Cạnh tranh Mỹ – Trung: Cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới?

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, thời điểm đơn cực đã kết thúc. Tại Trung Quốc, Mỹ phải đối mặt với một đối thủ rất lớn và khao khát trở thành số một. Quan hệ kinh doanh và lợi nhuận, những cái trước đây giúp củng cố mối quan hệ, đã trở thành cái để cạnh tranh.

Cạnh tranh Mỹ – Trung: Cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới?

Cuộc chiến thương mại chỉ là một phần trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay. Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh với nhau trên mọi lĩnh vực, từ chất bán dẫn đến tàu ngầm, từ các bộ phim bom tấn đến thám hiểm mặt trăng. Hai siêu cường này từng tìm kiếm một thế giới mà đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, ngày nay, chiến thắng dường như đòi hỏi một bên phải thất bại – theo đó, Trung Quốc luôn phải tuân thủ mệnh lệnh của Mỹ hoặc một nước Mỹ khiêm nhường phải rút lui khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương. Đó là chiến tranh lạnh kiểu mới mà ở đó không có người chiến thắng.

Như đã giải thích trong một báo cáo đặc biệt của nhóm tác giả, mối quan hệ giữa 2 siêu cường đã trở nên tồi tệ. Mỹ phàn nàn rằng Trung Quốc đang gian lận để vươn lên qua việc ăn cắp công nghệ, chiếm giữ Biển Đông và bắt nạt các nền dân chủ như Canada và Thụy Điển. Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa đối với nền hòa bình toàn cầu. Trung Quốc bị kẹt giữa giấc mơ giành lại vị trí xứng đáng ở châu Á và nỗi lo sợ rằng một nước Mỹ mệt mỏi và ghen tị sẽ ngăn chặn sự trỗi dậy của họ bởi nước Mỹ không thể chấp nhận việc vị thế của mình bị suy giảm.

Khả năng xảy ra thảm họa đang hiện ra. Dưới thời Kaiser, nước Đức đưa thế giới vào chiến tranh; Mỹ và Liên Xô đùa bỡn với cuộc chiến tranh hạt nhân một mất một còn. Ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ ngừng xung đột, thế giới vẫn phải chịu ảnh hưởng của việc tốc độ tăng trưởng chậm lại và các vấn đề bị bỏ lại không được giải quyết do thiếu sự hợp tác.

Cả hai bên đều cần phải cảm thấy an toàn hơn, nhưng cũng phải học cách sống chung trong một thế giới mà mức độ tin cậy không cao. Người ta không nên nghĩ rằng có thể đạt được điều này một cách dễ dàng hoặc nhanh chóng.

Tham vọng của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc, như họ từng làm và thành công đối với Liên Xô. Đối tượng của Mỹ không chỉ là Huawei, công ty cung cấp thiết bị viễn thông 5G mới bị ngăn chặn thông qua các sắc lệnh, mà là gần như tất cả các công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, những rủi ro mang lại là rất nghiêm trọng, và các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách tránh né chúng. Các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được điều chỉnh để không cần đến vai trò của Trung Quốc, nhưng điều này sẽ rất tốn kém. Kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Liên Xô cuối những năm 1980 đạt 2 tỷ USD/năm; trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay đạt 2 tỷ USD/ngày. Trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng như sản xuất chip và 5G, thật khó để nói thương mại kết thúc chỗ nào và an ninh quốc gia bắt đầu ở đâu. Nền kinh tế của các đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Chỉ có một mối đe dọa rõ ràng mới có thể thuyết phục các nước này cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.

Sẽ là không khôn ngoan nếu Mỹ buông tay. Không có quy luật vật lý nào nói rằng điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác phải do các nhà khoa học có quyền tự do quyết định bẻ khóa. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định quyền kiểm soát của đảng và bắt đầu triển khai sức mạnh của Trung Quốc ra toàn thế giới. Một phần vì lý do này mà một trong số rất ít điều đạt được sự đồng thuận của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ là Mỹ phải hành động chống lại Trung Quốc. Nhưng bằng cách nào?

Trước tiên, Mỹ phải ngừng ngay việc tự làm suy yếu sức mạnh của mình, thay vào đó là phải xây dựng sức mạnh. Do người di cư có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự đổi mới, nên việc Chính quyền Trump dựng rào cản đối với người nhập cư hợp pháp là hành động tự hại mình. Tương tự, việc chính quyền thường xuyên chê bai bất kỳ ngành khoa học nào không phù hợp với chương trình nghị sự và có ý định cắt giảm tài trợ khoa học (may mắn là Quốc hội không chấp thuận điều này) cũng gây tác động ngược lại.

Một trong những thế mạnh khác nằm ở các liên minh của Mỹ cũng như các thể chế và chuẩn mực mà Mỹ thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Đội ngũ của Trump đã coi thường các quy tắc thay vì ủng hộ và củng cố các thể chế, tấn công Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong vấn đề thương mại thay vì hợp tác với họ để ép Trung Quốc thay đổi. Quyền lực cứng của Mỹ ở châu Á giúp trấn an các đồng minh, nhưng Tổng thống Donald Trump dường như không nhận thấy rằng quyền lực mềm cũng giúp củng cố các liên minh.

Tương tự như việc tập trung vào sức mạnh của mình, Mỹ cần tăng cường khả năng quốc phòng. Điều này liên quan đến quyền lực cứng vì Trung Quốc cũng đang tiến hành vũ trang, kể cả trong các lĩnh vực mới lạ như vũ trụ và không gian mạng. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là tạo ra sự cân bằng giữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và duy trì dòng lưu thông của các ý tưởng, con người, vốn và hàng hóa. Khi các trường đại học và các chuyên viên máy tính của Thung lũng Silicon chế giễu những quy định mang tính giới hạn nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, họ hoặc là ngây thơ hoặc là giả dối. Tuy nhiên, khi những nhân vật diều hâu quá khích đòi đóng cửa không cho các công dân và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, họ đã quên mất rằng sự đổi mới của Mỹ phụ thuộc vào một mạng lưới toàn cầu.

Mỹ và các đồng minh có quyền hạn rộng lớn để đánh giá ai sẽ mua cái gì. Tuy nhiên, phương Tây biết quá ít về các nhà đầu tư và đối tác liên doanh đến từ Trung Quốc cũng như các quan hệ của họ với nhà nước. Việc suy nghĩ sâu hơn về những vấn đề được coi là nhạy cảm trong các ngành công nghiệp sẽ làm mất đi mong muốn cấm đoán mọi thứ.

Đối phó với Trung Quốc cũng có nghĩa là tìm cách tạo niềm tin. Những hành động mà Mỹ cho là phòng thủ nhưng trong con mắt của Trung Quốc có thể lại là hành động gây hấn nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cảm thấy cần phải chống trả, thì một vụ va chạm hải quân ở Biển Đông cũng có thể dẫn đến sự leo thang. Hoặc một cuộc xâm nhập Đài Loan có thể dẫn đến chiến tranh bởi sự giận dữ và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thái quá của Trung Quốc.

Do đó, một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn đòi hỏi phải có một chương trình nghị sự khuyến khích thói quen làm việc cùng nhau khi mà Mỹ và Liên Xô vừa đàm phán về việc cắt giảm vũ khí, vừa đe dọa hủy diệt lẫn nhau. Trung Quốc và Mỹ không phải nhất trí với kết luận rằng họ sống theo các quy tắc là vì lợi ích của mình. Không thiếu các dự án để họ cùng nhau thực hiện, chẳng hạn như vấn đề Triều Tiên, các quy tắc về không gian và chiến tranh mạng và nếu ông Trump chấp nhận thì đó là việc chống biến đổi khí hậu.

Một chương trình nghị sự như vậy đòi hỏi phải có nghệ thuật quản lý nhà nước và tầm nhìn. Ngay bây giờ những thứ này đang thiếu. Trump chế nhạo giá trị toàn cầu, và lý do của ông là nước Mỹ đã mệt mỏi với việc đóng vai trò là sen đầm thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc có một vị chủ tịch nước muốn sử dụng giấc mơ về một quốc gia vĩ đại làm lý do để biện minh kiểm soát tất cả mọi thứ. Ông ta ngồi ở đỉnh của một hệ thống coi sự tham gia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama như một thứ để khai thác. Các nhà lãnh đạo tương lai có thể cởi mở hơn với sự cộng tác đã được khai sáng, nhưng không có gì đảm bảo.

Ba thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, thời điểm đơn cực đã kết thúc. Tại Trung Quốc, Mỹ phải đối mặt với một đối thủ rất lớn và khao khát trở thành số một. Quan hệ kinh doanh và lợi nhuận, những cái trước đây giúp củng cố mối quan hệ, đã trở thành cái để cạnh tranh. Trung Quốc và Mỹ rất cần tạo ra các quy tắc để giúp quản lý thời kỳ mà sự cạnh tranh giữa các siêu cường đang tiến triển nhanh chóng. Nhưng lúc này, cả hai đều xem các quy tắc là những thứ để phá vỡ.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / THE ECONOMIST

Tags: , ,