Chuyện về cây cù tùng Karl Marx và ngôi làng Cộng sản ở California

Cây cù tùng Karl Marx, sau tất cả, vẫn đứng vững. Có lẽ tinh thần Kaweah có thể giúp định hướng cho một tương lai – công bằng, xanh và tự do – nơi tất cả các sinh vật sống trên Trái đất được tôn vinh.

Chuyện về cây cù tùng Karl Marx và ngôi làng Cộng sản ở California

Tác giả: Daegan Miller, sống ở Madison, Wisconsin, Mỹ, là nhà nhà sử học và nhà văn. Ông là tác giả của cuốn “Vùng đất cấp tiến này” (This Radical Land), xuất bản năm 2018.

Nguồn: A future just, green and free, under a tree named Karl Marx; Daegan Miller; Aeon.co & The University of Chicago Press; 2018/03/13.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

California từ lâu đã được coi là nơi tương lai hình thành, và tiểu bang này đã thu hút những người khai phá từ khắp nơi trên thế giới với đủ mọi quan điểm chính trị. Từ những người theo trào lưu Hippy đến các Tổng thống Mỹ như Ronald Reagan và Richard Nixon đã gọi đây là bang quê nhà của mình. California là một thánh địa cho các tín đồ của phong trào thực phẩm bản địa và thực phẩm hữu cơ, cũng như cho các môn đệ của những người theo chủ nghĩa tự do công nghệ như Peter Thiel và Elon Musk ngày nay. Nhưng, trong hiện tại nóng bỏng, đầy rẫy bất công của chúng ta, thật đáng để nhìn lại một khoảnh khắc lịch sử từ quá khứ cấp tiến của California, để từ đó có những gợi mở cho tương lai.

Vào thời điểm năm 1885, tương lai xoay quanh một cái cây, một cây cù tùng khổng lồ của California, được mệnh danh là đại thụ khổng lồ nhất thế giới. Lúc đó cây đã được đặt một cái tên: Tướng Sherman (tức William Tecumseh Sherman, vị tướng Nội chiến nổi tiếng tàn bạo, và là kẻ hủy diệt người bản địa Mỹ). Nhưng từ khi một nhóm người chủ trương vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội biến khu rừng cù tùng thành đại bản doanh của mình, họ đã đổi tên sinh vật đồ sộ kể trên thành cây cù tùng Karl Marx.

Những người cấp tiến này đã kéo đến sườn phía Tây của dãy núi Sierra Nevada để sáng lập một công xã rộng 12 dặm vuông mà họ gọi là Kaweah. Từ căn cứ này, các xã viên của Kaweah lên kế hoạch phát động một cuộc cách mạng hòa bình chống lại sự bóc lột tư bản.

Kaweah khao khát tạo ra một cộng đồng nuôi dưỡng sự phát triển toàn diện nhất của mỗi cá nhân bằng cách pha trộn công việc, giải trí và lối sống đạo đức với nhu cầu xã hội của an ninh và cộng đồng. Những người cấp tiến Kaweah thúc đẩy sự hình hành một xã hội mới, một xã hội lành mạnh lý tưởng, mô hình cho một quốc gia mới, phi tư bản.

“Phong cảnh thật tuyệt vời”, nhà xã hội chủ nghĩa và vô chính phủ Burnette Haskell đã thốt lên khi lần đầu tiên nhìn thấy vùng đất này vào giữa những năm 1880. Những đỉnh núi phủ tuyết trắng vĩnh cửu của Sierra Nevada đã được nhìn toàn cảnh, trong khi các hẻm núi với thác nước hùng vĩ đã được nói đến trong niềm hân hoan. Khung cảnh đó cũng là những cánh rừng, và những cây gỗ lớn – đặc biệt là cây thông, cây vân sam và linh sam – là nguồn sống của cộng đồng Kaweah, với nghề khai thác gỗ.

Đối với những người sống trong thời đại ngột ngạt ngày nay, có nhiều điều để suy ngẫm khi nói về những người Kaweah. Một phần của tập quán Kaweah đến từ quan điểm của nhà vô chính phủ Pháp Pierre-Joseph Proudhon, rằng tài sản là hiện thân của sự trộm cắp, rằng tài nguyên đất đai không thuộc về bất cứ ai, vì tự thân nó là một thành tố của trái đất. Trái đất và các tài nguyên của mình thuộc về nhau và không lệ thuộc vào ý chí của con người.

“Tài sản và xã hội hoàn toàn không thể hòa giải được”, Proudhon đã viết vậy trong tác phẩm Tài sản là gì? (1840). “Hoặc là xã hội phải diệt vong, hoặc tài sản phải được tiêu hủy”. Bởi vì đất đai thuộc về tất cả chúng ta – người đang sống và chưa sinh ra – người lao động cũng phải đóng vai trò là người bảo vệ đất: “Anh ta phải sử dụng [đất] phù hợp với lợi ích chung, nhằm bảo tồn và phát triển nó; anh ta không có quyền để biến đổi nó, làm suy thoái nó hoặc thay đổi bản chất của nó”, Proudhon viết.

