Ấn Độ và thách thức từ ‘chuỗi đảo ngọc’ của Trung Quốc

New Delhi đang mở rộng sự hiện diện quân sự của họ ở khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Dù còn thua xa Trung Quốc về tài chính cũng như cấp độ và quy mô hiện đại hóa quân đội, nhưng Ấn Độ có ưu thế địa lý và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quốc tế nhằm thúc đẩy những tính toán theo hướng mà New Delhi mong muốn.

Bài viết của tác giả Phillip Orchard, nhà phân tích của Geopolitical Futures. Trước khi làm việc cho Geopolitical Futures, ông có gần 6 năm làm việc cho tổ chức phân tích tình báo Stratfor. Bài viết được đăng trên Geopolitical Futures.

Tóm tắt

Những sức ép trong nội bộ Ấn Độ cũng như việc nước này bị cô lập về địa lý lâu nay khiến New Delhi chỉ chú tâm vào những vấn đề của tiểu lục địa. Nhưng lo sợ bị bao vây trước việc Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự cùng với sự lệ thuộc ngày một nhiều hơn vào các tuyến giao thương kinh tế huyết mạch chạy qua các vùng biển tranh chấp, Ấn Độ đang mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Từ bờ biển Đông Nam châu Phi tới mũi eo biển Malacca và đặc biệt là ở Đông Á và Đông Nam Á, Ấn Độ đang tìm cách lôi kéo các nước có vị trí địa chiến lược và giành quyền tiếp cận các hải cảng, căn cứ quân sự ở nước ngoài, cùng với đó là việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hải quân, không quân để phát huy ưu thế địa lý của riêng mình – một vùng lãnh thổ biệt lập.

Bản phân tích chuyên sâu này khảo nghiệm logic chiến lược, ưu thế và hạn chế của Ấn Độ trong việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại các góc chốt ở bồn địa Ấn Độ Dương. Báo cáo cũng xem xét liệu sự hiện diện ngày càng gia tăng của Ấn Độ có thúc đẩy nỗ lực đang được hình thành nhằm chống lại đà tiến của Trung Quốc hay không. Cuối cùng, tài liệu kết luận dù còn thua xa Trung Quốc về tài chính cũng như cấp độ và quy mô hiện đại hóa quân đội, nhưng Ấn Độ có ưu thế địa lý và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của quốc tế nhằm thúc đẩy những tính toán theo hướng mà New Delhi mong muốn.

Tại sao Ấn Độ đang vươn ra bên ngoài?

Là nước có tổng chiều dài bờ biển hơn 7.200 km, Ấn Độ chưa bao giờ có tham vọng trong lĩnh vực hàng hải. Điều lạ này xuất phát từ thực tế rằng Ấn Độ không có nhiều lý do để vươn tầm ra khỏi tiểu lục địa. Xét về mặt địa lý, Ấn Độ được bao bọc bởi dãy núi Himalayas hầu như không thể xuyên phá ở phía Bắc, kế đến là địa hình đồng bằng, rừng nhiệt đới ở phía Đông và sa mạc ở phía Tây, xen vào đó là các khu vực thuộc biển Arập, vịnh Bengal và Đại Tây Dương. Bất kể một cường quốc nào có ý định đe dọa vùng đất trung tâm sẽ phải sử dụng hoặc là đường bộ thông qua bình nguyên Hindu Kush và Indus hoặc là đường biển. Ở cả hai ngả đường này, đối phương đều phải đối diện với quy mô dân số lớn, khiến việc chinh phục Ấn Độ bằng vũ lực là điều gần như không thể. Các cường quốc sở dĩ thống trị được tiểu lục địa này chủ yếu là nhờ vào việc khai thác những rạn nứt trong nội bộ Ấn Độ. Những kẻ chiếm đóng đầu tiên – thuộc rất nhiều triều đại Hồi giáo từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 18 rồi ngay sau đó là những người châu Âu cai trị thành công là bởi họ đã tìm cách khiến những người Ấn Độ chống lại nhau, triệt để khai thác sự cạnh tranh giữa các phe nhóm và trung tâm quyền lực để củng cố liên minh của những kẻ cộng tác – những kẻ sẽ phục vụ chủ yếu cho mục tiêu thương mại của kẻ cai trị.

