Bạo lực gia đình – một ‘đại dịch’ khác cắm sâu trong lòng xã hội Trung Quốc

Hình ảnh, video về bạo lực với phụ nữ xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Trung Quốc, với không ít bình luận biến những người vốn là nạn nhân bỗng trở thành “thủ phạm”.

Bạo lực gia đình – một ‘đại dịch’ khác cắm sâu trong lòng xã hội Trung Quốc

Tang Ping – 31 tuổi, người mẹ hai con ở thành phố Nam Ninh, miền Nam Trung Quốc – nói rằng đã bị chồng liên tục đánh đập từ năm 2014.

Khi đó, cô cảm thấy tổn thương nhưng cũng xấu hổ, và tự trách mình vì không trở thành người vợ tốt.

Vào năm 2017, sau một lần bị bạo hành khác, cô đã lấy hết can đảm để báo cảnh sát, nhưng chỉ nhận thông báo “vết thương không quá nghiêm trọng, do đó cảnh sát không thể can thiệp”.

Luật chống bạo lực gia đình tại Trung Quốc đã có từ năm 2016. Tuy vậy, giống như Tang, một số nạn nhân ban đầu sẽ coi bạo lực với phụ nữ như một phần của cuộc sống gia đình.

“Bóng ma đại dịch”

Nhưng Tang không thể chịu đựng thêm sự im lặng đầy ám ảnh đó. “Hãy nhìn những vụ bạo lực với phụ nữ trên mạng xã hội. Nó như một đại dịch”, cô nói, đề cập đến vụ bạo lực tại thành phố Đường Sơn vào tuần trước.

“Phụ nữ phải lên tiếng chống lại bạo lực gia đình, và công chúng phải hiểu điều đó. Như vụ việc ở Đường Sơn, phụ nữ đã phải chịu bạo lực trên cơ sở giới”, cô Tang chia sẻ.

Bạo lực trên cơ sở giới là chủ đề bàn tán trên thế giới những năm qua. Liên Hợp Quốc cho biết tình hình này càng nghiêm trọng hơn do COVID-19, nói rằng bạo lực gia đình như một “bóng ma đại dịch”.

Nhiều nơi trên thế giới đã nhìn nhận lại tình hình bạo lực với phụ nữ. Tuy vậy, tại Trung Quốc, các nhà hoạt động nói rằng các chiến dịch nâng cao nhận thức trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội.

“Đúng, nhiều người giận giữ về những gì xảy ra ở Đường Sơn và đồng cảm với những nạn nhân bị bạo hành, nhưng để thay đổi tình hình, chúng ta phải giải quyết vấn đề mang tính hệ thống ở Trung Quốc”, theo Lu Pin, nhà hoạt động nữ quyền đã rời Trung Quốc năm 2015 và tới New York.

Không được bảo vệ

Những nhà hoạt động như Lu Pin lo ngại vụ việc như ở Đường Sơn sẽ lặp lại. Trong nhiều năm, các bình luận trực tuyến và video về cảnh bạo lực với phụ nữ đã ngập tràn không gian mạng của Trung Quốc.

Tang Ping nói kể từ khi cô quyết định công khai danh tính và nói về trường hợp bị bạo hành của mình trên mạng, cô bị cộng đồng mạng đổ lỗi là “đã chọc tức chồng ngay từ đầu”.

Trường hợp như cô Tang không chỉ có một. Năm trước, Xiao Meili, nhà nữ quyền ở Trung Quốc đã bị một người đàn ông ném cốc chất lỏng nóng vào người sau khi cô yêu cầu người đó ngừng hút thuốc trong nhà hàng.

Nhưng khi đưa việc này lên mạng xã hội, những gì Meili nhận được là bình luận đổ lỗi rằng cô là người gây sự trước. Đã có nhiều bình luận thô tục và ác ý như “Tôi mong cô chết đi”.

Xiao Meili lên án các công ty Internet đã không làm tốt việc ngăn chặn lan truyền các thông tin sai lệch. Trong cuộc phỏng vấn với trang tin tại Mỹ vào năm 2021, cô nói rằng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc là “tác nhân lớn nhất” trong việc để người dùng chia sẻ thông tin sai lệch.

Động thái từ chính quyền

Hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách đã có hành động cứng rắn đối với các công ty Internet của Trung Quốc.

Tháng trước, một đoạn video ghi lại cảnh nam diễn viên Liu Zhoucheng đấm và thúc cùi chỏ trước máy quay khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là cách anh đã đánh vợ cũ vào năm 2017 khi cô đang mang thai hay không.

Diễn viên này không bác bỏ, thay vào đó phản hồi các bình luận trên mạng với biểu tượng hình cây rìu đẫm máu. Liu sau đó bị cấm đăng bài lên mạng xã hội.

Sau vụ bạo hành phụ nữ ở Đường Sơn, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuần này lên án các công ty vận hành mạng xã hội đã cho phép lan truyền hành vi bạo lực.

“Việc biến các vấn đề nghiêm trọng thành giải trí đã đi ngược lại trật tự công cộng và lương tâm xã hội, và nó có thể gửi thông điệp tiêu cực đến công chúng – đặc biệt là trẻ vị thành niên”, Legal Daily – tờ báo do chính phủ quản lý – cho biết, kêu gọi các nền tảng mạng xã hội và người sáng tạo nội dung cần lưu ý trách nhiệm với công chúng.

Tang Ping chia sẻ dù không còn bị bạo hành, hiện cô chỉ tập trung cắt đứt quan hệ với chồng. Cô cũng nhắc nhở những phụ nữ khác về tác hại của bạo lực gia đình.

Năm 2021, sau nhiều lần than phiền và bằng chứng về thương tích, cảnh sát cũng đã nhận vụ án của cô Tang, đồng thời khuyên cô ly hôn.

Song, quãng thời gian 8 năm đối với cô như một vết sẹo. “Tôi cứ cố nói với bản thân rằng sẽ cố chịu đựng, vì tôi muốn những đứa con có một gia đình đầy đủ. Nhưng tất cả là sai lầm”.

“Bạo lực gia đình như một dịch bệnh. Khi nó xảy ra, nó sẽ tiếp tục cho đến khi bạn đứng lên bảo vệ bản thân”, cô nói thêm.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , , ,