Chiến lược thống nhất Đài Loan của Trung Quốc và tác động tới khu vực

Mối quan hệ Đài Loan và Trung Quốc đang ở trong thời kỳ lạnh nhất trong nhiều thập kỷ kể từ sau cuộc bầu cử của bà Thái Anh Văn vào năm 2016 và ngày càng căng thẳng hơn sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ năm 2022 (khi đó là bà Nancy Pelosi). Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc thống nhất Đài Loan với Đại Lục. Chính quyền Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ không nhân nhượng đối với vấn đề Đài Loan, quyết tâm thống nhất đất nước trước năm 2049 – 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Chiến lược thống nhất Đài Loan của Trung Quốc và tác động tới khu vực

Vấn đề Đài Loan không phải là một vấn đề địa chính trị thông thường. Đài Loan ở một khu vực mà ảnh hưởng và lợi ích của hai cường quốc toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc đang bị đe dọa trực tiếp. Đối với Trung Quốc, quốc gia này đang cố gắng khẳng định mình là cường quốc hàng đầu, “việc một phần lãnh thổ không nằm trong sự kiểm soát là điều không thể chấp nhận được và là một sự sỉ nhục quốc gia”[1]. Quan trọng hơn, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan có thể giúp Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thay Mỹ.

Đối với Mỹ, có 3 lập luận chính để bảo vệ Đài Loan. Đầu tiên là tương lai của sự tự do chính trị trên thế giới. Trong khi người dân Đài Loan mong muốn tiếp tục chế độ Dân chủ, nếu Đài Loan trở về dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải theo chế độ Cộng sản. Thứ hai là về cán cân quyền lực toàn cầu, việc Trung Quốc sáp nhập Đài Loan có thể thay đổi cán cân quyền lực ở Tây Thái Bình Dương, phá vỡ vòng vây chuỗi đảo đầu tiên và chấm dứt ưu thế của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và cuối cùng là yếu tố về kinh tế, Đài Loan đóng vai trò cốt lõi trên bản đồ chất bán dẫn thế giới, nếu Trung Quốc kiểm soát Đài Loan, tương lai thống trị của Mỹ sẽ không thể tiếp tục tồn tại.

Chiến lược của Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc phấn đấu vì thống nhất hòa bình với sự chân thành và nỗ lực tối đa, nhưng Trung Quốc cũng khẳng định nước này sẽ không loại trừ sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan nếu cần thiết. Phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các vấn đề liên quan đến Đài Loan.[2] Trung Quốc đã triển khai các bước đối ngoại cứng rắn và đồng nhất về Đài Loan xuyên suốt thời gian qua.

Tích cực cô lập Đài Loan trên trường quốc tế

Trung Quốc đã luôn tìm cách cô lập Đài Loan khỏi cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh luôn tìm kiếm mọi cơ hội có thể tuyên truyền về chính sách “Một Trung Quốc”, và khẳng định rằng “Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc”.

Trung Quốc luôn phản ứng lại khi Đài Loan kết bạn quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc “kiên quyết phản đối” trước bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa các quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Đài Loan. Điển hình là sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là Nancy Pelosi thăm Đài Loan, Quân đội Trung quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn, Trung Quốc cũng đã bắn một loạt tên lửa đạn đạo vào vùng biển xung quanh Đài Loan để đáp trả chuyến thăm của chính trị gia Mỹ. Đợt tập trận này là cuộc biểu dương sức mạnh lớn nhất của Bắc Kinh quanh vùng lãnh thổ Đài Loan kể từ cuộc khủng hoảng xuyên eo biển Đài Loan trong các năm 1995-1996. Gần đây, tháng 6/2023, khi ông William Lai, một ứng cử viên lãnh đạo Đài Loan trong cuộc bầu cử năm 2024 tuyên bố kế hoạch dừng chân tại Mỹ trong chuyến đi tới Paraguay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng “kiên quyết phản đối” bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan, dưới bất kỳ danh nghĩa hoặc lý do nào. Vào tháng 3, điều tương tự cũng đã xảy ra khi bà Thái Anh Văn đi qua Mỹ hai lần trên đường đi tới các quốc gia Trung Mỹ. Thậm chí, Trung Quốc đã tổ chức tập trận xung quanh Đài Loan sau đó.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiểu rõ sức mạnh kinh tế, chính trị của nước này và dùng chúng như một công cụ thao túng các đối tác trong quan hệ với Đài Loan. Tháng 6/2023, Honduras – một quốc gia Trung Mỹ đã mở Đại sứ quán tại Bắc Kinh sau khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan hồi tháng 3[3], đề cập đến các cơ hội kinh tế trong mối quan hệ với Trung Quốc. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để giành được sự ủng hộ ngoại giao từ các nước đã từng công nhận Đài Loan trước đó. Năm 2019, Quần đảo Solomon và Kiribaty đã chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc sau những nỗ lực thuyết phục của chính quyền Tập Cận Bình. Kể từ sau khi Bà Thái Anh Văn trở thành lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc thuyết phục các đồng minh của hòn đảo từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tính đến nay, hòn đảo này chỉ còn lại 13 đồng minh ngoại giao, so với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016.

Những hành động của Trung Quốc thể hiện một quan điểm rõ ràng Trung Quốc đang tiến hành từng bước để thống nhất Đài Loan.

Tăng cường đe dọa quân sự

Cùng với những nố lực cô lập Đài Loan khỏi cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đặc biệt gia tăng áp lực cho hòn đảo này về mặt quân sự.

Trung Quốc đã gia tăng năng lực hải quân và không quân một cách mạnh mẽ. Đài Loan cách Đại lục 160km được bao xung quanh bởi biển. Do đó, để tiếp cận Đài Loan, quân đội trung quốc cần sức mạnh vượt trội về hải quân và không quân. Trung Quốc đang có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới theo quy mô với khoảng 340 tàu chiến. Lực lượng không quân Trung Quốc cũng đã phát triển thành lực lượng lớn nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lớn thứ ba trên thế giới, với hơn 2.500 máy bay và khoảng 2.000 máy bay chiến đấu[4]. Cùng với đó, trong những năm vừa qua, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục phát triển hạm dội tàu ngầm hạt nhân và máy bay chiến đấu tàng hình nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của mình. Tháng 3/2023, Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 7,2% trong năm nay, tương đương khoảng 224 tỷ USD. Đây là lần tăng chi tiêu lần thứ 8 liên tiếp của Trung Quốc[5].

Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận đe dọa và phô trương lực lượng quân sự xung quanh vùng ngoại vi Đài Loan. Đầu tháng 7/2023, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh Đài Loan lần thứ 2 trong năm nay. Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã thường xuyên đưa lực lượng không quân của mình vào không phận xung quanh Đài loan. Theo AFP, năm 2022, Trung Quốc đã dưa 1.727 máy bay chiến đấu vào vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Đài Loan, tăng từ 960 chiếc vào năm 2021 và 380 chiếc vào năm 2020[7].

Trong một báo cáo về Quân đội Trung Quốc vào năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng Trung Quốc đã “tăng cường” đáng kể áp lực quân sự, ngoại giao, chính trị và gia tăng các hành động khiêu khích đối với Đài Loan[8]. Ông Bonnie Lin cho rằng, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng thân thiết, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina có thể khuyến khích một hành động tương tự từ Trung Quốc đối với Đài Loan, hoặc ít nhất là gia tăng sự gây hấn đối với Đài Loan.

