Chiến lược cạnh tranh và thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông

Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và tham vọng tại Đông Nam Á tiếp tục được xem xét kỹ lưỡng giữa các xu hướng rộng lớn hơn, bao gồm việc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, các cuộc thảo luận ngày một tăng về kiến trúc khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và nỗ lực không ngừng của các quốc gia Đông Nam Á và Bắc Kinh nhằm hướng tới một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc ở Biển Đông.

Chiến lược cạnh tranh và thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông

Để giải quyết những vấn đề này, Prashanth Parameswaran, biên tập viên cao cấp của The Diplomat đã phỏng vấn Patrick Cronin – Chủ tịch An ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson và Ryan Neuhard – một chuyên viên nghiên cứu ở đó. Hai chuyên gia Patrick Cronin và Ryan chính là đồng tác giả của báo cáo có tựa đề: “Cạnh tranh toàn diện: Thách thức của Trung Quốc tại Biển Đông”, do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) phát hành tháng 1/2020. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

– Báo cáo tập trung vào khái niệm “cạnh tranh toàn diện” mà các ông đã đặt ra khi nhìn lại lịch sử Trung Quốc cũng như các khái niệm đương đại như chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (A2/AD) và chiến tranh chính trị. Việc nhìn vào cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua lăng kính cạnh tranh toàn diện thay vì thông qua một số khái niệm hay khuôn khổ trước đây có ý nghĩa như thế nào?

– Cạnh tranh toàn diện là một lăng kính hữu ích vì nó sẽ giúp làm rõ ba ý tưởng cốt yếu. Thứ nhất, cuộc đấu tranh chính đang diễn ra dưới ngưỡng một cuộc chiến tranh thật sự. Đây là cạnh tranh, không phải chiến tranh. Sự khác biệt đó rất quan trọng vì cạnh tranh và chiến tranh đòi hỏi những chiến lược, nguồn lực và sự lãnh đạo khác nhau. Bộ Quốc phòng đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, sẽ không thể thành công nếu không có sự đóng góp không kém phần mạnh mẽ từ các hoạt động ngoại giao, phát triển và các bên tham gia chính phủ cũng như tư nhân có vai trò quan trọng đối với chính sách công nghệ và đổi mới. Cần có sự chung tay của Bộ Ngoại giao để tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia chung chí hướng đối với một nghị trình chung cũng như đối phó với các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Cần có sự tham gia của các Cơ quan tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) để cung cấp các khoản đầu tư minh bạch và bền vững với tiêu chuẩn cao, trái với sự hợp tác ép buộc của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Mỹ cần có các khoản đầu tư trong nước, cải cách giáo dục và các chính sách điều phối để có thể chiếm ưu thế so với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh về các công nghệ trọng yếu. Quan trọng nhất, Mỹ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thông qua Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) và cần đồng bộ hóa các chính sách với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực. Trung Quốc đang sử dụng tất cả các công cụ, ngoại trừ chiến tranh. Mỹ cần sử dụng mọi công cụ sao cho có thể tận dụng được những lợi thế độc đáo của mình, củng cố các chuẩn mực và luật pháp quốc tế đồng thời giữ vững các giá trị Mỹ.

Thứ hai, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cạnh tranh không bị ràng buộc bởi chuẩn mực và luật pháp quốc tế.mCạnh tranh thông thường đều có giới hạn. Việc gieo rắc thông tin sai lệch, sáp nhập lãnh thổ tranh chấp hoặc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ với sự hỗ trợ của nhà nước là những phương thức không được phép sử dụng. Những nỗ lực nhằm cản trở quyền tự do ngôn luận ở một số nước khác hay quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế cũng vậy. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cạnh tranh vi phạm những giới hạn này. Cạnh tranh toàn diện giúp nêu bật việc Trung Quốc đang áp dụng một chiến lược cực đoan và toàn lực đối với cạnh tranh.

Thứ ba, cạnh tranh toàn diện truyền tải ý tưởng rằng đây là một cuộc cạnh tranh toàn xã hội. Giống như khi một quốc gia huy động cho cuộc chiến tổng lực, Trung Quốc đã huy động toàn xã hội cho sự cạnh tranh toàn diện. Chính phủ Trung Quốc đã nhờ tới các công ty tư nhân, ngư dân, những kẻ kích động trên mạng Internet, Hoa kiều và bất kỳ nhóm người nào khác mà giới chức Trung Quốc có thể kiểm soát. Cũng có người gọi hành vi ứng xử của Trung Quốc là “chiến tranh chính trị” hay “chiến tranh vùng xám”. Trong khi nhấn mạnh bản chất của cuộc chạy đua hay ít nhất là cách thức vận hành của nó, thì những thuật ngữ này cũng vô tình cổ súy quan điểm cho rằng vấn đề này chủ yếu liên quan đến quân sự. Cạnh tranh toàn diện hướng sự chú ý tới những đặc trưng cốt yếu nhất trong chiến lược và hành vi của Trung Quốc. Trong khi sự cạnh tranh của Bắc Kinh hầu như không bị hạn chế, thì một ngoại lệ là Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn giành chiến thắng mà không cần giao chiến.

– Báo cáo làm rõ về mối quan hệ giữa các mục tiêu quốc gia, mục tiêu khu vực của Trung Quốc ở Biển Đông và rộng hơn là khu vực Đông Nam Á và các công cụ quyền lực đang được sử dụng. Mặc dù câu chuyện nhìn chung có liên quan tới tính liên tục là chủ yếu, nhưng trong cách tư duy, hành động và phát ngôn của Trung Quốc trong vấn đề này, dù là về phạm vi tác động của các công cụ hay về một số hành động cụ thể dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, đã có những thay đổi nào đáng chú ý trong những năm gần đây?

– Phạm vi tác động của các công cụ mà Trung Quốc sử dụng chắc chắn đã và đang được mở rộng trên mọi lĩnh vực. Tất cả các phương tiện kinh tế, thông tin, quân sự, tâm lý và pháp lý của nước này ngày nay đều có tác động lớn hơn. Các phương tiện này có phạm vi tiếp cận lớn hơn, có nhiều khả năng huy động các bên tham gia then chốt hơn và được kết hợp tốt hơn. Tuy nhiên, sự thay đổi rõ rệt nhất chính là cách Trung Quốc sử dụng các công cụ của mình.

Dưới thời Tập Cận Bình, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển hướng sang thực hiện chính sách đối ngoại mang tính đàn áp và coi thường luật pháp hơn. Thời kỳ “trỗi dậy hòa bình” và theo đuổi một “thế giới hài hòa” đã qua. Sau khi từng bước tích lũy quyền lực, Chính phủ Trung Quốc hiện nay dường như có ý định sử dụng sức mạnh đó để áp đặt sở thích của mình lên người khác. Điều đó được thể hiện khi Trung Quốc trực tiếp ép buộc các nước khác phải nhượng bộ. Tuy nhiên, điều đó cũng được thể hiện khi các chính sách mang tính ép buộc của Trung Quốc khiến các bên thứ ba phải chủ động thông qua các chính sách thân thiện với Đảng Cộng sản Trung Quốc do e ngại làm Bắc Kinh khó chịu .

Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc cũng trở nên sẵn sàng thách thức và đôi khi trực tiếp vi phạm các cam kết hiệp ước mang tính ràng buộc về pháp lý như Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Chính phủ Trung Quốc ký kết các hiệp ước nhưng chỉ tuân thủ khi nào cảm thấy thuận tiện. Ví dụ nổi bật nhất trong vấn đề Biển Đông là việc Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về tranh chấp trên Biển Đông, vốn là một phần của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Điều thậm chí diễn ra thường xuyên hơn là việc Trung Quốc luôn muốn làm theo ý mình thông qua hành vi áp đặt các nước láng giềng nhỏ hơn, những nước vốn phải đối mặt với một lựa chọn sống còn: để Bắc Kinh tự do hành động hoặc từ bỏ lợi ích kinh tế đồng thời đối mặt với các biện pháp trừng phạt. Ví dụ, kể từ phán quyết năm 2016, Tổng thống Duterte đã cho phép Trung Quốc “chà đạp” lên chủ quyền của Philippines nhằm đổi lấy miếng mồi nhử là những lời hứa hẹn về cơ sở hạ tầng mà phần lớn vẫn chưa được thực hiện. Đồng thời, Trung Quốc tiến hành xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo đá nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, trái với quy tắc của ASEAN và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.

Những thay đổi này phản ánh một mô hình mà trong đó Chính phủ Trung Quốc bắt đầu áp đặt lối tư duy độc đoán với các nước bên ngoài giống như với người dân trong nước. Điều này cho thấy, nếu như có cơ hội, Chính phủ Trung Quốc sẽ đối xử với các nước láng giềng như những đối tượng chứ không phải đối tác. Việc Chính phủ Trung Quốc ưa thích các mục tiêu và phương thức độc đoán, phi pháp là lý do dẫn tới căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác trong cộng đồng quốc tế. Nếu Chính phủ Trung Quốc thể hiện ý định ôn hòa và tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế sẽ hoan nghênh sự trỗi dậy của nước này. Tuy nhiên, thay vào đó, Bắc Kinh lại làm phức tạp thêm vấn đề liên quan tới hành vi ác ý của họ với một chiến dịch kỳ lạ, tuyên truyền về việc họ đã tỏ ra cởi mở và công bằng ra sao và rằng bất kỳ ai phản đối lập trường của Bắc Kinh đều không muốn Trung Quốc giành được chỗ đứng xứng đáng.

Hành vi của Trung Quốc cũng bộc lộ một mô hình quan trọng khác. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần xây dựng sức mạnh vượt trội so với các quốc gia khác trong một lĩnh vực nào đó nhưng cũng đồng thời trấn an rằng họ sẽ không sử dụng sức mạnh đó để chống lại những nước này. Sau đó, khi Trung Quốc trở thành bên tham gia chiếm ưu thế trong lĩnh vực đó thì Chính phủ nước này lại lạm dụng sức mạnh để ép buộc các quốc gia dễ tổn thương hay các tập đoàn đa quốc gia. Ví dụ, Trung Quốc xây dựng sức mạnh kinh tế vượt trội so với các nước láng giềng trong nhiều thập kỷ. Đối với những sự phụ thuộc sâu sắc hơn về kinh tế, nước này tạo ra vỏ bọc “đôi bên cùng có lợi” và chờ đợi cho đến khi Trung Quốc có được vị thế đối tác thương mại chủ chốt của những quốc gia này. Sau đó, Trung Quốc lại sử dụng đòn bẩy tài chính để ép buộc những nước này. Một báo cáo của CNAS năm 2018 đã mô tả chi tiết một số vụ việc đáng chú ý: Lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản năm 2010, hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy năm 2010, hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines năm 2012, hạn chế du lịch đến Đài Loan năm 2016, tính phí nhập khẩu các sản phẩm khai mỏ từ Mông Cổ năm 2016, việc đóng cửa chuỗi siêu thị Lotte và hạn chế du lịch và nhập khẩu văn hóa phẩm Hàn Quốc năm 2016. Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự trong khi vẫn trấn an các nước khác rằng họ sẽ không sử dụng sức mạnh đó để chèn ép các nước láng giềng. Sau đó, khi quân đội Trung Quốc giành được lợi thế vượt trội so với các nước láng giềng, Bắc Kinh bắt đầu triển khai sức mạnh quân sự của nước này. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai các lực lượng quân sự, bao gồm cả tên lửa chống hạm, đến các cấu trúc địa hình trên quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Bắc Kinh cũng cử các tàu cảnh sát biển có vũ trang cỡ tàu khu trục để hộ tống ngư dân nước này đánh bắt cá trái phép vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Trung Quốc cũng cử các tàu dân quân biển sử dụng tia laser để làm lóa mắt các phi công bay trên không phận quốc tế. Trung Quốc cũng đe dọa các nước láng giềng thông qua việc triển khai các tàu khảo sát đại dương, các giàn khoan và số lượng lớn tàu đánh cá, tất cả đều do lực lượng dân quân biển, cảnh sát biển và Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc hộ tống và bảo vệ.

Mô hình này có ý nghĩa quan trọng vì gần đây Trung Quốc đã tích lũy dữ liệu lớn (Big Data) để chuẩn bị cho việc chiếm ưu thế vượt trội về thông tin. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng đang từng bước thúc đẩy việc kiểm soát cơ sở hạ tầng số của các nước khác – bao gồm phần cứng và phần mềm mạng 5G, hạ tầng cứng viễn thông và các tuyến cáp ngầm dưới biển. Trung Quốc trấn an các nước láng giềng rằng nước này sẽ không lạm dụng sức mạnh về cơ sở hạ tầng của mình. Đến lúc này, chúng ta hẳn đã biết mô hình này sẽ kết thúc như thế nào. Đối với những dữ liệu không thể xâm nhập, Trung Quốc sẵn sàng tìm cách phá hoại nhằm đạt được điều mà họ cần trong thời bình hoặc nếu cần thiết có thể tìm cách thắng thế trong một cuộc giao tranh “thông tin hóa” chóng vánh.

– Báo cáo đã nêu chi tiết năm khía cạnh quan trọng nhất của chiến dịch cạnh tranh toàn diện của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á: sức mạnh kinh tế, thống trị thông tin, sức mạnh trên biển, hoạt động tâm lý và pháp lý. Trong các vấn đề này, ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải tập trung vào ưu thế về thông tin, điều mà ông đã từng nhắc đến trong phát biểu ra mắt báo cáo tại CNAS. Ông có thể nói rõ hơn về bối cảnh của sự cần thiết phải tập trung hơn vào lĩnh vực này không?

– Cạnh tranh thông tin là rất quan trọng vì nó tạo ra hiệu ứng dây chuyền đối với tất cả các lĩnh vực cạnh tranh khác. “Thống trị thông tin” là thuật ngữ chúng tôi sử dụng để thảo luận về các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu thập các dữ liệu, kiểm soát cơ sở hạ tầng số, lấp liếm thông tin, phát tán thông tin sai lệch và phát triển các ngành công nghiệp liên quan đến thông tin để Trung Quốc có thể chi phối nền kinh tế thông tin và công nghệ cao trong tương lai. Nếu Trung Quốc có được ưu thế về thông tin, thì nước này có thể sử dụng lợi thế đó để tăng cường các hoạt động tâm lý, đòn bẩy kinh tế, các hoạt động quân sự và bán quân sự, và thậm chí là các nỗ lực để loại bỏ các chuẩn mực và nguyên tắc pháp lý. Ví dụ, các hoạt động tâm lý sẽ hiệu quả hơn khi Trung Quốc có thể sử dụng dữ liệu về các cá nhân để phát tán các thông tin sai lệch đúng mục tiêu hơn. Việc kiểm soát cơ sở hạ tầng số đem lại một phương thức thuận tiện hơn để theo dõi việc truy cập mạng, làm chậm kết nối đến các trang mạng nhất định, hay có thể là sàng lọc nội dung giống như cách Trung Quốc đã tiến hành ở trong nước, mà không để lại dấu vết. Khả năng xảy ra lạm dụng là rất cao.

Điều làm gia tăng mối quan ngại của quốc tế không phải là hành động đơn lẻ nào đó của Trung Quốc mà là toàn bộ những nỗ lực của chính phủ nước này trong lĩnh vực thông tin. Chúng ta có thể trích dẫn một số hành động khác biệt nhưng có liên hệ với nhau của Trung Quốc mà có thể phá hoại thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo lâu nay giữa Mỹ và Anh. Trước tiên, Viện nghiên cứu số 54 của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thâm nhập vào cơ sở dữ liệu của công ty Equifax năm 2017, gây tổn hại tới dữ liệu cá nhân của gần 150 triệu người Mỹ (và 13 triệu người Anh) – những thông tin có thể nhắm đến những người làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia. Thứ hai, dưới áp lực kinh tế và vận động hành lang mạnh mẽ (Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị thậm chí đã gọi việc phản đối Huawei là “vô đạo đức”), nước Anh đã buộc phải chấp nhận rủi ro đối với hệ thống viễn thông 5G của mình khi phụ thuộc một phần vào công nghệ của Huawei. Một số chuyên gia cố gắng giảm thiểu rủi ro của việc mua công nghệ của Trung Quốc khi gợi ý rằng London có thể chống lại các hoạt động gián điệp và bảo vệ các bí mật từ các phần khác của hệ thống. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của bản thân, Mỹ biết rõ các thông tin có thể bị đánh cắp qua hệ thống viễn thông như thế nào. Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo liên bang Đức (BDN) đã bẻ khóa hệ thống bảo mật của chính phủ các nước đã mua máy móc của công ty Crypto của Thụy Sỹ. Tuy nhiên, theo Jonathan Eyal, một cây bút của tờ Straits Times, chính phủ nhiều nước vẫn tin tưởng giao phó các thông tin liên lạc bí mật cho các thiết bị nước ngoài, vì “họ coi máy móc chỉ đơn thuần là những nền tảng”. Trung Quốc cũng muốn có được khả năng đó trong tương lai. Việc mua lại một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ chỉ là một công cụ khác mà Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào để đạt được sự vượt trội về thông tin.

– Để giải quyết thách thức này, báo cáo đã đề cập đến sự cần thiết phải huy động nguồn lực nhằm cạnh tranh tổng thể với Trung Quốc, bao gồm thông qua việc đối phó với chiến lược của Bắc Kinh, ngăn chặn sử dụng vũ lực cũng như điều chỉnh tư duy và thể chế. Ông có thể đưa ra một số khuyến nghị cụ thể mà theo quan điểm của ông là quan trọng và cấp thiết nhất hay không? Ngoài ra, theo ông thì những khuyến nghị nào khó thực hiện nhất?

– Trước tiên, Mỹ và các quốc gia cùng chí hướng cần phải tìm cách làm giảm hiệu quả các hoạt động tâm lý và tuyên truyền của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi phải vạch trần các đối tượng được ủy nhiệm và gắn nhãn các thông tin sai lệch để những người tiếp nhận thông tin có thể nhận biết tốt hơn khi nào họ đang là mục tiêu. Các bước đi cụ thể có thể bao gồm việc đẩy mạnh thực thi các đạo luật như Đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) của Mỹ và xây dựng các hướng dẫn rõ ràng, minh bạch với các công ty truyền thông xã hội để gắn nhãn thông tin sai lệch trên các nền tảng của họ một cách rõ ràng hơn. Việc Mỹ mở rộng các nỗ lực ngoại giao công của Bộ Ngoại giao và Trung tâm can dự toàn cầu trực thuộc bộ này cũng có thể giúp đảm bảo rằng các thông tin chính xác, tin cậy, kịp thời có thể đến với những độc giả đang là mục tiêu của Trung Quốc.

Thứ hai, Mỹ và các đối tác có thể giúp các quốc gia chống chọi tốt hơn trước đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc bằng cách cung cấp các nguồn tài trợ thay thế minh bạch, chất lượng và bền vững hơn. Việc trao quyền cho DFC, với vai trò là ngân hàng phát triển của Mỹ, để huy động khu vực tư nhân Mỹ đầu tư vào các nước đang phát triển có thể cung cấp thêm nhiều nguồn tài trợ hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng cấp thiết, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn và tính cạnh tranh.

Thứ ba, Mỹ cũng cần tìm cách tự đầu tư cho chính mình. Hệ thống giáo dục công và các hệ thống đào tạo nhân lực hiện nay của Chính phủ Mỹ không được trang bị để đối phó với những thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gây ra, những căng thẳng về môi trường, sự suy yếu của các tiến trình dân chủ và những nhu cầu an ninh quốc gia trong tương lai. Những thách thức này cần một tư duy đổi mới về các ngành khoa học tự nhiên và nhân văn, nghiên cứu và ngôn ngữ khu vực cũng như công nghệ và đạo đức. Những điều này đòi hỏi phải cải tiến toàn diện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục. Trong khi đó, các hệ thống giáo dục và đào tạo nhân lực của chính phủ cũng cần cải thiện lực lượng lao động để có thể hoạt động trên khắp các tuyến thông tin trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ, kinh tế và ngoại giao.

– Ngoài việc huy động nguồn lực nhằm cạnh tranh tổng thể với Trung Quốc, báo cáo còn gửi đi một thông điệp rõ ràng về sự cần thiết phải hình thành sự can dự tích cực với Đông Nam Á, bên ngoài bất kỳ cuộc đấu tranh toàn cầu nào giữa Mỹ và Trung Quốc, một điểm quan trọng thường bị bỏ lỡ. Đâu là những lĩnh vực mà ông cho rằng có tiềm năng nhất và đâu là những quốc gia trong khu vực này mà Washington cần phải đặc biệt tập trung? Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò cụ thể của ASEAN và chủ nghĩa đa phương trong bức tranh rộng lớn hơn này, nhất là khi xét tới các thách thức mà tổ chức này đã và đang phải đối mặt trong những năm gần đây?

– Mỹ muốn chứng kiến một Đông Nam Á an toàn, thịnh vượng, ổn định và có thẩm quyền. Có rất nhiều cơ hội đang nổi lên để đầu tư vào kinh doanh và cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Như đã đề cập trước đó, Mỹ có thể giúp đáp ứng các nhu cầu đó bằng cách huy động khu vực tư nhân tài trợ thông qua các thể chế như DFC, vốn có khả năng hợp tác với nhiều chủ thể khác của chính phủ và khu vực tư nhân để huy động các khoản đầu tư quan trọng, cần thiết, bền vững và minh bạch. Cũng có rất nhiều cơ hội để tăng cường sự phối hợp của các nước Đông Nam Á về các vấn đề nhận được sự quan tâm chung. Ví dụ, việc hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường hợp tác quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo có thể giúp làm gia tăng ảnh hưởng, khả năng tự vệ và nhận thức tình huống của Đông Nam Á.

Mỹ và các đối tác cần nỗ lực phối hợp để can dự với tất cả các nước ở Đông Nam Á. Tất nhiên, thật đáng thất vọng khi phải chứng kiến Chính phủ Campuchia từng phá vỡ tính thống nhất của ASEAN về vấn đề Biển Đông vào năm 2012, nay lại ký kết một thỏa thuận bí mật có thời hạn một thế kỷ, cho phép Hải quân Trung Quốc tiếp cận vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, đã có một vài quốc gia thể hiện sự quan tâm tới việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ như Việt Nam, Indonesia và Singapore. Vì vậy, điều quan trọng là Mỹ cần phải đáp ứng mối quan tâm đó bằng những hợp tác sâu sắc hơn. Mỹ cũng cần loại bỏ những trở ngại đối với việc củng cố quan hệ với các đồng minh khu vực như Philippines và Thái Lan, cũng như các quốc gia hàng hải khác như Malaysia và Brunei.

Các nước Đông Nam Á có sức ảnh hưởng lớn nhất khi hợp tác với nhau, vì vậy, chủ nghĩa đa phương sẽ tiếp tục đóng vai trò trọng yếu. ASEAN nên tận dụng tốt hơn sự hỗ trợ của tập hợp các quốc gia cam kết bảo vệ quyền tự do hàng hải nhằm tránh bị ép buộc tham gia các thỏa thuận không công bằng về phát triển tài nguyên hay các quy tắc lưu thông. Vì vậy, không những không nên coi sự hợp tác lỏng lẻo giữa Bộ tứ gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc như là mối đe dọa đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Đông Nam Á còn nên hoan nghênh các sáng kiến như Mạng lưới điểm Xanh (Blue Dot Network), vốn được xây dựng để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước các chương trình phát triển bất lợi. Tương tự, nếu ASEAN tiếp tục đấu tranh, các nhóm nước nhỏ sẽ có cơ hội hợp tác trong khuôn khổ đa phương hẹp nhằm đưa ra các giải pháp. Ví dụ, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines có thể thương lượng đưa ra một quan điểm đồng thuận trong vấn đề phân định ranh giới và xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên biển bên ngoài ASEAN và cùng thông qua lập trường thống nhất đó.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG 

Tags: , ,