Với Proudhon, quyền của mỗi cá nhân được phát triển mà không bị cản trở dựa theo thiên hướng bẩm sinh trên cơ sở cộng đồng con người và môi trường phải được tôn trọng tuyệt đối. Người Kaweah đã đi theo Proudhon để bảo đảm rằng sự giàu có của thế giới không bao giờ bị một số ít người hung hãn thâu tóm. Tất cả mọi người đều xứng đáng được bình đẳng về quyền lợi.

Vì vậy, người Kaweah xây dựng cho mình một hệ thống kinh tế, xã hội và môi trường liên kết với nhau có thể duy trì sự sống của con người cũng các sinh thể khác. Các trại khai thác gỗ khác ở vùng núi này chỉ thuần túy là trại, nơi cư trú tạm thời cho người di cư khai thác gỗ, những người bị bóc lột bởi một ông chủ sở hữu vắng mặt. Ngược lại, công xã Kaweah là một ngôi nhà chung: Các xã viên sẽ đốn cây ngay sau sân nhà của chính mình. Hệ thống của họ là một hệ thống được điều chỉnh để mang lại cuộc sống bình đẳng, lành mạnh, sung túc và nó đã được chứng minh trên thực tế: Cộng đồng Kaweah có một đội bóng chày, các bữa tiệc định kỳ, những chuyến đi bộ viếng thăm cây cù tùng Karl Marx và nhiều hoạt động dã ngoại kết hợp với thảo luận chính trị.

Một xã viên của Kaweah – J. J. Martin – báo cáo rằng tại thời điểm giải thể, công xã có 615 thành viên – mặc dù chưa bao giờ có hơn 150 người thực sự sống trong rừng. Vào thời điểm đó, luật gia, dân biếu Mỹ W. Carey Jones đã viết: “nói chung, tôi có thể nói rằng, … [cuộc sống của người Kaweah] đầy đủ hơn, tốt đẹp hơn và sinh lời hơn so với người nông dân trung bình ở California…”.

Kaweah. Từ này hiếm còn được nhắc đến nữa. Người ta có thể nghĩ rằng sự tàn lụi của nó là không thể tránh khỏi – vì những người như vậy không thể tồn tại trong thế giới mà người với người là chó sói, v..v. Nhưng đó không phải là điều đã xảy ra. Thay vào đó, một liên minh gồm những người theo chủ nghĩa bài ngoại, những nhà bảo tồn dưới trướng Tổng thống Theodore Roosevelt và Đường sắt Nam Thái Bình Dương (SPRR) đã âm mưu đánh tan cộng đồng Kaweah.

Sự độc quyền gỗ của SPRR bị giấc mơ của người Kaweah đe dọa. Và SPRR đã thực hiện một vụ tàn sát người vận chuyển gỗ từ vùng Tây Bắc Thái Bình Dương bạt ngàn rừng rậm đến miền trung California khan hiếm gỗ. Ngành đường sắt, với các đồng minh của nó, đã tổng tấn công.

Cái kết của Kaweah đã được tôi kể trong cuốn sách “Vùng đất cấp tiến này”. Vào ngày 1/10/1890, một dự luật – có khả năng được viết bởi Daniel K Zumwalt, một lãnh đạo của SPRR – đã được trình Quốc hội để thông qua. Theo đó, Công viên quốc gia Cù tùng được lập, bao gồm gần như toàn bộ vùng đất của người Kaweah.

Đó là kết thúc của công xã Kaweah. Khi kỵ binh Hoa Kỳ trục xuất cộng đồng này, cây cù tùng Karl Marx lại đổi tên thành Tướng Sherman, một địa điểm mà bạn vẫn có thể ghé thăm ngày hôm nay.

Cái chết của Kaweah đã khiến nhà xã hội chủ nghĩa Burnette Haskell từ một người đầy lãng mạn trở thành kẻ nghiện rượu, và một trong các bằng hữu còn cho rằng ông đã nghiện cocaine. Nhưng ông không bao giờ đánh mất niềm tin cấp tiến của mình. Trong một khoảnh khắc bừng sáng vài năm trước khi qua đời vào năm 1907, ông đã viết: “Chẳng lẽ không có phương thuốc nào cho tệ nạn đàn áp người nghèo? Và không có gì chắc chắn về một ngày mà công lý và nhân quyền sẽ ngự trị trên Trái đất? Tôi không biết, nhưng tôi hy vọng, và tôi tin vào điều đó”.

Ngày nay, giấc mơ về sự hòa hợp triệt để với thiên nhiên của Kaweah đang trở lại với cuộc sống, một phần do sự nóng lên toàn cầu và sự bất lực của chủ nghĩa môi trường chính thống trong việc tìm giải pháp cho nó. Ngay cả Thỏa thuận Paris 2015 được khoe khoang rầm rộ cũng quá mong manh để đáp ứng mục tiêu của chính nó. Vấn đề, như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, là chủ nghĩa môi trường phương Tây từ lâu đã phải đứng về phía lợi nhuận, nơi công lý và quyền lực lập pháp đã là đặc quyền lâu đời của những người giàu có.

Chúng ta cần một chủ nghĩa môi trường mới dựa trên công lý. Nhưng chúng ta không cần phải phát minh ra nó từ con số không. Cây cù tùng Karl Marx, sau tất cả, vẫn đứng vững. Có lẽ tinh thần Kaweah có thể giúp định hướng cho một tương lai – công bằng, xanh và tự do – nơi tất cả các sinh vật sống trên Trái đất được tôn vinh.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , , , ,