⠀
Canh bạc mang tên toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa là một xu hướng không thể đảo ngược trong thế giới hiện đại. Toàn cầu hóa đã đi được một chặng đường dài, dù từ 1.0 hay đã 3.0 như hiện nay thì quá trình này đã “làm phẳng” thế giới đi rất nhiều.
Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Một mặt, toàn cầu hóa tạo cơ hội và điều kiện để phát triển và vươn lên những nấc thang mới của khá giả và phồn vinh. Nhưng mặt khác, nó có thể làm sụp đổ các quốc gia…
Khi nói về bản chất của toàn cầu hóa, Mahathir Mohamad – Thủ tướng Malaysia, một người có nhiều nghiên cứu về vấn đề tác động toàn cầu hóa đến các quốc gia Thế giới thứ ba, từng nhận xét: “…trong tiến trình toàn cầu hoá như đang được quảng bá, thực hiện và thúc ép lên chúng ta, có những kẻ thắng lớn và những người thua to. Và những khuôn mẫu cơ bản của kẻ thắng, người thua trong cuộc chơi này là không hề thay đổi và không công bằng. Kẻ thắng luôn là những nước giàu và người thua luôn là những nước nghèo”. Nhưng, thực tế những gì mới xẩy ra gần đây ở một số nước châu Âu và kể cả Mỹ, đã chứng minh rằng, ngay cả những nước vẫn được coi là giàu cũng không phải thắng mãi.
>> Toàn cầu hóa là gì? |
Khách quan hay chủ ý
Cụm từ “Toàn cầu hóa” được đưa ra vào khoảng nửa cuối thế kỷ XX, nhưng phải đến thập nhiên 90, khái niệm này mới được chấp nhận rộng rãi. Nhưng có thể thấy rõ một thực tế rằng, hiện nay đang có nhiều quan điểm khác nhau về toàn cầu hóa. Có học giả cho rằng, toàn cầu hóa xuất hiện dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cùng với việc mở rộng các thuộc địa của các đế quốc phương Tây nhằm vơ vét tài nguyên thiên nhiên, tận dụng nhân công rẻ mạt ở các nước bản xứ và giành giật thị trường, mở rộng thương mại có lợi cho các nhà tư bản. Và cũng có quan điểm cho rằng, toàn cầu hóa là xu thế khách quan mang lại lợi ích cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, đối lập lại là quan điểm cho rằng, toàn cầu hóa là toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa, do Mỹ lũng đoạn nhằm áp đặt sự thống trị của chủ nghĩa tư bản và kinh tế Mỹ. Mặc dù các quan điểm được nêu ở trên có sự khác nhau nhưng không thể phủ nhận một thực tế là toàn cầu hóa là kết quả phức hợp của nhiều yếu tố, trong đó có ba yếu tố chính: sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, sự bành trướng của các công ty xuyên quốc gia. Như vậy, toàn cầu hóa là một trong sự biến đổi của thế giới hiện đại và là một tất yếu lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong lịch sử xã hội loài người.
Lịch sử xã hội loài người đã trải qua các nấc thang phát triển khác nhau và các nấc thang đó theo cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác-Lênin là kết quả của sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn tới những tiến hóa của các hình thái kinh tế – xã hội. Thời đại mà loài người đang trải qua hiện nay là giai đoạn lịch sử chuyển tiếp sang một thời kỳ mới và một thế kỷ mới. Cũng giống như các giai đoạn chuyển tiếp trước đây nó hứa hẹn những cơ hội đầy hy vọng và nó cũng tạo ra những thách thức đầy nguy hiểm.
Toàn cầu hóa và nhân loại
Nói về bản chất thì toàn cầu hóa là quá trình gia tăng mạnh mẽ những mối liên hệ có ảnh hưởng và tác động qua lại trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa giữa các cộng đồng trên toàn thế giới. Quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy kinh tế phát triển với tốc độ cao, nếu nửa đầu thế kỷ XX, tổng GDP của thế giới tăng 2,7 lần, thì đến nửa cuối thế kỷ, tổng GDP thế giới đã tăng 5,2 lần. Đầu năm 1950, tỷ trọng thương mại trong GDP toàn cầu là 7%, thì hiện nay đã tăng lên hơn 50%. Những hàng rào kinh tế ngăn cách giữa các quốc gia dần được dỡ bỏ, điều này đã mở ra những cơ hội thị trường to lớn cho tất cả các nước, mà trước hết là thị trường xuất – nhập khẩu.
Dựa vào những lợi thế như vốn, khoa học kỹ thuật, thông tin, nhân tài, quản lý, có thể nói các nước phát triển đã định ra “luật chơi” toàn cầu hóa kinh tế, khiến xu thế chính của toàn cầu hóa kinh tế hiện nay là mở rộng kinh tế thị trường tự do trên toàn thế giới. Đối với phạm vi thế giới là mở rộng mô hình kinh tế phương Tây ra toàn thế giới; đối với kinh tế phương Tây, là mô hình kinh tế Mỹ chiếm nhiều ưu thế hơn so với mô hình kinh tế châu Âu và Nhật Bản.
Khi thời đại đã thay đổi như ngày nay, không thể tồn tại một quốc gia “bế quan tỏa cảng”, tự đặt mình ra bên cạnh xu thế và con đường phát triển chung của nhân loại. Bởi vì, như một nhánh trong thuyết tự do cho rằng tình trạng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ hạn chế các nước sử dụng vũ lực chống lại nhau bởi vì chiến tranh sẽ gây thiệt hại đối với sự thịnh vượng của tất cả các bên.
Kết quả là quá trình toàn cầu hoá kinh tế tạo nên một trào lưu toàn cầu hóa khác, thậm chí còn quyết liệt hơn, sâu sắc hơn, đó là toàn cầu hóa về văn hóa. Những thay đổi về thị trường đã gắn kết với những thay đổi về xã hội. Đó là những thay đổi về nếp nghĩ, niềm tin, thói quen mua sắm và cả những phong tục, tập quán của nhiều quốc gia. Quan hệ kinh tế, văn hóa không còn là câu chuyện bị phụ thuộc vào ý muốn của riêng ai, chúng trở thành xu thế tất yếu của mọi dân tộc trong quá trình hội nhập muốn chấn hưng chính mình. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang tạo ra những hệ lụy không kém phần rộng lớn, do điều kiện tham gia của mỗi thành viên và do sự tác động của quy luật phát triển không đều của hệ thống kinh tế thế giới.
Những hệ lụy
Thực tế đầu tiên dễ dàng nhận thấy là quá trình toàn cầu hóa có thể có những hệ lụy bất lợi cho không chỉ các nước đang phát triển mà cả các nước phát triển. Hầu hết các nước đang phát triển đều phải giải quyết những thách thức trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và không bình đẳng trong các quan hệ kinh tế – thương mại. Lý do chính là vì, khi tham gia hội nhập kinh tế, tất cả các nước đều phải tuân thủ theo những “quy tắc” và những “luật chơi” chưa chắc đã thuận lợi cho mình như việc phá bỏ hàng rào quan thuế trong khi nền kinh tế trong nước chưa bắt kịp với những thách thức bên ngoài. Ngược lại đối với các nước phát triển, cạnh tranh kinh tế và thương mại đã tạo nên những khó khăn trong việc thu hút vốn và đầu tư vào phúc lợi xã hội và khoảng cách giàu nghèo bên trong lòng xã hội đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với các chính phủ. Gánh nặng nợ nần cũng làm cho các nước nghèo và kém phát triển khó tranh thủ được những thuận lợi của toàn cầu hóa.
Tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài trong mấy năm gần đây, mà khởi nguồn là từ Mỹ, đang thách thức lại mô hình phát triển kinh tế do Mỹ cổ súy trước đây. Việc hình thành một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp là một trong bước tiến lớn nhất của cộng đồng quốc tế trong 65 năm qua. Tuy nhiên, hiện tượng phá sản hàng loạt và các đợt bạo động triền miên lại là bằng chứng cho thấy những áp lực mà hệ thống này đang phải gánh chịu là không nhỏ. Bên cạnh đó, không thể không đề cập tới sự tương phản giữa thặng dư thương mại khổng lồ của các nước như Trung Quốc, Đức và một số nước châu Á khác với thâm hụt ngân sách tương ứng của Mỹ, Anh và một số quốc gia trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Jeffrey Sachs, nhà kinh tế học Mỹ thì nhận định, “Toàn cầu hóa đã làm nảy sinh những thách thức điều chỉnh nghiêm trọng với thế giới thu nhập cao và hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, đặc biệt là Mỹ, đều thất bại trong việc giải quyết những thách thức đó”.
Mặt khác, sự gắn bó chặt chẽ, phụ thuộc vào kinh tế thế giới cũng nảy sinh những mối lo ngại về an ninh quốc gia. Vấn đề di cư cũng là mối quan tâm của rất nhiều nước, kể cả nước di cư lẫn nhập cư. Di cư tự do thành nỗi lo của nhiều nước, các nước phát triển lo phải đối phó với luồng di cư từ các nước đang phát triển sẽ thách thức tình trạng việc làm đối với người bản xứ. Trong khi đó, tình trạng “chảy máu chất xám” đang làm xói mòn sức mạnh của nhiều nước đang phát triển. Những người nhập cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đang bị bóc lột tàn nhẫn tại các nước đến. Tại châu Âu, tình trạng lao động nhập cư để bù đắp cho “các xã hội đang ngày càng già sớm” đang làm ảnh hưởng đến tính cố kết xã hội vốn vẫn là truyền thống.
Quá trình toàn cầu hóa cũng góp phần tạo nên sự xuất hiện của các vấn đề toàn cầu vốn không phải là mối quan ngại trong giai đoạn trước đây. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đại dịch HIV/AIDs, khủng bố… đang đe dọa sự tồn tại của nhân loại. Chính sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng khiến những vấn đề có tính toàn cầu trở nên phức tạp hơn, quy mô ngày càng mở rộng hơn và vì thế càng khoa giải quyết triệt để hơn. Học giả Mỹ G. Mally nhận xét: “Quan hệ giữa các quốc gia ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều hơn của hiện tượng phụ thuộc lẫn nhau hiện nay. Vốn là hậu quả của cuộc cách mạng về phương tiện liên lạc và giao thông, lời thách thức này của sự phụ thuộc lẫn nhau được dành cho tất cả, các chế độ dân chủ và các chế độ cực quyền, các nước phát triển và các nước đang phát triển, các nước nhỏ và các nước lớn. Nguy cơ tăng lên, đi liền với việc phổ biến vũ khí hạt nhân, với việc ô nhiễm môi trường, với việc làm gay gắt mâu thuẫn giữa gia tăng dân số và nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, cũng như kỳ vọng phân chia công bằng hơn tổng sản phẩm thế giới, đã buộc các thủ lĩnh chính trị phải tin vào sự tồn tại của mệnh lệnh phụ thuộc lẫn nhau”.
Các kỹ thuật về thông tin đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình toàn cầu hoá và tác động đến những dị biệt về văn hoá. Điều này đã đưa đến nỗi quan ngại của nhiều nước về việc văn hoá của mình đã trở nên “quá toàn cầu” theo nghĩa là nền văn hoá của họ đã trở nên quá dễ dàng hoà nhập. Cùng với toàn cầu hóa kinh tế là toàn cầu hóa về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống và quan niệm giá trị. Đây là đòn tiến công mạnh mẽ của văn hóa phương Tây đối với văn hóa dân tộc của các nước đang phát triển. Bzrezinski, nhà chính trị nổi tiếng của Mỹ chỉ ra rằng lối sống phương Tây có ý nghĩa quyết định đặc biệt đối với toàn cầu hóa, nó thúc đẩy mọi người trên toàn thế giới háo hức theo đuổi hưởng thụ vật chất và thỏa mãn đúng lúc những ham muốn cá nhân mà không bị ràng buộc bởi quy phạm đạo đức, dẫn đến khủng hoảng tinh thần trong phạm vi toàn cầu. Sự rối loạn văn hóa tinh thần và sự rạn nứt quan niệm giá trị toàn cầu lại nổ ra cùng lúc với hàng loạt các hiện tượng phạm tội xã hội, kết hợp với sự lan tràn của tà giáo và thế lực xã hội đen, càng tăng thêm rối ren, đe dọa sự ổn định và an ninh xã hội. Một thực tế xảy ra trên toàn thế giới từ các nước phát triển (ngay cả Canada hay một nước Tây Âu) đến các nước đang phát triển là ảnh hưởng của toàn cầu hoá văn hoá chỉ đơn giản là một động tác nhấn nút điều khiển vô tuyến, việc mua một chiếc CD hoặc lướt qua mục giải trí của tờ báo ngày hay đi vào một tiệm ăn McDonald’s.
Một thực tế không thể không đề cập khác là toàn cầu hoá làm cho chủ quyền quốc gia liên tục bị đe dọa do sự chi phối của các định chế quốc tế và “luật chơi” của toàn cầu hoá mà họ tham gia. Khái niệm “quốc gia, dân tộc” không còn được hiểu theo nghĩa cổ điển trong một thế giới phẳng hiện nay. Nếu không có cơ chế quản lý hữu hiệu thì các mặt tiêu cực về kinh tế, xã hội của quốc gia có quyền lực hơn dễ dàng xâm nhập vào quốc gia có thể chế luật pháp và cơ chế quản lý yếu hơn.
Một số vấn đề đã nêu ở trên cho thấy rõ những hệ lụy vốn tồn tại song song với những mặt tích cực mà quá trình toàn cầu hóa đã mang đến cho nhân loại. Đây là một quá trình vận động phức tạp, chứa đựng cả mặt tích cực và tiêu cực; cả cơ hội lẫn thách thức cho quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, do lợi ích toàn cầu hoá đem lại rất lớn nên không quốc gia nào muốn bị bỏ lại đằng sau, mà đều muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu này. Để giải quyết những vấn đề vốn có nguồn gốc toàn cầu này sẽ đòi hỏi có những nỗ lực của cộng đồng các nước theo tính chất cũng thực sự “toàn cầu”.
Đất nước Việt Nam của chúng ta, hiện nay chủ trương “làm bạn với tất cả” các nước trong cộng đồng quốc tế, “chủ động hội nhập” kinh tế quốc tế và nay là hội nhập quốc tế. Vì vậy, mọi biến đổi của nền kinh tế thế giới, từ tích cực đến tiêu cực, đều ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam ở những mức độ và góc độ khác nhau. Sự tác động của toàn cầu hoá kinh tế đối với xã hội Việt Nam là mạnh mẽ và sẽ còn tiếp tục tăng thêm trong những năm tới. Để sẵn sàng có thể hội nhập quốc tế trong một môi trường quốc tế đầy thách thức khó lường, mỗi người Việt Nam cần thực sự chủ động, bình tĩnh góp phần mình vào việc nâng cao “vị thế” của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới với những tầm nhìn thực sự “toàn cầu”.
Theo PGS. TS. NGUYỄN THÁI YÊN HƯƠNG / THẾ GIỚI & VIỆT NAM
Tags: Toàn cầu hóa