The Beatles và kỷ lục 50 năm của những người ‘nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus’

Giữa tiếng nhạc có tiếng đàn ông reo hò, phu nữ la hét, có tiếng nức nở, và cả tiếng khóc của trẻ con… đó là tất cả những âm thanh người ta có thể thu được từ một buổi biểu diễn của bộ tứ huyền thoại The Beatles.

“The Beatles chúng tôi còn nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus” – câu nói 1 thời của John Lennon được cho là quá tự kiêu tự đại nhưng người ta lại khó lòng phủ nhận bởi âm nhạc mà họ mang tới cho hành tinh này là những điều thật vô giá, vượt qua mọi đức tin, mọi sắc tộc. Người ta chỉ có thể khóc, chỉ cười trước Chúa, bởi Chúa là linh thiêng, với Chúa phải nhẹ nhàng và tôn kính. Còn với The Beatle, họ không chỉ khóc, chỉ cười, họ còn có thể la hét, vò đầu, bứt tóc, nhảy cẫng lên, nằm lăn ra đất… họ được làm mọi thứ theo bản năng, những hành động đầy tính “con người” mà Chúa không thể cho phép.

Trước khi có The Beatle, người ta biết nước Mỹ có Elvis Presley. John Lennon từng nói rằng: “Elvis chính là người khiến tôi bắt đầu mua các đĩa nhạc, tôi nghĩ rằng những kỹ năng âm nhạc của anh ta thật tuyệt vời. Kỷ nguyên của Bill Haley chẳng gây cho tôi một ấn tượng nào, mặc dù mẹ tôi vẫn thường nghe ông ấy hát. Thực sự chỉ có Elvis mới là người gây cho tôi ấn tượng và niềm đam mê âm nhạc, khi tôi nghe bài ‘Heartbreak Hotel’, tôi đã nghĩ “chính là nó đây rồi!” và bắt đầu để tóc mai dài… Không có thứ gì thực sự ảnh hưởng tới tôi kể từ khi tôi nghe âm nhạc của Elvis. Nếu không có Elvis, có lẽ đã không có Beatles.”

Nhưng kể từ nửa thế kỉ trước, khi The Beatles đổ bộ vào nước Mỹ, Bộ tứ huyền thoại đã càn quét mọi ngóc ngách của đất nước phồn hoa này, đẩy thời đại của Johnny Cash và Elvis Presley lùi vào bóng tối. Dĩ nhiên, Elvis Presley sẽ không thể thích điều này, nhưng mặc cho sự chỉ trích của ông hoàng Rock & Roll rằng “The Beatles có ảnh hưởng xấu đến người Mỹ”, công chúng vẫn cứ tung hô họ. “Lớp trẻ vô giáo dục vì nghe nhạc The Beatles” vẫn ngày một lớn mạnh, thậm chí kết nạp nhiều hơn nữa những người ở tuổi trung niên và cả trí thức.

Bob Dylan từng khẳng định: “Nước Mỹ đáng lẽ ra phải dựng một tượng đài cho The Beatles, chính họ lấy lại niềm tự hào cho đất nước này”.

Khi đặt chân tới Mỹ vào 9/2/1964, chẳng ai có thể ngờ rằng The Beatles có thể thành công đến thế, thành công trên đất nước mà âm nhạc đã quá đỗi phát triển. Nhưng chỉ trong vòng 2 tháng, 2 tháng khó tin, 2 tháng của một đời sự nghiệp, Bộ tứ thành Liverpool đã chinh phục được những điều dường như chỉ có trong tưởng tượng. Đúng ngày này của tháng tư năm đó, tạp chí Billboard đã xuất bản một ấn phẩm – mà lẽ ra nó cũng bình thường như bao ấn phẩm định kì khác. Nhưng tờ báo đó lại khiến những người yêu nhạc phát điên và rồi nó trở thành một minh chứng của lịch sử mà cứ đến ngày này hàng năm, cả thế giới đều gợi nhắc.

Một tuần không thể quên với nước Mỹ, với The Beatle và lịch sử âm nhạc, 5 ca khúc của bộ tứ thành Liverpool lần lượt xếp 5 vị trí liên tiếp trên đầu Billboard, kỉ lục đầu tiên trong lịch sử và tới nay vẫn được coi là duy nhất. Thậm chí, 5 vẫn chưa phải con số cuối cùng, bởi trên thực tế, có tới 7 ca khúc khác cũng được xếp hạng Billboard Hot 100 với thứ tự lần lượt: “Can’t buy me love” (No. 1), “Twist and Shout” (No. 2), “She Loves you” (No. 3), “I want to hold your hand” (No. 4), “Please please me” (No. 5), “I Saw Her Standing There” (No. 31), “From Me to You” (No. 41), “Do You Want to Know a Secret?” (No. 46), “All My Loving” (No. 58), “You Can’t Do That” (No. 65), “Roll Over Beethoven” (No. 68) và “Thank You Girl” (No. 79). Điều này đã khiến The Beatles là ban nhạc có 14 ca khúc được xếp hạng cùng một thời điểm trên Billboard, một thành tích không tưởng xưa nay.

2,3 tỷ album được bán ra, trong khi giành được 6 đĩa kim cương, 39 đĩa bạch kim và 45 album vàng, The Beatles đã “tước” cơ hội được “nổi tiếng hơn Chúa” của hàng nghìn nghệ sĩ khác. Ngay cả khi nửa thế kỉ trôi qua, không biết bao nhiêu thế hệ kế thừa âm nhạc cố gắng để lay chuyển lịch sử và đánh một ván bài khác với Billboard, nhưng họ đều thất bại. Bee Gees và 50 Cents là hai nhân tố duy nhất gần như “tiệm cận” được với thành công của Bộ tứ, nhưng khoảng cách của sự “tiệm cận” ấy nếu nói chính xác thì vẫn còn quá xa xôi.

Trên một tờ tạp chí được xuất bản cùng thời gian với bảng xếp hạng được công bố của Billboard năm 1964, một bài xã luận đã nói đầy “mỉa mai”: “Chỉ vì mọi người quá mệt mỏi vì The Beatles. Các DJ quá mệt mỏi vì phải chơi mãi những bản hit của The Beatles, các phóng viên quá mệt mỏi vì phải viết về họ hàng ngày. Mọi người quá mệt mỏi với The Beatles ngoại trừ việc nghe và mua đĩa nhạc của họ”. Và lịch sử cũng đã chứng minh sắt đá rằng mong muốn được lắng nghe và sở hữu đĩa nhạc của Bộ tứ huyền thoại trong công chúng chưa bao giờ thực sự lụi tắt.

Theo DEPPLUS.VN

Tags: ,