Chủ nghĩa tư bản và thị trường nghệ thuật hiện đại

Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong thế kỷ 20 và 21 không chỉ làm thay đổi cơ cấu xã hội trên toàn thế giới mà cũng biến đổi bộ mặt thế giới nghệ thuật.

Rộ lên từ chủ nghĩa tư bản thương mại của những năm đầu thế kỷ 17 khi Công ty Đông Ấn của Ạnh Quốc gửi những đoàn thám hiểm phiêu lưu đầu tiên tới khu vực Đông Ấn để thu mua hạt tiêu, đinh hương và hạt nhục đậu khấu và bán chúng ở châu Âu với lợi nhuận khổng lồ, phương pháp gia tăng núi tiền của chủ nghĩa tư bản – đặc biệt là tư bản tài chính và các siêu tập đoàn hiện nay – có thể được truy nguyên từ thời kỳ Genoa và Venice trong thế kỷ 12 [1]. Chủ nghĩa tư bản chú trọng đầu tư vốn để tạo ra lợi nhuận tiền tệ trong tương lai. Đó là điều mà nhà kinh tế học Robert Heilbroner từng mô tả là “sự chuyển đổi liên tục của đồng vốn từ vốn-đồng tiền thành vốn-hàng hóa, sau đó là sự tái chuyển đổi vốn từ vốn-hàng hóa thành vốn-đồng tiền”.

Trung tâm của chủ nghĩa tư bản chính là các thị trường – nơi điều hòa tất cả các hoạt động kinh tế, ví dụ như sản xuất và tiêu dùng, cung và cầu, và tạo cơ chế giá trung tâm. Khi giá cả thay đổi, bất kỳ thị trường nào cũng phải thể hiện nó là một sân chơi tiềm năng cho các nhà đầu cơ. Hoạt động đầu cơ xảy ra một khi có thứ gì đó được mua với hy vọng sẽ bán được mà không làm tăng giá trị của nó, với giá cao hơn trong tương lai. Điều đó có thể xảy ra với hầu hết các loại hàng hóa, trong đó có cả các sản phẩm nghệ thuật.

Sự biến chuyển của thế giới nghệ thuật

Chủ nghĩa tư bản không chỉ biến đổi bộ mặt xã hội toàn cầu mà còn thay đổi chính bản thân nó. Toàn thế giới hiện nay đang chứng kiến một thời kỳ phát triển mới của chủ nghĩa tư bản – khởi đầu từ sự hồi sinh của các lực lượng thị trường vào những năm 1980 dựa trên cái gọi là ‘niềm tin tự do mới trong sự tự do của cá nhân và các hoạt động tự do của các lực lượng thị trường’. Điều này tạo ra sự tự do hơn và nhiều lựa chọn hơn cho các cá nhân, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều rủi ro cá nhân và bất bình đẳng kinh tế hơn. Hệ thống thị trường ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình tạo ra các giá trị, từ sản xuất đến tiếp thị, mà tất nhiên có cả địa hạt nghệ thuật đương đại. Nó tác động tới công việc của các nghệ sỹ, tới giá cả của tác phẩm nghệ thuật của họ, và thậm chí ảnh hưởng tới cả ngôn ngữ của nghệ thuật.

Trong bốn thập kỷ qua, thị trường nghệ thuật đương đại đã trải qua một cuộc cải tổ cơ bản, từ một vòng tròn khép kín của những kẻ cuồng tín đã trở thành một thị trường công nghiệp nhộn nhịp. Thị trường này phục vụ thị hiếu của một số lượng ngày càng tăng những người ‘siêu giàu’ (có tài sản cá nhân lớn hơn 1 triệu USD) tại Mỹ, châu Âu và các cường quốc kinh tế đang lên như Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập đang theo đuổi một phong cách sống ngày càng toàn cầu hóa. Trong những năm 1960 bắt đầu có sự tái cơ cấu thị trường nghệ thuật với việc mở rộng của các nhà đấu giá lớn. Một dấu mốc quan trọng về chính sách của các nhà đấu giá trong việc mở cửa thế giới nghệ thuật cho ‘giới nhà giàu mới’ là sự ra đời của hệ thống chỉ số định giá nghệ thuật Times-Sotheby’s (Sotheby’s Art Index) cho phép đo lường những biến động giá cả của các hiện vật nghệ thuật. Đó là bước đi đầu tiên hướng tới việc xác định lại nghệ thuật như một đối tượng đầu tư.

