Chủ nghĩa xã hội và vấn đề quan liêu: Một góc nhìn từ Cuba

Quan liêu được xem là một vấn đề trong các chương trình xã hội chủ nghĩa ở Cuba và Venezuela. Người ta nói rằng thói quan liêu đã góp phần làm giảm hiệu quả của việc sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ.

Chủ nghĩa xã hội và vấn đề quan liêu: Một góc nhìn từ Cuba

Bài viết của Giáo sư Charles McKelvey, nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Marx, giảng viên của bốn trường cao đẳng và đại học tại Mỹ từ năm 1972 – 2011. Từ năm 2011, ông sinh sống tại Cuba và hợp tác nghiên cứu với Đại học Havana.

Nguồn: The problem of bureaucratism in socialism, Charles McKelvey, Global Learning, 2016.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net. Tiêu đề phụ của bài do Redsvn.net đặt.

Bộ máy quan liêu là gì?

Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem bộ máy quan liêu hay bộ máy tổ chức hành chính (bureaucracy) là gì. Theo lý thuyết xã hội học cổ điển của nhà xã hội học Đức Max Weber, đặc trưng của bộ máy quan liêu là một hệ thống phân chia các vị trí theo cấp bậc, mỗi vị trí được phân công các nhiệm vụ và trách nhiệm riêng (Gerth and Mills 1946:196-99).

Trước hết, bộ máy quan liêu là một hình thức tổ chức hiệu quả. Việc thiết lập một hệ thống cấp bậc thẩm quyền sẽ thúc đẩy việc chỉ đạo rõ ràng các nhiệm vụ và chính sách của tổ chức. Và việc phân công lao động rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện công việc một cách thuận lợi.

Nhưng bộ máy quan liêu cũng có thể không hiệu quả khi nó làm tăng chủ nghĩa quan liêu, một thứ bệnh trạng thể hiện qua hai triệu chứng: (1) Bóp chết sự sáng tạo và chủ động vì những người đang giữ vị trí chỉ thụ động chờ đợi chỉ dẫn từ cấp trên, và (2) thiếu trí tưởng tượng, vì những người trong cấu trúc quan liêu sẽ phát triển thói quen xem xét mọi việc chỉ từ quan điểm thuận lợi cho vị trí cụ thể của họ.

Bộ máy quan liêu là một hình thức tổ chức xã hội hiện đại và có mặt trong các nhà nước hiện đại lẫn mọi loại hình tổ chức phi nhà nước, trong đó có các tập đoàn, các định chế tôn giáo và giáo dục. Trên thực tế, cuộc sống hiện đại đã được hành chính hóa (bureaucraticize), một thực tế mà Weber phải xót xa, khi nó đặt chúng ta trong một “cái lồng sắt” của chính chúng ta tạo ra.

Bộ máy quan liêu là một hình thức tổ chức xã hội có tính chất phi cá thể cao. Như vậy, nó đi ngược lại “bản tính con người”, hay một cách định nghĩa hay hơn là đi ngược lại xu hướng chung của loài người, xu hướng được nuôi dưỡng trong các xã hội của con người để hình thành nên các quan hệ xã hội.

Bộ máy quan liêu là phi cá thể theo hai nghĩa. Đầu tiên, nó tạo ra một mạng lưới các quan hệ chức năng tách biệt với các quan hệ cá nhân “truyền thống” hoặc “tự nhiên” được hình thành từ gia đình và xã hội. Chúng ta kỳ vọng sẽ để lại sau lưng các quan hệ cá nhân này khi gia nhập vào thế giới hành chính, và khi dành sự chú ý vào các chức năng đã được phân công trong một cấu trúc quan liêu trong một số giờ mỗi ngày.

