5 ngộ nhận về vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Đối với người Mỹ và hầu như tất cả các sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ, quan điểm cho rằng bom nguyên tử đã dẫn đến sự đầu hàng của Nhật Bản vào ngày 15/8/1945 đã là kiến thức mặc định về việc cuộc chiến đã kết thúc như thế nào và tại sao.

5 ngộ nhận lịch sử về vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Tác giả: Gregg Herken, Giáo sư hưu trí môn Lịch sử Ngoại giao Hoa kỳ tại Đại học California và là tác giả của các cuốn sách “The Winning Weapon: The Atomic Bomb in the Cold War” và “Brotherhood of the Bomb: The Tangled Lives and Loyalties of Robert Oppenheimer, Ernest Lawrence, and Edward Teller”.

Nguồn: Gregg Herken, “Five myths about the atomic bomb”, The Washington Post, 31/7/2015.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp.

Ngày 6/8/1945, Hoa Kỳ đã thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Một quả bom khác đã được thả vào ngày 9/8 ở Nagasaki. Nhiều thập niên sau đó, những tranh cãi và thông tin sai lệch vẫn bao quanh quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trong Thế chiến II. Kỷ niệm lần thứ 70 của sự kiện này là một cơ hội để sửa lại cho đúng năm quan điểm sai lầm đã được ghi nhận rộng rãi về bom nguyên tử.

Bom nguyên tử đã kết thúc chiến tranh

Đối với người Mỹ và hầu như tất cả các sách giáo khoa lịch sử Hoa Kỳ, quan điểm cho rằng bom nguyên tử đã dẫn đến sự đầu hàng của Nhật Bản vào ngày 15/8/1945 đã là kiến thức mặc định về việc cuộc chiến đã kết thúc như thế nào và tại sao.

Nhưng các ghi chép của chính phủ Nhật Bản lại tiết lộ một câu chuyện phức tạp hơn. Dựa trên hồ sơ của Nhật Bản, những hiểu biết mới nhất và tốt nhất về việc Nhật đầu hàng đưa ra kết luận rằng sự tham gia bất ngờ của Liên Xô vào cuộc chiến chống lại Nhật Bản vào ngày 8/8 đã có thể là một cú sốc lớn hơn cho Tokyo so với vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima hai ngày trước đó. Cho đến lúc đó, người Nhật đã hy vọng rằng người Nga – vốn trước đó đã ký một hiệp ước bất tương xâm với Nhật Bản – có thể làm trung gian cho việc đàm phán chấm dứt chiến tranh. Như sử gia Tsuyoshi Hasegawa viết trong cuốn sách của ông “Chạy đua với Kẻ thù”,“Thật vậy, cuộc tấn công của Liên Xô, chứ không phải là quả bom ở Hiroshima, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo chính trị phải chấm dứt chiến tranh”. Hai sự kiện kết hợp với nhau – cộng với quả bom nguyên tử thứ hai được thả vào ngày 9/8 – là nhân tố quyết định cho việc đầu hàng.

Quả bom đã cứu nửa triệu người Hoa Kỳ

Trong cuốn hồi ký sau chiến tranh của mình, cựu Tổng thống Harry Truman hồi tưởng việc các nhà lãnh đạo quân sự đã nói với ông rằng một nửa triệu người Mỹ có thể bị giết chết nếu đổ bộ vào Nhật Bản. Con số này đã trở thành kinh điển đối với những người tìm cách biện minh cho vụ đánh bom. Nhưng con số này không phù hợp với các dự báo quân sự vào thời điểm đó. Như sử gia Barton Bernstein của ĐH Stanford đã lưu ý, Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Chiến tranh của Hoa Kỳ đã dự báo vào giữa tháng 6/1945 rằng việc đổ quân vào Nhật Bản, dự kiến bắt đầu ngày 1/11, có thể sẽ gây ra 193.000 ca thương vong cho Hoa Kỳ, trong đó có 40.000 trường hợp tử vong.

Nhưng, như Truman đã nhìn nhận sau chiến tranh, nếu ông không sử dụng bom nguyên tử khi nó đã sẵn sàng mà để quân lính phải chết trên các bãi biển trong quá trình đổ bộ, thì ông sẽ phải đối mặt với sự phẫn nộ chính đáng của người dân Hoa Kỳ.

Lựa chọn thay thế duy nhất cho việc đánh bom là xâm lược Nhật Bản

Quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân thường được thể hiện theo kiểu: hoặc thả bom hoặc đổ bộ quân lên các bãi biển Nhật Bản. Nhưng ngoài việc đơn giản là tiếp tục ném bom theo cách thông thường và phong tỏa Nhật Bản bằng hải quân, còn có hai phương án thay thế khác đã được ghi nhận vào thời điểm đó.

Phương án thay thế đầu tiên là một cuộc trình diễn bom nguyên tử trước thay vì sử dụng nó cho mục đích quân sự: nổ bom trên một hòn đảo không có người ở hay trên sa mạc, trước mặt các quan sát viên được mời từ Nhật Bản và các quốc gia khác; hoặc sử dụng nó để thổi bay đỉnh núi Phú Sĩ nằm bên ngoài Tokyo. Tuy nhiên phương án trình diễn đã bị từ chối vì những lý do thực tiễn. Chỉ mới có hai quả bom sẵn sàng vào tháng 8/1945, và việc trình diễn bom có thể sẽ hóa ra không hữu ích gì.

