Cuộc đối đầu vô vọng với Nga và tương lai không lối thoát của châu Âu

Ngày 30/9, tại Sảnh đường St George, nơi “mọi bức tượng đều đánh dấu một chiến thắng” và là nơi vào năm 2014, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sáp nhập Krym với sự hoan nghênh nhiệt liệt, ông chủ Điện Kremly đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraina là Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk. Với nước đi này, Nga sẽ giành hơn 90.000 km2 lãnh thổ, tương đương 15% diện tích Ukraina với dân số khoảng 4 triệu người. Đây được coi là cuộc sáp nhập lãnh thổ lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945. Sự kiện này đã tạo ra một cơn địa chấn thực sự và gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện an ninh châu Âu, vốn đã ở trạng thái bấp bênh kể từ khi xung đột Nga – Ukraina bùng nổ.

Cuộc đối đầu vô vọng với Nga và tương lai không lối thoát của châu Âu

Nga – Phương Tây trong tình thế đối đầu nguy hiểm mới

Vài giờ sau khi ký các hiệp ước về việc sáp nhập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, cũng như các vùng Kherson và Zaporizhzhia vào Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã có bài phát biểu trước hàng nghìn người ở Quảng trường Đỏ tại thủ đô Moskva vào tối 30/9. Tại buổi lễ, ông chủ Điện Kremly cho biết việc sáp nhập đã đánh dấu một ngày lịch sử đối với nước Nga – “một ngày của sự thật và công lý”. Nhà lãnh đạo xứ sở bạch dương tuyên bố Nga không chỉ “mở cửa” mà còn “mở rộng trái tim” và khẳng định những người dân sống ở 4 khu vực tại Ukraina sẽ trở thành công dân Nga “mãi mãi”. “Chào mừng các bạn trở về nhà”, ông Putin nói, trong tiếng hô vang “Nước Nga, nước Nga” của đám đông. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh trước đó, chính quyền thân Nga ở 4 tỉnh Ukraina ngày 27/9 thông báo đã kiểm toàn bộ số phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý từ ngày 23/9 với kết quả thấp nhất là 87,05% cử tri chọn sáp nhập Nga[1]. Đáng chú ý, cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Putin dành thời lượng đáng kể để chỉ trích thái độ mà ông cho là thù địch của phương Tây với Nga, giữa lúc Mỹ cùng đồng minh đang tìm mọi cách trừng phạt kinh tế Nga và cô lập Moskva trên các diễn đàn quốc tế.

Bước đi táo bạo của Tổng thống Putin ngay lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ các lãnh đạo EU, Mỹ và nhiều nước châu Âu. Các thành viên Hội đồng châu Âu (EUCO) sau đó ra tuyên bố “bác bỏ và lên án dứt khoát” việc Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraina, chỉ trích đây là hành vi “cố ý phá hoại trật tự quốc tế và ngang nhiên vi phạm quyền cơ bản của Ukraina về độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. EU cho rằng Nga đang đặt an ninh toàn cầu vào tình thế nguy hiểm, đồng thời khẳng định không bao giờ công nhận cuộc trưng cầu dân ý tại 4 tỉnh Ukraina mà họ coi là “bất hợp tác do Nga ngụy tạo”. Về phần mình, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đây là “nỗ lực sáp nhập lãnh thổ châu Âu bằng vũ lực lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai”. Ông nói, chiến tranh đang ở “thời điểm then chốt” và quyết định của Tổng thống Putin đánh dấu “sự leo thang nghiêm trọng nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh”. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Nga đang vi phạm luật pháp quốc tế, “chà đạp lên Hiến chương Liên Hợp Quốc” và “coi thường các quốc gia hòa bình”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “bác bỏ nỗ lực sáp nhập lãnh thổ phi pháp” của Nga.