Với đặc điểm lịch sử đó, Ấn Độ nhìn chung chỉ tập trung hướng nội kể từ ngày giành độc lập. Nguồn lực quốc gia-nhà nước tập trung ở khả năng kiểm soát sự chia rẽ nội bộ của chính quyền. Những diễn biến địa chính trị bên ngoài, ngoại trừ các cuộc đối đầu lác đác với Pakistan hay xung đột biên giới thường xuyên với Trung Quốc, đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, không phải là mối bận tâm thường trực. Nhưng yêu cầu của thời cuộc đã thay đổi, cùng với đó là môi trường chiến lược mở rộng hơn của Ấn Độ.

Để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển, Ấn Độ đã mở rộng lợi ích kinh tế vượt ra ngoài ranh giới tiểu lục địa. Ấn Độ có 1 một tỷ dân và việc duy trì tốc độ tăng trưởng, hiện đại hóa kinh tế vốn cần thiết để nuôi sống số dân này khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng của Ấn Độ, chẳng hạn như năng lượng, ngày càng tăng. Năm 2017, 47% lượng nhiên liệu tiêu thụ tại thị trường nội địa Ấn Độ là từ nguồn nhập khẩu, trong đó dầu mỏ nhập khẩu chiếm đến 80% nhu cầu trong nước. Như một kết cục tất yếu, Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện hải quân dọc theo các điểm giao thương huyết mạch gần bán đảo Arập và mũi châu Phi – những vùng biển khét tiếng với nạn cướp biển, quân nổi dậy và các mối nguy hiểm thường trực bắt nguồn từ những tranh chấp đối đầu ở Trung Đông. Khoảng 40% hàng hóa thương mại của Ấn Độ được vận chuyển qua một eo biển khác cũng nguy hiểm không kém là Malacca.

Cùng lúc, các cường quốc mới nổi khác cũng mở rộng lợi ích. Trên thực tế, động lực đầu tiên và then chốt nhất thôi thúc Ấn Độ vươn ra bên ngoài chính là sự hiện diện ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều không hứng thú với kịch bản tranh giành ngôi bá chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan ngại chiến lược trung tâm của Trung Quốc là mội loạt các “yết hầu hàng hải” ở bờ biển phía Đông và phía Nam mà một cường quốc hải quân bên ngoài có thể sử dụng để chặn đứt các tuyến giao thương thiết yếu đối với Bắc Kinh. Quan ngại chiến lược chủ chốt của Ấn Độ lại là sự thiếu thống nhất trong nước, cùng với đó là cường quốc hạt nhân thù địch Pakistan ở biên giới phía Tây.

Vấn đề nằm ở chỗ: Khi Trung Quốc tìm cách giải quyết những quan ngại chiến lược của riêng mình ở phía Đông thì những vấn đề thứ cấp ở sườn Tây Nam lại càng trở nên quan trọng hơn, biến Ấn Độ, vốn không có chủ tâm chống lại Trung Quốc, thành mối đe dọa tiềm tàng của Bắc Kinh và ngược lại. Trung Quốc cần tìm ra những con đường mới để không phải lệ thuộc quá nhiều vào những yết hầu hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cần các cảng biển nước sâu, những tuyến đường ống năng lượng, đường sắt ở các khu vực được xem là sân sau của Ấn Độ. Và để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tảng có thể cắt đứt các tuyến hàng hải này, Trung Quốc cũng cần phát triển lực lượng hải quân đảm bảo cho các tuyến hàng hải được thông suốt và ngăn chặn lực lượng đối phương tiến đến từ phía Tây – một nỗ lực đòi hỏi Bắc Kinh phải xây dựng mạng lưới các căn cứ và cơ sở hậu cần tại những điểm nòng cốt trong vòng cung ảnh hưởng của Ấn Độ để hỗ trợ bước tiến trên. Chúng ta có thể hoài nghi về triển vọng xây dựng thành công “Chuỗi đảo ngọc” cũng như phát triển lực lượng hải quân đủ sức thống trị các vùng biển khơi của Trung Quốc. Nhưng ý định thực hiện tham vọng này của Bắc Kinh là điều không thể nghi ngờ.

Với Ấn Độ, lý do khiến Bắc Kinh có mối quan ngại chiến lược là việc không có căn cứ, rõ ràng nhất là thực tế Trung Quốc chưa đủ sức gây ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ Dương. Cho dù ý định của Trung Quốc là gì đi nữa thì Ấn Độ vẫn cảm thấy bị bao vây bởi một quốc gia dường như có tham vọng quyền lực không suy chuyển, bỗng nhiên quay sang vũ trang cho đối thủ nguy hiểm nhất của New Delhi và dự định xây dựng lực lượng hải quân biển khơi, đẩy Ấn Độ đứng trước nguy cơ không thể xem thường về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận. Vì thế, khi quân đội Trung Quốc tiến vào bồn địa Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng phải khẩn trương mở rộng sự hiện diện của chính mình, ở cả vùng lãnh địa tiếp giáp lẫn sân trước của Ấn Độ.

Đây là điều rất quan trọng, bởi hải quân Ấn Độ tụt hậu khá xa so với tiềm lực hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc. Ấn Độ mới chỉ bắt đầu đầu tư lớn cho việc mua sắm vũ khí nhằm triển khai sức mạnh hải quân, đáng chú ý‎ là một hạm đội tàu ngầm nguyên tử mới và một tàu sân bay bản địa đầu tiên, cùng với đó là kho vũ khí tên lửa chống hạm, máy bay giám sát hàng hải, máy bay chống ngầm. Ấn Độ cũng đã xem xét việc thừa hưởng những kinh nghiệm tác chiến quý giá từ hải quân Anh. Ngay cả khi không có hy vọng kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương rộng lớn, Ấn Độ vẫn có một số lựa chọn để đối phó với Trung Quốc tại những điểm mà New Delhi dễ bị tổn thương nhất.

Vòng cung ảnh hưởng ngày càng mở rộng

Ấn Độ hiện mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi của tiến trình vươn tầm ảnh hưởng. Đến nay, Ấn Độ mới chỉ có một căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài, đặt tại Tajikistan – vốn được xem là hữu ích trong việc kiểm soát Pakistan và để mắt tới sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở dãy Himalayas, nhưng không có nhiều ý nghĩa đối với lĩnh vực hàng hải. Tuy nhiên, New Delhi đang hướng đến việc phát triển một vài căn cứ hải quân và không quân dọc Ấn Độ Dương. Quan trọng hơn, Chính quyền Tổng thống Narendra Modi đang tạo dựng quan hệ thân thiết với các nước trong khu vực cùng có mối quan ngại chung về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những quan hệ đối tác này có thể mang lại cho Ấn Độ quyền tiếp cận một mạng lưới các căn cứ hiện hữu vốn đang được một loạt các cường quốc bên ngoài sử dụng.

Sự cạnh tranh về sức mạnh hải quân giữa Ấn Độ với Trung Quốc được thể hiện rõ nhất ở Đông Nam Á. Xét đến kịch bản sự thù địch nghiêm trọng giữa lực lượng hải quân của hai nước bùng phát thành một cuộc đụng độ, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc rõ ràng áp đảo hải quân Ấn Độ. Nhưng điều này chỉ đúng nếu xung đột nổ ra theo kiểu đối đầu một một ở những vùng biển mở. Còn không, tình hình sẽ khác. Ấn Độ có trong tay lợi thế cố hữu so với Trung Quốc, tương tự như những gì mà Nhật Bản và Mỹ có được: Đó là việc Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào các tuyến hàng hải chạy qua các điểm yết hầu như eo biển Malacca, Sunda hay Lombok. Trong tình huống xảy ra xung đột, nhiệm vụ chiến lược chủ yếu của Ấn Độ chỉ là hiện diện tại những điểm giúp ngăn chặn tàu chiến Trung Quốc tại những yết hầu này. Ngược lại, Ấn Độ không có bất kỳ huyệt lộ nào nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của mình. Còn những yết hầu có thể đe dọa các tuyến đường hàng hải có vai trò quan trọng với Ấn Độ lại nằm ở bán đảo Arập, cũng là tuyến huyết mạch đối với các cường quốc khác và ở rất xa bờ biển Trung Quốc.

Ưu thế của Ấn Độ trên khía cạnh này nổi bật nhất là ở quần đảo Andaman và Nicobar. Án ngữ ngay phía Nam Myanmar thuộc vùng biển Andaman, quần đảo gồm 527 đảo nhỏ thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ này đóng vai trò là cửa ngõ dẫn tới eo biển Malacca. Đương nhiên, Ấn Độ đang dồn sức xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của mình tại đây. Hiện nay, quần đảo này tiếp nhận nhiều máy bay do thám và săn ngầm giữ vai trò thiết yếu trong việc giám sát hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển, thế nhưng mới chỉ có một lữ đoàn bộ binh và một số lượng nhỏ tàu tuần tra đóng tại đây. Các nhà hoạch định kêu gọi tăng cường bố trí quân sự đến mức đột phá, đẩy quy mô lên cấp sư đoàn, đưa vào biên chế một số tàu chiến và trong tháng 5/2018, Ấn Độ tuyên bố lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ điều một phi đội máy bay tiêm kích đóng trú tại quần đảo này.

Quần đảo Andaman và Nicobar cũng thúc đẩy quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với các nước Đông Nam Á. Tháng 5/2018, Indonesia đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép tàu chiến Ấn Độ tiếp cận một cảng gần đảo Sabang của Indonesia, ngay sát phía Bắc quần đảo Sumatra và có thể mở rộng sang một số đảo khác dọc eo biển Sunda và Lombok. Một tháng sau, một tàu chiến của Ấn Độ lần đầu tiên có chuyến viếng thăm, cập cảng Sabang. New Delhi cũng rất quan tâm đến việc thiết lập hiện diện tại eo biển Malacca. Năm 2017, Ấn Độ và Singapore ký kết một thỏa thuận cho phép triển khai quân sự tạm thời và hỗ trợ nhau về mặt hậu cần tại các căn cứ hải quân của hai nước, trong đó có căn cứ hải quân quan trọng Changi của Singapore – nơi hiện đón tiếp tàu chiến đồn trú luân phiên của Mỹ.

Ấn Độ còn mở rộng sự hiện diện quân sự sang cả Biển Đông. Năm 2016, Ấn Độ ký một thỏa thuận với Việt Nam về việc xây dựng một trạm giám sát vệ tinh ở miền Nam Việt Nam, cho phép hai bên theo dõi tình hình ở Biển Đông, nhất là tại những điểm mà Ấn Độ có được những nhượng bộ từ Việt Nam liên quan đến các lô thăm dò dầu khí (Ấn Độ cũng có các trạm tương tự đặt ở Brunei và Indonesia). Năm 2011, Việt Nam cũng trao cho hải quân Ấn Độ quyền tiếp cận đặc biệt đối với cảng Nha Trang, cách không xa căn cứ tàu ngầm thiết yếu của Trung Quốc đặt tại đảo Hải Nam, cho thấy mối quan tâm của Hà Nội trong việc khuyến khích các cường quốc bên ngoài can dự vào chảo lửa Biển Đông.

