⠀
Cuba nghèo vì Fidel Castro hay vì Mỹ?
Để đánh giá một cách khách quan di sản của Castro, sự phát triển của Cuba và những cải cách ngày nay, chúng ta không thể vờ như sự phong tỏa của Mỹ là không có tác động đến cơ cấu của nền kinh tế Cuba.
Bài viết của tác giả Helen Yaffe, nghiên cứu viên ngành lịch sử kinh tế, Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London.
Nguồn: Helen Yaffe, “Cuba is poor, but who is to blame – Castro or 50 years of US blockade?”, The Conversation, 02/12/2016.
Biên dịch: Huỳnh Ngọc Dũng
Cùng với những mô tả về ông như một “nhà độc tài tàn bạo”, các phản ánh tiêu cực về Fidel Castro từ ngày ông qua đời 25/11 chủ yếu tập trung vào việc “quản lý yếu kém” của ông đối với nền kinh tế Cuba và hậu quả “cực nghèo” mà người dân Cuba phải gánh chịu.
Đây là một bức tranh biếm họa mơ hồ- không chỉ vì nó bỏ qua các tác động có sức tàn phá kinh tế của lệnh cấm vận của Hoa Kỳ trong hơn 55 năm, mà còn vì nó dựa trên những giả định kinh tế học tân cổ điển. Nghĩa là bằng cách nhấn mạnh chính sách kinh tế (của Castro) thay vì những hạn chế về kinh tế (mà lệnh cấm vận của Mỹ gây ra), các nhà phê bình có thể đẩy trách nhiệm về hậu quả nghèo đói của Cuba cho Castro mà không đề cập đến việc chính quyền Mỹ đã liên tiếp áp đặt lệnh cấm vận đến nghẹt thở.
Cách tiếp cận trên cũng bỏ qua những câu hỏi quan trọng dành cho Cuba sau cuộc cách mạng: Những nước có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp có thể nhận nguồn vốn ở đâu để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung cấp phúc lợi? Làm thế nào có thể thu được vốn nước ngoài mà không bị các điều kiện cản trở phát triển, và làm thế nào một đất nước chậm phát triển như Cuba có thể sử dụng thương mại quốc tế để tạo ra thặng dư trong một nền kinh tế toàn cầu mà nhiều người cho rằng đang có xu hướng “bất bình đẳng trong thương mại” ?
Việc tìm kiếm các giải pháp cho thách thức về phát triển đã dẫn chính quyền cách mạng Cuba đi theo hệ thống xã hội chủ nghĩa. Họ đã thực hiện một nền kinh tế kế hoạch, trong đó sở hữu nhà nước chiếm ưu thế vì họ xem hệ thống này là giải pháp tốt nhất cho các thách thức lịch sử trên.
Nhưng hoạt động trong khuôn khổ xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến những hạn chế và rắc rối khác, đặc biệt là trong bối cảnh của một thế giới lưỡng cực. Cuốn sách của tôi: “Che Guevara: Khía cạnh kinh tế của cách mạng” nghiên cứu về các mâu thuẫn và thách thức đối với chính quyền cách mạng non trẻ nhìn từ góc độ vai trò của Guevara khi là chủ tịch Ngân hàng Quốc gia và Bộ trưởng Công nghiệp.
Các tài liệu về Cuba bị chi phối bởi “Cubanology”, một trường phái đối lập về chính trị và tư tưởng với Cuba xã hội chủ nghĩa. Sự xuất hiện và liên quan tới chính phủ Mỹ của nó cũng được chứng tỏ bằng tư liệu. Nó lập luận rằng cuộc cách mạng đã thay đổi mọi thứ ở Cuba – và Fidel (và sau đó là Raul) Castro đã một mình chi phối các chính sách trong nước và chính sách đối ngoại kể từ sau cách mạng, qua đó ngăn chặn dân chủ và trấn áp xã hội dân sự. Sự quản lý kinh tế yếu kém của họ đã làm tăng trưởng đạt được không đáng kể từ năm 1959. Họ chỉ đơn giản thay thế sự phụ thuộc vào Mỹ bằng sự phụ thuộc vào Liên Xô cho đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990.
Những lý luận này cũng đã định hình các nội dung chính trị và truyền thông về Cuba. Nhưng vấn đề của cách phân tích này là nó cản trở khả năng của chúng ta trong việc nhìn thấy rõ những gì diễn ra ở Cuba, hay cản trở khả năng phân tích sức mạnh của cuộc cách mạng và sức sống của xã hội Cuba.
Castro đã thừa hưởng những gì?
Những lập luận về sự thành công hay thất bại của nền kinh tế sau năm 1959 thường dừng lại ở thực trạng của nền kinh tế Cuba trong những năm 1950. Chính phủ sau năm 1959 được thừa hưởng một nền kinh tế có sản phẩm đường làm chủ đạo với những vết sẹo sâu về chủng tộc và kinh tế-xã hội do chế độ nô lệ để lại. Jaime Suchlicki, người theo trường phái Cubanology, lập luận rằng Cuba của Batista đã từng “ở giai đoạn cất cánh như Walter Rostow mô tả”, trong khi Fred Judson chỉ ra những yếu kém về cơ cấu trong nền kinh tế Cuba: “khủng hoảng kéo dài đã tạo nét đặc trưng cho nền kinh tế: thịnh vượng bề ngoài và nhất thời”. Vì vậy, trong khi một bên khẳng định cuộc cách mạng đã làm gián đoạn sự tăng trưởng tư bản mạnh mẽ, thì bên còn lại tin rằng cuộc cách mạng là điều kiện tiên quyết để giải quyết những mâu thuẫn cản trở phát triển bằng cách chấm dứt sự phụ thuộc của Cuba vào chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ.
Sau cuộc cách mạng, Castro đã nỗ lực mang đến phúc lợi xã hội và cải cách ruộng đất cho nhân dân Cuba và tịch thu tài sản phi nghĩa của tầng lớp thượng lưu Cuba. Nhưng khi bên thua cuộc Fulgencio Batista và đồng bọn trốn khỏi Cuba, họ đã lấy cắp hàng triệu peso từ Ngân hàng Quốc gia và Kho bạc. Đất nước bị bòn rút, làm hạn chế nghiêm trọng khả năng chi tiêu công và đầu tư tư nhân. Người Cuba giàu có thì rời đảo, mang theo các khoản tiền và thuế. Chính phủ mới sẽ làm thế nào để thực hiện những cải cách kinh tế-xã hội đầy tham vọng khi không có các nguồn lực tài chính?
Chúng ta phải nhìn vào thực tế tại mỗi thời điểm. Ví dụ khi lệnh cấm vận đầu tiên của Mỹ được thực hiện, thì lúc đó 95% tư liệu sản xuất của Cuba và toàn bộ các linh kiện được nhập khẩu từ Mỹ – và Mỹ là nước nhận xuất khẩu chính yếu của Cuba. Khi khối Xô-viết tan rã, Cuba bị mất 85% lượng thương mại và đầu tư, dẫn đến GDP giảm mạnh 35%. Các sự kiện này đã gây nên các khó khăn kinh tế nghiêm trọng đối với khả năng xoay sở của Cuba.
Đằng sau sự nghèo đói
Tiếp đến, ta cũng nên tự hỏi: Chúng ta đo lường mức nghèo của Cuba như thế nào? Bằng GDP bình quân đầu người? Thu nhập hằng ngày? Có nên sử dụng những thước đo kinh tế tư bản chủ nghĩa, các thống kê tăng trưởng và năng suất để đo sự “thành công” hoặc “thất bại”, trong khi ít chú ý đến các ưu tiên về xã hội và chính trị?