Đồng thời, việc mua bán nghệ thuật đã trở thành hoạt động cạnh tranh về xã hội giữa những người sưu tầm giàu có, và một bộ phận thế giới nghệ thuật đã trở thành sàn giao dịch để đầu cơ. Các Chỉ số Nghệ thuật (Art Indexes) và Bảng Xếp hạng Nghệ thuật (Art Rankings) đã trở thành những công cụ được sử dụng rộng rãi không chỉ phục vụ công tác đo lường mức độ quan tâm của công chúng mà còn góp phần thúc đẩy các xu hướng nghệ thuật đương dại, củng cố những hướng đi mới của thị trường nghệ thuật thay vì tập trung vào việc mua bán tác phẩm của một nhóm nhỏ các “nghệ sỹ ngôi sao”. Các nhà đấu giá đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình thông qua việc mua lại và sáp nhập với những gallery nghệ thuật đương đại lớn và đã trở thành những ‘tay chơi ngoại hạng’ trong thế giới nghệ thuật toàn cầu.

Bên cạnh đó, các hội chợ nghệ thuật lớn – sân chơi của nền công nghiệp thương mại nghệ thuật toàn cầu – đã trở thành những trung tâm mua sắm hàng đầu đối với nghệ thuật đương đại và đang qua mặt các nhà đấu giá bằng việc tổ chức các sự kiện lớn cho công chúng và người mua. Những phát triển đó tất nhiên để có những hậu quả tích cực lẫn tiêu cực đối với việc chào hàng nghệ phẩm, quảng bá nghệ thuật, đánh giá và tiêu thụ nghệ thuật trên thị trường hiện nay. Các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành một mặt hàng có thương hiệu; giá trị xác định của chúng ngày càng tăng – xét về mức độ tiền tệ. Trong một môi trường mà cuối cùng được tổ chức bằng khả năng mua bán chứ không phải bởi sự nhạy cảm sâu sắc, sự phán xét mang tính thẩm mỹ hoặc sự khen ngợi có tính phê phán, thì sự khác biệt giữa nghệ thuật như một thứ lợi ích văn hóa, một biểu tượng về thân thế/địa vị so với một đối tượng đầu tư, giữa giá trị nghệ thuật với giá đồng tiền dường như đã biến mất.

Nghệ thuật và kinh tế 

Mối liên hệ giữa nghệ thuật và kinh tế không có gì mới. Như một làn sóng ngầm vô hình của lịch sử nghệ thuật, kinh tế luôn luôn ảnh hưởng tới nghệ thuật. Do đó bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có thể được xem xét từ góc độ kinh tế. Trong thời kỳ Phục hưng của Ý, yếu tố kinh tế chính là giá cả thỏa thuận giữa người bảo trợ và họa sỹ, bao gồm cả việc sử dụng những chất màu đắt tiền có ảnh hưởng đến việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đắt đỏ. Tương tự như vậy, sự thịnh vượng của Hà Lan trong Thời Hoàng kim (Golden Age) có ảnh hưởng đến nghệ thuật thời đó. Sự bùng nổ của nhu cầu xã hội/thị trường nghệ thuật buộc các nghệ sỹ phải làm sao vẽ ra những bức tranh nhanh hơn, và kết quả là đã ra đời một phong cách lãnh đạm hơn. Sự xói mòn của kiến thức về phía người mua nghệ thuật dẫn đến sự xói mòn tương ứng trong nội dung tác phẩm.

Ngoài ra, trong suốt lịch sử, nền kinh tế tự nó đã được mô tả trong tác phẩm nghệ thuật. Trong hội họa Hà Lan thế kỷ 16, những người chuyên nghề đổi tiền lấy tranh là một chủ đề phổ biến. Nghệ thuật đầu thế kỷ 20 cũng đã lấy chủ đề từ những quy trình sản xuất công nghiệp và máy móc. Các nhiếp ảnh gia nghệ thuật đương đại, ví dụ như Andreas Gursky, thậm chí còn thẩm mỹ hóa các địa chỉ của chủ nghĩa tư bản toàn cầu: từ thị trường chứng khoán cho đến các siêu thị. Và bản thân đồng tiền, chất liệu bôi trơn máy móc tư bản, đã trở thành chủ đề thường xuyên trong nghệ thuật – từ các bức tranh ảo giác vẽ về những đồng tiền nhà băng của họa sỹ William Harnett tới các tranh in những tờ USD của Andy Warhol.