Cùng với làn sóng chỉ trích dữ dội, nước Nga tiếp tục phải hứng chịu thêm các đòn trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và các đồng minh. Cụ thể, Nhà Trắng đã gần như ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn nhằm vào hàng trăm cá nhân và công ty, kể cả tổ hợp công nghiệp-quân sự và các nhà lập pháp Nga. Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 57 thực thể ở Nga và Krym vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ, trong khi Bộ Tài chính nước này cho biết đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 14 người trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Nga, 2 lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Nga, thành viên gia đình của các quan chức hàng đầu và 278 thành viên của cơ quan lập pháp Nga. Cùng ngày, Canada tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, ảnh hưởng đến 43 nhà tài phiệt Nga, giới tinh hoa tài chính và gia đình của họ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh thông báo nước này đã trừng phạt Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh[1]. EU cũng nhanh chóng đạt được thống nhất về việc tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm chống lại các hành động bất hợp pháp của Nga trong một nỗ lực gia tăng sức ép buộc Nga phải chấm dứt cuộc chiến.

Thế giằng co trên thực địa đang ở trạng thái cực kỳ căng thẳng khi Nga không tự nguyện từ bỏ và sẽ làm tất cả để bảo vệ quyền kiểm soát đối với 4 khu vực vừa được sáp nhập, còn Ukraina tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu để giành lại vùng lãnh thổ đã mất. Trước quyết tâm của Ukraina, các nước phương Tây khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh bằng cách tăng cường hơn nữa viện trợ cho Kiev. Ngày 30/9, Tổng thống Mỹ ký dự luật bổ sung viện trợ 12,4 tỷ USD cho Ukraina, trong đó dành 4,5 tỷ USD cho chính phủ Ukraina và 3 tỷ USD cho vũ khí và trang thiết bị quân sự[2]. Trong gói viện trợ mới nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ tăng gấp đôi pháo phản lực HIMARS cho Ukraina. Kế đó, trong chuyến thăm tới Ukraina hôm 1/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thông báo Đức sẽ cung cấp viện trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraina trong thời gian tới, bao gồm hệ thống phòng không Iris-T SLM. Tính đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu cho thấy Washington muốn rút khỏi cuộc chiến ủy nhiệm tại Ukraina, và việc phương Tây tiếp tục “bơm” tiền và vũ khí cho Kiev sẽ chỉ khiến khiến xung đột kéo dài, làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Theo ông Alexander Baunov, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, sự khác biệt nằm ở chỗ nếu như trước đây phương Tây đã chọn đối đầu với Nga ở Ukraina, thì bây giờ nhiều khả năng sẽ là một cuộc chạm trán trên chính lãnh thổ nước Nga, đặt các bên liên quan vào tình thế nguy hiểm chưa từng có.

Chiến lược “Bên miệng hố chiến tranh hạt nhân” của Nga tiếp tục được sử dụng?

Lần đầu tiên kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10 năm 1962, các quan chức hàng đầu của Nga đã đưa ra những lời đe dọa hạt nhân rõ ràng khiến cả thế giới phải “rùng mình”. Trong bài phát biểu ngày 30/9, Tổng thống Putin đã cảnh báo nước Nga có thể sử dụng mọi công cụ sẵn có, kể cả các loại “vũ khí với mức độ hủy diệt khác nhau”, để bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ”, hàm ý 4 tỉnh thuộc miền Đông và miền Nam Ukraina cũng nằm dưới chiếc ô hạt nhân của Moskva. Không những vậy, vị tổng thống này còn đưa ra lời đe dọa được che đậy kín đáo khi nhắc lại quyết định thả vũ khí nguyên tử của tổng thống Harry S.Truman cách đây 77 năm: “Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới đã hai lần sử dụng vũ khí hạt nhân, phá hủy thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, đồng thời tạo ra một tiền lệ”[1]. Tuyên bố trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina, kịch bản có thể khiến xung đột vượt tầm kiểm soát và trở thành một cuộc chiến hủy diệt.

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Tổng thống Putin đã úp mở về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân lần đầu tiên mà theo ông là có ý nghĩa, ngay cả khi nó tạo ra một thảm họa toàn cầu, chính là để bảo vệ nước Nga: “Chúng tôi, những nạn nhân của sự xâm lược, với tư cách là những người tử vì đạo, sẽ lên thiên đường, trong khi họ sẽ chết, bởi vì họ thậm chí sẽ không có thời gian để ăn năn”[2]. Sau cùng, ông nhấn mạnh: “Tại sao chúng ta cần một thế giới như vậy nếu như không có nước Nga ở đó?”. Nếu tổng thống Putin sẵn sàng làm như những gì ông đã nói, thì tình thế hiện tại khi cơn sốt trừng phạt của phương Tây đang cố gắng cô lập nước Nga khỏi thế giới, sẽ kích động sự liều lĩnh nguy hiểm mà không ai có thể lường hết được hậu quả.