Dù xếp Cuba vào nhóm có GDP bình quân đầu người thấp nhưng Chỉ số phát triển con người (HDI) đã liệt kê Cuba trong danh sách có “chỉ số phát triển con người cao”; Cuba không chỉ xuất sắc về y tế và giáo dục, mà còn về sự tham gia của phụ nữ và hòa nhập chính trị. Cuba đã loại bỏ được nạn suy dinh dưỡng ở trẻ em. Không có trẻ em ngủ trên đường phố. Thực ra là không có cả người vô gia cư. Ngay cả trong những năm 1990 nạn đói hoành hành do khủng hoảng kinh tế, người dân Cuba không chết đói. Cuba vẫn duy trì nền kinh tế kế hoạch và điều này giúp người Cuba phân phối đồng đều các nguồn lực khan hiếm.
Vâng, tiền lương cực kỳ thấp (cả Fidel và Raul cũng than thở) – nhưng mức lương của người dân Cuba không quyết định tiêu chuẩn sống của họ. Khoảng 85% người dân Cuba có nhà riêng và tiền thuê nhà không vượt quá 4% thu nhập. Nhà nước cung cấp một giỏ thức ăn rất cơ bản trong khi các hóa đơn điện nước, chi phí đi lại và thuốc men được giữ ở mức thấp. Các nhà hát, rạp chiếu phim, những vở ba lê,v.v… có giá đều rất rẻ cho tất cả mọi người. Giáo dục chất lượng cao miễn phí và chăm sóc y tế miễn phí. Những điều này là một phần của cải vật chất của Cuba không nên bị bỏ qua khi ta đánh giá, chứ không phải tiêu dùng cá nhân các hàng tiêu dùng là thước đo duy nhất của sự thành công về kinh tế.
Chương trình Operation Miracle
Những thách thức cụ thể và thực tế mà quá trình phát triển của Cuba phải đối mặt đã tạo ra những mâu thuẫn hiếm thấy. Trong một nền kinh tế kế hoạch, với ngân sách cực kỳ chặt chẽ, họ đã phải lựa chọn ưu tiên: cơ sở hạ tầng thì đổ nát nhưng họ lại có các chỉ số phát triển con người hàng đầu thế giới. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thể hiện rất nhiều về tiêu chuẩn sống, và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và y tế. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh của Cuba là 4,5 trên 1.000 ca sinh sống, đã đưa Cuba vào cùng danh sách với những nước hàng đầu thế giới, hơn cả Mỹ trong bảng xếp hạng riêng của CIA.
Không chỉ người Cuba trong nước mới được hưởng những sự đầu tư này. Hàng chục nghìn bác sĩ, các nhà giáo dục và các cán bộ hỗ trợ phát triển người Cuba đã đi phục vụ trên toàn thế giới. Hiện nay khoảng 37.000 bác sĩ và y tá Cuba đang làm việc tại 77 quốc gia. Họ tạo ra luồng trao đổi ngoại tệ trị giá khoảng 8 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Ngoài ra, Cuba chữa trị và đào tạo y tế miễn phí cho hàng ngàn người nước ngoài mỗi năm. Là một sáng kiến trực tiếp của Fidel, vào năm 1999 Trường Y Mỹ Latinh đã được khánh thành tại Havana để cung cấp chương trình đào tạo 6 năm miễn phí cho sinh viên nước ngoài từ các nước nghèo, chỗ ở hoàn toàn miễn phí. Năm 2004, Cuba đã hợp tác với Venezuela phẫu thuật mắt miễn phí cho người dân ở nhiều nước thuộc Chương trình Operation Miracle (Chiến dịch Phẫu thuật Điều diệu kỳ). Trong mười năm đầu tiên hơn 3 triệu người đã tìm lại được ánh sáng.
