Bàn về tự do và trách nhiệm của nghệ thuật hiện đại

Nghệ thuật hiện đại đưa chúng ta vào cảnh ngộ khó xử, trước một số tác phẩm nghệ thuật kì dị, chúng ta cảm thấy kinh ngạc và hoang mang, chúng khác với bất kì thời đại nào trước đó, nhưng lại hoàn toàn khiến chúng ta không thể nào thích ứng được.

Tự do và trách nhiệm của nghệ thuật hiện đại

Ngoài việc khiến chúng ta cảm thấy kinh ngạc, cuối cùng cái mà nó mang đến cho con người là sự tuyệt vọng và phát hiện ra nghệ thuật hiện đại chẳng qua chỉ là sự trống rỗng, chỉ là một cuộc chơi của bản thân tác giả, không hề biểu đạt ý nghĩa gì. Nghệ thuật hiện đại đã gặp phải nguy cơ mà từ trước đến nay chưa từng gặp, nghệ thuật muốn tiếp tục cuộc hành trình của mình, tất yếu phải xây dựng lại lòng tin của đại chúng với nghệ thuật. Công việc mà Nghệ thuật và vấn đề ý nghĩa của Hans Kung làm chính là như vậy.

Hans Kung là nhà thần học, ngay phần mở đầu ông đã thẳng thắn nói về thân phận của mình. Điều này khiến độc giả hiện đại cảm thấy nghi hoặc, nhà thần học vì sao lại quan tâm đến nghệ thuật? Tác giả đã nói, nhà thần học không thể đem đến kì tích cho nghệ thuật. Nhà thần học không thể thay thế nghệ sĩ giải quyết vấn đề của nghệ thuật. Nhưng nhìn lại lịch sử nghệ thuật chúng ta dễ dàng nhận ra, mãi đến thời điểm cách đây khoảng 200 năm, tác phẩm nghệ thuật mới bắt đầu dần dần thoát ra khỏi chủ đề tôn giáo, và nghệ thuật thực sự “độc lập” cũng chỉ bắt đầu từ thế kỉ 20. Nghệ thuật và thần học chỉ có trong thời hiện đại mới có quan hệ phân biệt rõ ràng như vậy. Với tư cách là một nhà thần học, Hans Kung có lập trường thần học là điều đưong nhiên, trong thời đại mà nghệ thuật đã rời xa thần học, ông nhìn nhận nghệ thuật như thế nào, xử lí mối quan hệ giữa thần học và nghệ thuật như thế nào, đây là điều khiến người đọc hứng thú ở trong tiểu luận này. Hans Kung là một nhà thần học có cái nhìn hiện đại, ông bàn luận về thần học và nghệ thuật trên tính hiện đại. Cả đời ông dương cao ngọn cờ cải cách tôn giáo, tích cực thúc đẩy chuyển biến mô hình tôn giáo dưới bối cảnh hiện đại, ra sức thúc đẩy hoà hợp giá trị nhập thế trong thời đại mới. Giữ lập trưòng như vậy, có thể thấy thái độ của Hans Kung đối với nghệ thuật là thái độ nhập thế tích cực. Ông cho rằng nghệ thuật nên độc lập, nghệ sĩ nên tự do thể hiện quan niệm và cảm nhận của mình. Nhưng với ông, sự tự do này không phải là tự do vô điều kiện, nghệ sĩ có được năng lực lí giải và trực giác vượt qua người thường, họ biểu đạt các loại quan niệm và giá trị. Vì thế, khi tiếp nhận quyền tự do, nghệ sĩ càng phải đảm nhận trách nhiệm của tự do, đây chính là trách nhiệm của nghệ thuật hiện đại. Để chống lại tất cả các quan niệm nghệ thuật hư vô chủ nghĩa, điên đảo, hỗn loạn, cần phải dựa vào niềm tin của nghệ sĩ đối với sự tồn tại cơ bản nhất của bản thân và thế giới, một niềm tin được xây dựng trên cơ sở nhận thức lí tính. Nghệ thuật xây dựng trên niềm tin như vậy mới là nghệ thuật thực sự thuộc về con người. Với ông, tính người nên trở thành tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật hướng tới sự hoàn mĩ, nhân tính cũng theo đuổi hoàn mĩ. Nghệ thuật có thể thể hiện thế giới đẹp hơn, dẫn dụ con người đi trong thế giới này một cách tích cực.

Trong tiểu luận này, Hans Kung chia ra 6 phần luận chứng cho phán đoán và mạch tư duy của mình. Chương 1 chỉ ra sự khác nhau giữa sự xuất hiện của nghệ thuật hiện đại và tính căn bản của nghệ thuật truyền thống, sự khác nhau này khiến chúng ta cảm thấy nghệ thuật hiện đại là trống rỗng, vô nghĩa. Ở chương 2, 3, tác giả chứng minh nghệ thuật hiện đại không phải là không có ý nghĩa, mà căn cứ trên khái niệm ý nghĩa, ông cho rằng nên khảo sát nghệ thuật và vấn đề ý nghĩa trong bối cảnh tổng thể. Chương 4 ông khẳng định nghệ thuật nên độc lập với tôn giáo, nhưng không thể lập dị trở thành lĩnh vực của chủ nghĩa hư vô, nghệ thuật cùng với tự do nên xác lập niềm tin cơ bản nhất, đảm nhận một cách lí tính trách nhiệm đối với thế giới. Niềm tin này được quyết định do sự tồn tại nguyên sơ nhất của con người và thế giới, cũng chính vì nó không thể chứng minh, cũng không thể phủ nhận, chúng ta chỉ có thể dùng lí tính để tin nó là tích cực, nếu không sẽ có nguy cơ loạn giá trị. Chưong 5 nhắc nhở nghệ sĩ không nên mù quáng sùng bái quá khứ, tương lai và hiện tại, rơi vào đủ các loại chủ nghĩa. Cuối cùng, tác giả mong muốn và yêu cầu đối nghệ thuật hiện đại, hi vọng nghệ thuật hiện đại là nghệ thuật mang tính người chân chính, dẫn dắt nhân tính hướng tới hoàn mĩ, mở ra không gian mới cho nghệ thuật.

Sự suy thoái và khả năng mới của ý nghĩa

Tình trạng mỗi người một phách, mỗi loại nghệ thuật một kiểu riêng, hoàn toàn không thể giao lưu của nghệ thuật hiện đại khiến rất nhiều người thực sự cảm thấy nghệ thuật hiện đại đã suy thoái. Hans Kung không phủ nhận nhận định này, nhưng ông, với tư cách là một nhà thần học, muốn chẩn đoán và cứu chữa căn bệnh của nghệ thuật hiện đại. Quan điểm của ông rất rõ ràng, căn bệnh của nghệ thuật hiện đại có thể chữa được, hơn nữa, ông có thể kê đơn thuốc hữu hiệu. Ông tin rằng nó sẽ khỏi. Muốn chữa được bệnh của nghệ thuật hiện đại trước hết phải tin, tin là có thể cứu chữa được, nếu không có niềm tin, bàn luận của thần học đối với nghệ thuật không thể tiếp tục tiến hành.

Điều khó nhất khi bàn luận vấn đề nghệ thuật là làm thế nào để định nghĩa nghệ thuật, sự phát triển của nghệ thuật không ngừng khiêu khích và phá vỡ định nghĩa về nó. Khó có thể đưa ra một định nghĩa, hoạch định phạm vi cho nghệ thuật hiện đại. Người ta cho rằng nghệ thuật hiện đại và ý nghĩa bài trừ lẫn nhau, nghệ thuật hiện đại phản đối việc dùng ý nghĩa để nắm bắt và hạn định nó, ngược lại, muốn biểu đạt ý nghĩa, thì không thể dùng phương pháp nghệ thuật. Nghệ thuật hiện đại không thuộc về bất kì một phạm vi có thể xác định nào, nó là hoạt động không thể dùng định nghĩa hạn định. Vì thế, bản thể nghệ thuật là một giả định của luận bàn, không định nghĩa cho nghệ thuật chính là một sự giải thích đối với bản thể nghệ thuật. Chúng ta có thể gác lại vấn đề bản thể nghệ thuật để bàn luận luận về quá trình phát sinh “từ không tồn tại đến tồn tại” của nghệ thuật. Xuất phát điểm bàn luận của Hans Kung là hiện thực và kinh nghiệm nghệ thuật, không kể hình thức, giới hạn.

Dựa theo sự phát triển lịch sử của nghệ thuật có thể thấy nghệ thuật hiện đại chịu sự tác động mạnh mẽ của đủ các loại kĩ thuật tiên tiến, đã dần dần từ bỏ chức năng mĩ hoá, truyền bá, ghi chép. Sự phổ biến của các loại khoa học kĩ thuật đã khiến nghệ thuật không cần thiết phải đảm nhiệm các chức năng này nữa, và có thể biểu đạt các loại ý niệm, thể nghiệm các loại chất liệu và phương thức sáng tạo. Các loại chất liệu và phương thức biểu đạt kì quái của nghệ thuật hiện đại như hàng rào, tranh ghép dán, vật phế thải, trên bề mặt là sự suy đồi trống rỗng được tạo ra do muốn làm điên đảo trật tự, nhưng thực chất là các nhà nghệ thuật không ngừng tìm kiếm phương thức mới nhằm giữ gìn quyền lợi biểu đạt và suy tư của nghệ thuật. Nghệ sĩ không ngừng thâm nhập vào lĩnh vực hoàn toàn mới. Điểm tiếp xúc giữa nhận thức vốn có của nhân loại và sự theo đuổi của nghệ thuật chính là không gian của hoạt động nghệ thuật. Do kĩ thuật hiện đại mở rộng nhận thức của nhân loại trên quy mô lớn, không gian của hoạt động nghệ thuật không ngừng bị tấn công, khiến nghệ thuật hiện đại càng ngày càng có tính đối kháng. Hoạt động nghệ thuật muốn bảo lưu không gian riêng, tất yếu càng phải tăng cường tính đối kháng, hoặc là tiến lên phía trước, hoặc là bị ép quay trở về với phạm vi nhận thức đã định.

Hoàn cảnh sinh tồn của nghệ thuật hiện đại quyết định nghệ thuật một mặt là đột phá, cách mạng, một mặt lại bị người đời lăng mạ xa lánh. Dường như nghệ thuật đang gặp phải nguy hiểm vô cùng lớn, một đám nghệ sĩ bất tài không mục đích tùy ý chà đạp lên nghệ thuật, khiến nghệ thuật dần dần mất đi sức sống, chỉ còn lại hoàng hôn thần thánh đã qua. Biểu tượng của nghệ thuật và sự lí giải về “ý nghĩa” của nghệ thuật trên phương diện truyền thống đã phát sinh xung đột lớn, nghệ thuật hiện đại không ngừng giải trừ “ý nghĩa” truyền thống, càng ngày càng rời xa ý nghĩa, dẫn đến nghệ thuật “hiện đại” nhất cũng chính là nghệ thuật trống rỗng, vô nghĩa nhất.

Nguy cơ của nghệ thuật là nguy cơ của cả nền văn hóa nhân văn chủ nghĩa, chính sự phân tách giữa hiện tại và quá khứ đã khiến cho văn hóa nhân văn chủ nghĩa mất đi trọng tâm. Sự đứt đoạn này rất khó quy cho bản chất của nghệ thuật hiện đại quyết định, mặc dù trên đại thể lại do hiện trạng nghệ thuật hiện đại tạo ra. Duy trì quan niệm phê bình của chủ nghĩa bảo thủ, Sid Mayer phản đối tuyệt đối hóa trên phương diện nghệ thuật. Tuyệt đối hóa sẽ khiến nghệ thuật dị hóa và vỡ nát. Sid Mayer cho rằng: nhân loại từ thời cận đại đã không ngừng mất đi trung tâm ý nghĩa (mất đi nhân tính bản nguyên), ý nghĩa không ngừng hướng đến cảm giác (xác thịt), xa rời tinh thần (thượng đế), vì thế liền rơi vào trống rỗng. Hans không đồng ý với quan điểm này, ông cho rằng nghệ thuật có ý nghĩa của nó. Theo đuổi ý nghĩa của nghệ thuật, không thể coi nhẹ sự chuyển biến của ý nghĩa, không thể chỉ lí giải nó thành sự mất mát của ý nghĩa, mà nên coi sự dịch chuyển này sẽ mang đến tính cởi mở rộng lớn hơn cho việc nắm bắt ý nghĩa mới.

Con người – trung tâm mới của ý nghĩa

Kant đã dựa trên nhận thức luận và luân lí học để chuyển từ “thần luật” (tha luật) sang “tự luật”. Nhận thức của con người trở thành tiêu chuẩn phán đoán thế giới, con người có thể trở thành tiêu chuẩn của chính mình. Tính hợp pháp của nghệ thuật trở thành vật nội tại, nghệ thuật không phán đoán từ tiêu chuẩn bên ngoài (thượng đế), mà do con người tự mình đặt ra tiêu chuẩn.

Tính hợp pháp của mỗi giai đoạn nghệ thuật đến từ tính đặc thù của bản thân nó, giữa chúng không tồn tại sự phân biệt cao thấp – “tự luật” của nghệ thuật chính là nguyên nhân dẫn đến sự đứt đoạn trong lịch sử nghệ thuật, mỗi thời đại đều có tiêu chuẩn nghệ thuật riêng, không tồn tại tiêu chuẩn thống nhất xuyên suốt. Đây chính là then chốt của vấn đề ý nghĩa của nghệ thuật hiện đại. Ý nghĩa không còn là cái duy nhất, cố định, vĩ độ biểu hiện của nó phức tạp hơn, dấu vết của nó cũng càng không xác định.

Tính đa dạng của tiêu chuẩn, thà nói là nó mang đến khả năng cộng sinh cho sự thưởng thức các loại nghệ thuật hơn là nói nó phá hoại nghệ thuật, sự biểu hiện đa vĩ độ này mang đến lợi ích lớn lao cho tư duy con người. Phải thừa nhận thành tựu của nghệ thuật hiện đại là tích cực, nó khai phá lĩnh vực mới trong nhận thức của nhân loại (vì không tồn tại sự phân biệt cao thấp, cho nên quá trình thực hiện của nghệ thuật là quá trình mở rộng lĩnh vực nhận thức, và không có một tiêu chuẩn thống nhất để đo lường tốt xấu, chỉ có thể nói sự mở rộng, bổ sung tri thức này chính là thành tựu của nghệ thuật).

Trong đủ các loại truy tìm cách biểu đạt mới, Hans tìm ra một cách, đó là dùng đề tài tôn giáo làm đột phá khẩu cho nghệ thuật hiện đại]. Khác với nghệ thuật gia viết về đề tài tôn giáo trước kia ở chỗ những nhà nghệ thuật hiện đại đứng ở cảnh ngộ chênh vênh đứt đoạn với quá khứ để miêu tả đề tài tôn giáo, cho dù có chọn đề tài tôn giáo liên quan đến truyền thống, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, lập trường và mục đích của họ lại xuất hiện trên cơ sở hiện tại. Ví dụ của Hans nhắc nhở chúng ta, nghệ thuật hiện đại và ý nghĩa không hề đối lập nhau, nghệ thuật hiện đại dùng các loại phương thức để đề xuất vấn đề ý nghĩa – bất luận thủ pháp biểu hiện và đề tài là gì, đều là tích cực hoặc tiêu cực, có trật tự và phá phách – nghệ thuật hiện đại chân chính tích cực đem bản thân đặt vào sự biểu đạt và truy tìm ý nghĩa.

Sau khi khẳng định điều này, cần tiến thêm một bước tìm hiểu nghệ thuật hiện đại phát sinh quan hệ với ý nghĩa như thế nào. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật không vụ lợi. Sự phát sinh từ không đến có của “nghệ thuật vô tư” là quá trình xuất hiện của tinh thần con người. Cái mà nghệ thuật theo đuổi là bản thể siêu hình của đời sống tinh thần, nhu cầu này là tiêu chuẩn thuần túy duy nhất và tuyệt đối của nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật tuy là tự luật, nhưng lại không tự đủ. Nó tất yếu phải phát sinh quan hệ với tinh thần bên ngoài, dù là nghệ thuật thuần túy cũng không bao giờ hoàn toàn khép kín, nó tất yếu hình thành quan hệ với đời sống chung, với chính trị, xã hội. Nghệ thuật có thể trả lời các vấn đề xã hội và chính trị, nghệ thuật có thể xây dựng ý thức (giáo dục nghệ thuật), phục vụ chính trị. Hans cho rằng, nếu như đem quan hệ giữa nghệ thuật và ý nghĩa đặt vào trong vĩ độ như vậy, thực sự là quá hạn hẹp, quay lưng lại với mục đích vốn có của nghệ thuật, cũng không nhất định sẽ có hiệu quả tích cực, ngược lại có thể khiến cho nghệ thuật trở thành dung tục, công lợi. Với ông, cách giải quyết tốt hơn vẫn là đem quan hệ giữa nghệ thuật và ý nghĩa đặt vào vĩ độ tổng thể hơn để xem xét, vĩ độ này không có gì khác chính là con người. Chỉ khi nghệ thuật được đặt trong quan hệ giữa tầng diện người tổng quát và vấn đề ý nghĩa (tầng diện tinh thần cao nhất) mới có khả năng khắc phục được nguy cơ do các loại truy vấn giá trị, ý nghĩa nghệ thuật mang lại.

Tích cực chống lại chủ nghĩa hư vô

Nghệ thuật và ý nghĩa phát sinh quan hệ trên vĩ độ con người có thể khiến nghệ thuật trở về với con đường vốn có của nó – truy tìm bản chất tinh thần, hồi phục nhân tính chỉnh thể. Nhưng với Hans, nghệ thuật bất luận như thế nào đều không thể đưa ra đáp án cuối cùng, chính xác. Nó không phải là tôn giáo, cũng không nên bị thần thánh hóa thành tôn giáo, càng không thể thay thế tôn giáo. Mục đích cao nhất của nghệ thuật là hướng tới con người, nhưng mục đích cao nhất của con người lại không phải là nghệ thuật. Cho dù tác giả lo lắng nghệ thuật trở thành một tôn giáo mới, nhưng ông cũng chỉ ra một cách rõ ràng vấn đề nguy kịch của nghệ thuật hiện đại – không phải là bị thần thành hóa, mà là bị dị hóa. Nghệ thuật đã đi từ phiếm thần luận sang chủ nghĩa hư vô. Nghệ thuật đã làm mất đi sự tôn kính, mất đi phán đoán cao thấp. Giống như Nietzsche từng nói, nghệ thuật bị hư vô vô tận làm cho thần trí mơ hồ, về cơ bản không thể phân rõ cao thấp. Vấn đề làm mờ giá trị của nghệ thuật do sự tự luật của nghệ thuật tạo ra, bước lùi của thần tính, sự trống rỗng của bản thân đã khiến nghệ thuật không thể tiếp tục giới định giá trị. Điều cần lưu ý là, tự luật không phải là điều mà bản thân nghệ thuật đề ra, mà do lịch sử thế giới mang lại. Cho dù như vậy, vẫn có nhà lí luận kiểu như Adonor cho rằng, tuy ý nghĩa thế giới mất đi, nghệ thuật vẫn có thể dùng phương pháp tượng trưng biểu đạt sự mất mát này – sự biểu đạt này chính là ý nghĩa tồn tại của nghệ thuật.

Nhưng, sự biểu đạt đối với thế giới dị hóa này sẽ sản sinh ra vấn đề “hoang ngôn của tính khẳng định”. Nhà nghệ thuật cho dù đứng ở trong thế giới đầy tính phủ định, anh ta có thể dùng tinh thần phủ định của mình một cách tích cực. Như thế, bất luận những biểu tượng của tác phẩm nghệ thuật này tích cực như thế nào, nhưng nội tâm nhà nghệ thuật trước sau đều giống thế giới – điên đảo, hỗn loạn. Cho dù những nghệ thuật này đều có ý nghĩa của nó (phản ánh dị hóa), nhưng trước sau vẫn là giá trị thấp kém của chủ nghĩa hư vô. Vì thế, để nghệ thuật trở về với nhân tính, Hans đề xuất dùng niềm tin để thay thế cho sự bất tin. Nếu có thể làm được điều này thì các kiểu châm biếm, trào phúng… đều trở nên có ý nghĩa tích cực. Nhà nghệ thuật có thể coi nghệ thuật là trò chơi, nhưng tất yếu phải có trách nhiệm đối với trò chơi.

Với tư cách là nhà nghệ thuật, làm thế nào để tin rằng cái thế giới điên đảo trật tự này lại có nhân tố tích cực? Làm thế nào để khắc phục được chủ nghĩa hư vô? Kung giải thích rằng, vì chúng ta tồn tại, thế giới tồn tại. Cho dù thế giới hỗn loạn như thế nào, vẫn tồn tại cơ sở ổn định nhất, đó là nhân thế, là con người. Vì con người vĩnh viễn không thể làm rõ được căn bản của tồn tại, nhưng nó lại là thể tài nguyên sơ nhất chuyển tải ý nghĩa của thế giới và nhân sinh, giống như Anaximander từng nói: khởi nguồn thuần khiết là một bí ẩn. Cho dù chúng ta không thể chứng minh ý nghĩa của tồn tại nguyên sơ chính là điều tích cực, nhưng chúng ta cũng không thể phản bác sự tồn tại của nó, sự tồn tại của thế giới vĩnh hằng là một tín hiệu tích cực nhất – chúng ta có thể tin bằng niềm tin của lí trí, nó là cái tích cực. Nghệ thuật hiện đại có thể lật đổ tất cả, nhưng không nên lật đổ phán đoán giá trị cơ bản nhất, nếu không sẽ vấp phải nguy cơ như chính bản thân nó vấp phải, nghệ thuật mất đi ý nghĩa. Nghệ thuật hiện đại muốn kéo phán đoán giá trị trở lại, nó cần phải phân biệt đúng sai thiện ác, đối với thế giới đương đại, niềm tin bằng lí trí này là nền tảng giá trị cơ bản nhất để để bảo giữ duy trì ý nghĩa của nghệ thuật.

Nhân tính là tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật

Hans nhấn mạnh một lần nữa là không nên đưa ra yêu cầu quá đáng đối với nghệ thuật, nghệ thuật dù sao cũng không phải là tôn giáo, nhưng đồng thời cũng nên yêu cầu và khiêu khích đối với nghệ thuật. Nhà nghệ thuật có một đôi mắt nhìn thấy những thứ mà người thường không nhìn thấy, biến những điều không thể nhìn thấy thành những điều có thể nhìn thấy. Ngày nay, nhà nghệ thuật được hoàn toàn tự do, nghệ thuật trước mắt đã phá vỡ trật tự vốn có, nếu tiếp tục giữ thái độ phá phách nó sẽ trở thành nghệ thuật trống rỗng vô nghĩa. Điều này là cơ hội tốt để xây dựng phong cách nghệ thuật hoặc thái độ nghệ thuật mới. Bất luận biểu đạt loại đề tài nào, chỉ có gắn nghệ thuật vào một giá trị nào đó, nghệ thuật mới có thể có ý nghĩa. Hans tiến thêm một bước nữa chỉ ra, đề tài tôn giáo chính là một loại đem đến nhiều lựa chọn. Nhà nghệ thuật biết căn bản của tồn tại và ý nghĩa cơ bản của cuộc sống, tôn giáo cũng biết điều đó, nhà nghệ thuật cần phải giống như tôn giáo, xác lập trách nhiệm đối với giá trị tồn tại. Đây chính là lí do khiến nghệ thuật và tôn giáo đồng hành.

Chỉ có nhà nghệ thuật biết gốc rễ của sự tồn tại của thế giới và con người, chúng ta không thể mù quáng sùng bái những giá trị và chủ nghĩa không hợp thời. Gốc rễ của tồn tại đã quyết định chúng ta đến từ đâu – không phải là đến từ hư vô, mà là được sinh thành từ tồn tại nguyên sơ; cũng đã quyết định chúng ta sẽ đi về đâu – thực hiện sự quay lại với chỉnh thể nhân tính. Chính vì xác lập nhận thức tỉnh táo đối với tồn tại, hơn nữa có tín ngưỡng mang đầy lí tính đối với nhận thức đó, chúng ta sẽ không thần thánh hóa quá khứ và tương lai, không rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa lịch sử và chủ nghĩa tương lai. Chỉ có thoát khỏi sự sùng bái đối với quá khứ và tương lai mới có thể xác lập được giá trị mới ổn định trong thời điểm hiện tại. Nhưng, cũng không nên sùng bái đương thời, vì cá nhân cụ thể, thời điểm hiện tại cụ thể đều là sự trống rỗng, truy đuổi khoảnh khắc rất dễ sa vào nắm bắt cái bên ngoài mà mất đi sự thể nghiệm giá trị bên trong, chỉ có chú tâm vào hiện tại trên cơ sở lí giải và thừa nhận sự tồn tại nguyên sơ mới không thần thành hóa hiện tại. Chỉ có nắm bắt được định nghĩa nguyên sơ cơ bản nhất, nhà nghệ thuật mới có thể không bị những khái niệm thời thượng, những định nghĩa hỗn loạn nuốt chửng, và mới có thể sáng tạo ra ý nghĩa tích cực hoàn toàn mới.

Hans kiên trì đem nghệ thuật hướng vào hiện tại. Không thể né tránh hiện tại, hiện tại là trực tiếp nhất, hơn nữa hiện tại là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, là con đường trung gian ổn thỏa nhất giữa phong cách đã ổn định và không phong cách. Bất luận chọn con đường nào, nghệ thuật cần thiết nhất phải nắm được nhân tính, nghệ thuật nên thuộc về con người, bất luận là nghiêm túc, tùy tiện, tích cực hay là phê phán, nhân tính nên là tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật nên phục vụ con người, xây dựng giá trị cao nhất của con người, khiến con người cảm thấy sự tồn tại hoàn mĩ và mang tính bản chất.

Trách nhiệm với giá trị phổ quát của nghệ thuật

Phán đoán và cách giải quyết của Hans Kung trong Nghệ thuật và vấn đề ý nghĩa đối với nghệ thuật hiện đại có liên quan đến sự nghiệp thần học của ông. Nghệ thuật trong thế kỉ 20 đã phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, một mặt là do sự trỗi dậy của nhận thức về cá nhân sau phong trào Khai sáng, sự điên đảo về giá trị do sự thụt lùi của quan niệm tôn giáo tạo thành, mặt khác lại do sự phát triển của khoa học kĩ thuật mới tấn công vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Cùng với điều đó, toàn cầu hóa văn hóa tạo nên sự xung đột giá trị đa nguyên cũng mang đến cho nhân loại một vấn đề mới mẻ. Cuộc sống cộng đồng của nhân loại cần một thứ luân lí phổ biến cơ bản nhất để quyết định nhận thức chung cơ bản nhất trong những quan niệm của những nền văn minh khác nhau, nếu không sẽ không thể nào giải quyết được xung đột càng ngày càng quyết liệt. Bởi vì sự khác biệt lớn về tính chất giữa các nền văn minh, nhận thức chung không thể tìm kiếm từ bên trên, chỉ có thể tìm từ bên dưới, từ phương diện cơ bản nhất. Trên tầng diện nghệ thuật, nhận thức chung này đến từ thái độ tín nhiệm tích cực của nhà nghệ thuật đối với con người và thế giới. Niềm tin này là trách nhiệm luân lí tất yếu phải tuân theo, là yêu cầu đạo đức mà nhân loại phải có sau khi có tự do và tận hưởng tự do đích thực. Người đến từ những nền văn minh khác nhau, mang những quan niệm giá trị và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, chỉ có cùng tôn trọng giá trị phổ quát, tôn trọng chuẩn tắc cơ bản nhất của đời sống phổ quát, mới có thể tự do hơn, cùng sống một cách hài hòa hơn trong xã hội hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thời đại hoàn toàn mới yêu cầu mỗi cá thể đều phải thay đổi quan niệm cũ kĩ trong quá khứ, hoà nhập tích cực với phương thức đời đời sống mới, tư tưởng bao dung cởi mở này là quy tắc cơ bản nhất của mỗi “công dân thế gới”. Không ngừng mở ra những khả năng mới vì một thế giới tràn đầy nhân tính chính là ý nghĩa cơ bản nhất của sự tồn tại nghệ thuật.

Theo HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Tags: ,