đến nay chưa có tổng kết, xem chúng ta nghiêng về vế nào, kinh tế thị trường hay định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Theo đánh giá của ông, chúng ta đang nặng về vế nào?
– Tôi cho là về tổng thể, sự phát triển bị thiên lệch, hơi nặng vế “định hướng”, trong vế “thị trường” có phần bị “kiềm chế”, chưa được phát triển đúng cách. Nhưng chính vì thiên lệch mà cả hai vế đều phát triển chưa “đến tầm” và chưa “đúng tầm”.
Chúng ta lựa chọn kinh tế thị trường làm phương thức giải quyết các bế tắc phát triển, để cứu nền kinh tế đi theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung lúc bấy giờ đang bị khủng hoảng trầm trọng.
Xét theo nguyên lý, “phát triển” là mục tiêu xuyên suốt (trục định hướng) của Chủ nghĩa Xã hội. Chúng ta chọn Kinh tế thị trường để giải quyết vấn đề phát triển chính ngay tại thời khắc gay go nhất, thì điều đó càng khẳng định giá trị của kinh tế thị trường với tư cách là nội hàm trung tâm của định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Về thực chất, việc áp dụng kinh tế thị trường giúp giải quyết vấn đề trung tâm của con đường xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam chọn. Theo nghĩa đó, càng thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển mạnh và lành mạnh, càng có cơ sở để thực hiện các mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Logic quan hệ đó hoàn toàn không phải là suy diễn gượng ép, hay như người ta vẫn nói “cố gọt chân cho vừa giày”. Nó được thực tiễn đổi mới và phát triển mấy chục năm qua ở Việt Nam chứng nghiệm.
Có thể thấy trong mấy chục năm qua, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, dù nhỏ bé và non yếu, vẫn là lực lượng giúp nền kinh tế giữ định hướng xã hội chủ nghĩa một cách thực chất. Bởi lẽ đơn giản, đây chính là khu vực tạo việc làm và thu nhập nhiều nhất cho người lao động. Tạo việc làm và thu nhập cho người lao động chính là một trong những mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội.
Xin mô tả bằng số liệu: Khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 50% GDP, 35% tổng thu ngân sách và tạo việc làm cho 50-60% tổng số lao động ở nước ta. Vậy khu vực doanh nghiệp nhà nước nước hay FDI có làm được như vậy không?!
Nói như vậy để thấy, nếu thị trường bị cản trở phát triển, thì hệ quả sẽ là nền kinh tế lâm vào tình thế khó thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, khó thực hiện các mục tiêu định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Mở cửa, đi theo kinh tế thị trường, Việt Nam mới có cơ hội và điều kiện hội nhập được vào kinh tế thế giới. Mà nếu không hội nhập với thế giới, liệu chúng ta có thể chơi với ai và sẽ phát triển thế nào đây?!
Xét nội tại, chúng ta theo thị trường; mà điều quan trọng nhất của kinh tế thị trường là cơ chế giá cả, cung – cầu, cạnh tranh.
Vào thời điểm đầu của Đổi mới, Nhà nước từng bước loại bỏ chế độ tem phiếu, thực chất là Nhà nước bỏ cơ chế định giá do Nhà nước quy định một cách chủ quan, áp đặt, để chuyển chức năng quyết định giá cả sang cho thị trường. Cung – cầu và cạnh tranh thị trường sẽ xác định giá cả. Giá dầu hỏa, giá lương thực – giá của những mặt hàng sống còn nhất, cũng là những thứ khan hiếm nhất – được chuyển sang cho cơ chế thị trường.
Nhờ đó, nền kinh tế khan hiếm, thiếu hụt bừng dậy, với sức sống mãnh liệt không ngờ. Nền kinh tế khởi sắc, đất nước từng bước thoát khỏi đói nghèo một cách vững chắc.
