Chúng ta, theo nhiều cách, đang sống trong thế giới Marx đã dự đoán

200 năm kể từ khi Karl Marx ra đời, phân tích và tầm nhìn của ông đã nhiều lần thể hiện sự đúng đắn. Chúng ta, theo nhiều cách, đang sống trong thế giới Marx đã dự đoán.

Chúng ta, theo nhiều cách, đang sống trong thế giới Marx đã dự đoán

Nguồn: Capitalism is unfolding exactly as Karl Marx predicted / Olivia Goldhill / Qz.com / 2018/05.

Biên dịch: Đại Việt / Redsvn.net.

160 năm trước, vào thời điểm bóng đèn chưa được phát minh, Karl Marx dự đoán rằng robot sẽ thay thế con người tại nơi làm việc.

“Một khi áp dụng vào quá trình sản xuất tư bản, phương tiện lao động đi qua các biến đổi khác nhau, lên đến đỉnh điểm trong máy móc, hay đúng hơn là một hệ thống máy móc tự động”, ông viết trong Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị.

Dần dần, trong một thế kỷ rưỡi kể từ khi Marx viết những điều đó, máy móc đã ngày càng tiếp nhận nhiều hơn công việc của con người. Trong thế kỷ 20, đã có những phong trào chính trị cố gắng chứng minh ý tưởng của Karl Marx đã thất bại, nhưng sau 200 năm kể từ khi nhà triết học ra đời vào ngày 5/5/1818, phân tích và tầm nhìn của ông đã nhiều lần thể hiện sự đúng đắn. Chúng ta, theo nhiều cách, đang sống trong thế giới Marx đã dự đoán.

Marx cho thấy các khủng hoảng theo chu kỳ không phải là một tác dụng phụ ngẫu nhiên của chủ nghĩa tư bản, mà là một tính năng cần thiết và vốn có. Như giải thích của Nick Nesbitt, Giáo sư Đại học Princeton và chủ biên của cuốn Ý niệm về khủng hoảng: Đọc vị tư bản ngày nay (The Concept in Crisis: Reading Capital Today): “Ông ấy chỉ ra rằng nguồn gốc của giá trị thặng dư trong chủ nghĩa tư bản là lao động sống. Ông cũng lại cho thấy loại bỏ lao động sống là một xu hướng cần thiết cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Sự mâu thuẫn đó có nghĩa là chủ nghĩa tư bản không bao giờ ổn định, mà mãi mãi luẩn quẩn trong khủng hoảng: Một hệ thống phụ thuộc vào lao động của con người đồng thời loại bỏ nó”.

Marx phân tích chủ nghĩa tư bản như một hệ thống xã hội, chứ không phải là một nền kinh tế thuần túy. Giáo sư Nesbitt nhận xét: Con người và các mối quan hệ của con người phụ thuộc vào vị trí của chúng ta trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tư bản không chỉ xác định nguồn thu nhập của chúng ta mà cả cách chúng ta liên hệ với nhau, môi trường xung quanh và bản thân chúng ta.

Nhiều người tỏ ra hào hứng trong việc bác bỏ phân tích của Marx và cho rằng tầm nhìn cộng sản của ông đã thất bại trong thực tế. Tuy nhiên, tiến trình chính trị ở Liên Xô không phải là một phần trong tầm nhìn của Marx về một cấu trúc xã hội, mà sự phát triển của chủ nghĩa Lenin và cuộc cách mạng Nga mới là điều quyết định tình hình Liên Xô, theo Giáo sư Nesbitt

Phần lớn công sức của Marx tập trung vào phê bình chủ nghĩa tư bản, và ít đề cập cụ thể về những gì cần làm để cho chủ nghĩa cộng sản trở thành hiện thực, hoặc nó sẽ hoạt động như thế nào. Marx nổi tiếng với khẩu hiệu, “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, có nghĩa là người lao động có cơ hội thể hiện năng lực cao nhất và được thỏa mãn các như cầu thiết yếu, chẳng hạn như thức ăn và chỗ ở. Nhưng Carol Gould, giáo sư triết học tại Cao đẳng Hunter, Đại học Thành phố New York cho rằng, Marx đã không nói nhiều về câu “thần chú” này trong thực tế.

Bên cạnh đó, Marx nghĩ chủ nghĩa cộng sản thực sự sẽ chỉ phát triển trong những điều kiện nhất định. Vanessa Wills, nhà triết học chính trị tại Đại học George Washington, viết: “Marx dự đoán rằng cuộc cách mạng cộng sản cần phải diễn ra trong điều kiện của các nước có nền công nghiệp phát triển nhất, và trở thành một cuộc cách mạng quốc tế rộng rãi dẫn đến việc thay thế hệ thống tư bản. Cả hai điều kiện này đều không được đáp ứng trong trường hợp của Liên Xô, một thể chế luôn luôn bị cô lập cao về kinh tế”.

