Cuộc đua nguy hiểm dưới mặt nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhiều nước quan tâm đến tàu ngầm hạt nhân cũng như tàu ngầm thông thường và hiện đang phát triển, thay thế hoặc mở rộng hạm đội tàu ngầm hiện có. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng tàu dưới mặt nước khiến cuộc cạnh tranh ngày càng nguy hiểm hơn.

Cuộc đua nguy hiểm dưới mặt nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Việc Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ Mỹ và Anh sẽ dấy lên cuộc cạnh tranh phức tạp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cả trên mặt nước và dưới mặt nước, theo các nhà phân tích.

Thỏa thuận AUKUS và kế hoạch của Mỹ và Anh giúp Australia sở hữu tàu ngầm tấn công tầm xa, tàng hình và chạy năng lượng hạt nhân rõ ràng đã khiến Trung Quốc phản đối gay gắt và điều này sẽ càng thúc đẩy Bắc Kinh nhanh chóng xây dựng hạm đội tàu ngầm cũng như lực lượng chống ngầm nhằm vào liên minh mới.

Ngày 30/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, động thái này “không chỉ có tác động sâu rộng đối với hệ thống không phổ biến [hạt nhân] quốc tế, mà còn đem lại mối đe dọa thực sự cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Trong bài phát biểu tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 16/9, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở Vienna Wang Qun cũng cảnh báo các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trợ giúp các nước phi hạt nhân như Australia có thể sẽ tác động tiêu cực tới các nỗ lực quốc tế” nhằm giải quyết các vấn đề hạt nhân liên quan đến Triều Tiên và Iran.

Cuộc chạy đua dưới mặt nước

“Dù tàu ngầm của Australia không thể bàn giao trong tương lai gần, điều này cũng vẫn dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang”, ông Hu Bo, chuyên gia Trung Quốc nói.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 cho biết, Hải quân Trung Quốc hiện đang biên chế 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy năng lượng hạt nhân (SSBN) Type 094A, 6 tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân (SSN) Type 093 và 50 tàu ngầm tấn công chạy diesel. Tàu Type 095 SSN và Type 096 SSBN hiện đang trong quá trình chế tạo. Hồi tháng 4/2021, Trung Quốc đưa thêm 1 tàu Type 094A nữa vào hoạt động.

Australia vận hành 6 tàu ngầm tấn công chạy diesel-điện, và nước này hiện đang có kế hoạch sở hữu “ít nhất 8” tàu SSN. Dù các tàu mới chưa thể đi vào hoạt động trước năm 2030, hoặc thậm chí những năm 2040, các bộ trưởng cấp cao trong nội các Australia nói rằng nước này có thể thuê một số tàu ngầm tấn công của Mỹ hoặc Anh để sử dụng tạm thời hoặc để huấn luyện trong thời gian chờ bàn giao tàu mới.

Hải quân Mỹ có lực lượng dưới mặt nước mạnh nhất thế giới, trong đó đáng chú ý có 14 tàu SSBN lớp Ohio, và 3 lớp tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân – Virginia, Seawolf và Los Angeles. Tất cả các tàu ngầm của Mỹ đều chạy năng lượng hạt nhân và ở bất cứ thời điểm nào, Hải quân Mỹ có khoảng 24 tàu ngầm triển khai ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Anh, về mặt địa lý ở cách xa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhưng vẫn có các lực lượng thường trực trong khu vực, có 4 tàu SBNN lớp Vanguard, 4 tàu SSN Astute và 4 tàu SSN lớp Trafalgar trong biên chế. Ngoài ra, có 3 tàu lớp Astute và 1 tàu SSBN lớp Dreadnought đang được chế tạo. Tàu lớp Astute và tàu lớp Virginia nằm trong số những loại tàu Australia có thể mua.

Ngoài Trung Quốc, ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiều nước khác cũng quan tâm tới khả năng lặn sâu. Ấn Độ, Triều Tiên và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu hoặc có kế hoạch chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân.

Các nước khác cũng đang mở rộng sức mạnh dưới mặt nước, ngay cả khi họ không quá mong muốn sử dụng năng lượng hạt nhân. Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc để mở rộng hạm đội. Đài Loan (Trung Quốc) cũng muốn thay thế 2 tàu ngầm đã lỗi thời bằng các tàu mới.

“Mỹ sẽ hạn chế Đài Loan, nhưng với Nhật Bản và Ấn Độ thì lại khác. Mỹ thậm chí có thể chuyển giao một số công nghệ SSN cho Ấn Độ”, theo Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, cho biết.

Ông Song Zhongping cũng nói rằng cả Nhật Bản và Ấn Độ đều thuộc Bộ Tứ kim cương, cùng với Mỹ và Australia.

Ấn Độ hiện biên chế 1 tàu SSBN lớp Arihant và 3 tàu khác sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai. Nước này vừa mới trả lại tàu SSN lớp Akula do Nga sản xuất và sẽ thuê một tàu khác từ năm 2025.

Nhật Bản lâu nay cũng đã đầu tư vào sức mạnh dưới mặt nước và hiện có 20 tàu ngầm tấn công chạy diesel-điện cùng 1 tàu khác đang được chế tạo.

“Nhật Bản và Ấn Độ đều có năng lực tự chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân. Nhật Bản chỉ cần “đèn xanh” từ Mỹ và Hàn Quốc cũng vậy”, ông Song nói.

Tháng 1/2021, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng nước này đã hoàn tất thiết kế tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân có khả năng vận hành vũ khí chiến lược hạt nhân.

Đáp trả động thái này, Hàn Quốc được cho là đã đàm phán với Mỹ để có thể chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân. Seoul mới đây cũng thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Tác chiến chống ngầm – giải pháp giá rẻ cho những nước ít tiềm lực tài chính

Các nhà quan sát nói rằng, việc mua, vận hành và bảo trì tàu ngầm khá tốn kém. Không phải tất cả các nước trong khu vực đều có khả năng hoặc sẵn sàng chế tạo tàu ngầm.

Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng đồng nghĩa với việc những nước không có khả năng chế tạo một hạm đội dưới nước mới hoặc mở rộng hạm đội hiện có, có thể sẽ tìm đến các giải pháp tác chiến chống ngầm (ASW) khác để bắt kịp cuộc đua.

“Giải pháp giá rẻ hơn là đầu tư vào các khả năng đối kháng khác, trong trường hợp này là các phương tiện ASW như tàu nổi có khả năng chống ngầm, trực thăng và máy bay chống ngầm”, theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, thuộc Đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore.

Theo VOV / SCMP

Tags: , ,