⠀
Ấn Độ và Mỹ có thể trở thành đồng minh thực sự hay không?
Trong lịch sử, nhiều lần các nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ từng gọi nhau là những “đồng minh tự nhiên”. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa điều đó lại chưa bao giờ dễ dàng.
Hành trình trắc trở
Những nỗ lực gây dựng mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đã diễn ra từ lâu và cũng phải trải qua nhiều thăng trầm.
Tháng 10/1949, Thủ tướng đầu tiên của nhà nước Ấn Độ, ông Jawaharlal Nehru đã có chuyến thăm Mỹ để gặp Tổng thống Harry Truman, chỉ 2 năm sau khi đất nước này độc lập khỏi Anh. Tổng thống Mỹ đầu tiên tới Ấn Độ là ông Dwight D. Eisenhower, vào năm 1959.
Dù chia sẻ nhiều giá trị chung, song quan điểm “không liên kết” của những nhà lãnh đạo Ấn Độ đã khiến cho mối quan hệ hai nước không phát triển mạnh trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Thập kỷ 60, khi Ấn Độ đứng đầu phong trào Không liên kết và nhận được không ít sự giúp đỡ của Liên Xô, mối quan hệ trở nên xa cách. Cuộc chiến tranh Ấn Độ – Pakistan năm 1965 và 1971 mà Mỹ đã chọn ủng hộ Pakistan đã đẩy hai nước về phía đối địch.
Dù có những giai đoạn nồng ấm trong thập kỷ 80 nhưng chương trình hạt nhân Ấn Độ quyết tâm theo đuổi đã phải đánh đổi bằng mối quan hệ với Mỹ. Khi Ấn Độ tuyên bố hoàn thành thử nghiệm hạt nhân gần biên giới với Pakistan vào năm 1998, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ được triệu hồi về nước và Tổng thống Mỹ thời điểm đó, ông Bill Clinton, đã áp đặt trừng phạt kinh tế với Ấn Độ. Tuy nhiên, vào tháng 3/2000, trước khi rời nhiệm sở, chính ông Bill Clinton đã bắc lại chiếc cầu nối giữa hai nước, bằng việc trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Ấn Độ sau hơn 20 năm.
“Chuyến thăm của Tổng thống Clinton là khởi đầu cho sự phát triển của một mối quan hệ đã được tiếp tục mở rộng thông qua các chính phủ kế nhiệm của Mỹ và các thời Thủ tướng Ấn Độ, đặc biệt là Manmohan Singh và Modi”, ông Dhruva Jaishankar, Giám đốc chương trình Sáng kiến Mỹ_Ấn tại New Delhi cho biết. Nền kinh tế Ấn Độ bắt đầu tăng trưởng năm 1991 sau một loạt cải cách thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ thương mại với Mỹ. Thương mại song phương đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2000, lên 191 tỷ USD vào năm 2022 và Ấn Độ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.
Vấn đề hạt nhân được đặt sang một bên năm 2005, khi Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ký Sáng kiến hợp tác hạt nhân dân sự. Theo thỏa thuận này, Ấn Độ đồng ý tách các cơ sở hạt nhân dân sự và quân sự. Mỹ đồng ý làm việc hướng tới hợp tác hạt nhân dân sự đầy đủ với Ấn Độ. Kể từ đó, mối quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Trong vòng 20 năm tiếp theo, việc tăng cường quan hệ với Ấn Độ trở thành một trong những chủ trương nhận được sự đồng thuận cao nhất của lưỡng đảng trong chính quyền Mỹ.
Cho đến chuyến thăm Mỹ vào tháng 6/2023 vừa qua của Thủ tướng Modi, mối quan hệ giữa hai nước đã tiến được những bước dài như ông Jaishankar đánh giá: “Từ trạng thái vô cùng lạnh nhạt với nhau tới việc hợp tác vô cùng chặt chẽ trên nhiều vấn đề chiến lược”.
Lựa chọn bắt buộc
Các chuyên gia cho rằng cả hai nước đều nhận thấy lợi ích chiến lược trong việc chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc, khi nước này ngày càng thể hiện tham vọng lớn trên trường quốc tế. Đối với Mỹ, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên mọi mặt, trong khi Ấn Độ bị lôi kéo vào các tranh chấp lãnh thổ, kể từ khi xảy ra cuộc chiến ngắn với Trung Quốc năm 1962.
Năm 2020, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng lên dọc biên giới chung trên dãy Himalaya và một cuộc xung đột giữa lực lượng quân sự hai nước ở khu vực Ladakh phía Bắc Ấn Độ được cho là đã khiến hàng chục binh sĩ hai bên thiệt mạng. Mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Pakistan là một nỗi lo lắng khác. Nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Kashmir (vùng lãnh thổ còn tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan) hay Maldives, Bangladesh (những quốc gia xung quanh Ấn Độ) cũng gây nhiều nghi ngại.
Tính toán đến các lợi thế về nguồn lực, từ địa lý tới dân số của Ấn Độ, các nhà lãnh đạo Mỹ dễ dàng nhận ra đây là một đối tác rất có sức nặng trong khu vực. Bằng cách giúp Ấn Độ xây dựng năng lực kinh tế và quốc phòng, chính quyền Washington hy vọng sẽ phối hợp với New Delhi để giải quyết các thách thức toàn cầu như một phần lợi ích lâu dài của mình. Ông Milan Vaishnav, Giám đốc Chương trình Nam Á tại Viện Carnegie, cho biết: “Washington thực sự đang tìm cách tạo ra một khuôn khổ để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và họ coi Ấn Độ là trụ cột trong chiến lược này”.
Đối với Ấn Độ, các thỏa thuận đạt được với Mỹ giúp họ củng cố năng lực của mình. Hợp tác kinh tế biến nước này thành một lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Tiến sĩ Vaishnav cho biết: “Họ (Ấn Độ) đang hy vọng nhận được nhiều USD hơn, nhiều công ty Mỹ hơn và nhiều doanh nhân Mỹ hơn để biến Ấn Độ trở thành một phần trung tâm trong kế hoạch tăng trưởng và mở rộng của họ”.
Đồng minh tự nhiên?
Nói về chuyến thăm của ông Modi tới Nhà Trắng vào tháng 6/2023, tờ Time khi đó đã đánh giá đây là “chuyến thăm quan trọng nhất từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden”. Tại đó, các nhà lãnh đạo hai nước không hề giấu giếm kế hoạch trao cho nhau những cơ hội lớn. “Chuyến thăm sẽ củng cố cam kết chung của hai nước về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và an toàn cũng như quyết tâm chung nhằm nâng cao quan hệ đối tác chiến lược, bao gồm cả trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng sạch và không gian” – trích thông cáo báo chí của Nhà Trắng trước chuyến đi của ông Modi.
Quan hệ kinh tế và quốc phòng đã trở thành trọng tâm phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ trong vài năm qua. Ấn Độ đã nhận lời tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương_Thái Bình Dương gồm 14 thành viên của Mỹ, một kế hoạch nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc trong khu vực. Trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, nhiều nhà đầu tư Mỹ đã bỏ tiền vào hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn và chip tại Ấn Độ. Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Mỹ cũng có kế hoạch hợp tác sản xuất các phương tiện quân sự hiện đại với người Ấn.
Tại cuộc gặp cấp cao mới nhất hôm 10/11/2023, trong khuôn khổ “Đối thoại 2+2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của hai nước, những cam kết trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng trước đó đã được làm rõ. Biên bản ghi nhớ giữa General Electric (Mỹ) và Hindustan Aeronautics Ltd (Ấn Độ) để sản xuất 99 động cơ phản lực GE F414 ở Ấn Độ đã ký kết với những chi tiết cụ thể về mức độ tham gia của Ấn Độ đối với việc phát triển và thử nghiệm. Cùng với đó, kế hoạch lắp ráp 31 máy bay không người lái MQ-9B hiện đại cùng việc xây dựng một cơ sở cung ứng toàn cầu của General Atomics ở Ấn Độ cũng sẽ phải đẩy nhanh theo hướng thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác sản xuất chứ không dừng ở hoạt động kinh doanh. Những động thái này khẳng định cam kết của Mỹ sẽ loại bỏ các rào cản với Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ cao.
Với việc trao cho Ấn Độ sở hữu những công nghệ tiên tiến, Mỹ muốn đưa Ấn Độ lên ngang hàng với những “đồng minh” của mình. Giới lãnh đạo Ấn Độ chưa bao giờ thừa nhận điều này, nhưng với việc chung cam kết với Mỹ về những vấn đề khu vực, thì việc đưa quan hệ “đối tác” trở nên “sâu sắc hơn” cũng là một lựa chọn rõ ràng. Tại cuộc hội đàm ở New Delhi hôm 10/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công khai thể hiện kỳ vọng của Washington để “Ấn Độ sẽ trở thành nhà cung cấp an ninh hàng đầu ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng cho biết: Hợp tác quốc phòng là trụ cột chính trong quan hệ giữa hai nước. Đây là một thông điệp gửi tới những “đối thủ” đang muốn thách thức Mỹ trong khu vực. Việc Ấn Độ công khai chỉ trích cuộc tấn công của Hamas vào Israel (đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông) cũng gây bất ngờ với giới quan sát. Lần này, dường như quan điểm “không liên kết” của giới lãnh đạo Ấn Độ đã không còn là rào cản giữa hai nước nữa.
Theo AN NINH THẾ GIỚI
Tags: Mỹ, Ấn Độ, Quan hệ Mỹ - Ấn Độ, Nghiên cứu quốc tế