Bắn ứng dụng: Tuyệt chiêu và những kỳ tích của bộ đội Việt Nam

Có thể nói những người lính có thể sử dụng thành thạo phương pháp bắn ứng dụng là những người lính cực kỳ thiện chiến.

Bắn ứng dụng là gì?

Theo Từ điển Bách khoa quân sự thì “bắn ứng dụng” là:

“Bắn không theo thiết kế nguyên mẫu của vũ khí, bằng cách vận dụng các yếu lĩnh thao tác bắn hoặc thay đổi kết cấu của vũ khí cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện chiến đấu cụ thể, nhằm tận dụng và phát huy tối đa khả năng của vũ khí…”.

Nếu chỉ đọc thông thường thì sẽ thấy bắn ứng dụng thật tuyệt, “tận dụng và phát huy tối đa khả năng của vũ khí” cơ mà?

Nhưng bắn ứng dụng lại có nhược điểm chết người, đó là giảm khả năng bắn chính xác của vũ khí, hãy tưởng tượng một khẩu ĐKZ không có giá ba chân được giá chắc chắn thì độ rung lắc của phát bắn sẽ thế nào là đủ biết.

Thế thì vì sao bắn ứng dụng vẫn được coi là phương pháp bắn chính thức được huấn luyện trong quân đội và còn đương nhiên là bài bắn có trình độ cao nhất?

Thực ra, bắn ứng dụng ngoài ưu điểm tận dụng tối đa, phát huy tối đa khả năng của vũ khí còn có ưu điểm khác. Nó cho phép khai thác tối đa hiệu quả của vũ khí và đặc biệt là nó phát huy tối đa tính bất ngờ của hỏa lực do vũ khí tạo ra.

Chả ai ngờ những quả hỏa tiễn kiểu ĐKB hay A-12 lại được bắn đi từ những ụ đất đắp giữa cánh đồng trống. Cũng không ai nghĩ đến việc một khẩu pháo không có kính ngắm lại bắn trúng tàu chiến Pháp giữa Sông Lô.

Ấy vậy mà những điều đó đã trở thành sự thực. Khẩu pháo “lục tỉnh” – ghép lại từ bộ phận tận dụng của các khẩu pháo hỏng mà ta thu được từ 6 tỉnh – không có kính ngắm.

Về mặt nguyên tắc, nó là một khẩu pháo tịt vì không có kính ngắm thì lấy gì tính toán cự ly, tốc độ mục tiêu, lấy gì quan sát điểm nổ để chính pháo? Thế nhưng trong tay Pháo binh Sông Lô nó đã làm nên kỳ tích bắn cháy tàu chiến Pháp.

Đơn giản thôi, không có kính ngắm thì nhắm bắn qua nòng, quan sát điểm nổ bằng mắt. Đấy chính là bắn ứng dụng.

Một khẩu cối 60mm không bàn đế, chân giá, không cả kính ngắm, nhìn như cái ống thép trụi lủi nhưng ngắm, ước lượng khoảng cách bằng mắt, lấy hướng bằng tay và ước lượng góc tầm bằng cách so góc giữa nòng với cẳng chân đang quỳ lại có thể nhả đạn bình thường.

Đấy chính là bắn ứng dụng.

Khổ luyện thành tài

Tuy nhiên, để có thể bắn ứng dụng, người chiến sĩ phải bỏ công sức rèn luyện gấp nhiều lần bắn thông thường.

Họ phải quen thuộc với vũ khí mà mình được giao phó đến độ “súng là vợ, đạn là con”, thao tác vũ khí nhuần nhuyễn đến độ có thể coi vũ khí như là một phần cơ thể nối dài của mình vậy. Điều này đòi hỏi sự khổ luyện và cả trí thông minh nữa.

Với ví dụ về bắn ứng dụng với cối 60mm ở trên, nếu người lính không thuộc lòng mọi thao tắc bắn thì làm sao trong nháy mắt vừa phải ước lượng ra khoảng cách đến mục tiêu, vừa tính ra tầm, hướng trong khi vẫn phải ghì chặt nòng cối, thả đạn?

Chính vì thế, có thể nói những người lính có thể sử dụng thành thạo phương pháp bắn ứng dụng là những người lính cực kỳ thiện chiến.

Bởi trước hết họ hoàn toàn yên tâm về hỏa lực của vũ khí trong tay mình, do đó họ tự tin và tự tin khi ra trận là đã chiến thắng quá nửa rồi.

Kể về các loại bắn ứng dụng thì có rất nhiều. Bắn pháo ngắm qua nòng, bắn súng cối không cần bàn đế, chân giá, kính ngắm hay phóng đạn hỏa tiễn trên bệ phóng bằng đất hoặc trên giá ba chạc làm bằng tre, gỗ, bắn ĐKZ đặt trên vai, giá vào chạc cây…

Có thể nói, với người lính Việt Nam thì bắn ứng dụng là một trong những sở trường. Không ít quân đội các nước Á, Phi, Mỹ Latin đã sang Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm về vấn đề này.

Vũ khí nào trong tay người lính Việt Nam – Anh bộ đội Cụ Hồ đều có thể trở thành thứ vũ khí thần kỳ, kể cả khi phải bắn ứng dụng!

Theo TRÍ THỨC TRẺ

Tags: ,