⠀
Con chuột – hình tượng độc đáo trong văn học
Mười hai con giáp, chuột đứng hàng đầu. Kể cũng lạ? Hình dạng bé nhỏ xấu xí, phẩm cách hèn hạ đáng khinh, thế mà chuột được người xưa xếp trước cả những con vật uy mãnh như hổ, linh hiển như rồng. Đã thế, năm Tý – với biểu tượng con chuột, còn là năm đầu của một kỷ, chu kỳ 60 năm.
Muốn hiểu vì sao người xưa có quan niệm kỳ cục như vậy, phải lật chồng sách cũ tra cứu. Sách Nhĩ nhã, thiên Thích thiên ghi: Thái tuế tại tý viết khốn đốn. Xin chớ hấp tấp hiểu khốn đốn theo nghĩa đương đại, như khốn đốn là cuối tháng chạy quanh ứng tiền tiêu tạm! Phải tìm đến ngữ nguyên (sens étymologique) của nó: hỗn mang. Lại được thấy câu: Thiên khai ư tý, địa tịch ư sửu, nhân sinh ư dần. Thì ra, người xưa chọn chuột – giống vật sống lẫn lút chui rúc trong hang hốc, giữa tranh tối tranh sáng để biểu tượng cho thời kỳ đất trời hỗn mang, khi âm dương chưa định, tối sáng chưa phân.
Cũng thật tình cờ, tác phẩm văn học chữ nôm cổ nhất còn giữ được trong văn học nước ta lại viết về chuột: Trinh thử. Đó là một truyện thơ dài 850 câu của Trần triều xử sĩ Hồ Huyền Quy. Chuột bạch góa chồng đi kiếm mồi nuôi con, một hôm, bị cơn gió lốc, chuột bạch chạy nấp trong hang gần đấy. Không ngờ trong hang có một chuột đực. Nhân lúc chuột cái đi vắng, chuột đực toan giở trò tán tỉnh sàm sỡ. Chuột bạch cự tuyệt, liều chết bảo toàn trinh tiết. Đang lúc, chuột cái về. Ngờ chồng và chuột bạch thông dâm, chuột cái nổi cơn tam bành. Chuột bạch hết lời minh oan rồi ra về. Nhưng chuột cái không tin, thân đến hang chuột bạch đánh ghen. Bất ngờ mèo xuất hiện, chuột cái hốt hoảng ngã tỏm xuống ao. Tác giả là Hồ Sinh – vốn biết tiếng chim muông và nghe lọt câu chuyện – liền đuổi mèo, vớt chuột cái rồi lấy lời phải trái giải phân, ca tụng tấm lòng trinh tiết của chuột bạch.
Truyện thơ ngụ ngôn Trinh thử vừa kín đáo bộc lộ tâm sự của tác giả – quyết giữ lòng cổ trung với triều Trần sau khi Hồ Quý Ly lên ngôi, vừa là bài học luân lý cho người đời. Nhưng không hiểu sao tác giả lại chọn loài chuột làm nhân vật của mình?
Muốn biết qua dòng họ nhà chuột, hãy đọc Hịch bắt chuột của cụ Đồ Chiểu. Tuy chẳng phải nhà sinh vật nhưng cụ Đồ Chiểu tỏ ra rất am hiểu lý lịch nhà chuột:
Lông mọc xồm xoàm, tục kêu xà lắt
Tánh hay ăn vặt; lòng chẳng kiêng dè
Chỗ ở ăn hang lỗ nhiều bề
Đường qua lại đào soi lắm ngách
Nghe hơi động vội vàng lĩnh mất, nhát quá mẹ cheo.
Chờ đêm khuya sẽ lén lút ra, liếng hơn cha khỉ.
Gọi danh hiệu: chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống anh em giòng họ nhiều tên.
Tra quán chỉ: ở nhà, ở ruộng, ở rạch, ở ngòi bầu bạn non sông lắm lối.
Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm tối biết bao.