Nhưng tiến trình tiếp theo không phải lúc nào cũng nhất quán với logic đó. Trong nền kinh tế, hiện tượng nhân danh “giữ định hướng Xã hội Chủ nghĩa” để duy trì tình trạng phân biệt đối xử, níu giữ cơ chế xin – cho và hệ thống quy trình hành chính nặng nề, rồi xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự… làm cho môi trường cạnh tranh bị méo mó, gây nhiều điểm tắc nghẽn và trói buộc nền kinh tế, đặc biệt là đối với các chủ thể thị trường “quốc tịch Việt”, không phải là chuyện hiếm.
Với nhận định như vậy, giờ đây chúng ta phải tiếp cận để giải quyết căn bản và đúng cách mối quan hệ giữa hai vế “thị trường” và “định hướng”, trong đó, điểm mấu chốt là cơ chế định giá các nguồn lực quan trọng. Giá đất, giá điện nằm trong số đó, đang là điểm nghẽn gây xung đột và nhiều hệ lụy nghiêm trọng, là những vấn đề đại sự của thời hiện tại. Đồng thời, phải bảo đảm một cách thực chất việc giữ vững định hướng Xã hội Chủ nghĩa không gây cản trở, không trói buộc quá trình thị trường hóa và hiện đại hóa nền kinh tế.
Những bài học lịch sử của đổi mới – triệt để cải cách thị trường, tin vào động cơ và sức mạnh của khu vực doanh nghiệp Việt, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp vẫn còn nguyên giá trị trong việc cung cấp cách tiếp cận, nguyên lý hành động và cả tinh thần đổi mới táo bạo của mấy chục năm trước.
Giá đất theo thị trường chưa hay vẫn nặng chất đầu cơ, cơ chế định giá đất có dựa trên nguyên tắc thị trường – với quyền tài sản đất đai đúng nghĩa của các chủ thể trong nền kinh tế được bảo đảm, với sự hỗ trợ của các công cụ mạnh như các loại địa tô, thuế đất mà nhà nước biết sử dụng một cách thông minh… là những vấn đề mà hướng giải quyết triệt để chỉ mới được mở ra.
Việt Nam đã phát triển “đụng trần”
– Thưa ông, những vụ như SCB, Vạn Thịnh Phát và nhiều doanh nghiệp lớn phải ra tòa đang làm người ta lo ngại, doanh nghiệp tư nhân cũng là vấn đề…?
– “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hay “Thể chế nào, doanh nghiệp đó”. Vì sao doanh nghiệp có những sai phạm như vậy? Tôi cho rằng vấn đề nền tảng – phải nhấn mạnh là “nền tảng” nằm ở thể chế.
Chúng ta cần tiếp tục cải cách, bỏ xin cho, cấp phát để phân bố nguồn lực theo thị trường; hạn chế giấy phép “con”, “cháu”, “chắt” thường hay bị trục lợi, thông đồng. Bên cạnh đó, cần các cơ chế để đảm bảo sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình… Vấn đề căn cốt là xử lý cơ chế hệ thống.
Từ bỏ hệ thống phân bổ nguồn lực khan hiếm theo lối “xin – cho”, “cấp phát” thì mới có thể từng bước đoạn tuyệt với tình trạng gây khó dễ, phiền hà doanh nghiệp và xã hội để “kiếm ăn”, mới mong triệt phá được cơ bản vấn nạn tham nhũng, hối lộ. Đó là cốt lõi của vấn đề.
Cho nên, tôi thấy những phát biểu của Thủ tướng Chính phủ và Tổng Bí thư mới gần đây yêu cầu hạn chế hình sự hóa các vấn đề, vụ việc dân sự, tránh làm tổn thương nền kinh tế thị trường, tăng cường phân quyền, trao quyền cho các cấp chủ thể, tăng cường chế độ chịu trách nhiệm cá nhân đang mở ra những triển vọng rất sáng cho sự phát triển kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa tương lai.
– Nhiều người nói Việt Nam đã phát triển “đụng trần”. Ông có đồng ý quan điểm này không?
– Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn cho phát triển. Như đã nói, các thị trường nguồn lực hay thị trường các nhân tố sản xuất đang bị “trói”, nếu mở ra được thì kinh tế sẽ bùng lên. Không gian cho đổi mới sáng tạo cũng cần cách tiếp cận mới, sẽ giúp phát huy năng lực tiềm tàng của trí tuệ Việt Nam.