May mắn thay, dù thế giới đang ở gần một cuộc chiến tranh hạt nhân hơn bao giờ hết, vẫn có những lý do để tin rằng, chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” sẽ tiếp tục được Nga theo đuổi, do đó tránh cho nhân loại rơi vào một thảm họa hạt nhân, ít nhất là trong tương lai gần. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong kịch bản Mỹ và NATO can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến, ồ ạt tấn công các mục tiêu ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Nga có thể sẽ phản ứng theo 2 phương án: (1) sử dụng các loại vũ khí thông thường hiện đại nhất chưa từng xuất hiện trên chiến trường để đáp trả và (2) sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Lợi thế quân sự mà những quả bom chiến thuật cỡ nhỏ mang lại trên chiến trường là không quá nhiều, nhưng một khi Moskva phá vỡ những quy ước cấm kỵ về vũ khí hạt nhân đã được áp dụng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước này sẽ bị đẩy vào tình thế “lợi bất cập hại”: (1) đối mặt với đòn trả đũa mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh, (2) mất đi sự ủng hộ của những “người bạn” đã ở bên cạnh họ kể từ khi xung đột bùng phát, thậm chí là sự “quay lưng” của cả cộng đồng quốc tế và (3) nguy cơ nhiễm bụi phóng xạ và thảm họa môi trường. Quả thực, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân luôn đi kèm với cái giá rất lớn mà bất cứ lãnh đạo nào cũng phải cân nhắc rất kỹ về bài toán lợi ích – rủi ro. Mới đây, khi thất bại trên chiến trường Lyman – một thành phố quan trọng của Donetsk, chỉ 1 ngày sau khi chính thức được sáp nhập vào lãnh thổ Nga, Nga đã lựa chọn giải pháp “rút lui về các phòng tuyến có lợi hơn”, thay vì hưởng ứng lời cổ vũ của lãnh đạo Chechnya (một nước cộng hòa thuộc Nga) rằng hãy tiến hành “các bước quyết liệt hơn,” bao gồm cả “việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật”. Điều này cho thấy những dự báo nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Nhưng cũng đừng vì thế mà vội thở phào, bởi “bóng ma” vũ khí hạt nhân vẫn đang bao trùm chiến trường Ukraina và không có gì chắc chắn chiến tranh hạt nhân sẽ không bùng phát nếu diễn biến trên thực địa tiếp tục tiến triển theo chiều hướng bất lợi cho Điện Kremly. Khi ấy, Tổng thống Putin hẳn sẽ không ngần ngại khiến thế giới phải bất ngờ một lần nữa, như cách vị tổng thống này đã làm khi quyết định mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraina hồi tháng 2.

Liệu NATO sẽ có thêm thành viên mới?

Ngay sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraina, ngày 30/9, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev đã chính thức nộp đơn xin nhanh chóng trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong một video đăng trên ứng dụng Telegram, ông Zelensky nói: “Chúng tôi đang thực hiện bước đi quyết định của mình bằng cách ký đơn xin gia nhập NATO một cách nhanh chóng”, tuyên bố Kiev đã là một đồng minh “trên thực tế” và đã “chứng minh khả năng tương thích với các tiêu chuẩn của liên minh: ”Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, và chúng tôi bảo vệ nhau”[1]. Vị tổng thống này cũng đề cập đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan như một cơ sở để Ukraina thúc đẩy mong muốn của mình: “Chúng tôi biết điều đó là có thể. Chúng tôi đã thấy Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập liên minh trong năm nay, dù trước đó không có kế hoạch trở thành thành viên của khối. Đây là sự công bằng. Điều này là công bằng cho Ukraina”.

