⠀
Bản giao hưởng số 7: Bước ngoặt sự nghiệp của Antonín Dvořák
“Một bản giao hưởng mới chiếm lấy tôi và bất cứ nơi nào tôi đến, tôi không nghĩ đến gì ngoài nó, nó phải có khả năng khuấy động thế giới và Chúa sẽ ban cho tôi điều đó”.
Antonín Leopold Dvořák (08/09/1841, Nelahozeves – 01/05/1904, Praha) là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất của tất cả các thời kỳ và một trong những nhà soạn nhạc Séc nổi tiếng và hay được chơi nhất thế giới nói chung.
Những tác phẩm giao hưởng của ông thuộc vào đỉnh cao của nhân loại và thường có mặt trong những buổi biểu diễn nhạc giao hưởng. Sức mạnh khả năng sáng tác âm nhạc của ông đến nay chinh phục cả những nhà nghiên cứu lẫn những người nghiệp dư, và nó còn mang đến hơi thở cho những nhà soạn nhạc đương thời (có một câu nói của Brahm: Những chủ đề của Dvořák cho những ý tưởng phụ hoàn toàn đủ cho cả những ý tưởng chính của tôi). Ông nổi tiếng với các tác phẩm giao hưởng và các bản nhạc nhạc khí âm và những bản nhạc thính phòng, opera. Ông là một đại diện của dòng nhạc cổ điển lãng mạn của thế giới. Theo WIKIPEDIA |
Đến cuối thế kỷ thứ 19, Dvořák được biết đến là tác giả của 5 bản giao hưởng. 4 bản giao hưởng đầu tiên chưa từng được xuất bản, ít được biết đến. Bản giao hưởng giọng Rê thứ đầy sức mạnh này được xuất bản năm 1885 và đánh số 2, đơn giản là vì đây là bản giao hưởng số 2 được phát hành mặc dù trên thực tế là bản số 7. Tuy nhiên, chính Dvořák đã viết trên đầu của tổng phổ là bản giao hưởng số 6 vì bản giao hưởng đầu tiên, được ông gửi đi tham dự một cuộc thì sáng tác đã không trở lại và coi như thất lạc. Bản giao hưởng số 1 này chỉ được tìm thấy sau khi nhà soạn nhạc qua đời và được biểu diễn lần đầu vào năm 1936. Chỉ đến thập niên 50 của thế kỷ 20, việc đánh số thứ tự các bản giao hưởng theo đúng thời gian của sáng tác của Dvořák mới được thực hiện.
Mùa xuân năm 1884, Dvořák đến London theo lời mời của Royal Philhamonic Society, ông được đón tiếp với sự nhiệt tình và đầy thiện ý. Sau khi trở về nhà vào tháng 6, hiệp hội đã lựa chọn ông làm thành viên và đặt hàng một bản giao hưởng mới nhưng Dvořák phải 6 tháng sau mới bắt đầu công việc này. Theo ý nghĩa nào đó, bản giao hưởng số 7 được khởi thảo vào ngày mà Dvořák lần đầu nghe bản giao hưởng số 3 của Brahms và thứ âm nhạc đó vẫn tràn ngập tâm hồn ông khi Dvořák bắt đầu sáng tác những nốt nhạc đầu tiên vào tháng 12. Johannes Brahms có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống Dvořák, hỗ trợ tài chính, khuyến khích cổ vũ cũng như giới thiệu ông với Joseph Joachim vĩ đại, người mà Dvořák đề tặng bản Violin concerto. Ngoài ra Brahms còn thuyết phục người xuất bản của mình Fritz Simrock tiếp nhận Dvořák. Mặc dù Brahms luôn khăng khăng rằng sự ngưỡng mộ của họ là tương hỗ, Brahms nói rằng mình có thể cũng sẽ viết 1 bản cello concerto nếu như biết được rằng nó có thể tuyệt vời đến như vậy, nhưng thực tế chúng ta chỉ có thể nghe thấy Brahms trong âm nhạc của Dvořák chứ không phải chiều ngược lại.
Bản giao hưởng được sáng tác khá nhanh – 3 tháng từ những phác thảo đầu tiên cho đến phiên bản cuối cùng – nhưng không hề suôn sẻ. Trong quá trình sáng tác, các phác thảo là một đống lộn xộn; nhiều trang nhạc không được hoàn thiện và Dvořák không biết làm thế nào để tiếp tục. Tháng 2/1885, ông viết thư cho Simrock, thông báo về một bản giao hưởng mới và có nhắc đến tên Brahms: “Tôi không muốn làm Brahms thất vọng”. Ngày 17/3, tác phẩm được hoàn thành và Brahms chắc chắn sẽ hài lòng với kết quả này.
Đây có thể là bản giao hưởng hay nhất của Dvořák. Khi Donald Tovey (nhà phê bình âm nhạc người Anh) xếp bản giao hưởng này cùng với bản giao hưởng số 9 “Great” của Schubert và 4 bản giao hưởng của Brahms, không phải do Dvořák mang ơn hai nhà soạn nhạc này mà bởi Tovey thực sự tin rằng tác phẩm này xứng đáng với sự so sánh đó. Bản giao hưởng số 7 này không chỉ là mẫu mực về mặt hình thức có thể so sánh với Schubert hay Brahms – và mới với chính bản thân Dvořák – mà nó còn tìm kiếm một ý nghĩa sâu sắc hơn là khán giả có thể mong đợi ở một nhà soạn nhạc vốn nổi tiếng với những vũ khúc Slav.
Simrock đón chào bản giao hưởng mới này – và cũng như hầu hết các tác phẩm khác của Dvořák – với một sự thất vọng rõ rệt rằng đó không phải là những vũ khúc Slav mà ông có thể dễ dàng in ra và bán, khiến bản thân và Dvořák trở nên giàu có. Dvořák, người hiểu rất rõ âm nhạc bản thân đã mang đến sự giàu có của riêng nó, đã rất tức giận khi Simrock lảng tránh sự thành công của buổi ra mắt tác phẩm tại London. Và cả hai phải chấp nhận một sự đối đầu. Việc này đến ngay khi Simrock chỉ đồng ý trả 3000 mark cho bản giao hưởng (mà Dvořák coi đó là một sự xúc phạm), sau đó còn nhấn mạnh rằng in tổng phố dưới cái tên Đức Anton thay vì Antonín theo như tiếng Czech, điều mà nhà soạn nhạc nhìn nhận là một tấn công cá nhân vào quốc tịch của mình. Cuối cùng họ thoả hiệp tên sẽ được viết tắt là Ant. – một sự trung hoà không chỉ giúp giảm bớt khoảng cách mà còn cứu vãn cả tình bạn nữa. Và số tiền cũng được nâng lên gấp đôi, 6000 mark.
Dvořák nói rằng chủ đề chính của chương I đến khi ông đang rảo bước trên sân ga để đợi tàu từ Pest tới nhà ga trung tâm ở Prague. Chủ đề chính nghiêm trang, một motif như báo điềm gở bằng tiếng thì thầm của violin và cello giữa những tiếng ồn ào của double bass và timpani. Ý tưởng ngắn gọn và những chùm ba đột ngột ngắt quãng trĩu nặng cho khả năng phát triển và Dvořák đã sử dụng chúng một cách xuất chúng xuyên suốt chương nhạc. Với phong cách đặc trưng, Dvořák đã bao quát rất nhiều những ý tưởng phong phú. Nhanh chóng, âm nhạc được đẩy đến cao trào, lắng xuống với cuộc đối thoại đồng quê giữa oboe và horn. Nhưng rồi âm nhạc lại chuyển sang một cuộc khủng hoảng mới còn dữ dội hơn trước và rồi chủ đề hai trữ tình xuất hiện ở giọng Si giáng trưởng, vô cùng đáng yêu, dẫn đến một trường đoạn tuyệt vời và phóng khoáng. Phần còn lại của chương nhạc suy tàn rồi bùng nổ, bùng nổ rồi lại suy tàn. Khi chương nhạc kết thúc, chủ đề chính được luân chuyển từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác và rồi sức mạnh bị cạn kiệt, kết thúc như một sự sụp đổ.
Chương II Adagio là một trong những chương chậm tuyệt vời nhất của Dvořák. Nó kỳ diệu không chỉ ở giai điệu tuyệt vời của nó mà còn ở cái cách nó mở ra, tự do và không thể đoán trước. Một chất liệu âm nhạc rất phong phú, vừa thân mật vừa cởi mở, chất trữ tình sâu rộng được thể hiện lần lượt qua các giai điệu ngắn gọn của horn, oboe, clarinet. Chương nhạc có một sự đa dạng đáng kinh ngạc về chất liệu, được trình bày rất rõ ràng. Có lẽ Largo của bản giao hưởng số 9 “Từ thế giới mới” được biết đến nhiều hơn vì giai điệu tuyệt đẹp của nó nhưng thực sự, chương nhạc này cũng không hề kém cạnh. Chương nhạc mở đầu với một phần giới thiệu, thanh bình như một bản thánh ca dành cho kèn gỗ và dàn dây pizzicato. Khi dàn dây bắt đầu sử dụng vĩ, oboe và flute bắt đầu chủ đề chính của chương nhạc: một chủ đề dài, trữ tình. Tuy nhiên, nó sớm bị gián đoạn khi phần độc thoại của cello và violin với một phản ứng nghiêm nghị, đáng lo ngại. Một giai điệu trữ tình được horn cất lên với phần đệm lung linh, âm lượng lớn dần dẫn đến một sự chuyển biến đầy kịch tính không mong đợi. Sau phần phát triển căng thẳng, chủ đề chính xuất hiện trở lại trên bè cello. Chương nhạc kết thúc với sự trở lại của giai điệu thánh ca trong phần giới thiệu đầu chương qua tiếng oboe trên nền tremolo pianissimo của dàn dây.