Thứ hai, bên trong chính thế giới hành chính đó, chúng ta kỳ vọng sẽ liên hệ với người khác trên cơ sở các công việc đã phân công, gạt qua một bên bất kỳ cảm xúc riêng tư nào có với người khác. Nếu chúng ta giữ một vị trí với thẩm quyền hành chính, chúng ta được yêu cầu tuân theo các nguyên tắc hành chính một cách hợp lý mà bỏ qua những yêu ghét cá nhân trong việc tiến cử hay sa thải con người và phân công nhiệm vụ.

Vì tính phi cá thể đó mà hình thức quan liêu đã được áp dụng cho các tổ chức, dù là tổ chức của một xí nghiệp, trường học, trường đại học hay bất kỳ cấu trúc quan liêu nào khác. Đi ngược lại “bản chất” con người nên hình thức này luôn bị con người phản kháng, và như lũ ngựa hoang, họ phải được “thuần hóa”.

Bộ máy quan liêu trong chủ nghĩa tư bản

Trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở phương Tây hiện đại, sự áp đặt tính duy lý và phi cá thể có tính chất quan liêu còn nặng nề hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới. Đó là vì phương Tây hiện đại đã phát triển trên cơ sở bóc lột quá mức các khu vực rộng lớn của thế giới, vì vậy họ có khả năng cung cấp cho các nhân viên của mình trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, giáo dục, dịch vụ con người… những phần quà cao cấp. Do đó, có những động lực vật chất đáng kể để bỏ lại sau mình những cái “truyền thống” và “tự nhiên”.

Ngoài những phần thưởng vật chất, các xã hội tư bản phát triển còn tạo động lực cho con người bằng việc tạo ra nỗi sợ bị sa thải khỏi các vị trí đang có. Nỗi sợ thất nghiệp, đặc biệt là trong một hệ thống có các mức thưởng vật chất cao, là một yếu tố động lực và công cụ tâm lý mạnh mẽ.

Trong các xã hội tư bản phát triển, các cơ chế tặng thưởng vật chất và nỗi sợ đi kèm theo đạo đức chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa đặt ưu tiên các quyền cá nhân lên trên các yêu cầu xã hội, một động lực văn hóa đặc biệt thâm căn cố đế ở nước Mỹ.

Quốc gia này tự cho mình là “miền đất của cơ hội”, nơi mà việc cá nhân hướng đến sự di động xã hội (sự thay đổi địa vị xã hội của các cá nhân, gia đình hay nhóm người – Chú thích của người dịch) là khả thi với tất cả những cá nhân có khả năng và sẵn lòng làm việc. Điều này dẫn tới sự giảm giá trị của những con người có địa vị xã hội thấp, vì nó hàm ý rằng họ thiếu đạo đức công việc và/hoặc trí thông minh.

Các động lực văn hóa đã tạo ra phần thưởng bổ sung cho các cá nhân để điều chỉnh lại những yêu cầu vô cảm của bộ máy quan liêu, nhằm tạo điều kiện cho họ đi lên trong một cấu trúc quan liêu, một cấu trúc giúp họ khẳng định giá trị của mình cao hơn giá trị của những người có địa vị xã hội thấp hơn.

Bất chấp các cơ chế thưởng, nỗi sợ và những lời hứa hẹn về địa vị xã hội cao hơn, con người ở phương Tây hiện đại không hoàn toàn quy phục. Họ vẫn tiếp tục đem tính cá nhân vào môi trường hành chính lạnh lùng: Họ đưa các vấn đề gia đình và các vấn đề riêng tư khác vào công việc, rồi họ thuê hoặc tiến cử những người mình thích hoặc người mà mình có quan hệ cá nhân.

Ngoài ra, họ có thể biểu hiện một phần nào đó sự sáng tạo hoặc chủ động, và có thể thờ ơ với các mục tiêu của tổ chức hoặc xí nghiệp. Con người vốn có sự kháng cự tự nhiên trước sự vô cảm hành chính, và họ xem trọng giá trị đời sống cá nhân, đặt các giá trị này vượt ra ngoài phạm vi thế giới hành chính và các yêu cầu của nó.