Bán đảo Arập và mũi châu Phi

Như đã nêu ở phần trên, tham vọng của Ấn Độ sẽ tàn lụi nếu không có được khả năng tiếp cận vững chắc đối với nguồn dầu mỏ nhập khẩu và các hàng hóa thiết yếu khác. Vì lý do này, New Delhi đã chú ý nhiều đến các yết hầu tiềm năng tại các điểm hướng ra biển Đỏ và vùng Vịnh. Sự hiện diện quân sự tại khu vực này bảo đảm lợi ích của Ấn Độ trong việc theo dõi Trung Quốc và ở cấp độ thấp hơn là Pakistan. Cùng lúc, các nước cũng ủng hộ sức mạnh hải quân mạnh mẽ hơn của Ấn Độ một khi New Delhi chứng tỏ được năng lực đóng góp vào sự nghiệp chung.

Nổi bật nhất chính là quan hệ đối tác quân sự bền chặt giữa Ấn Độ và Oman – quốc gia án ngữ phía Nam eo biển Hormuz đầy sóng gió. Tháng 2/2018, Thủ tướng Narendra Modi đã ký một thỏa thuận với Oman, cho phép tàu hải quân Ấn Độ cập cảng Duqm và máy bay Ấn Độ tiếp cận một số căn cứ không quân của Oman. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang vận hành một trạm thu tình báo tín hiệu tại thành phố Ras al-Hadd, phía Đông Bắc Oman. Ấn Độ gần đây cũng ký hiệp định hỗ trợ hậu cần với Pháp và Mỹ mà địa điểm triển khai tập trung ở Trung Đông và mũi châu Phi. Thỏa thuận ký với Pháp hồi tháng 3/2018 cho phép hải quân Ấn Độ tiếp cận các cơ sở tại Djibouti (cũng là nơi đặt căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài) và Abu Dhabi. Với thỏa thuận ký với Mỹ, Ấn Độ có thể tiếp cận hầu như mọi căn cứ của Mỹ trong khu vực.

Có quan hệ đối tác ngày phát triển với Mỹ, nhưng Ấn Độ cũng rất quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với Iran. Đơn cử như việc một công ty của Ấn Độ đang tham gia phát triển cảng nước sâu ở Chabahar. Chưa chắc chắn liệu hải quân Ấn Độ có được tiếp cận cảng này hay không, nhưng đây là khả năng không thể loại trừ. Cảng Chabahar sẽ đặc biệt có giá trị đối với các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ. Nó chỉ cách cảng biển nước sâu Gwadar mà Trung Quốc đang xây dựng ở Pakistan và dự kiến sẽ có hải quân đồn trú với số lượng hạn chế ở đây khoảng 345 km. Khoảng cách từ cảng Chabahar tới thành phố cảng Jiwani của Pakistan – nơi Trung Quốc dự kiến đặt căn cứ hải quân và không quân thậm chí còn ngắn hơn. Ngoài ra, cảng Chabahar cũng giúp Ấn Độ có được tuyến đường nhập khẩu hàng hóa từ Afghanistan, không phải chạy qua Pakistan.

Nam Ấn Độ Dương

Sự quan tâm của Ấn Độ đối với vùng biển kéo dài từ duyên hải nước này tới Đông Nam châu Phi cũng ngang hàng với lợi ích của New Delhi ở bán đảo Arập và mũi châu Phi: Đó là việc bảo đảm quyền tự do hàng hải qua các vùng biển nóng và chống lại sự bao vây của Trung Quốc. Để đạt được các mục tiêu này, Ấn Độ sẵn sàng phô trương sức mạnh để bảo đảm rằng các quốc gia quần đảo nhỏ bé trong khu vực nằm trong quỹ đạo của New Delhi khi các cường quốc bên ngoài bắt đầu nhòm ngó khu vực. Đơn cử như năm 1983, Ấn Độ bắn tín hiệu sẵn sàng mở chiến dịch hải quân để ngăn chặn âm mưu đảo chính lật đổ thủ tướng tại quốc đảo Mauritius. Ba năm sau, New Delhi lại dương cò súng khi phái một tàu chiến đến dập tắt một cuộc đảo chính ở Seychelles hòng lật đổ một đồng minh của Ấn Độ. Năm 1988, Ấn Độ một lần nữa phái đặc nhiệm và tàu chiến ra bên ngoài để ngăn chặn đảo chính, nhưng lần này là ở Maldives. Hải quân Trung Quốc đồn trú quanh Maldives hồi năm 2017 được xem là nguyên nhân khiến Ấn Độ phải từ bỏ ý định can thiệp một lần nữa ở Maldives khi tổng thống nước này, người nhận được hậu thuẫn từ Bắc Kinh, áp đặt tình trạng khẩn cấp và bắt giữ nhiều thủ lĩnh đối lập, trong đó có cựu tổng thống từng được Ấn Độ giải cứu năm 1988.

Mối quan tâm mới của Trung Quốc ở những quốc gia này và các khoản chi tiêu hào phóng mà Bắc Kinh bỏ ra để bảo đảm có được ảnh hưởng chính trị tại đó tạo ra thách thức thực sự đối với vòng cung ảnh hưởng của Ấn Độ, đồng thời cản trở tham vọng quân sự của New Delhi. Ví như tại Seychelles, năm 2015, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận về việc cùng phát triển đảo Assumption, trong đó có việc xây dựng một đường băng và một cầu tàu. Nhưng kể từ đó, dự án bị ngưng trệ, do sự phản đối của giới chính trị trong nội bộ Seychelles cũng như mối lo ngại rằng dự án này sẽ gây tổn hại đến dòng đầu tư, viện trợ của Trung Quốc đối với nước này. Tháng 1/2018, Ấn Độ buộc phải nhượng bộ, chấp nhận sửa đổi thỏa thuận, giảm quy mô đồng thời đưa ra những điều khoản cứng rắn hơn, như ngăn không cho Ấn Độ sử dụng đảo này trong thời chiến. Thế nhưng, mức xuống thang này vẫn là chưa đủ để Quốc hội Seychelles xem xét thông qua.

Tình cảnh với đảo quốc Mauritius cũng tương tự như vậy. Giống với Seychelles, New Delhi năm 2015 cũng ký thỏa thuận phát triển hạ tầng, được xem là nền móng tiềm tàng cho khả năng Ấn Độ lập một căn cứ ở quần đảo Agalega. Nhưng cũng thời điểm này, dòng tiền từ Trung Quốc đổ mạnh vào Mauritius, nổi bật là dự án khu kinh tế đặc biệt trị giá 700 triệu USD, và đó cũng có thể là nhân tố chặn đà tiến của Ấn Độ trong mục tiêu mở rộng sự hiện diện quân sự ở Mauritius. Trong khi đó, tại Maldives, chính quyền do Trung Quốc hậu thuẫn hồi tháng 6/2018 đã từ chối gia hạn thỏa thuận cho phép Ấn Độ duy trì sự hiện diện quân sự quy mô nhỏ ở quốc đảo này cũng như thực thi các chiến dịch tuần tra hàng hải hỗn hợp (chính quyền này đã bị loại trong cuộc bầu cử hồi tháng 10 và lực lượng quân sự Ấn Độ được cho là vẫn chưa rời khỏi Maldives). Cùng lúc, Trung Quốc giờ cũng phải đối mặt với những khó khăn trong việc định vị tác động chính trị nội bộ và những lo ngại về chủ quyền trong những dự án thuộc sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tuy nhiên, Ấn Độ hiện vẫn đang vận hành trạm trinh sát radar hàng hải ở Mauritius và một trạm khác tại Madagascar. New Delhi cũng có thể giành được quyền tiếp cận căn cứ hải quân của Pháp trên đảo Reunion – điểm nằm giữa Mauritius và Madagascar, nhờ vào hiệp định trao đổi hậu cần mới ký kết với Paris. Hơn thế, tiếp giáp ngay Đông Bắc Mauritius là quần đảo Diego Garcia thuộc Anh, nơi đặt căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Ấn Độ Dương – cũng là điểm mà New Delhi có thể sẽ sớm được quyền tiếp cận theo các thỏa thuận mới ký với Washington.

Những tác động chiến lược

Nhìn tổng thể, bước vươn mình ra bên ngoài của Ấn Độ cho thấy hạn chế cũng như giá trị cố hữu của New Delhi với tư cách là một đối tác của các cường quốc khác. Ấn Độ vẫn đang phải vật lộn để giành được sự ủng hộ cần thiết từ các nước trong khu vực nhằm xây dựng mạng lưới căn cứ của riêng mình. Giống Trung Quốc, Ấn Độ nhận thấy rằng các nước nhỏ dễ chấp nhận đặt mình vào tình thế cạnh tranh giữa các đối thủ lớn hơn để thu lợi và quan trọng nhất là để tránh phải đối mặt với nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa các cường quốc. Nhưng hầu bao của New Delhi không đủ dày để dễ dàng có ngay hậu thuẫn chính trị cho sự hiện diện quân sự trên quy mô khắp vùng lãnh địa tiếp giáp; Ấn Độ cũng không có sức mạnh quân sự đủ để tuyên bố rõ ràng rằng sự hiện diện an ninh của Ấn Độ là lựa chọn tốt nhất và duy nhất cho các nước trong khu vực.

Nhưng ở chiều hướng khác, Ấn Độ cũng không phải một mình gánh chịu những động cơ quân sự, khác hẳn với Trung Quốc. New Delhi đơn giản chỉ cần chứng tỏ mình là một đối tác có giá trị đối với các cường quốc bên ngoài – đặc biệt là Mỹ và đồng minh của Mỹ, kế đến là với những nước nhỏ hơn nhưng có vị trí địa chiến lược và cùng lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những quốc gia này có lợi ích lớn trong việc mang lại cho Ấn Độ quyền tiếp cận căn cứ cần thiết để chứng tỏ vai trò của New Delhi, đồng nghĩa với việc Ấn Độ không phải xây dựng một mạng lưới các cơ sở từ con số không – một nhiệm vụ rất nặng nề. Mục tiêu này là một phần nguyên nhân hối thúc Ấn Độ tham gia đóng góp vào việc bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải quanh bán đảo Arập và đẩy New Delhi tới chỗ dễ dàng chấp nhận các chiến dịch đa quốc gia quanh những yết hầu hàng hải ở Đông Nam Á một khi muốn chứng tỏ quyết tâm trước Trung Quốc.

Ấn Độ chưa chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi với Trung Quốc. Đương nhiên, New Delhi muốn sẵn sàng cho tình huống đó và cho mọi khả năng. Nhưng cũng giống như các đối tác khác trong liên minh Bộ tứ an ninh là Nhật Bản, Úc và Mỹ, mục tiêu hàng đầu của Ấn Độ là không muốn trở thành bên khơi mào cho một cuộc chiến với Trung Quốc. Nhật Bản, Ấn Độ và Úc có lợi ích đan xen và có ít lý do để nghi ngờ tính toán dài hạn của nhau. Tuy nhiên, ba nước cách xa nhau hàng nghìn dặm và việc xây dựng tiềm lực hải quân của mỗi nước tập trung vào phát triển các khả năng xử lý những mối đe dọa tại những khu vực riêng rẽ. Cứ theo xu thế này, mỗi nước sẽ phải dựa quá nhiều vào Mỹ để đối phó với thách thức trực tiếp từ Trung Quốc mà Washington là người thay mặt lên tiếng.

Xét đến khả năng Mỹ bị cuốn vào một khu vực nào đó, hoặc đơn giản là từ chối can dự vào các vấn đề khu vực vốn sẽ gây tốn kém, xuất hiện nguy cơ một ngày nào đó Trung Quốc xem đây là cơ hội mở để khai thác hố ngăn cách giữa khả năng và tầm với tương ứng của Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và rồi chính Trung Quốc sẽ đánh vào những điểm dễ bị tổn thương về mặt địa lý bằng vũ lực. Đó là lý do từng nước trong nhóm bộ tam này đang tiến đến lắp ghép những mảnh rời rạc để tạo ra một cấu trúc bao vây sẵn sàng – một khu vực địa lý rộng lớn hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần là cộng dồn vùng lãnh địa chịu ảnh hưởng của từng nước.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,