⠀
Chùm ảnh: Hình tượng người phụ nữ Việt Nam trên bốn Bảo vật quốc gia
Tranh ‘Vườn xuân Trung Nam Bắc’ của Nguyễn Gia Trí, tranh ‘Hai thiếu nữ và em bé’ của Tô Ngọc Vân, tranh ‘Em Thúy’ của Trần Văn Cẩn và tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là những Bảo vật quốc gia tái hiện chân thực vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
1. Được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí là một trong số những bức tranh tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn mài, khổ 540cm x 200cm, có thời gian sáng tác kéo dài từ năm 1969 đến năm 1989. Trong tác phẩm, đề tài quen thuộc là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã được làm mới với sự hiện diện của phụ nữ cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Bức tranh mô tả các thiếu nữ trong trang phục truyền thống từng vùng tươi vui, ca hát thể hiện sức sống tươi mới giữa mùa xuân trong một khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Trung tâm bức tranh là nhóm phụ nữ ba miền Trung – Nam – Bắc trong trang phục cổ xưa.
Sáng tác vào giai đoạn chiến tranh, tác phẩm như một lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc. Đồng thời, đây cũng là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí – một cánh chim đầu đàn của nền hội họa Việt Nam hiện đại.
2. Được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, “Hai thiếu nữ và em bé” là một bức tranh khác thể hiện đề tài người phụ nữ Việt Nam được công nhận là Bảo vật quốc gia. Người thực hiện tác phẩm này là họa sĩ Tô Ngọc Vân, một tên tuổi vĩ đại của nền mỹ thuật Việt Nam.
Tranh được vẽ bằng sơn dầu trên vải toan, cao 102 cm, rộng 71,8 cm, vẽ một không gian thanh bình với hai phụ nữ mặc áo dài tha thướt ngồi tâm sự ngoài hiên nhà, bên cạnh có một bé trai đang ngồi chơi. Ba nhân vật được bố cục dạng tam giác tạo nên trạng thái tĩnh lặng, cân bằng, êm ả.
Cùng với hòa sắc màu vàng ấm bao trùm tác giả đã tạo nên một hòa quyện tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên và dáng nét biểu cảm mềm mại của hai người phụ nữ trong y phục áo dài truyền thống đằm thắm trang nhã.
Theo đánh giá của các nhà phê bình mỹ thuật, bức tranh đã tạo ra sự kết hợp đầy rung cảm của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa học tập từ phương Tây đương thời, là tác phẩm đánh dấu một giai đoạn của mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
3. Bảo vật quốc gia – bức tranh “Em Thúy” của danh họa Trần Văn Cẩn (lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) tái hiện hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dưới một sắc thái hoàn toàn khác với hai tác phẩm trước.
Bức tranh này được vẽ bằng sơn dầu trên vải toan, cao 60 cm, rộng 45 cm, vẽ chân dung bán thân của một nhân vật thực bé Thúy (8 tuổi, cháu gái của họa sĩ) ngồi trên một chiếc ghế mây. Tác giả đặc tả em bé gái với tinh thần lãng mạn, tinh tế, trong trẻo với hòa sắc sáng ấm.
Nét đặc sắc của bức tranh là tác giả đã sử dụng lối bố cục điển hình kiểu Châu Âu thời đầu thế kỷ 20 để thể hiện tâm trạng của một em bé Việt. Tương tự “Hai thiếu nữ và em bé”, bức tranh “Em Thúy” là sự kết hợp nhuần nhuyễn của tâm hồn phương Đông cùng lối diễn họa phương Tây.
Theo giới chuyên môn, “Em Thúy” là tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tả chân, cũng như tiêu biểu cho thể loại tranh chân dung Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của họa sĩ Trần Văn Cẩn, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sau.
4. Bảo vật quốc gia tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) có từ thế kỷ 17, vốn là tượng thờ của chùa Mật Sơn (Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa). Tượng tái hiện chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595 – 1660) thời vua Lê Thần Tông.
Tượng được tạc bằng gỗ nguyên khối, cao 111 cm, tạo hình trong tư thế chân xếp bằng kiểu Kiết già toàn phần, một tay ngửa ra đặt trong lòng đùi, tay kia giơ ngang ngực kết ấn Vô Úy. Thế tay này tượng trưng cho sự phổ độ chúng sinh, đồng thời thể hiện tâm Phật của Hoàng hậu Trịnh.
Trang phục của tượng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc là loại triều phục với ba lớp áo trong và một áo vân kiên khoác ngoài. Riêng tấm áo choàng vân kiên của tượng thể hiện kỹ thuật chạm khắc gỗ tuyệt đỉnh với mô típ lưỡng long triều phụng (đôi rồng chầu phượng) trước ngực.
Gương mặt tượng tươi sáng rạng rỡ, phúc hậu. Đầu tượng đội vương miện được chạm khắc tỉ mỉ với nhiều lớp khác nhau, phía trước có tạc tượng A Di Đà ngồi tọa thiền, là biểu tượng thường thấy trên các pho tượng Quan Âm, thể hiện sự kính ngưỡng của dân gian dành cho hoàng hậu.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Điêu khắc, Phụ nữ, Văn hóa Việt, Bảo tàng, Hiện vật lịch sử, Hội họa, Bảo vật quốc gia