Do hệ thống thị trường và cơ chế mờ, không minh bạch của nó hiện diện khắp mọi nơi, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày nay nhiều nghệ sỹ lấy những vấn đề kinh tế làm chủ đề – điều trước đây được coi là xa lạ đối với nghệ thuật: thị trường và tiền bạc, sản xuất và chuyển đổi, tiêu thụ và sở hữu, tín dụng và đầu cơ, giá cả và giá trị. Những chủ đề như khỏa thân, phong cảnh hay các câu chuyện huyền thoại trước đây từng là trọng tâm của nghệ thuật tân cổ điển, ấn tượng và avantgarde đã dần được thay thế bằng các chủ đề gắn với thời đại kinh tế thị trường [2]. Ngày nay, kinh tế dường như chính là vấn đề của sự tồn tại. Đối với nhiều nghệ sỹ, thậm chí nó đã trở thành vấn đề của tinh thần thời đại và là một động lực thúc đẩy sự sáng tạo (?!).

Nghệ sĩ và kinh tế thị trường

Rất nhiều nghệ sỹ trong những năm gần đây thông qua tác phẩm muốn khám phá những cơ chế của thị trường tư bản cũng như tác động của nó tới nghệ thuật và giá trị của nghệ thuật. Các quan điểm nghệ thuật của các nghệ sỹ rất phong phú, trải rộng từ sự phản ánh, phân tích và phê bình tới chiếm đoạt, ngụy trang, đánh giá lại, dỡ bỏ và cự tuyệt. Trong khi phát triển những quan điểm mới, các nghệ sỹ dần dần thoát khỏi những lối tư duy thông thường (qua đó kiến thức kinh tế được tạo ra và chuyển giao; nó có thể là những nghiên cứu khoa học, truyền thông đa phương tiện, hoặc kinh nghiệm hàng ngày). Họ tạo ra những lối nhìn chủ quan, sâu sắc và đầy trách nhiệm đối với các lực lượng kinh tế hơn bao giờ hết đang định đoạt thế giới chúng ta và thế giới nghệ thuật.

Trong số các nghệ sỹ của thế kỷ 20 tạm xa rời lĩnh vực nghệ thuật, “liều lĩnh lao vào vùng cấm địa kinh tế” [3] là những tên nổi tiếng như Marcel Duchamp, Yves Klein, Piero Manzoni, Marcel Broodthaers, Joseph Beuys và Hans Haacke. Các mục tiêu và hành động của họ không chỉ là những cảm nhận vui tươi về các cơ chế của nền kinh tế mà còn phản ánh sâu sắc về vai trò không rõ ràng của nghệ thuật trong một thế giới bị chi phối bởi các lý thuyết kinh tế.

Năm 1962, Yves Klein trình làng một tác phẩm nghệ thuật ý niệm với tiêu đề “Sự nhạy cảm hình ảnh phi vật chất” (Immaterial Pictorial Sensitivity). Ông đem những khu vực “nhạy cảm hình ảnh” phi vật chất của cá nhân mình ra đổi lấy những tấm vàng lá. Trong một nghi lễ bên bờ sông Seine, người mua đưa Klein một tấm vàng lá để đổi lấy một tờ giấy chứng nhận. Vì độ nhạy cảm của Klein là phi vật chất, người mua sau đó được yêu cầu đốt tờ giấy chứng nhận trong khi Klein ném tấm vàng lá xuống sông Seine. Hành động lãng mạn của ông đánh thẳng vào trung tâm của sự giao dịch kinh tế và ý nghĩa của nghệ thuật. Mặc dù sự kiện nghệ thuật ý niệm này bộc lộ tất cả những đặc thù của một cuộc trao đổi mang tính thị trường, song đối với người mua họ không có bất kỳ thay đổi nào – xét về mặt vật chất. Người mua chẳng có được gì ngoài một ý tưởng phi vật chất.