Phương án thay thế thứ hai là chấp nhận sự đầu hàng có điều kiện của Nhật Bản. Hoa Kỳ đã biết từ các liên lạc bị chặn rằng điều người Nhật quan tâm nhất là Nhật hoàng Hirohito không bị đối xử như một tội phạm chiến tranh. “Điều khoản Nhật hoàng” là trở ngại cuối cùng để Nhật Bản đầu hàng. (Tổng thống Franklin Roosevelt đã nhấn mạnh về việc đầu hàng vô điều kiện, và Truman đã nhắc lại yêu cầu đó sau cái chết của Roosevelt vào giữa tháng 4/1945.)

Mặc dù Hoa Kỳ cuối cùng đã khiến Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện, điều khoản Nhật hoàng trên thực tế đã được chấp thuận sau đó. “Tôi không hề mong muốn làm xấu hình ảnh [Hirohito] trong mắt người dân Nhật”, Tướng Douglas MacArthur, chỉ huy tối cao của lực lượng Đồng Minh tại Nhật Bản sau chiến tranh, đã đảm bảo như vậy với các nhà ngoại giao của Tokyo sau khi Nhật Bản đầu hàng.

Người Nhật đã được cảnh báo trước khi quả bom được thả xuống

Hoa Kỳ đã thả truyền đơn tại nhiều thành phố Nhật Bản để thúc giục thường dân đi tị nạn trước khi thực hiện đánh bom thông thường. Sau Tuyên bố Potsdam vào ngày 26/7/1945 để kêu gọi Nhật Bản đầu hàng, các truyền đơn đã cảnh báo về “sự hủy diệt nhanh chóng và hoàn toàn” nếu Nhật Bản không chú ý đến mệnh lệnh đó. Trong một bài tuyên bố trên radio, Truman cũng nói về một điều sắp tới: “cơn mưa tàn phá từ trên không, điều tương tự như thế chưa bao giờ được nhìn thấy trên trái đất này”. Những hành động này đã khiến nhiều người tin rằng dân thường đã được cảnh báo một cách có ý nghĩa về cuộc tấn công hạt nhân sắp tới.Thật vậy, một điệp khúc phổ biến trong các thư gửi tòa soạn và các cuộc tranh luận về bom hạt nhân là: “Người Nhật đã được cảnh báo trước”.

Nhưng chưa bao giờ có một cảnh báo cụ thể nào được đưa ra cho các thành phố được chọn làm mục tiêu của bom nguyên tử trước khi vũ khí này được sử dụng lần đầu tiên. Việc bỏ qua thông tin này là có cố ý: Hoa Kỳ lo ngại rằng người Nhật nếu được cảnh báo trước sẽ bắn hạ các máy bay mang bom. Và vì các thành phố của Nhật Bản đã thường xuyên bị phá hủy bởi các loại bom cháy và bom nổ – gần 100.000 người đã bị giết chết vào tháng Ba trước đó trong các trận đánh bom cháy vào Tokyo – nên không có lý do gì để tin rằng Tuyên bố Potsdam hay bài phát biểu của Truman sẽ nhận được sự chú ý đặc biệt.

Quả bom được thả đúng thời điểm nhằm đạt được lợi thế ngoại giao đối với Nga và chứng tỏ là một “con át chủ bài” trong thời đầu Chiến tranh Lạnh

Tuyên bố này là một luận điểm chính của các sử gia xét lại, trong đó họ lập luận rằng các chính khách Hoa Kỳ đã hy vọng quả bom có thể kết thúc cuộc chiến chống Nhật trước khi việc Liên Xô tham chiến sẽ mang lại cho người Nga một vai trò quan trọng trong dàn xếp hòa bình hậu chiến. Việc sử dụng bom cũng sẽ gây ấn tượng với người Nga về sức mạnh của loại vũ khí mới mà chỉ mình Hoa Kỳ sở hữu.

Trong thực tế, kế hoạch quân sự, chứ không phải lợi thế ngoại giao, đã quyết định thời điểm của các cuộc tấn công nguyên tử. Những quả bom đã được lệnh cho thả “ngay khi sẵn sàng”.

Các cân nhắc chính trị hậu chiến đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn các mục tiêu ném bom. Bộ trưởng Chiến tranh Henry Stimson đã yêu cầu Kyoto, thành phố quan trọng về lịch sử và văn hóa, phải được rút ra khỏi danh sách mục tiêu. (Cá nhân Stimson rất gần gũi với Kyoto, ông và vợ ông đã dành một phần trong tuần trăng mật của họ ở đó.) Theo Stimson, Truman đã đồng ý với lý do rằng “sự cay đắng được gây ra bởi một hành động bừa bãi như vậy có thể khiến cho việc hòa giải với Nhật Bản trong suốt thời kỳ hậu chiến lâu dài trở nên bất khả thi đối với chúng ta hơn là đối với người Nga. ”

Giống như Stimson, Ngoại trưởng James Byrnes của Truman đã hy vọng rằng quả bom có thể chứng tỏ là một “con át chủ bài” trong các trao đổi ngoại giao tiếp theo với Liên Xô – nhưng cả hai đều phải thất vọng. Vào tháng 9/1945, Byrnes trở về từ cuộc họp đầu tiên sau chiến tranh giữa các ngoại trưởng tại London, than phiền rằng người Nga đã tỏ ra “cứng đầu, ngoan cố, và họ không sợ gì cả”.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , , ,