Bốn thành phố biến mất và bài học từ các đô thị bỏ hoang trong lịch sử

Trong cuốn “Bốn thành phố biến mất”, tác giả Annalee Newitz đã khám phá bốn đô thị bị bỏ hoang trong lịch sử nhân loại: Çatalhöyük, Pompeii, Angkor và Cahokia.

Để tìm hiểu lý do những người dân của bốn thành phố này (từng là trung tâm của một nền văn minh) rời bỏ đi, Newitz đã đến từng địa điểm, tiến hành các nghiên cứu kỹ lưỡng về khảo cổ học, cũng như gặp gỡ, trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu.

Lý do bốn thành phố bị bỏ hoang

Bà cho biết các đô thị được đề cập trong cuốn sách có những kết cục khác nhau, nhưng điểm chung của chúng là đều bị xóa sổ. Chúng đều trải qua thời kỳ bất ổn chính trị kéo dài cùng khủng hoảng về môi trường.

Những thành phố này không biến mất như giả thiết về Atlantis (đột ngột chìm xuống dưới mặt nước), mà bị con người cố tình bỏ rơi bởi những lý do chính đáng.

Bốn thành phố biến mất và bài học từ các đô thị bỏ hoang trong lịch sử

Çatalhöyük. Ảnh: Tripadvisor.

Thành phố đầu được đề cập trong sách là Çatalhöyük, được thành lập cách đây khoảng 9.000 năm trong thời đại đồ đá mới. Ngày nay, những tàn tích bí ẩn của nó bị chôn vùi bên dưới hai ngọn đồi thấp ở vùng Anatolia, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù có diện tích nhỏ so với tiêu chuẩn ngày nay và dân số dao động trong khoảng từ 5.000 đến 20.000 trong khoảng một thiên niên kỉ, Çatalhöyük có thể là một siêu đô thị vào thời đó.

Vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ sáu TCN, người dân Çatalhöyük đã rời bỏ thành phố chật hẹp và đông đúc. Rất nhiều lý do được kể đến: hạn hán vùng Levant, các vấn đề liên quan đến tổ chức xã hội và cũng có thể là cách quy hoạch của chính quyền thành phố này.

Pompeii. Ảnh: Benvenuto Limos.

Thành phố tiếp theo là Pompeii, khu vườn địa đàng của nền văn minh châu Âu, từng là thành phố du lịch của La Mã bên bờ biển Địa Trung Hải, nhưng bị chôn vùi dưới lớp tro núi lửa sau khi núi Vesuvius phun trào vào năm 79.

Các nhân chứng và nhà sử học đã ghi lại thảm họa khủng khiếp này, tuy nhiên, mãi cho đến thế kỷ 18, Pompeii mới được khai quật một cách có hệ thống. Hiện tại, Pompeii là phế tích thành cổ thuộc thành phố Pompei hiện đại, vùng Campania, Italia.

Angkor. Ảnh: Tripadvisor.

Angkor từng tự hào là thành phố đông dân nhất thế giới vào thế kỷ 11 với dân số khoảng một triệu người. Các nhà vua của đế quốc Khmer đã cho xây dựng cung điện, đền thờ, đường sá, những hồ chứa nước lớn, nổi bật trong số đó là hai hồ chứa nước khổng lồ là Đông Baray và Tây Baray.

Nguyên nhân thành phố này bị bỏ hoang một phần là do những thảm họa môi trường như lũ lụt khiến phần lớn dân số không thể tiếp tục sống tại thành phố. Tuy nhiên tác động cuối cùng không đến từ thiên nhiên mà do quy hoạch và quản lý đô thị của Angkor không mang tính bền vững.

Cahokia. Ảnh: Indian Country Today.

Cahokia là thành phố lớn nhất ở Bắc Mỹ trước khi người châu Âu đổ bộ. Bắt nguồn từ một ngôi làng nhỏ ven sông ở hạ lưu sông Mississippi, Cahokia trở thành một đô thị rộng lớn với hơn 30.000 dân định cư ở hai bên bờ sông. Từ năm 900 đến năm 1300, Cahokia là trung tâm của văn hóa Mississippi, nền văn hóa đã gắn kết các thị trấn và làng mạc nằm dọc theo con sông lớn từ Wisconsin đến Louisiana, Mỹ ngày nay.

Nguyên nhân Cahokia bị bỏ hoang chưa thực sự rõ ràng. Thành phố này đã phải trải qua nhiều đợt hạn hán, nhưng những thứ khai quật được tiết lộ rằng có thể ngay từ đầu nó đã được thiết kế chỉ mang tính tạm thời. Đối với người Cahokia, sự bỏ hoang không phải là một thất bại hay mất mát mà thay vào đó, nó đơn giản là một phần của vòng đời đô thị đã được dự liệu.

Bài học cho việc quản lý đô thị

Từ việc tìm hiểu bốn thành phố bị bỏ hoang trong lịch sử nhân loại, Newitz đã đưa ra một số cảnh báo và bài học cho việc quản lý đô thị hiện nay.

Bà cho biết số phận của các thành phố thuộc vào ý chí chính trị, cũng như sức lao động của con người bỏ ra để xây dựng thành phố. Tương lai của từng thành phố có thể thay đổi thất thường nhưng chúng ta có thể đưa ra dự đoán về khả năng mọi người sẽ từ bỏ thành phố.

Newitz cũng cho biết Çatalhöyük, Pompeii, Angkor và Cahokia suy giảm là do những nguyên nhân và tác động khác nhau, nhưng những nguyên nhân này phần lớn lại bị ảnh hưởng bởi việc quản lý cơ sở hạ tầng to lớn do con người xây dựng trong một môi trường liên tục thay đổi. Trong khi quản lý con người còn khó hơn.

Các thành phố là thành quả thể hiện cụ thể nhất sức lao động của con người và khi con người quay lưng lại với thành phố, chúng ta sẽ chứng kiến những bức tường, quảng trường đổ nát, cũng như hồ chứa nước cạn đến đáy.

Ngày nay, các thành phố trên bờ biển và hải đảo đang ở trong tình trạng nguy hiểm do thời tiết xáo trộn và chúng xảy ra thường xuyên vì biến đổi khí hậu.

Vào năm 2019, các thành phố dọc theo bờ sông Mississippi bị ngập lụt trên quy mô chưa từng có. Trong khi đó, các đợt nắng nóng gia tăng trên quy mô toàn cầu.

Các thành phố ngày nay đang phải đối phó với không chỉ hỏa hoạn lũ lụt. Trên quy mô toàn cầu vẫn còn những nơi bất ổn chính trị. Sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và bất ổn mà con người đối mặt ở nhiều thành phố hiện đại cho chúng ta thấy rằng chúng ta hướng tới thời kỳ bỏ hoang đô thị.

Nhưng nhờ lịch sử, chúng ta biết rằng cái chết của một vài thành phố không có nghĩa là thế giới sẽ rơi vào tình trạng sụp đổ.

Chúng ta có khả năng cứu vãn những thành phố lâm nguy. Chúng ta có thể nỗ lực thiết kế một loại đô thị có khả năng chống chọi tất cả tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Bởi chúng ta đã học hỏi được từ những thất bại đã xảy ra tại đô thị của chính mình.

Theo Newitz, bài học quý giá nhất mà chúng ta học được từ những đô thị bỏ hoang trong lịch sử là các cộng đồng dân cư đã kiên cường. Các thành phố có thể diệt vong, nhưng nền văn hóa và truyền thống vẫn tồn tại.

Trong 1.000 năm nữa, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục các thử nghiệm về đô thị và có thể sẽ thất bại nhưng chúng ta sẽ học được cách làm cho mọi thứ trở nên đúng đắn hơn.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,