Chương III lại là một chương nhạc tuyệt vời nữa. Chương nhạc bắt đầu với hai chủ đề vũ khúc đan xen nhau khá khác thường. Violin chơi một vũ khúc Bohemia trong khi cello và bassoon đồng thời chơi một điệu waltz thành Vienna ở phía dưới. Sự khéo léo này có lẽ là phép ẩn dụ cho thấy Dvořák tạo ra thứ âm nhạc Czech tuyệt dẹp của mình bằng cách sử dụng các hình thức của truyền thống Đức-Áo. Hai điệu nhảy được truyền từ nhạc cụ này sang nhạc cụ khác. Một đoạn giữa tương phản với dàn dây đầy đam mê với những cây kèn gỗ thở dài và hai vũ khúc trở lại. Cuối chương nhạc, bè viola chơi một khúc arioso đầy phóng khoáng ví mình như là một nhân vật trong vở opera. Điệu nhảy được khôi phục trong một coda mạnh mẽ.
Phần mở đầu chương IV là một giai điệu đáng lo ngại hoàn toàn sử dụng ngũ cung, tạo nên nét đặc trưng Slav. Chủ đề chính này ngày càng trở nên dữ dội hơn cho đến khi một giai điệu trữ tình, tương phản xuất hiện trên tiếng cello, giai điệu bay bổng tiếp tục được chuyển giao cho bè violin. Sau đó các chủ đề từ đầu chương lần lượt trở lại, kết thúc trong một coda mạnh mẽ. Âm nhạc kết thúc ở giọng Rê trưởng mang đến một tia hy vọng vào cuối cuộc hành trình căng thẳng này, phảng phất mang sự cứu rỗi như ta đã bắt gặp trong các bản giao hưởng của Beethoven.
Luôn mang trong mình hoài bão to lớn, nhưng tại thời điểm đó, âm nhạc của Dvořák vẫn chưa được thánh đường của âm nhạc châu Âu Vienna đón nhận. Trước đó, năm 1880 ông đã sáng tác bản giao hưởng số 6 (khi đó được đánh số 1) đề tặng Hans Richter, nhạc trưởng chính của Vienna Philharmonic. Mặc dù đã được lên kế hoạch để biểu diễn trong mùa diễn 1880-1881 của dàn nhạc nhưng vì một số lý do, nó đã bị huỷ bỏ. Nhiều người cho rằng lý do chủ yếu là những người thuộc trường phái âm nhạc Đức-Áo không hề muốn âm nhạc của một nhà soạn nhạc Czech theo trường phái Slav được xuất hiện tại Vienna.
Chính vì vậy, Dvořák đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào bản giao hưởng số 7 này. Nếu một nhà soạn nhạc người Czech sáng tác được một bản giao hưởng tuyệt vời như những gì các nhạc sĩ người Đức-Áo đã làm, họ sẽ phải coi trọng người Czech. Trong thư ông gửi cho người bạn Antonín Rus, Dvořák đã viết: “Một bản giao hưởng mới chiếm lấy tôi và bất cứ nơi nào tôi đến, tôi không nghĩ đến gì ngoài nó, nó phải có khả năng khuấy động thế giới và Chúa sẽ ban cho tôi điều đó”. Buổi biểu diễn ra mắt được tung hô nhiệt liệt tại London là một đỉnh cao trong sự nghiệp của Dvořák. Tuy nhiên, phải đến năm 1887, tác phẩm mới được ra mắt khán giả Vienna với Hans Richter trình diễn cùng Vienna Philharmonic.
Ba bản giao hưởng cuối cùng của Dvořák là những kiệt tác trong kho tàng âm nhạc của nhân loại. Có thể bản giao hưởng số 8 và đặc biệt bản giao hưởng số 9 có thể được biết đến và biểu diễn nhiều hơn nhưng chắc chắn bản giao hưởng số 7 giữ một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là một cột mốc đánh dấu một sự trưởng thành lớn về mặt tư tưởng cũng như kỹ thuật sáng tác của Dvořák. Đây có lẽ là bản giao hưởng kịch tính và giằng xé nhất của ông, nhưng không hề có sự chống đối, gây khó chịu hay tuyệt vọng nào. Thay vào đó, là một thứ âm nhạc được điều chỉnh một cách tuyệt vời, có sức biểu cảm mãnh liệt, với một nguồn cung cấp giai điệu gần như vô hạn được khơi gợi với một tinh thần Bohemia trữ tình và nhiệt huyết, được sự dịu dàng bao bọc và nhưng không hề uỷ mị và quá đa cảm. Một bản giao hưởng có cấu trúc vững chắc nhất trong số các tác phẩm của Dvořák.
Nếu chọn lựa một nhạc trưởng gắn bó mật thiết và trình diễn Dvořák tuyệt vời thì khó có thể bỏ qua nhạc trưởng đồng hương Rafael Kubelik.
Theo NHACCODIEN.VN
Tags: Âm nhạc, Nhạc cổ điển, Antonín Dvořák