Phản ứng của Đài Loan

Đài Loan chỉ còn lại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận ngoại giao, vì vậy hòn đảo này cũng cố gắng tăng cường các mối quan hệ với các đối tác còn lại. Hồi cuối tháng 3/2023, bà Thái Anh Văn đã khởi hành tới thăm các đồng minh ngoại giao ở Trung Mỹ là Guatemala và Belize, đồng thời cố tình dừng quá cảnh ở Mỹ. Hành động khiêu khích Bắc Kinh hơn là bà Thái Anh Văn còn tuyên bố mình sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong lần quá cảnh này nhằm mong muốn thể hiện cách thức trao đổi ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan. Tuy nhiên trên thực tế, do Mỹ không công nhận Đài Loan với tư cách là một quốc gia độc lập nên trên danh nghĩa, đây chỉ là một lần “quá cảnh”. Những chuyến thăm của bà Thái Anh Văn tới số ít đồng minh ngoại giao của mình nhằm mục đích thể hiện Đài Loan là một quốc gia độc lập và có chủ quyền.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có lập trường cứng rắn đối với hòn đảo này, thể hiện rõ ràng bằng các cuộc tập trận và xâm nhập thường xuyên bằng máy bay chiến đấu và tàu hải quân xung quanh Đài Loan, hòn đảo này đã cố gắng tìm cách tăng cường phòng thủ bằng cách gia tăng chi tiêu quốc phòng và tăng thời hạn nghĩa vụ quân sự đối với quân nhân. Tháng 01/2022, Đài Loan đã thông qua dự luật bổ sung 8,6 tỉ USD nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống lại sự de dọa về quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc[9]. Ngày 30/07/2023 vừa qua, Đài Loan đã tuyên bố đặt mục tiêu tăng 7,5%, tương đương với 14 tỷ USD dành cho ngân sách quốc phòng năm 2024 trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc[10].

Đài Loan cũng tiến hành tập trận để đáp trả những hành động đe dọa và phô trương sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Ngày 11/06/2023, Đài Loan đã điều động máy bay chiến đấu, triển khai tàu và hệ thống tên lửa trên đất liền để theo dõi máy bay của Trung Quốc sau khi phát hiện các máy bay chiến đấu của Trung Quốc vượt đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan. Đài Loan đã báo cáo rằng, trong vòng chưa đầy một tuần, Trung quốc đã có hai hoạt động quân sự là đưa máy bay chiến đấu vào khu vực phòng không của hòn đảo này.

Nhân tố Mỹ trong quan hệ Trung Quốc – Đài Loan

Trên thực tế, Mỹ không chính thức công nhận Đài Loan với tư cách là một quốc gia. Từ những năm 1970, Mỹ đã thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc” chính sách này xác định chính quyền Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc. Nhưng Mỹ vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

Washing ton đã phê duyệt hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Đài Loan trong những năm gần đây. Năm 2022, một thỏa thuận trị giá 8 tỷ USD để cung cấp 66 máy bay chiến đấu F-16 vào năm 2026 cho Đài Loan đã được phê duyệt. Ngày 29/07/2023 vừa qua, Mỹ đã công bố hơn 345 triệu USD viện trợ quân sự cho Đài Loan. Thông báo của Nhà Trắng không nêu chi tiết về vũ khí hoặc thiết bị sẽ được cung cấp. Tuy nhiên có thể thấy rằng, Mỹ đã, đang và sẽ hỗ trợ Đài Loan nâng cao sức mạnh cứng để có thể đối đầu với Bắc Kinh. Trung Quốc đã ngay lập tức lên án thông báo này và nói rằng Mỹ nên ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và ngừng tạo ra các yếu tố dẫn đến căng thẳng ở Eo biển Đài Loan”.

Tháng 9/2022, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiết lộ nếu có một cuộc tấn công từ Trung Quốc tới Đài Loan, các lực lượng Mỹ chắc chắn sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự để bảo vệ hòn đảo[11]. Để chuẩn bị cho sự hỗ trợ này, Mỹ đã tăng cường hợp tác quân sự với các đồng minh lân cận là Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines để có thể đảm bảo phản ứng nhanh nhất khi có một cuộc tấn công xảy ra.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng liên tục cảnh báo Đài Loan là “lằn ranh đỏ” mà Mỹ không được phép vượt qua.

