Đại dịch mang tên tượng bê tông trong ngành du lịch Việt Nam

Các kiến trúc sư quy hoạch làm đẹp những vườn hoa, khu du lịch, nhà nghỉ mát đang nhìn về đâu?

Dịch bệnh mang tên tượng trang trí trong ngành du lịch Việt Nam

Trên đảo Phú Quốc, khách sạn N là một trong những khách sạn đông khách. Để tạo sự khác biệt, ông chủ khách sạn quyết định bỏ ra gần cả trăm triệu đồng, thuê “nghệ nhân” đắp một “quần thể” tượng – mô hình thu nhỏ là những công trình kiến trúc, biểu tượng đại diện của một số nước: Trung Quốc với nhóm tượng thầy trò Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh; chùa Vàng của Myanmar sát cánh cùng cối xay gió Hà Lan; tháp đôi Malaysia đứng cạnh bầy thiên nga, cạnh con sư tử biển – biểu tượng của quốc đảo Singapore… Chưa kể trong vườn, tượng 12 con giáp cũng được đắp bằng xi-măng rồi được quét màu lòe loẹt.

Theo nhận xét của một số du khách tới nghỉ tại khách sạn trung tuần tháng bảy vừa qua, những tượng – mô hình với mỗi tác phẩm cao cũng một – hai mét ấy đã băm nát mặt tiền khách sạn, choán hết tầm nhìn của du khách ra biển; nhiều người cho rằng, thay vì đặt tượng, người ta trồng cây dương – đặc sản cây ở Phú Quốc hay dừa, cảnh quan sẽ mát mắt hơn.

Nhóm tượng – mô hình tại khách sạn N ở Phú Quốc chỉ là một trong nhiều thí dụ về “nạn dịch” đặt tượng – mô hình từ các khu khách sạn tầm hai – ba sao cho đến nhà nghỉ bình dân, khu du lịch… ở nhiều tỉnh, thành hiện nay.

Tại khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), người ta san gần trọn một đồi cây làm bể bơi với chú gấu Misa chen cùng tượng (lại cũng là) thầy trò Đường Tăng, những con voi, chim công, hang động giả bằng xi-măng to tướng… Trông mà xót ruột cho những vạt đồi xanh cây đã bị đốn bỏ để đắp tượng!

Tại TP Hồ Chí Minh: Khu du lịch Suối Tiên – nơi trong con mắt một số người dân TP Hồ Chí Minh chỉ như là một hòn non bộ thu nhỏ cũng lổn nhổn tượng các nhân vật trong truyện cổ tích, truyền thuyết…

Theo “giả thuyết” của một kiến trúc sư và một nhà điêu khắc có tiếng của TP Hồ Chí Minh, nạn dịch dựng tượng – mô hình bằng xi-măng theo truyền thuyết, truyện cổ tích… được “nhân bản” từ khu vườn cổ tích ở Đà Lạt của một nữ kiến trúc sư từng du học ở nước ngoài.

“Việc thích tượng gì đắp tượng nấy và sự bắt chước tạo những công trình kiến trúc thế giới thu nhỏ, đất nước thu nhỏ ở các công viên, khu du lịch, khách sạn… bằng xi-măng của ông chủ những khu du lịch, khách sạn… đang là miếng mồi béo cho những ông chủ cửa hàng bán xi-măng – một kiến trúc sư hài hước nhận xét – “Thừa giấy vẽ voi”. Giờ, người ta thừa chỗ đặt tượng, phá vỡ cảnh quan”.

Mặc dù, cũng có ý kiến cho rằng việc đắp tượng trong những khu du lịch nhất là tư nhân hoàn toàn là sở thích cá nhân của các ông chủ, khó lòng can thiệp. Nhưng, thiết nghĩ, vấn đề này không thể không được quan tâm.

Điều đáng nói ở đây là các kiến trúc sư quy hoạch làm đẹp những vườn hoa, khu du lịch, nhà nghỉ mát đang nhìn về đâu? Chúng ta đã có vài tạp chí chuyên về nhà, kiến trúc, quy hoạch, nhưng phần lớn những bài báo đều về những vấn đề vi mô như dạy thiết kế, bày biện nhà cửa hoặc vĩ mô là quy hoạch cả một khu đô thị…, song phần lưng lửng là vẻ đẹp mỹ thuật những khu nhà nghỉ trung lưu hay bình dân ở các khu du lịch ít được chú ý.

Thời gian qua, một số địa phương bắt đầu quan tâm tới vườn tượng trong công viên như Nha Trang (Khánh Hoà), Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Ngành du lịch phát triển kéo theo sự phát triển của nhiều khu du lịch tư nhân và nhà nước. Những nơi như vậy rất cần sự quan tâm của các kiến trúc sư, các nhà điêu khắc.

Theo NHÂN DÂN ONLINE (2005)

Tags: ,