Mỹ thậm chí cấm vận buôn bán thuốc đối với Cuba nhưng lệnh cấm vận đã khiến Castro ưu tiên đầu tư vào y học. Cuba hiện đang sở hữu khoảng 900 bằng sáng chế, bán dược phẩm và vắc xin tại 40 quốc gia, đem lại doanh thu 300 triệu đô la mỗi năm, với tiềm năng mở rộng rất lớn. Ngành dược của Cuba sản xuất hơn 70% các loại thuốc cho 11 triệu dân Cuba sử dụng. Toàn bộ ngành công nghiệp dược thuộc sở hữu nhà nước, các chương trình nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của người dân, và tất cả thặng dư được tái đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu không có kế hoạch nhà nước và đầu tư công không chắc điều này có thể đạt được tại một nước nghèo.
Vào giữa những năm 1980 Cuba phát triển vắc-xin viêm màng não B đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, Cuba dẫn đầu trong các loại thuốc trị ung thư. Trong năm 2012 Cuba cấp bằng sáng chế vắc-xin điều trị ung thư đầu tiên. Lệnh cấm vận của Mỹ đã buộc Cuba phải tìm mua các loại thuốc, thiết bị y tế và các sản phẩm X quang từ các nguồn bên ngoài nước Mỹ, khiến phát sinh thêm chi phí vận chuyển.
Nền kinh tế chia sẻ
Năm 2009 Tổng thống Rafael Correa của Ecuador đã bảo tôi:
“Một tấm gương tuyệt vời từ Cuba đó là trong nghèo đói, Cuba đã biết cách chia sẻ, thông qua tất cả các chương trình quốc tế của mình. Cuba là quốc gia có sự hợp tác vĩ đại nhất nếu so với tổng sản phẩm nội địa, và đây là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Điều này không có nghĩa rằng Cuba không có vấn đề lớn, nhưng chắc chắn là không thể đánh giá sự thành công hay thất bại của mô hình Cuba nếu không xét đến sự phong tỏa của Mỹ, một cuộc phong tỏa đã kéo dài 50 năm. Ecuador sẽ không thể tồn tại được 5 tháng với sự phong tỏa đó.”
Về lệnh cấm vận: chính phủ Cuba ước tính lệnh cấm vận đã làm cho đảo quốc tổn thất 753,69 tỷ đô la Mỹ. Báo cáo hàng năm của Cuba gửi cho Liên Hiệp Quốc thể hiện chi tiết tính toán này. Đây là con số rất lớn đối với một nước có GDP bình quân giai đoạn 1970 – 2014 là 31,7 tỷ đô la Mỹ.
Vâng, Castro có vai trò chính yếu đối với những sai lầm và thiếu sót trong nền kinh tế kế hoạch của Cuba. Vâng, hoàn toàn có quan liêu, năng suất thấp, khủng hoảng thanh khoản, nợ nần và nhiều vấn đề khác – nhưng nước nào không có? Castro đã chỉ ra những yếu kém này trong các bài phát biểu của mình trước nhân dân Cuba. Nhưng Tổng thống Correa đã đúng – để đánh giá một cách khách quan di sản của Castro, sự phát triển của Cuba và những cải cách ngày nay, chúng ta không thể vờ như sự phong tỏa của Mỹ (hiện nay vẫn còn dù đã có xích lại gần nhau) là không có tác động đến cơ cấu của nền kinh tế Cuba.
Castro đã chứng kiến gần 11 đời tổng thống Mỹ kể từ năm 1959, nhưng ông không bao giờ sống đủ lâu để để nhìn thấy sự kết thúc lệnh cấm vận của Mỹ. Với những cải cách kinh tế đang được tiến hành và với việc phục hồi quan hệ với Hoa Kỳ, Cuba phải đối mặt với những thách thức mới. Tuần tới, tôi sẽ bắt đầu một nghiên cứu mới ở Cuba để đánh giá sự dẻo dai của cuộc cách mạng trong giai đoạn hậu Castro và thời đại Donald Trump này.
Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ
Tags: Fidel Castro, An sinh xã hội - Phúc lợi xã hội, Mỹ, Chủ nghĩa xã hội, Cuba, Chủ nghĩa quốc tế