Hệ thống quản trị quốc gia và doanh nghiệp cũng vậy, nếu hiện đại hóa sớm sẽ tạo thành động lực thúc đẩy phát triển cực kỳ mạnh. Theo các tiêu chuẩn của thế giới văn minh, tiến bộ, chúng ta sẽ cộng hưởng được sức mạnh của thế giới.
Nhiều người trong chúng ta vẫn giữ tư duy nông dân cổ truyền. Họ nhìn công cuộc phát triển không phải theo thế đua tranh hay cạnh tranh toàn cầu, với tầm nhìn xa, hướng về tương lai. Tôi vẫn nói Việt Nam dường như vẫn chủ yếu giữ tư thế nhìn xuống chân mình, ngắn hạn khi đua tranh phát triển với thế giới.
Chúng ta vẫn nặng truyền thống “nhìn xuống ruộng” chứ chưa nhìn ra đúng nghĩa nguồn lực thị trường – thời đại, trên nền tảng thay đổi tư duy. Ta chưa hoàn toàn vượt thoát tư duy ruộng đất truyền thống để vươn tới tư duy phát triển tầm đại dương và không gian số – vũ trụ. Mà đó mới chính là không gian – nguồn lực – động lực chủ yếu của công cuộc phát triển hiện đại. Nguồn lực mênh mông cho phát triển là gió, là nắng, là đại dương và thế giới số chứ không còn giới hạn trong từng thửa ruộng manh mún và đầy tiềm năng xung đột.
Và thật may, Việt Nam đã nhận thấy và bắt nhịp vào cuộc đua theo tinh thần đó. Cách tiếp cận của Chính phủ về công nghiệp bán dẫn, về phát triển xanh, và gần đây nhất, thông điệp của Tổng Bí thư về tương lai của đất nước gắn với chuyển đổi số, đang mở ra cho đất nước triển vọng xoay chuyển tình thế đáng mong đợi.
Thời cơ để thay đổi
– Sau đại dịch Covid và sự trì trệ ở khu vực công trong 5 năm nay, ông có thấy thực tiễn của dân và doanh nghiệp hiện nay đang rất thôi thúc?
– Hiện nay, khu vực nội địa Việt Nam đang gặp khó khăn lớn, khó đến mức không thể bỏ qua, lờ đi, hay dửng dưng. Các biểu đồ sức khỏe doanh nghiệp đều cho thấy điều đó.
Nhưng nói thế cũng có nghĩa là hy vọng đang được tích nén. Nền kinh tế đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới. Những động thái mới của nền kinh tế, nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng kết nối hiện đại, tăng cường cải cách thể chế, không đơn thuần chỉ là chỉnh sửa, tháo gỡ ách tắc cơ chế, chính sách do quá khứ để lại mà còn hướng tới xây dựng hệ thống thể chế cho nền kinh tế mới… đang gieo niềm tin vào quá trình phục hồi và trỗi dậy của nền kinh tế.
– Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, cần thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Ông đồng tình quan điểm này chứ?
– Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt vấn đề rất đúng và trúng: đây là thời cơ để thay đổi, thời cơ chuyển sang cách phát triển mới. Tư duy phát triển, tầm nhìn phát triển cần được thay đổi. Hàm ý ở đây có lẽ là: những cái đang có, dù đúng, vẫn sẽ không đủ, không bảo đảm cho tương lai đất nước trong thế giới – thời đại mới.
Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu tốt nhưng chưa đủ để giải quyết những vấn đề hiện tại, chứ chưa nói các đòi hỏi trong tương lai đầy biến động. Vì thế, công cuộc đổi mới cần thực hiện triệt để hơn, theo các cam kết trong các FTAs và các tiêu chuẩn quốc tế, theo những đòi hỏi mà nền kinh tế số, nền kinh tế xanh đặt ra như những mệnh lệnh sống còn. Đó cũng là mấu chốt của việc giải quyết mối quan hệ “lực lượng sản xuất – quan hệ sản xuất” hiện đại đòi hỏi.
Theo VIETNAMNET
Tags: Kinh tế Việt Nam, Chiến lược phát triển, Cơ chế thị trường