Đất hiếm: Lá bài chiến lược làm gia tăng cạnh tranh sức mạnh quốc gia

Đất hiếm đang được các cường quốc sử dụng như một vũ khí chiến lược trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia.

Đất hiếm: Lá bài chiến lược làm gia tăng cạnh tranh sức mạnh quốc gia

Theo Liên minh quốc tế về Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng (UIPAC), đất hiếm là một nhóm hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học. Các hợp chất đất hiếm được ví như “vũ khí của thế kỷ”, “vitamin của công nghiệp hiện đại”, “muối của cuộc sống”, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ cao ngày nay.

Vũ khí của thế kỷ

Đất hiếm thực ra không “hiếm” như tên gọi vì chúng có ở nhiều nơi trong lớp vỏ Trái đất. Tuy nhiên, quá trình khai thác các hợp chất này không đơn giản vì đất hiếm thường phân bổ rải rác và nằm sâu trong lòng đất. Quá trình phân tách các hợp chất đất hiếm và xử lý các chất phóng xạ tự nhiên có trong đất hiếm đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ nhất định. Bên cạnh đó, yếu tố giá cả, tác động đến môi trường và đặc điểm không thể tái sinh khiến việc khai thác loại vật liệu quý giá này luôn được các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng.

Loại đất hiếm đầu tiên được phát hiện vào năm 1787 là gadolini tại một khu mỏ ở làng Ytterby của Thụy Điển. Tuy nhiên, phải đến những năm 1950, các loại đất hiếm mới bắt đầu được khai thác quy mô lớn ở một số nước, đặc biệt là ở Mỹ và sau đó là Trung Quốc.

Ngày nay, đất hiếm được sử dụng rộng rãi, là loại vật chất có mặt hầu như trong tất cả sản phẩm mà con người sử dụng hằng ngày, từ điện thoại thông minh đến hàng không vũ trụ, hạt nhân, vũ khí quân sự, điện tử, máy tính, năng lượng mới, nông nghiệp, y tế, giải trí…

Theo báo Nikkei Asia, nếu không có đất hiếm, rất nhiều công nghệ hiện đại và ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt sẽ không thành hiện thực. Hiện nay, trên 25% công nghệ mới phải dựa vào đất hiếm, đặc biệt là sản xuất các con chíp điện tử. Do đó, khai thác, dự trữ và sử dụng đất hiếm đang là một “lá bài” chiến lược mà quốc gia nào dẫn đầu sẽ chiếm được ưu thế lớn trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia.

Cuộc đua Trung – Mỹ

Theo các nghiên cứu, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đứng đầu về trữ lượng và sản lượng sản xuất đất hiếm. Đây cũng là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất trong lĩnh vực này.

Trong những năm 1960, đất hiếm chủ yếu được khai thác từ mỏ Mountain Pass, khu mỏ đất hiếm lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, đến thập niên 1980, Mỹ dần để mất vị trí độc tôn vì nhiều nước bắt đầu tìm kiếm và khai thác đất hiếm như Ấn Độ, Brazil, Nga, Malaysia và đặc biệt là Trung Quốc. Trong vài thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu và dự trữ đất hiếm số một thế giới.

Bước ngoặt là khi Trung Quốc phát hiện mỏ Baiyun Obo lớn nhất thế giới ở vùng Nội Mông. Từ đó, ưu thế khai thác đất hiếm bắt đầu nghiêng về nước này. Với tầm nhìn xa, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh chiến lược đầu tư vào đất hiếm, biến lợi thế tài nguyên thành ưu thế kinh tế và sức mạnh quốc gia. Năm 1992, cha đẻ của công cuộc mở cửa kinh tế Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình tuyên bố: “Trung Đông có dầu mỏ, Trung Quốc có đất hiếm”.

Theo Foreign Policy, để giữ vị thế độc quyền trong lĩnh vực đất hiếm, chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các tập đoàn nhà nước thâu tóm thị trường, mua lại các công ty khai khác đất hiếm ngoài Trung Quốc. Cùng với yếu tố lao động giá rẻ, quy định về môi trường không quá khắt khe, Trung Quốc sản xuất đất hiếm với giá thấp hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh, trong đó có Mỹ.

Năm 2005, tập đoàn CNOOC của Trung Quốc ra giá 18,5 tỷ USD, cao hơn tập đoàn Chevron 1,2 tỷ USD để mua lại Unocal, chủ sở hữu mỏ Mountain Pass. Năm 2010, Tập đoàn CNMC của Trung Quốc tiếp tục phi vụ thôn tính công ty khai thác đất hiếm lớn nhất Australia là Lynas Corporation. Nếu các vụ thâu tóm trên thành công, vị thế số 1 của Trung Quốc sẽ vững như bàn thạch.

Đến nay, Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu và là “công xưởng” chế biến của thế giới. Việc duy trì lợi thế này trong nhiều năm liền đưa Trung Quốc trở thành “người cầm trịch” toàn cầu đối với loại vật liệu chiến lược này.