Vụ mua bán đầy nghịch lý này của một thứ không thể mua bán được chính là sự phủ định nghệ thuật như một đối tượng vật chất, có thể được giao dịch về mặt vật lý, được sở hữu và lưu giữ như là một vật thờ. Cũng thời gian này, Andy Warhol, trong kinh doanh quảng cáo, làm sâu sắc thêm quan niệm nghệ thuật như một thứ hàng hóa được sản xuất cho thị trường với câu nổi tiếng “kinh doanh tốt là thứ nghệ thuật tốt nhất” – ông phủ nhận mọi sự khác biệt giữa nghệ sỹ và doanh nhân, giữa tác phẩm nghệ thuật và mặt hàng tiêu dùng, giữa thế giới nghệ thuật và thị trường tư bản. Sản phẩm nghệ thuật do ông chế tác giống như đồ vật được nhà máy làm ra mang nhãn hiệu hàng hóa – phản ánh những logic của nghệ thuật và thị trường không chỉ tương thích với nhau mà còn phù hợp với nhau, do đó, kế thừa một định nghĩa “rất Mỹ” về vai trò của nghệ sỹ và chức năng của nghệ thuật trong xã hội.

Nằm giữa hai luồng tư duy nói trên của Klein và Warhol, nhiều quan điểm khác của các nghệ sỹ cũng đã phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phản ánh sự phát triển kinh tế xã hội trong những thập kỷ gần đây và ảnh hưởng qua lại giữa kinh tế thị trường và nghệ thuật.

Vào lúc bắt đầu của trào lưu avant-garde, nghệ thuật và kinh tế được xem là hai cõi riêng biệt với những hệ thống giá trị riêng biệt – một cõi tập trung vào việc làm ra những giá trị tinh thần; cõi kia chú mục vào việc tạo ra sự giàu có mặt tiền bạc. Những lĩnh vực trước đây tưởng chừng như thù địch với nhau nay đã sát nhập vào trong các cấu trúc hỗn lai của một nền văn hóa bị kinh tế hóa và một nền kinh tế được văn hóa hóa. Sự văn hóa hoá của nền kinh tế bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 với sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng. Sự dân chủ hóa những ước muốn của nó, sự sùng kính cái mới của nó, việc tập trung vào lĩnh vực thời trang và thiết kế đã đặt gắn liền sự sáng tạo với sản xuất hàng hóa, mang vào cuộc sống cái thẩm mỹ của riêng nó – một nền văn hóa thương mại – với mục tiêu chuyển đổi và bán được nhiều hàng hóa [4]. Từ đó, chủ nghĩa tư bản tiêu dùng tạo ra hình ảnh và biểu tượng gắn với sự quan tâm tới tiếp thị và kiếm tiền – và nó hoạt động với các phương tiện tương tự như nghệ thuật đã làm.

Sự hợp nhất giữa kinh tế và văn hóa phải chăng là sự hợp nhất giữa các bên bình đẳng với nhau? Hay nó là sự tiếp quản của một hệ thống giá trị này đối với một hệ thống giá trị khác? Dù sao, những khác biệt hay mâu thuẫn nội tại của chúng vẫn có những giá trị nhất định trong việc thúc đẩy sự thay đổi và phát triển của xã hội nói chung, trong đó có văn hoá nghệ thuật.

Tuy nhiên, chớ nhầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh: Mục tiêu cuối cùng của nền kinh tế là tạo ra lợi nhuận. Mục tiêu cuối cùng của nghệ thuật là làm sâu sắc trải nghiệm về sự tồn tại của con người.

————————————–

Tài liệu tham khảo:

1. Fulcher, James: Capitalism
2. Ardenne, Paul: Economics Art, l´heure du bilan
3. Velthuis, Olav: Imaginery Economics
4. Leach, William: Land of Desire
Ghi chú: Piroschka Dossi là nhà phê bình và tư vấn nghệ thuật tên tuổi người Đức, tác giả nhiều cuốn sách và tiểu luận có giá trị về mối quan hệ giữa kinh tế và nghệ thuật. Bài lược dịch này dựa trên vựng tập triển lãm “Art, Price and Value – Contemporary art and the market”, 2009, Palazzon Strozzi, Florence, Italy.

Theo P.H / TẠP CHÍ NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH (2016)

Tags: , ,