Đáp lại ý nguyện của quốc gia Đông Âu, nguyên thủ 9 quốc gia thành viên NATO đã ra tuyên bố chung ủng hộ lộ trình trở thành thành viên của Ukraina trong liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu, đồng thời kêu gọi tất cả 30 quốc gia NATO tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev. Cụ thể, ngày 02/10, các nhà lãnh đạo của Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Bắc Macedonia, Montenegro, Ba Lan, Romania và Slovakia đã tuyên bố trên trang web của họ rằng: “Chúng tôi ủng hộ Ukraina trong việc chống lại sự xâm lược của Nga, yêu cầu Nga ngay lập tức rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng và khuyến khích tất cả các đồng minh gia tăng đáng kể viện trợ quân sự cho Ukraina”[1]. Các nước trên cũng nêu rõ: “Chúng tôi kiên quyết ủng hộ quyết định của Hội nghị thượng đỉnh NATO Bucharest năm 2008 liên quan đến tư cách thành viên tương lai của Ukraina”.

Song những sự ủng hộ như vậy không đủ sức làm đảo ngược những tranh luận lâu dài của NATO về kịch bản kết nạp Ukraina trong hơn 1 thập kỷ qua. Giờ đây, giữa lúc chiến sự căng thẳng, Kiev có lẽ phải một lần nữa chấp nhận sự thật rằng, NATO không muốn kết nạp nước này vào khối. Theo đài RT (Nga), trong cuộc họp báo ngày 30/9 tại Nhà Trắng, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông Jake Sullivan cho biết Mỹ cam kết thực hiện chính sách mở về gia nhập NATO, nhưng bây giờ chưa phải thời điểm phù hợp để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraina: “Ngay bây giờ, quan điểm của chúng tôi là, cách tốt nhất để chúng tôi hỗ trợ Ukraina là thông qua hỗ trợ thực tế, và quá trình ở Brussels nên được thực hiện vào một thời điểm khác”. Cùng quan điểm, ông Stoltenberg cũng cam kết ủng hộ “không lay chuyển” và “kiên quyết” đối với Ukraina, nhưng khẳng định không biến NATO trở thành một bên trong cuộc xung đột với Nga: “NATO không phải là một bên trong cuộc xung đột, nhưng chúng tôi hỗ trợ Ukraina để nước này có thể duy trì quyền tự vệ được quy định trong hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Chẳng những viễn cảnh gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới của Ukraina vẫn còn xa vời, khi chiến tranh kéo dài, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev thậm chí nhiều khả năng sẽ ngày một giảm sút. Rủi ro tiềm tàng của một cuộc xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO với hậu quả thảm khốc sẽ đặt ra câu hỏi rằng: liệu Mỹ có thực sự cần hi sinh vì lợi ích của Ukraina, vốn không phải là một đồng minh quân sự chính thức? Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định, Nga quan tâm đến Ukraina hơn Mỹ, và “Chúng ta (nước Mỹ) phải rất rõ ràng về lợi ích cốt lõi của chúng ta là gì và chúng ta sẵn sàng tham chiến vì điều gì?”[2]. Chưa kể, khi mùa đông đang dần tới với giá lương thực tăng cao, năng lượng sưởi ấm hạn chế và nguy cơ suy thoái ngày một rõ ràng, sự chia rẽ đằng sau những tuyên bố đoàn kết về lập trường Ukraina của châu Âu sẽ tiếp tục bị khoét sâu, điều mà sau đó sẽ đẩy Kiev vào tình thế khó càng thêm khó trước họng súng của Nga.

Cơ hội nào cho hòa bình?

Việc cung cấp thêm thiết bị quân sự của phương Tây cho Ukraina, bao gồm thêm bệ phóng tên lửa HIMARS, các tên lửa tầm xa, máy bay không người lái tiên tiến, xe tăng hạng nặng và thậm chí cả máy bay chiến đấu F-16, sẽ đảm bảo rằng Ukraina có thể cầm chân quân đội Nga, có thể giành được một vài thắng lợi cục bộ trên chiến trường, nhưng sẽ không giúp kết thúc chiến tranh. Chỉ có một cách phương Tây có thể ngăn Ukraina bị đánh bại trong vài tháng tới và tránh xung đột hạt nhân với Nga, đó là quay trở lại con đường ngoại giao.