Thật ra, nhà thơ nêu có bốn giống chuột lại trùng hết hai. Xạ và chù chỉ là một. Có thể bổ sung thêm: cơm, đồng, chũi, cà xốc, bạch, dừa, ấn… Đấy cũng chỉ là những giống chuột gần gũi với dân ta. Bạn nào ham đọc cổ văn nên lưu tâm đến mấy giống chuột “Tàu” sau đây. Chúng đã được dùng như những biểu tượng có giá trị điển cố trong văn học Trung Quốc cổ cận đại: Tương thử, giống chuột ở đất Tương thuộc tỉnh Hà Đông. Thỉnh thoảng, Tương thử lại đi bằng hai chân sau. Người Trung Quốc cho việc chuột đi như người là vô lễ. Từ đó, kẻ vô lễ gọi là Tương thử!
Ngược với Tương thử có Lễ thử. Giống chuột này biết lo xa, thường đào hang cất giấu, tích trữ lương thực lại nhiều tự ái, biết giữ “tiết lễ”. Chúng sẽ tự sát hàng loạt nếu hang ổ bị xâm phạm. Đến đây, không thể không nhớ đến bút ký của ông Wells- nhà sinh vật nổi tiếng người Anh. Ông có những trang miêu tả hàng vạn con chuột điên cuồng lao đầu xuống nước tự trầm. Nhưng hẳn người Anh chẳng bao giờ phong cho những con chuột ấy danh hiệu Lễ thử như người Trung Quốc!
Trong thiên Khuyến học, Tuân Tử nhắc đến Ngô thử – giống chuột thường sống dưới cây ngô đồng. Theo Tuân Tử, Ngô thử còn có tên Ngũ kỹ thử, nghĩa là giống chuột có đến năm tài. Nhưng khổ thay, chẳng có tài nào của Ngô thử đến nơi đến chốn: biết bay nhưng không bay quá tường thấp, biết trèo nhưng không trèo suốt thân cây, biết bơi nhưng không bơi qua khe hẹp, biết chạy nhưng không chạy nhanh hơn người, biết đào hang nhưng không đủ sâu để giấu mình. Tuân Tử lấy Ngũ kỹ thử để răn những kẻ nhiều nghề cá trê húp nước.
Trở lại văn học nước ta, chuột được dùng trong danh từ, thành ngữ, tục ngữ không thiếu gì.
Khi thì dựa vào hình dạng như dưa chuột, loại dưa trái dài, thon giống mình con chuột. Đuôi chuột, chiếc rễ cái của cây đâm thẳng xuống đất. Chuột rút, tình trạng cơ co rút vì hoạt động quá nhiều, các chất bã không kịp lưu chuyển bằng sự hô hấp. Bắt chuột, trò chơi của trẻ con, dùng ngón cái và ngón giữa bấm vào bắp thịt cánh tay rồi giật mạnh, bắp cơ nổi lên một cục bằng chú chuột con. Tất nhiên là giật trên cánh tay của bạn, vì trò chơi này đau đến chảy nước mắt!
Khi thì ví von: Lủi như chuột, ướt như chuột lột, len lét như chuột ngày, đầu voi đuôi chuột, cháy nhà bày mặt chuột, chuột sa chĩnh gạo, chuột gặm chân mèo, lù đù như chuột chù phải khói…
Chuột có dáng loắt choắt, bộ dạng len lét, đôi mắt láo liếng, hôi hám bẩn thỉu lại chuyên cắn phá mùa màng, áo quần nên thường để chỉ hạng người ti tiện đáng khinh trong xã hội. Tư đồ Vương Doãn trong Tam quốc chí gọi bọn tướng sĩ đất Quan Đông Hồ Văn Tài và Dương Chỉnh Tu là “Quan Đông thử tử”. Về sau, câu này trở thành thành ngữ chỉ hạng người bất tài: Lũ chuột nhắt ở Quan Đông!
