⠀
20 điều quái đản của chủ nghĩa anh hùng trong điện ảnh Hollywood
Chủ nghĩa anh hùng trong các bộ phim Hollywood thường được rập khuôn theo những mô-típ khá ngớ ngẩn và mang nặng tính “nhồi sọ”.
1. Kẻ xấu trong phim Hollywood thường đến từ Nga – hoặc mang cái tên giống Nga (Hawaii Five-O, Big Mommas: Like Father Like Son…), các nước xã hội chủ nghĩa hoặc từng là xã hội chủ nghĩa hoặc từng ở trong liên bang 15 nước cộng hòa của Liên Xô trước kia như Ukraina (24 – season 8 ), Trung Quốc, Triều Tiên (Stealth, Red dawn 2012, Olympus has fallen…), Việt Nam (Rambo: First blood part 2), Cu Ba (Bad boys II)… Ngoài ra kẻ xấu còn có thể là những kẻ thù cũ trong lịch sử nước Mỹ như Đức Quốc Xã, Đế quốc Nhật Bản, đế quốc Anh (The patriot)…, các nước Hồi giáo Trung Đông như Iraq, Iran, Afghanistan… (Homeland, Green zone…). Riêng Liên Xô và con người Xô viết được miêu tả trong các bộ phim Hollywood thì không bao giờ là tốt cả.
2. Kẻ xấu bao giờ đánh nhau với phe Mỹ cũng dùng AK-47 và những loại vũ khí thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Còn nếu kẻ xấu dùng vũ khí của bên tư bản thì sẽ chiến thắng quân Mỹ, đặc vụ Mỹ ở hiệp đầu, đợi đến hiệp hai bị đánh bại (Air force One, Olympus has fallen).
3. Kẻ xấu khi bắn hạ người hùng thường không chịu kiểm tra xem nạn nhân đã chết hay chưa, cũng không thắc mắc là tại sao không có máu chảy ra. Kết quả người hùng tỉnh dậy do viên đạn găm vào đồng hồ quả lắc gài trong áo và đánh nhau với kẻ xấu tiếp (White House down).
4. Người hùng bao giờ cũng là người Mỹ hoặc ít ra cũng phải biết nói tiếng Anh. Kẻ xấu có thể cũng biết nói tiếng Anh hoặc có khi không cần mà chỉ cần độc ác và bị tiêu diệt.
5. Người hùng Mỹ có thể lao thẳng vào hàng ngũ bộ đội Việt Nam và dùng súng máy bắn họ chết như rạ trong khi người Việt Nam cũng bắn nhưng không trúng người hùng Mỹ phát nào (Rambo: First blood part 2, Missing in Action, Missing in Action 2: The Beginning, Braddock: Missing in Action III). Từ đó trở đi trong các phim hành động của Hollywood, kẻ xấu bắn rất nhiều nhưng ít khi trúng người hùng, người hùng có trúng đạn thì cũng chỉ bị thương và được cứu thoát, còn kẻ xấu thì chết cả loạt sau khi người hùng bắn vài phát (The expendables, The expendables 2…)
6. Trong các bộ phim chiến tranh, lính Mỹ và đồng minh chết rất ít trong khi kẻ địch chết rất nhiều. Kẻ địch khi đánh nhau với quân Mỹ bao giờ cũng áp đảo quân Mỹ về quân số, dùng chiến thuật biển người, kết thúc là quân Mỹ may mắn được không quân và bộ binh đến cứu viện và chiến thắng. (We were soldiers, The Pacific, The bridges at Toko-Ri, Saing private Ryan, Band of brothers, Starship troopers…). Riêng quân đội Liên Xô trong phim Hollywood bao giờ cũng dùng chiến thuật biển người và bị đối phương tiêu diệt (Enemies at gate, Rambo III…).
7. Khi một đám đông kẻ xấu bao vây một người hùng, từng tên sẽ lao vào lần lượt đánh nhau với người hùng, bị đánh bại và tên khác xông lên tiếp cho đến khi tất cả bị hạ và người hùng trốn thoát.
8. Kẻ xấu khi bắt giữ được người hùng (luôn có màn tra tấn) bao giờ cũng tiết lộ kế hoạch của chúng, người hùng sau đó thoát được hoặc được giải cứu liền lần theo kế hoạch của kẻ xấu để chặn chúng lại.
9. Người hùng có thể dùng chân đạp bung cửa hoặc lao cả thân mình vào húc đổ cánh cửa (thường làm bằng gỗ). Trong khi đó lũ quái vật và zombie sẽ phải mất một lúc và tông vào cánh cửa liên tục mà chưa chắc nó đã đổ.
10. Quân đội Mỹ luôn thắng trong mọi trận đánh. Đỉnh cao của sự dối trá này là trong phim We were soldiers khi vài trăm quân Mỹ phản công tiêu diệt hơn 2000 quân Việt Nam mà chỉ chết có vài chục người trong trận Ia Drang (trong trận đánh Ia Drang không có đợt phản công nào của quân Mỹ, quân số Việt Nam gấp đôi quân số Mỹ còn tỉ lệ thương vong của hai bên là 2 Việt 1 Mỹ). Chỉ có trong trận Mondigashu được mô tả trong phim Black Hawk down thì quân Mỹ bị quân Somali đánh bại thật và được đoàn xe bọc thép đến giải vây, mà những bộ phim như vậy rất hiếm.
11. Khi kẻ xấu dồn được người hùng vào chân tường, chúng không ra tay kết liễu người hùng ngay mà còn lảm nhảm những câu thoại thừa thãi như để câu giờ. Kết quả là người hùng kịp thời vớ lấy vũ khí nào đó để đánh lại hoặc được đồng đội cứu (The Matrix, Van Helsing, Live Free or Die Hard…).
12. Trong năm 2013 có 3 bộ phim về việc Nhà Trắng bị tấn công, tính mạng tổng thống Mỹ bị đe dọa là G.I. Joe: Retaliation, Olympus has fallen và White House Down. Đặc điểm chung dễ đoán là người giải cứu tổng thống luôn là những sĩ quan an ninh, nhân viên mật vụ có nguồn gốc từ quân đội với khả năng đánh bại cả trăm kẻ địch mà chỉ bị xây sát đôi chút. Thật kỳ lạ khi một đội quân chuyên nghiệp được tổ chức tốt, có khả năng đánh chiếm Nhà Trắng, tiêu diệt toàn bộ lực lượng mật vụ bảo vệ tổng thống mà không thể đánh bại nổi kẻ địch duy nhất còn sót lại trên chiến trường.
13. Khi bắt được người hùng, kẻ xấu có thể tra tấn, hành hạ cả về tinh thần và thể xác của người hùng, nhưng khi chúng ra khỏi đó thì người hùng lại lấy được bất kỳ dụng cụ, vũ khí hoặc phương tiện liên lạc ra khỏi một chỗ giấu kín trên người để thoát ra. Có lẽ bọn kẻ xấu không biết khái niệm lục soát kỹ lưỡng là gì. (Taken 2).
14. Hollywood luôn miêu tả Triều Tiên là nghèo khổ, dân chết đói hàng loạt nhưng lại có đủ sức mạnh để xâm lược Mỹ, và chả thấy đả động gì đến việc giải phóng miền Nam còn đang bị chia cắt (Red dawn 2012).
15. Nếu người hùng và kẻ xấu cùng lạc vào một nơi tối tăm, kẻ xấu dùng kính nhìn đêm mà chả thấy người hùng đâu, còn người hùng thì nấp một chỗ và phục kích thành công kẻ xấu mà không cần kính nhìn đêm. Người hùng cũng có thể dùng súng ngắn bắn hạ một tên bắn tỉa dùng kính ngắm hồng ngoại trong môi trường tối mà không cần tính khoảng cách, tính gió và điểm rơi của đạn (The sinper).
16. Trong các cuộc đấu súng hoặc truy đuổi với kẻ xấu (thậm chí là cả người hùng), xe cảnh sát luôn bị tiêu diệt ở số lượng lớn nhất (Bad boys II). Có những chiếc bị lật tung lên nhưng cảnh sát bên trong chẳng bị chết hay bị thương nặng (Bat man begins). Lực lượng cảnh sát cũng vì thế là vô dụng nhất vì khi kẻ địch bắn trả bằng vũ khí hạng nặng thì ẩn nấp hoặc chạy tán loạn (Superman returns, Terminator 2: Judgment Day).
17. Khi có một vụ nổ, người hùng chỉ cần nằm xuống tránh được luồng lửa hoặc có áo chống lửa là thoát. Có lẽ vụ nổ đó chỉ có lửa mà không có mảnh vỡ gây sát thương chăng? (The marine, xXx: State of the Union, Resident evil: Apocalypse…).
18. Khi kẻ xấu bắn về phía người hùng, người hùng dù là người bình thường vẫn kịp thời né tránh đạn. Thực tế một viên đạn vừa ra khỏi nòng súng có thể đạt đến tốc độ 900m/s, đó là một tốc độ mà chớp mắt cũng không kịp chứ đừng có nói đến tránh đạn (The matrix).
19. Khi người hùng bị dồn vào đường cùng, trong tay chỉ còn một khẩu súng ngắn, một toán kẻ xấu xông tới định tiêu diệt anh ta nhưng bị người hùng bắn hạ sạch sành sanh. Không thể hiểu nổi vì sao đám kẻ xấu ngu ngốc này không chịu bắn người hùng dù khi đó tay chúng đang cầm những khẩu súng to hơn nhiều, chắc là hết đạn nên không bắn? (We were soldiers).
20. Một người hùng bị trúng đạn vào chân vẫn có thể chạy tiếp, cõng, vác, kéo đồng đội bị thương hoặc dùng chân đánh nhau và hạ gục kẻ thù. (Windtalkers).
S.T
Tags: Mỹ, Điện ảnh, Văn hóa Mỹ