Bộ máy quan liêu trong chủ nghĩa xã hội

Sự kháng cự tự nhiên của con người trước các tổ chức quan liêu đặc biệt mạnh mẽ ở các khu vực đã từng bị thực dân hóa trên thế giới, nơi mà bộ máy quan liêu được áp đặt như một chiều hướng tích hợp với sự thống trị thực dân. Về mặt tâm lý và chính trị, khó mà phân biệt sự kháng cự tự nhiên trước bộ máy hành chính với sự kháng cự tự nhiên trước chủ nghĩa thực dân.

Khi các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở thế giới thứ ba thắng lợi, họ phải tái cấu trúc các định chế chính sách ngoại giao, sức khỏe, giáo dục, chính trị, tài chính, kinh tế và phương tiện truyền thông để thiết lập sự tự chủ quốc gia và bảo vệ các quyền lợi kinh tế – xã hội của dân chúng.

Nhiệm vụ lớn lao này luôn luôn được thực hiện trong bối cảnh của những cuộc vận động chống đối và gây hấn của các quyền lực toàn cầu, đặt ra yêu cầu nhiều người phải cùng thực hiện hiệu quả các công việc kỹ thuật, xã hội, giáo dục, thương mại, sản xuất.

Phải nói là sự phát triển của chương trình xã hội chủ nghĩa cần các cấu trúc quan liêu, và cũng yêu cầu mọi người tuân theo cấp bậc hành chính, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được trao cho mình, và thực hiện điều đó với trí thông minh và sự sáng tạo. Đó có thể và nên là cơ chế giao tiếp từ bên dưới của các chiến lược và mục tiêu khả thi, nhưng phải duy trì sự chỉ đạo và điều phối từ bên trên, nếu muốn đạt được các mục tiêu mà tổ chức đề ra.

Bất cứ suy nghĩ nào cho rằng, trong giai đoạn phát triển hiện nay của loài người, các xã hội theo chủ nghĩa xã hội có thể loại bỏ bộ máy quan liêu, đều có tính duy tâm và không tưởng. Nếu muốn bảo vệ quốc gia và dân tộc thì các chương trình quốc gia phải được chỉ đạo và điều phối.

Khi phát triển bộ máy hành chính cần thiết cho các nhiệm vụ thử thách, các quốc gia xã hội chủ nghĩa thuộc thế giới thứ ba phải vượt qua các vấn đề của chủ nghĩa quan liêu.

Nhưng họ sẽ thấy rằng các cơ chế để thực hiện điều này cũng có giới hạn. Khi các xã hội từng bị thực dân hóa với cấu trúc kinh tế bị chuyển đổi thành nguồn cung nguyên liệu thô giá rẻ, cái mà họ có thể cung cấp cho dân chúng dưới hình thức phần thưởng vật chất đã bị hạn chế.

Tuy nhiên, là các xã hội xã hội chủ nghĩa, họ đã tìm cách phát triển các cấu trúc bảo vệ quyền lợi để người lao động ít bị thúc đẩy bởi nỗi sợ thất nghiệp hơn. Và vì là xã hội xã hội chủ nghĩa, họ muốn trở nên nhân văn hơn, nên họ hướng tới sự linh hoạt trong trách nhiệm gia đình và sự tôn trọng các quan hệ cá nhân trong công việc.

Ngoài ra, là xã hội xã hội chủ nghĩa, thay vì hứa hẹn sự di chuyển địa vị xã hội cá nhân lên cao hơn, họ khẳng định giá trị cần thiết của tất cả mọi người, bất kể thành tích giáo dục hay nghề nghiệp như thế nào.

Các cấu trúc và giá trị của xã hội xã hội chủ nghĩa như thế có tính nhân văn hơn nhiều so với các cấu trúc và giá trị của bộ máy quan liêu tư bản, nhưng chúng lại có hiệu suất thấp hơn, vì chúng ít có khả năng thúc đẩy con người sản xuất, làm việc chăm chỉ, và làm việc với sự sáng tạo và trí tưởng tượng hơn.