Song chính vào thời điểm mà cả thế giới đồng tình rằng, chỉ có giải pháp ngoại giao mới có khả năng cứu vãn nền hòa bình và mang mọi chuyện trở lại quỹ đạo, thì tuyên bố chủ quyền của Nga nhiều khả năng sẽ khép lại mọi triển vọng đàm phán trong tương lai. Tổng thống Putin khẳng định sẽ chỉ có 2 sự lựa chọn: hoặc là tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo dựa trên điều kiện của Moskva, hoặc là không có cuộc đàm phán nào cả: “Chúng tôi kêu gọi chế độ Kiev chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch, chấm dứt cuộc chiến mà họ đã gây ra năm 2014 và quay trở lại bàn đàm phán. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này … Nhưng chúng tôi sẽ không thảo luận về sự lựa chọn của những người ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Điều đó đã được thực hiện. Nga sẽ không phản bội họ”[3]. Ở chiều ngược lại, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ lập trường cứng rắn, cảnh báo ông sẽ không đàm phán với Nga chừng nào ông Putin còn nắm quyền: “Ukraina sẽ không tổ chức bất cứ cuộc đàm phán nào với Nga khi ông Putin vẫn là Tổng thống. Chúng tôi sẽ thương lượng với tổng thống mới của Nga”. Có lẽ chưa khi nào kể từ khi xung đột bùng phát, tiến trình đàm phán lại gặp nhiều khó khăn đến như vậy. Một khi hai bên trực tiếp tham chiến không tỏ ý sẵn sàng cho một cuộc đàm phán có ý nghĩa, thì những nỗ lực trung gian hòa giải của bên thứ ba, có thể là Thổ Nhĩ Kỳ hay bất kỳ quốc gia nào khác có thiện chí, cũng sẽ không mang đến một cơ hội rõ ràng cho hòa bình. Nói cách khác, Ukraina rất có thể đang tiến tới một cuộc chiến kéo dài trong nhiều năm.

Có thể nói, động thái sáp nhập 4 tỉnh Ukraina của Tổng thống Putin đã đẩy cuộc xung đột giữa lòng châu Âu lên tới đỉnh điểm. Chẳng rõ đến bao giờ vòng xoáy bạo lực, chết chóc mới dừng lại. Nhưng hiện tại, những làn sóng trừng phạt mới cùng thái độ thiếu thiện chí từ các bên liên quan sẽ chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”. Châu Âu, và cả thế giới, đang nín thở nguyện cầu cho một nền hòa bình mong manh khi cánh cửa ngoại giao đang dần đóng lại.

———————

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Quyên, Các nước phương Tây gia tăng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Báo Điện tử Vietnamplus.
2. Cornered by war, Putin makes another nuclear threat, The Associated Press.
3. Could the war in Ukraina go nuclear?, The Economist.
4. Guy Faulconbridge – Peter Graff, Factbox: Russia’s annexation plan in Ukraina: what happens now?, Reuters.
5. Isabelle Khurshudyan – Emily Rauhala, Zelensky pushes ‘accelerated’ application for Ukraina NATO membership, The Washington Post.
6. Kevin Liffey, Extracts from Putin’s speech at annexation ceremony, Reuters.
7. Marianna Sotomayor – Jacob Bogage ,Biden signs bill to fund government, hours before deadline, The Wahington Post.
8. Mark Episkopos, Putin’s Speech Marks a Dangerous New Phase in the Ukraina War, The National Interest.

———————

Chú thích:

[1] Guy Faulconbridge – Peter Graff, Factbox: Russia’s annexation plan in Ukraina: what happens now?, Reuters.
[2] Trần Quyên, Các nước phương Tây gia tăng biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Báo Điện tử Vietnamplus.
[3] Marianna Sotomayor – Jacob Bogage ,Biden signs bill to fund government, hours before deadline, The Wahington Post.
[4] Kevin Liffey, Extracts from Putin’s speech at annexation ceremony, Reuters.
[5] Cornered by war, Putin makes another nuclear threat, The Associated Press.
[6] Isabelle Khurshudyan – Emily Rauhala, Zelensky pushes ‘accelerated’ application for Ukraina NATO membership, The Washington Post.
[7] 9 NATO members urge support for Ukraina after annexation, AP
[8] Could the war in Ukraina go nuclear?, The Economist
[9] Mark Episkopos, Putin’s Speech Marks a Dangerous New Phase in the Ukraina War, The National Interest

Theo LÃ THỊ THU HÀ / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , , , ,