Có một thuyết Ngũ hành hoàn toàn khác trong triết lý Phật giáo Nhật Bản

Nhắc đến 5 nguyên tố tạo nên trái đất này, bạn nghĩ đó là gì? Có phải là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ? Đến Nhật Bản, kiến thức này sẽ có chút thay đổi.

Có một thuyết Ngũ hành hoàn toàn khác trong triết lý Phật giáo Nhật Bản

Theo triết lý Phật giáo Nhật Bản, 5 nguyên tố tạo nên vũ trụ bao gồm Lửa, Nước, Đất, Gió và Không.

Tổng hòa của chúng được gọi là Godai (五大) trong đó Go (五) – “Ngũ” nghĩa là năm yếu tố và Dai (大) – “Đại” có nghĩa là to lớn, vĩ đại. Chính vì lý do đó, lý thuyết về 5 nguyên tố này chính là nguồn gốc của văn hóa Nhật Bản, là khởi nguồn cho vũ trụ. Mỗi yếu tố đại diện cho một xu hướng của thế giới kể cả về vật chất và tinh thần. 5 nguyên tố này cũng tồn tại trong chính mỗi cá nhân và điều khiển mọi suy nghĩ của như hành động của con người.

Đại diện cụ thể nhất của Godai chính là Gorintō (Gorinto) 五輪塔. Gorinto là một kiến trúc bia mộ cổ bằng đá 5 tầng mà bạn rất dễ bắt gặp ở những khu vườn kiểu Nhật. Nhưng có mấy ai hiểu được ý nghĩa đằng sau hình dạng độc đáo ấy.

5 tầng của Gorinto chính là đại diện cho 5 nguyên tố xếp chồng lên nhau, với tầng đầu tiên chính là mặt đất và tầng khí quyển nằm ở trên cùng. Mỗi nguyên tố sẽ có một ý nghĩa riêng và được xếp theo thứ tự hợp lý, thể hiện tư duy tinh tế của người Nhật cổ xưa.

Kiến trúc Gorintou theo cấu tạo 5 tầng đá lần lượt biểu trưng cho 5 nguyên tố theo thứ tự từ dưới lên như sau: Đất, Nước, Lửa, Gió và Không.

Nguyên tố đầu tiên là Đất (– Chi)

Đất cung cấp mọi thứ để thỏa mãn nhu cầu của con người, chứ không phải lòng tham.

Đất chính là nguyên tố nằm ở tầng dưới cùng, với ý nghĩa là tầng nâng đỡ những tầng còn lại. Đất cứng rắn nhưng lại là vật thể vô tri vô giác, là nguyên tố cơ bản nhất nhưng không ẩn chứa quá nhiều năng lượng. Nếu xét trong tương quan cơ thể con người, Đất chính là xương, cơ bắp và các mô, là bộ khung nâng đỡ, đảm bảo cho sự sống được tiếp diễn. Xét về tính cách, Đất đại diện cho sự kiên định, sự ổn định và cả tính ích kỉ của con người. Nếu một người thiên về nguyên tố đất, họ sẽ tự tin, thận trọng trong suy nghĩ và hành động, tuy nhiên đôi lúc bảo thủ và cố chấp.

Nguyên tố thứ hai là Nước (-Sui)

Không gì địch được lại sự mềm mại và uyển chuyển của Nước, cũng không có gì ngăn được dòng Nước.

Nằm ngay trên tầng đất là Nước. Nước chính là dòng chảy mềm mại trung hòa sự cứng rắn của đất. Nước là ao hồ rạch phá, là sông ngòi biển cả. Nước cùng với đất đem lại sự sinh sôi cho cây cối. Nước cũng chính là dòng máu chảy trong huyết mạch mỗi người, lan truyền sự sống đến khắp nơi trong cơ thể. Nếu Đất là sự kiên định và cứng nhắc thì Nước chính là sự uyển chuyển linh hoạt, thích nghi nhanh nhưng cũng chóng thay đổi. Người thuộc tính thủy rất dễ lung lay trước người khác, tuy nhiên có khả năng biến ứng với môi trường nhanh, nhạy. Những người này cũng rất quyến rũ, hấp dẫn với người khác giới.

Nguyên tố thứ ba là Lửa (-Ka)

Vũ khí lợi hại nhất trên Trái Đất này, chính là linh hồn mạnh mẽ như Lửa đốt của nhân loại

Biểu tượng của Lửa trong Gorinto là một tảng đá hình kim tự tháp đỉnh hướng lên trời, như ngọn lửa đang cháy hừng hực. Lửa thể hiện sự gan lì và toát ra nguồn năng lượng dồi dào. Động vật, bao gồm cả con người chính là đại diện của Lửa, gọi chung là sự sống. Lửa hiện hữu trong cái cách mà các cơ quan tiêu hóa thức ăn để hình thành năng lượng, là khi ánh sáng mặt trời kết hợp với đất và nước để tạo nên và duy trì sự sống. Động lực, đam mê, nhiệt huyết, hy vọng,… tất cả đều chứa nguyên tố Lửa.

Người thuộc tính Lửa nóng nảy, bộc trực nhưng rất nhiệt tình, tràn trề sức sống. Chính bởi bùng cháy trên dòng nước chảy mà sức nóng của Lửa được kiềm chế, tạo nên thế cân bằng cho kiến trúc Gorinto.

Nguyên tố thứ tư là Gió (-Fuu)

Thỉnh thoảng, giữa sự đổi chiều của những cơn gió, ta tìm ra được con đường giành riêng cho mình.

Nằm ngay trên kim tự tháp của nguyên tố Lửa là hình trăng lưỡi liềm tinh tế của Gió. Gió là một vật thể vô hình, là đại diện của Tự do và sự lan tỏa. Gió biểu trưng cho tâm trí con người, Bên cạnh những nguyên tố hình thành nên sự sống thiên về vật chất như Đất, Nước và Lửa, Gió chính là linh hồn, là tinh túy thần thái của con người. Tâm hồn con người không ngừng được mở rộng, là phản ánh của sự phóng khoáng, không tù túng. Mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm nhận khác nhau về cùng một sự vật, sự việc. Tuy nhiên Gió là một nguyên tố không thể đứng độc lập, bởi nó vô hình. Bạn chỉ cảm nhận được Gió khi kết hợp với lửa để tạo nên khói, kết hợp với nước để làm mưa và thổi tung mặt đất thành bụi.

Người thuộc tính Gió là người phóng khoáng, tự do tự tại, người có lòng bao dung, trắc ẩn, tuy nhiên khi đối diện với vấn đề khó khăn thường hay lãng tránh.

Nguyên tố cuối cùng – nguyên tố thứ năm cũng chính là tầng đá trên cùng của kiến trúc Gorinto – Không (– Không)

Ta chỉ có thể cảm nhận được sự trống rỗng của Không, khi ta lấp đầy nó

Biểu tượng của Không trong kiến trúc Gorinto là hình bông hoa sen – biểu tượng của Phật giáo. Chính bởi sự trống rỗng của nó, Không là tất cả nhưng lại chẳng là gì. Bạn được bao phủ bởi Không gian, sống nhờ Không khí, nhưng bạn chẳng thể cảm nhận được nó. Không là nguồn năng lượng tinh khiết, là đại diện cho sự sáng tạo, đôi khi mang ý nghĩa thoát tục. Nếu Gió là linh hồn của con người, Không đại diện cho trí tuệ, là khả năng con người giao tiếp và phát triển bản thân.

Người thuộc tính Không rất thông minh, sáng dạ, tuy nhiên tính cách thất thường, suy tư phức tạp, ít điều khiển được tâm trạng.

Mỗi sự vật hiện tượng trên Thế giới này đều tồn tại 5 nguyên tố Đất, Nước, Lửa, Gió và Không. Sự tương khắc và tương hỗ lẫn nhau của 5 nguyên tố làm nên cái đa dạng của vạn vật. Nếu ta có thể trung hòa được 5 yếu tố trên trong cùng một vật thể, ta sẽ tạo được thế vững chắc, khó bị lay chuyển bởi yếu tố bên ngoài. Đó chính là ý nghĩa của kiến trúc Gorinto. Thông qua việc tìm hiểu lý thuyết về 5 yếu tố hình thành Vũ trụ, bạn cũng có thể nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, để từ đó tìm ra cách để trung hòa, sửa chữa.

Theo SACHIKO / JAPO.VN

Tags: , ,