Ảnh hưởng đến khu vực

Trong hai thập kỷ tới vấn đề Đài Loan sẽ càng ngày trở nên quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những diễn biến xung quanh eo biển Đài Loan sẽ tác động trực tiếp đến an ninh khu vực, tự do hàng hải và cả những hệ lụy về kinh tế nếu xung đột xảy ra.

Trước hết, trong bối cảnh hiện tại, khi hai bên tăng cường các hoạt động chạy đua vũ trang, tập trận quân sự ở xung quanh vùng biển Đài Loan, đồng nghĩa với việc làm gia tăng căng thẳng, không chỉ ở Eo biển Đài Loan, mà còn ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định của khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hành động quân sự của hai bên đã kéo theo sự bất an ở cả Đông Nam Á, Đông Á và rộng hơn là cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi thu hút cả những lực lượng khác xuất hiện trong khu vực này như Mỹ, Úc,…

Ngoài ra, hoạt động tập trận quân sự cũng gây nên gián đoạn các tuyến đường vận chuyển quốc tế, cả đường thủy lẫn đường hàng không. Thực tế là trong thời điểm hàng loạt cuộc tập trận phản ứng lại chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi tới Đài Loan, đã tạo ra sự gián đoạn đáng kể trong thương mại của hòn đảo này với phần còn lại của thế giới. Tập đoàn vận tải biển Nhật Bản NYK Line đã đưa ra cảnh báo tránh eo biển, hãng hàng không Hàn Quốc Korean Airlines cũng đã hủy tất cả các chuyến bay giữa Seoul và Đài Bắc trong vòng 2 ngày[12].

Trong tương lai, những biến động về tình trạng của Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục tác động đến an ninh khu vực và tự do hàng hải nhưng ở một cấp độ cao hơn. Cựu Thư ký Ngoại giao Ấn Độ chia sẻ rằng, ngay cả khi một cuộc xung đột thực sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không xảy ra, sự ép buộc của Trung Quốc đối với Đài Loan – có thể phá vỡ tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan – sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, có thể tàn phá đối với địa chính trị và địa kinh tế châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã chia sẻ trong bài phát biểu Đối thoại Shangri-La ngày 3/6 rằng, “cả thế giới được hưởng lợi trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan. An ninh của các tuyến đường vận chuyển thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc vào nó”. Nhiều quốc gia trong đó có Mỹ và châu Âu lo ngại về việc sau khi Đài Loan chính thức trở thành một phần của Trung Quốc, sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Đài Loan có thể phá vỡ tự do hàng hải và các tuyến đường thông tin qua eo biển Đài Loan. Đồng thời, điều đó có thể kéo theo những hậu quả nghiêm trọng cho địa chính trị và địa kinh tế của châu Á.

Đài Loan hiện sản xuất hơn 60% chất bán dẫn của thế giới và khoảng 90% chất bán dẫn loại cao cấp nhất. Chất bán dẫn là nền tảng của nền kinh tế trên toàn diện, từ ô tô, thiết bị gia dụng hay bất kỳ sản phẩm công nghệ nào, máy tính, điện thoại… Chất bán dẫn cũng là trung tâm của sức mạnh quân sự, nó cung cấp năng lượng cho các hệ thống dẫn đường cho tên lửa, tồn tại trong máy bay chiến đấu và cả tàu ngầm hạt nhân. Trong bối cảnh cuộc đua chất bán dẫn ngày càng trở nên quyết liệt, nếu Đài Loan trở thành một phần chính thức của Trung Quốc, Mỹ sẽ mất quyền truy cập vào các chất bán dẫn quan trọng trong các thiết bị điện tử, ô tô, vũ khí… chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát ngành công nghiệp bán dẫn chất lượng cao của Đài Loan sẽ có sức mạnh để tiến đến lật đổ vị trí số 1 của Mỹ. Bắc Kinh có thể viết lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu, có thể áp đặt các điều khoản của bất kỳ cuộc đàm phán nào với Mỹ, khiến người Mỹ mất hàng chục triệu việc làm và kìm hãm tăng trưởng kinh tế Mỹ.[13]

Cùng với đó, bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan tới Đài Loan đều sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, theo Gerard Dipippo – Thành viên nghiên cứu cấp cao thuộc Chương trình Kinh tế của CSIS. Nguy cơ xung đột quân sự giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đủ đáng sợ, thì nó còn dẫn đến việc vận chuyển toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng tại khu vực này. Các cảng của Trung Quốc chiếm khoảng 40% khối lượng vận chuyển hàng hóa trong số 100 cảng lớn nhất thế giới vào năm 2020. Gần 1 nửa đội tàu Container và 88% số tàu lớn nhất đã đi qua Eo biển Đài Loan[14]. Thương mại từ Đông Nam Á, Ấn Độ tới Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gián đoạn chuỗi cung ứng ở các quốc gia này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương – vốn đang là động lực của nền kinh tế toàn cầu.

Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Vijay Gokhale cho rằng, “sẽ thật ngây thơ nếu phương Tây cho rằng Trung Quốc sẽ tránh sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan vì họ sợ các biện pháp trừng phạt kinh tế.[15]

Vì vị trí và tầm quan trọng của Đài Loan có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa Đại lục và Đài Loan sẽ không thể thiếu sự can thiệp của Washington. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ tiến hành thống nhất Đài Loan dù sớm hay muộn, thì Mỹ cũng sẽ quyết tâm không để Trung Quốc đạt được mục đích một cách dễ dàng. Sự gắn bó sâu sắc và phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể trở thành một lý do giải thích tại sao một cuộc chiến tranh vì Đài Loan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể không xảy ra. Tuy nhiên, thế giới vẫn xảy ra chiến tranh bất chấp những sự phụ thuộc lẫn nhau, ví dụ giữa Nga – EU và cuộc xung đột Nga – Ukraina. Vậy nên, nếu tình huống xấu nhất xảy ra là một hành động quân sự từ phía Bắc Kinh, trước hết, quân bài kinh tế sẽ được Mỹ và Phương Tây triển khai tương tự như đối với Nga. Trong khi Nga chưa có nhiều ý nghĩa trong nền kinh tế toàn cầu, những cấm vận mà Mỹ và phương Tây dành cho Nga cũng đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng về khủng hoảng năng lượng. Vậy khi cuộc chiến kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất nổ ra, ở cấp độ nghiêm trọng nhất, thì nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ phải đối mặt với khủng hoảng. Thượng Nghị sỹ Roger Wicker, thành viên cấp cao trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ dự đoán rằng, nếu xảy ra cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan, ngay lập tức sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái chưa từng thấy. Không những vậy, sau đó có thể là sự viện trợ quân sự của Mỹ đến Đài Loan và một cuộc chiến khốc liệt sẽ diễn ra ngay trong vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Hàm ý đối với Việt Nam

Hòa bình, ổn định và hợp tác tại Eo biển Đài Loan có ý nghĩa quan trọng đối với thế giới nói chung, khu vực và Việt Nam nói riêng. Là một quốc gia có vị trí địa lý gần gũi với Trung Quốc và cả Đài Loan, những biến động tại eo biển này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, từ an ninh đến kinh tế.

Có thể thấy, phần lớn những phản ứng giữa Trung Quốc và Đài Loan là những cuộc tập trận quân sự đáp trả nhau. Rõ ràng, những cuộc tập trận quy mô lớn và thường xuyên của cả hai bên trực tiếp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực. Những hành động quân sự này tạo ra môi trường căng thẳng và cả những áp lực cho các nước xung quanh khi hai bên liên tục phô trương sức mạnh quân sự. Không những vậy, cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã có những hành động tập trận phi pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tháng 6/2023 vừa qua, Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Đài Loan cũng có hành động tương tự khi tiến hành các cuộc tập trận ở đảo Ba Bình của Việt Nam. Đối với Việt Nam, trên cơ sở nguyên tắc “Một Trung Quốc”, Việt Nam không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền hợp pháp của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng và đặc biệt không tái diễn xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Quan điểm của Việt Nam về vấn đề Đài Loan luôn nhất quán, Việt Nam ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm gia tăng căng thẳng tình hình tại Eo biển Đài Loan. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của Hà Nội, tuy nhiên, Việt Nam cần phải cảnh giác Trung Quốc. Việc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với Biển Đông của Bắc Kinh đã chứng minh tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Đài Loan. Thống nhất Đài Loan có thể làm Trung Quốc thêm tự tin và bành trướng tại khu vực Biển Đông.

Có thể nhìn thấy trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nước này luôn chủ động tuyên truyền một cách mạnh mẽ về chủ quyền đối với Đài Loan trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây là một điều mà Việt Nam cần phải cảnh giác và học tập. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với phần lớn Biển Đông, trong đó có cả vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Joseph Goebbels, Bộ trưởng tuyên truyền của Đức Quốc xã từng nói rằng, “nếu một lời dối trá được lặp đi lặp lại đủ nhiều thì nó sẽ trở thành sự thật”. Việt Nam cũng nên nhớ rằng sức mạnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia thay đổi quan điểm của mình. Vì vậy, Việt Nam cần phải khéo léo chèo lái mối quan hệ của mình với các đối tác, hợp tác thực chất, đan xen lợi ích để xây dựng mối quan hệ thực chất, cùng nhau phát triển. Việt Nam cũng cần tăng cường khẳng định chủ quyền biển đảo của mình đến bạn bè quốc tế, để làm tăng nhận thức và giành được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế.

Trong tương lai, tình hình Đài Loan sẽ có thể ngày càng biến động phức tạp. Đối với những khủng hoảng của tình hình khu vực, và sự cạnh tranh nước lớn, thì tự lực tự cường, bản lĩnh kiên cường trước mọi thử thách là yếu tố cốt lõi để Việt Nam hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, đồng thời tối đa hóa lợi ích của mình. Việt Nam cần tập trung phát triển nhanh và bền vững để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đến năm 2025 và năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đồng thời kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam. “Chỉ khi có ‘quốc phú binh cường’, ‘nội yên, ngoại tĩnh’, chỉ một đất nước Việt Nam vững mạnh, ổn định, độc lập, tự chủ với quan hệ đối ngoại rộng mở, được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế thì mới có thể tận dụng được cơ hội, định vị vững chắc giá trị bản thân trong chính sách của các nước lớn, hay rộng hơn là trong một cục diện thế giới mới đang định hình.” – Theo Trần Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao.

Bên cạnh đó, Việt Nam với sự hiện diện của những tập đoàn sản xuất chip hàng đầu thế giới như Intel, Samsung (đây là hai trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới) đang có cơ hội rất lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng này. Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Technavio, thị trường bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 – 2025[16]. Ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030[17]. Trong bối cảnh không chắc chắn về sự tự do của chip “made in Taiwan” trên thị trường quốc tế trong tương lai, Việt Nam cần chủ động quan tâm phát triển ngành công nghiệp này. Điện thoại và linh kiện cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, do đó gián đoạn về cung ứng chất bán dẫn và chip cũng sẽ có những tác động tới nền kinh tế trong nước. Đây là động lực và cơ hội để Việt Nam chủ động bảo vệ và phát triển nền kinh tế quốc gia trước những biến động của thế giới, đồng thời có thể nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Việc xây dựng một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh không chỉ cần có vốn đầu tư mà còn cần sự phát triển về công nghệ, chuỗi cung ứng và hạ tầng. Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược trung và dài hạn để phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

———————-

Tài liệu tham khảo:

[1] Vijay Gokhal (2023), What Should India Do Before the Next Taiwan Strait Crisis?, Carnegie Endowment for International Peace, https://www.jstor.org/stable/resrep48853.4
[2] China State Council, “Full text of the report to the 20th National Congress of the Communist Party of China”.
[3] Al Jazeera, “Honduras opens embassy in China after cutting ties with Taiwan”, https://www.aljazeera.com/news/2023/6/11/honduras-opens-embassy-in-china-after-cutting-ties-with-taiwan
[4] Yuan, Shawn (2023), Just how strong is the Chinese military?, Al Jazeera, https://www.aljazeera.com/news/2021/10/29/just-how-strong-is-the-chinese-military
[5] Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam VTV, “An ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp”, https://vtv.vn/the-gioi/an-ninh-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-tiem-an-nhieu-nguy-co-phuc-tap-20230416121940007.htm
[6] China Power Project CSIS, What Does China Really Spend on its Military, https://chinapower.csis.org/military-spending/
[7] Al Jazeera, “Taiwan scrambles air force after Chinese air and sea patrol”, https://www.aljazeera.com/news/2023/6/11/taiwan-scrambles-air-force-as-chinese-warplanes-cross-median-line
[8] U.S. Department of Defense, “Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2022 | Annual Report to Congress”, https://media.defense.gov/2022/Nov/29/2003122279/-1/-1/1/2022-MILITARY-AND-SECURITY-DEVELOPMENTS-INVOLVING-THE-PEOPLES-REPUBLIC-OF-CHINA.PDF
[9] Al Jazeera, “Taiwan passes extra $8.6bn defence budget as China threat grows”, https://www.aljazeera.com/news/2022/1/11/taiwan-passes-extra-defence-budget-as-china-threat-grows?traffic_source=KeepReading
[10] Aldgra Fredly (2023), Taiwan Aims 7.5 Percent Boost in 2024 Defense Budget Amid China Tensions, The Epoch Times, https://www.theepochtimes.com/china/taiwan-aims-7-5-percent-boost-in-2024-defense-budget-amid-china-tensions-5433205?utm_source=open&utm_medium=search
[11] CBS, “Biden tells 60 Minutes U.S. troops would defend Taiwan, but White House says this is not official U.S. policy”, https://www.cbsnews.com/news/president-joe-biden-taiwan-60-minutes-2022-09-18/
[12] William Langley and Chan Ho Him, How rising tensions across the Taiwan Strait could threaten global trade, Financial Times, https://www.ft.com/content/68871ec9-6741-4e0a-8542-940152df4e36
[13] Frank Fang (2023), War With China Over Taiwan Would Have ‘Devastating’ Impact, Defense Secretary Austin Says, The Epoch Times, https://www.theepochtimes.com/china/war-with-china-over-taiwan-would-have-devastating-impact-defense-secretary-austin-says-5311416?utm_source=open&utm_medium=search
[14] John J. Hamre (2022), Are Washington and Beijing on a Collision Course over Taiwan?, CSIS, https://www.csis.org/analysis/are-washington-and-beijing-collision-course-over-taiwan
[15] Vijay Gokhal (2023), What Should India Do Before the Next Taiwan Strait Crisis?, Carnegie Endowment for International Peace, https://www.jstor.org/stable/resrep48853.4
[16] Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam VTV, “Việt Nam: “Bến đỗ” mới của ngành công nghiệp bán dẫn”, https://vtv.vn/kinh-te/viet-nam-ben-do-moi-cua-nganh-cong-nghiep-ban-dan-20220826104032043.htm
[17] Hoàng An (2022), Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là quyết định “đúng thời điểm”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/phat-trien-nganh-cong-nghiep-ban-dan-la-quyet-dinh-dung-thoi-diem.htm

Theo THI THI / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , ,