⠀
Canh bạc bá quyền của Trung Quốc
Các nước Đông Nam Á đang lo ngại về một chiến lược rõ ràng và đầy quyết tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi cho rằng ông Tập muốn sử dụng ảnh hưởng về kinh tế để buộc một số quốc gia láng giềng từ bỏ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cả trên đất liền và trên biển.
Bài viết của tác giả Ernest Bower Ernest Bower, Trưởng ban nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ. Bài viết được đăng lần đầu trên The Cipher Brief.
Theo cách nhìn nhận của các quốc gia khác, Trung Quốc đang tìm cách điều khiển và thao túng không chỉ Biển Đông mà mở rộng ra toàn khu vực Thái Bình Dương. Những mối lo ngại này không chỉ có ở những quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia trong khu vực Ấn-Thái, bao gồm Ấn Độ, phần lớn Nam Á, Thái Bình Dương và Đông Nam Á (trừ Triều Tiên).
Điều mà các nước Đông Nam Á mong muốn là Trung Quốc thịnh vượng về kinh tế và chủ động tham gia vào các thiết chế khu vực dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Điều họ lo ngại là Trung Quốc cảm thấy cần thiết phải thay đổi các quy định về an ninh và kinh tế- những tiêu chí đã tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và nền hòa bình ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong gần 7 thập kỷ qua. Việc đó khiến các nước này lo ngại khi thúc đẩy quan hệ kinh tế thông qua tăng cường thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Họ sợ rằng mối quan hệ này ngày càng mở rộng thì Trung Quốc ngày càng có nhiều công cụ gây ảnh hưởng đối với họ. Phần còn lại của châu Á muốn Trung Quốc thành công nhưng không muốn bị Trung Quốc thao túng, không muốn bị chi phối trên cả lĩnh vực an ninh và kinh tế. Nếu có một điều bất biến trong lịch sử của các quốc gia Đông Nam Á từ khi giành được độc lập vào giữa thế kỷ 20 thì đó là yêu cầu về sự tôn trọng đối với chủ quyền, độc lập và cân bằng về địa chính trị.
Nhật Bản đã thách thức khái niệm về sự cân bằng trong khu vực vào những năm 1980 với sức mạnh kinh tế hùng mạnh. Phản ứng lại, các quốc gia Đông Nam Á hồ hởi tìm kiếm sự can thiệp của Mỹ và châu Âu đồng thời khuyến khích Trung Quốc “bước vào” khu vực. Đến nay, khu vực này đang mong muốn có được sự can dự sâu sắc hơn từ phần còn lại của thế giới nhằm cân bằng với các kế hoạch quá đà của Trung Quốc trong điều hành các quy định khu vực, định nghĩa lại biên giới lãnh thổ và biên giới trên biển, bỏ qua hoặc xem nhẹ luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Các quốc gia trong khu vực đều có một sự tôn trọng đối với Trung Quốc và chào đón những sáng kiến của Bắc Kinh nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường”. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng quan ngại về cách quản lý và việc áp dụng các khoản hỗ trợ và đầu tư của nước này. Lãnh đạo các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á đều bày tỏ lo ngại về việc mắc nợ các khoản vay chi phí thấp của Trung Quốc, không hài lòng về việc các công ty Trung Quốc thực hiện phần lớn các dự án và hoàn toàn thất vọng về việc Trung Quốc đem đội ngũ nhân công của nước này tham gia thực hiện các dự án và sau đó bỏ lại đội ngũ này trên đất nước họ khi dự án kết thúc.
Không quốc gia châu Á nào nghi ngờ về thực tế rằng Trung Quốc sẽ là một quốc gia trụ cột đối với sự hội nhập kinh tế châu Á trong thế kỷ 21. Không ai nghi ngờ nhu cầu cần phải có các lực lượng an ninh Trung Quốc tham gia duy trì và củng cố an ninh, hòa bình khu vực trong thế kỷ này và cả về sau. Nhưng không quốc gia châu Á nào muốn phụ thuộc Trung Quốc. Họ muốn có bản chất riêng của họ, muốn các quy định và thông lệ mang tiêu chuẩn quốc tế. Họ muốn phát triển bình đẳng với các đối tác khác như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu thông qua những cơ chế như Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).
Lợi ích an ninh quốc gia và kinh tế của Trung Quốc về trung hạn và dài hạn sẽ được củng cố mạnh mẽ nếu Bắc Kinh có thể thấy được những thực tiễn nêu trên và tuân theo nó. Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng tích cực đối với sự thịnh vượng kinh tế, an ninh khu vực và hòa bình nếu lắng nghe các quốc gia láng giềng và đối tác. Phần còn lại của thế giới đều có lợi ích to lớn trong việc thúc đẩy Trung Quốc thực hiện những điều này.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Trung Quốc, Đông Nam Á, Vành đai và Con đường, Bá quyền Trung Quốc, Quan hệ Đông Nam Á - Trung Quốc