Mới đây nhất, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo kể từ ngày 1/8 tới, nước này sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại gali và germani. Giới chuyên gia đánh giá quy định này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày nay, nhất là sau khi Bắc Kinh chủ trương hạn chế xuất khẩu đất hiếm, cung ứng bị gián đoạn khiến các khách hàng phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và đặc biệt là Mỹ “giật mình tỉnh giấc”.

Từng là nước dẫn đầu trong khai thác đất hiếm và giúp đào tạo các kỹ sư Trung Quốc về kỹ thuật khai thác, chế biến đất hiếm từ những năm 1980, nhưng ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ. Sự “sao nhãng” đó khiến nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ bên ngoài, chiếm tới 87% nhu cầu trong nước mà chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Trước nguy cơ thiếu hụt đất hiếm để sản xuất thiết bị, khí tài quân sự công nghệ cao, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra các nghiên cứu, cảnh báo về các rủi ro an ninh tiềm tàng nếu nước này tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.

Các công ty Mỹ tổ chức khai thác lại các mỏ đất hiếm được “để dành” khá lâu. Với sự hậu thuẫn của Bộ Quốc phòng, mỏ Mountain Pass lớn nhất Mỹ được khai thác trở lại vào năm 2022 sau khi bị đóng cửa năm 1994. Theo công ty Molycorp, mỏ Mountain Pass đáp ứng nhu cầu 20.000 tấn/năm của Mỹ. Cùng với hai mỏ khác là Lehmi Pass và Diamon Creek, Mỹ có thể yên tâm và từng bước lấy lại vị thế đã mất.

Theo Hiệp hội Thăm dò địa chất Mỹ và trang thống kê STATISTA, ước tính trữ lượng đất hiếm của toàn thế giới năm 2022 là 130 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc 44 triệu tấn, 22 triệu tấn ở Việt Nam, 21 triệu tấn ở Brazil và Nga, Ấn Độ 6,9 triệu tấn, Australia 4,2 triệu tấn và Mỹ 2,3 triệu tấn.

Nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung

Nhật Bản có nhu cầu đất hiếm rất cao và thường phải nhập trên 60% đất hiếm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi Trung Quốc được cho là cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản vào năm 2010 khi căng thẳng giữa hai nước gần đây, Tokyo nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các thị trường mới như Mông Cổ, Việt Nam, Ấn Độ, Canada, Brazil, Nga, Nam Phi và Malaysia.

Nikkei Asia mới đưa tin, Nhật Bản bắt đầu khai thác đất hiếm từ bùn dưới đáy biển sâu 6.000m ngoài khơi đảo san hô Minami – Torishima, cách Tokyo khoảng 1.900 km về phía Đông Nam từ năm 2024. Quốc hội Nhật Bản đã thông qua khoản ngân sách khoảng 44 triệu USD cho các dự án khai thác này.

Hàn Quốc là nước tiêu thụ đất hiếm lớn nhưng nguồn tài nguyên khá hạn chế. Nguồn cung chủ yếu đến từ các liên doanh khai thác với nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Năm 2010, tập đoàn Korea Resources Corp (KORES) phát hiện được mỏ đất hiếm tại tỉnh Gangwon và bắt đầu khai thác. Hiện nay, chính phủ Hàn Quốc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào các dự án đất hiếm ở Mỹ, Australia và Trung Đông.

Ấn Độ khởi động lại việc sản xuất đất hiếm từ năm 2011. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Indian Rare Earths Limited, ông RN Patra nói với Reuters: “Do Ấn Độ thiếu khả năng cạnh tranh nên ngừng sản xuất đất hiếm từ năm 2004. Hiện tại, công nghệ trong nước được cải thiện, khả năng cạnh tranh được tăng cường, chắc chắn có thể xuất khẩu đất hiếm”. Nhật Bản hiện là thị trường tiêu thụ đất hiếm lớn nhất của Ấn Độ.

Có trữ lượng đất hiếm lớn, Nga đã khai thác từ năm 1951, nhưng sau đó đóng cửa để tranh thủ nhập khẩu từ Trung Quốc. Nga bắt đầu khai thác trở lại sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách hạn chế xuất khẩu.

Hiện Pháp mua tới 6% lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc còn Đức nhập khẩu mỗi năm từ 3.000 đến 5.000 tấn đất hiếm của Bắc Kinh. Để tránh thiếu hụt nguồn cung đất hiếm có thể làm tê liệt nền kinh tế, các nước EU đều đang ráo riết triển khai biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm.

Trong số các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc, Australia nổi lên là nhà sản xuất đất hiếm tinh chế tiềm năng. Chính phủ Australia nỗ lực phát triển lĩnh vực này với tham vọng trở thành nhà cung cấp đất hiếm mới được các đồng minh thân cận lựa chọn.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,