Và do đó sẽ là sai lầm khi đánh đồng thất bại của các quốc gia cộng sản thế kỷ 20 với thất bại của tư tưởng Marx. Hai thế kỷ sau, các văn bản của Marx vẫn là những phân tích thấu đáo nhất về chủ nghĩa tư bản.

Marx không chỉ đúng về sự gia tăng của tự động hóa. Ông cũng dự đoán về toàn cầu hóa và sự bất bình đẳng ngày càng tăng của ngày hôm nay, như Giáo sư Carol Gould lưu ý: “Ông ấy đã chính xác khi cho rằng khoảng cách thu nhập giữa lao động và chủ tư bản sẽ ngày cảng tồi tệ hơn. Marx dự đoán rằng chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến tình trạng đói nghèo ở giữa sự thừa mứa”.

Đây là một kịch bản rất quen thuộc cho hiện tại. Nhà nghiên cứu Vanessa Wills cho biết có khoảng nửa triệu người vô gia cư thường trực ở Mỹ, một đất nước được ước tính có đến 18 triệu ngôi nhà bỏ không.

Trong khi đó, như Tạp chí Kinh doanh Harvard chỉ ra, xã hội đương đại được đặc trưng bởi một sự xa cách giữa lao động của các công nhân với giá trị mà họ thụ hưởng, và sự tôn sùng hàng hóa – cả hai đều được dự đoán bởi Marx.

Vanessa Wills tin rằng các cuộc cách mạng được Marx mô tả có thể xảy ra một ngày nào đó, mặc dù không sớm. Nhà nghiên cứu này viết: “Trong số nhiều yếu tố cần thiết, những người lao động ở các nước kinh tế phát triển nhất sẽ phải xây dựng sự độc lập chính trị khỏi tầng lớp tư bản ở những nước này. Chúng ta đã thấy sự nổi lên của phong trào chính trị chống chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh, phân biệt chủng tộc, và thúc đẩy tình đoàn kết giữa người lao động việc của tất cả các quốc gia”.

Nhưng có rất ít dấu hiệu về những gì cần thiết để mang lại những thay đổi chính trị cấp tiến. Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã sử dụng cụm từ “không có cách nào khác” để giải thích cam kết của mình với hệ thống tư bản.

Hiểu thấu chủ nghĩa tư bản bằng phân tích xuyên suốt của Marx cho phép chúng ta dự tính các giải pháp thay thế tiềm năng.

“Nếu bạn không hiểu chủ nghĩa tư bản là gì, thì làm sao bạn có thể phê bình nó và hy vọng xây dựng được bất kỳ hệ thống kiểm soát nào nằm ngoài nó?”, Giáo sư Nesbitt đặt câu hỏi.

Vẫn còn rất nhiều phong trào chính trị hiện đại tiếp tục tham khảo Marx, với nhiều mức độ khác nhau. Chính phủ Trung Quốc đã gửi một bức tượng khổng lồ của Marx đến quê hương của ông ở Đức để kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của ông. Nhà kinh tế và cựu Bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis gần đây đã viết một bài giới thiệu mới hấp dẫn cho “Tuyên ngôn Cộng sản”, nêu chi tiết tại sao Marx lại rất cần thiết nếu chúng ta muốn suy ngẫm về khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo. Trong khi đó, công nhân trên toàn thế giới đã trưng những hình ảnh của Marx vào ngày 1 tháng 5, Ngày Quốc tế lao động. Công trình của ông vẫn là điểm tham chiếu quan trọng đối với những người phản đối sự bất công của chủ nghĩa tư bản và đòi hỏi sự thay đổi mang lại lợi ích cho 99% dân số của thế giới.

Mỗi tiến bộ lịch sử trong chính ngành công nghệ đã phá hủy nghề nghiệp của con người, tạo nên một đội ngũ người thấp nghiệp thường trực đông đảo. Lực lượng lao động của con người đã phản ứng với sự thay đổi này bằng cách từng bước điều chỉnh, đảm nhận những công việc mới được tạo ra bởi những tiến bộ công nghệ, và vì vậy chủ nghĩa tư bản vẫn tiếp tục hoạt động, dựa vào lao động và công nghệ của con người.

Các cuộc khủng hoảng hiện tại phát sinh bởi tự động hóa có thể không được giải quyết dễ dàng như quá khứ. Tình hình là “rất khác biệt”, Giáo sư Nesbitt nói, và yêu cầu phân tích đầy đủ và cặn kẽ về bản chất của chủ nghĩa tư bản. Ông nói thêm, đó là những gì làm cho Tư bản luận trở thành một tác phẩm lý thuyết và phê phán không chỉ giới hạn trong thế kỷ 19. Hệ thống tư bản, sau tất cả, vẫn là thế giới mà chúng ta tiếp tục sống trong ngày hôm nay.

ĐẠI VIỆT / REDSVN.NET

Tags: , ,