Do đó, trong các xã hội xã hội chủ nghĩa thế giới thứ ba, các cơ chế sẵn có từ các xã hội tư bản phương Tây có thể được áp dụng nhưng dưới hình thức hạn chế hơn nhiều, vì nguồn lực giới hạn hoặc vì chúng đi ngược lại các giá trị xã hội chủ nghĩa. Đó là bản chất của tình trạng quan liêu trong các xã hội xã hội chủ nghĩa.

Trường hợp Cuba

Trong trường hợp Cuba, các vấn đề quan liêu và năng suất lao động đã được giải quyết bằng việc kêu gọi thực hiện nghĩa vụ: Mọi người dân đều phải đóng góp vào sự phát triển của quốc gia và việc cải thiện xã hội xã hội chủ nghĩa.

Lời kêu gọi nghĩa vụ này mạnh mẽ nhất là trong thời kỳ Che Guevara, người đã bày tỏ niềm hy vọng và mục tiêu về các xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ sản sinh ra một kiểu con người mới đặt ý thức nghĩa vụ lên trên tất cả mọi thứ, người sẽ chăm chỉ, sáng tạo và có năng suất, tìm cách đóng góp cho những điều tốt đẹp nói chung.

Đến hôm nay, lời kêu gọi thực hiện nghĩa vụ tiếp tục là một phần trong chương trình xã hội chủ nghĩa Cuba.

50 năm sau thời đại lịch sử của Che, sẽ là không hợp lý khi nói rằng Cuba đã thành công trong việc tạo ra “con người mới” như một hiện tượng phổ biến. Ví dụ về sự thiếu trách nhiệm đầy rẫy trong dân chúng. Tuy nhiên, chắc chắn là những thông điệp liên tục kêu gọi trách nhiệm xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn có tác động của chúng.

Đầu tiên là việc xây dựng một đội tiên phong có tri thức và trách nhiệm xã hội chiếm khoảng 25-30% dân số. Những người này giữ các vị trí lãnh đạo trong nhiều tổ chức khác nhau, đem lại một ví dụ nhất quán cho người dân.  Thứ hai, người dân Cuba được đánh giá cao về các hành vi trách nhiệm xã hội, dù trong thực tế vẫn có những người không tuân theo chuẩn mực này.

José Martí, nhà cách mạng Cuba thế kỷ 19, đã dạy chúng ta rằng con người chỉ có thể đạt được tự do thực sự thông qua giáo dục.

Loại giáo dục mang ý nghĩa chìa khóa cho sự giải phóng nhân loại không phải là giáo dục có tính hình thức, cứng nhắc mà là giáo dục mang tính phát triển. Đầu tiên, đó là sự thấu hiểu dựa trên kiến thức về lịch sử loài người và động lực toàn cầu hiện tại. Thứ hai là sự cam kết với các giá trị nhân văn phổ quát.

Trong 50 năm qua, nhà nước Cuba xã hội chủ nghĩa chưa tạo ra một kiểu con người mới, nhưng họ đã tạo ra một tinh thần lãnh đạo mới được dân chúng đánh giá cao. Đây là thành tựu cao hơn những gì các quốc gia khác đã đạt được và là minh chứng cho một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của nhân loại.

Trong dân chúng đã lan tỏa sự thấu hiểu và tinh thần cống hiến. Những điều này đã tạo nên một môi trường thử thách mới cho nhân loại, nơi chương trình xã hội chủ nghĩa Cuba đang được thực hiện và sẽ tiếp tục tiến hóa.

Tài liệu tham khảo:

Gerth, H. H. and C. Wright Mills, Eds. 1946. From Max Weber: Essays in Sociology. Translated by H. H. Gerth and C. Wright Mills. New York: Oxford University Press

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Tags: , , ,