⠀
Về vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp tư nhân
Chỉ những doanh nghiệp lớn mạnh bằng cách làm ăn chính trực mới là những tổ chức bền vững, có khả năng trở thành rường cột cho nền kinh tế đất nước.
Tác giả: Hà Huy Phong, luật sư.
Cách đây không lâu, một doanh nhân chia sẻ với tôi, đại ý rằng, với khối doanh nghiệp tư nhân, tiền bạc là của ông chủ nên không thể có chuyện một người tự tham ô tiền của mình. Vì vậy chỉ nên xử lý những người tham ô công sản, vơ vét của nhân dân.
Ý kiến này không hoàn toàn chính xác.
Ông chủ doanh nghiệp là ngôn từ diễn nôm của cổ đông/ thành viên góp vốn trong công ty cổ phần/ công ty trách nhiệm hữu hạn, chỉ những người góp vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp hoạt động không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với ông chủ của nó. Doanh nghiệp là một tổ chức bao gồm cả người lao động, người quản lý doanh nghiệp, và hoạt động của nó có mối liên hệ mật thiết với nền kinh tế, xã hội, khách hàng, thị trường, và cả các cơ quan Nhà nước.
Trong các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp hiện đại, không chỉ có ông chủ mới là người quản lý doanh nghiệp. Người quản lý doanh nghiệp là người được bầu, hoặc được tuyển dụng theo hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức kinh tế.
Nguyên lý vận hành kinh tế doanh nghiệp được hiểu một cách đơn giản nhất là, ông chủ đầu tư vốn mồi ban đầu để hình thành cơ sở kinh doanh, cơ sở đó vận hành để tạo doanh thu và lợi nhuận thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi trừ hết chi phí, doanh nghiệp trả cho Nhà nước các khoản thuế để tái đầu tư xã hội và chi phí quản lý mà bộ máy Nhà nước thực hiện. Phần còn lại (nếu còn dư) thì ông chủ doanh nghiệp được hưởng.
Do đó, về mặt nội dung, các hoạt động tham nhũng, tiêu cực về kinh tế trong doanh nghiệp sẽ làm biến đổi nguyên lý đơn giản này, làm thay đổi dòng tiền và khiến nó chảy vào túi của người có chức vụ, quyền hạn, trực tiếp chiếm đoạt quyền lợi của các cổ đông, nhà thầu, người lao động và ngân sách Nhà nước. Về mặt hình thức, các hoạt động tham nhũng và tiêu cực trong kinh tế làm đảo lộn và biến dạng trật tự quản lý kinh tế, vi phạm các quy định về quản lý thuế, các quy định về quản trị nội bộ doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật hiện hành, như Luật Quản lý thuế, Luật Doanh nghiệp…
Ở khía cạnh khác, tham nhũng và tiêu cực kinh tế trong doanh nghiệp còn là một lãnh địa có tính kết nối và tác động đến các hoạt động tham nhũng và tiêu cực trong quản lý Nhà nước, góp phần và tiếp sức làm biến chất, thoái hóa một số công chức, viên chức. Việc ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện ở cả hai khối thay vì một bên. Ngăn chặn tham nhũng từ khối ngoài Nhà nước cũng là một mũi chủ công, có tác động trực tiếp đến việc ngăn chặn tham nhũng trong khối Nhà nước.
Trong nền kinh tế thị trường, tiền của ông chủ chỉ là vốn mồi, công sức của người quản lý là công sức của người lèo lái, nhưng con thuyền doanh nghiệp ra khơi là nhờ tập thể người lao động, hạ tầng cứng và mềm mà Nhà nước tạo lập, cũng như sự đóng góp của xã hội. Doanh nghiệp và ông chủ phải tuân thủ một cuộc chơi mà ở đó mọi hoạt động cần minh bạch, công bằng và chính trực.
Các quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài Nhà nước sẽ không làm hạn chế các quyền của ông chủ hay người quản lý doanh nghiệp, mà làm cho thị trường trở nên minh bạch hơn, dễ dự đoán và công bằng hơn, làm cho nền kinh tế thị trường có khả năng chống chịu tốt hơn trước các biến động, cũng như phù hợp với các xu thế hiện đại mà thế giới đang theo đuổi.
Muốn phát triển kinh tế tư nhân, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, trước hết, phải làm cho nó khả tín trong con mắt thị trường và xã hội, biến sự trong sạch và bình đẳng trở thành một thuộc tính văn hóa của mỗi doanh nghiệp.
Và chỉ những doanh nghiệp lớn mạnh bằng cách làm ăn chính trực mới là những tổ chức bền vững, có khả năng trở thành rường cột cho nền kinh tế đất nước.
Theo VNEXPRESS
Tags: Tham nhũng - Tiêu cực, Kinh doanh - Sản xuất