Trong ca dao Việt Nam, chuột – nhất là chuột chù – đã trở thành một hình tượng độc đáo. Hoặc chỉ kẻ xấu không biết mình xấu lại chuyên bươi móc người khác:
Chuột chù chê khỉ răng hôi
Khỉ toét miệng cười: “cả họ mày thơm”
Hoặc những người không tự biết mình, đòi hỏi những điều mà mình không đáng được hưởng:
Chim chích mà đậu cành sòi
Chuột chù trong ống đòi soi gương Tàu
Nguyễn Hữu Chỉnh vào Nam ra Bắc, vẫy vùng ngang dọc một thời. Khi thất thế về quê ở Nghệ An, Chỉnh bị một nhóm vô danh tiểu tốt vây bắt nộp cho vua Lê. Chỉnh may thoát được. Tục truyền rằng vì vậy trong dân gian có câu hát:
Đi cùng bốn bể chín chu
Trở về xó bếp chuột chù gặm chân
Thật oái ăm, các vị đỗ hương thi từ đời Lê trở về trước có danh xưng đồng âm với tên của một giống chuột to con, xấu xí: ông cống – chuột cống. Vì thế, trong bộ tranh tết, người nghệ sĩ dân gian làng Hồ có bức vẽ một chú chuột ngồi trên kiệu do một đàn chuột khiêng hầu với đủ cờ quạt tán lọng xanh đỏ và cả tấm biển “Ân tứ vinh quy” của vua ban nữa. bức tranh góp phần châm biếm chế độ khoa cử đương thời, cũng như một nhà thơ khuyết danh viết bài vịnh con mèo, có mấy câu ẩn dụ rất thú vị như sau:
Chí quyết phen này vồ lấy cống
Rồi lên đài các sẽ nghêu ngao!
Trong văn học hiện đại chuột vẫn còn là một hình tượng độc đáo trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine, truyện của Tô Hoài, John Steinbec, Albert Camus. Nhưng từ xưa đến nay, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, trong văn học, chuột vẫn là hình tượng xấu xa cần trừ khử. Bởi lẽ trong thực tế, chuột là một giống vật độc hại. Mỗi năm, có hàng vạn người trên thế giới chết vì bệnh dịch hạch do chuột gây ra. Chuột phá hoại lương thực, mùa màng không kể xiết. Chuột ăn luôn miệng và có thể ăn từ 200 đến 400 gram lúa một ngày. Đã thế, chuột lại mắn đẻ, từ 9 đến 10 lứa một năm, mỗi lứa từ 6 đến 22 con!
Một trong những tác phẩm văn học sớm nhất của loài người, Kinh thi, đã có nhiều bài, nhiều câu nói lên hiểm họa chuột. Nhưng qua đó, người dân Trung Quốc còn gửi gắm tâm sự căm ghét bọn quan lại phong kiến bóc lột, mọt đục dân đen. Xin giới thiệu bài Chuột xù:
Chuột, chuột xù kia ơi
Lúa tao cắm mãi thì thôi từ rày
Bao năm đã nuôi thân mày
Nào mày có biết tao đây người nào
Bỏ mày tao sẽ liệu tao
Tao đến nơi nào là đất yên vui
Đất yên vui! Đất yên vui!
Mong ra nơi ấy tao thời yên thân
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu kể tội loài chuột cụ thể hơn:
Túi Đông Pha thường bữa tha gừng
Ruộng Đông Quách ghe phen cắn lúa
Nếp gạo của trời nuôi mạng, ăn phá rồi còn kéo xuống hang
Nệm mền của chúng che thân, cắn nát rồi lại tha vào lỗ
Hoặc nằm ngửa cắn đuôi tha trứng vịt, gây nên thằng tớ chịu đòn oan
Hoặc leo dây ngóng cổ gặm giò heo để tiếng con đòi mang tiếng khổ.
Và tỏ ra quyết liệt trong việc diệt chuột, không cam chịu và trốn lánh như người nông dân Trung Quốc trong Kinh thi.
Chớ để con nào sa lậu, phải ra tay lấp lỗ tam bành
Đừng cho chúng nó sẩy ra, phải hết sức trừ đồ lục tặc!
Giống chuột chưa bị tuyệt diệt trong hang ngách cũng như trong cuộc sống. Nhưng nhân dân ta không còn sợ loài phá hoại tinh ranh, không còn vừa ghê tởm vừa phải gọi chúng bằng “ông”: ông thiêng, ông tý… Xin dán trước ngõ câu đối cổ để đón xuân mới và cũng để khép lại bài phiếm luận đầu năm này:
Năm tý, loài người không sợ gì ông chuột
Năm chuột, loài người không sợ gì ông tý.
V.Q.
(5/2-84)
Theo VĨNH QUYỀN / TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: Văn học, Động vật, Văn hóa Việt, Chuột