Yếu tố Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Lào

Lào đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, lạm phát tăng phi mã và gánh một khoản nợ không thể trả được.

Yếu tố Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng kinh tế ở Lào

Theo báo Đức Deusche Welle, kinh tế Lào đang bên bờ vực sụp đổ vì cuộc khủng hoảng nợ tăng dần, đẩy quốc gia Đông Nam Á này đến gần hiểm họa vỡ nợ.

Dịch COVID-19 vùi dập kinh tế Lào

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nợ trong nước và nợ nước ngoài của Lào đã tăng lên tới hơn 14,25 tỉ USD.

Nguồn dự trữ ngoại hối của Lào cũng rất thấp, nên các chuyên gia cho rằng Lào không có lối thoát nào nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài nhằm giúp Lào hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

“Lào đang đứng bên bờ vực phá sản” là nhận định hồi giữa tháng 6 của chuyên gia phân tích Anushka Shah của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody.

Hồi tháng 5, Cục Thống kê nhà nước Lào tuyên bố tỷ lệ lạm phát tăng kỷ lục 23,6%, khiến thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu (như xăng dầu) và bào mòn sức mua của người dân.

Số liệu lạm phát đáng báo động của Lào là chỉ dấu mới nhất của cơn bão tài chính tiếp tục “vần” nền kinh tế nặng nợ của quốc gia 7 triệu dân này.

Kinh tế Lào từng đạt tăng trưởng GDP hằng năm hơn 6% trong 10 năm, nhưng dịch COVID-19 đã khiến Lào bị tổn thất kinh tế nặng nề. Trong 6 tháng đầu năm nay, kinh tế Lào chỉ tăng trưởng 4,3%.

“Kinh tế Lào nhỏ, có nghĩa dễ bị tổn thương nhiều hơn trước các cú sốc. Dịch COVID-19 đã thật sự làm suy yếu bất kỳ nỗ lực tăng trưởng nào”, theo bà Erin Murphy của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, ở Washington).

Lào không có biển, lệ thuộc mạnh vào hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại ở châu Á. Dịch COVID-19 đã cắt đứt chuỗi cung ứng và gây tăng giá lương thực, xăng dầu, gây sức ép lạm phát lên nước Lào.

Alex Kremer – Giám đốc WB tại Lào cho biết trong một thông cáo báo chí gần đây: “Nhiều nhân tố khác nhau khiến tình trạng này hiện trầm trọng hơn, như chiến tranh ở Ukraine, một số người dân Lào không có bữa ăn vì họ phải đối phó một tình hình nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Dù người dân cố gắng quay lại cuộc sống bình thường, họ vẫn phải đối mặt với những khó khăn, và nhiều người cần sự giúp đỡ”.

Lào bị sập bẫy nợ của Trung Quốc?

Một nửa khoản nợ nước ngoài của Lào là từ Trung Quốc, nước cho Lào vay tiền để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng như các nhà máy thủy điện và các tuyến đường sắt.

Nhà nghiên cứu Murphy của CSIS nói: “Tôi cho rằng Lào đang phụ thuộc vào các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, dù đó là các tuyến đường sắt hoặc nhà máy thủy điện mà Lào có thể tạo nên”.

Trong vài năm gần đây, Lào tham gia hội nhập kinh tế, thương mại và cơ sở hạ tầng ở tiểu vùng sông Mê Kông. Các đập thủy điện của Lào cung cấp điện cho các nước láng giềng đông dân hơn, trong khi hệ thống đường bộ, đường sắt của Lào có thể kết nối với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực.

Theo Tân Hoa Xã, bằng cách đảm nhận các dự án trị giá hơn 16 tỉ USD, Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Lào.

Dự án lớn mới nhất là tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào trị giá 5,9 tỉ USD, chạy từ thủ đô Vientiane đến biên giới Trung Quốc. Dự án này nằm trong chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai – Con đường (BRI) trị giá hàng tỉ USD của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đã có những ý kiến chỉ trích chính sách đối ngoại dựa vào xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, cảnh báo các nước nghèo hơn, như Lào, có thể sập bẫy nợ của Trung Quốc. Việc mắc nợ này cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc nắm quyền sở hữu những tài sản quốc gia khi bên mắc nợ không thể hoàn trả tiền vay.

Theo AidData Lab, một phòng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu toàn cầu William & Mary, tổng trị giá nợ công của Lào với Trung Quốc khoảng 12,2 tỉ USD, cao hơn nhiều so với tính toán của WB.

Cho đến nay, Bắc Kinh giữ im lặng về món nợ của Lào. Sứ quán Trung Quốc ở Vientiane không hồi âm trước đề nghị bình luận của Deutsche Welle.

Quá nhiều rủi ro cho Trung Quốc

Khi Lào gặp khó khăn, sự chú ý hướng về cách Bắc Kinh sẽ xử lý vụ nợ nần của Lào ra sao, liệu Bắc Kinh sẽ đưa ra vài dạng thức bảo lãnh nợ hoặc xóa nợ hay không.

Không nghi ngờ gì nữa, Lào đối mặt với những khó khăn về kinh tế và tài chính vô cùng nghiêm trọng và đáng lo ngại, nhưng tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ để Lào vỡ nợ”, theo Giáo sư Toshiro Noshizawa của Trường Chính sách công thuộc Đại học Tokyo.

Ông nói thêm: “Chỉ riêng quy mô của các nghĩa vụ nợ cho thấy không thể tránh khỏi vỡ nợ, nhưng các yếu tố địa -kinh tế lại khiến các dự đoán đơn giản như vậy trở nên không thực tế theo hướng có lợi cho Lào”.

Từ năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư hơn 800 tỉ USD vào chương trình BRI, và Lào là đồng minh chủ lực để xây dựng quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn ở khắp vùng Đông Nam Á.

Trong bối cảnh này, việc Lào vỡ nợ có thể gây mất uy tín của Trung Quốc ở vai trò một đối tác trong thế giới đang phát triển, nhất là ở Đông Nam Á.

Nhà nghiên cứu Murphy của CSIS nói: “Trung Quốc có quá nhiều rủi ro, cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ sẵn sàng nhảy vào, Lào mắc nợ quá nhiều nhưng không quá lớn như các nước khác”.

Hành động cân bằng của Lào giữa các cường quốc và láng giềng

Do bị Trung Quốc siết chặt và lạm phát ngày càng trầm trọng, Lào thấy mình đang ở trong một hành động cân bằng khó khăn giữa các cường quốc.

Trung Quốc hoàn toàn không phải là đối tác kinh tế hoặc quan trọng duy nhất của Lào. Nước này có thành tích ấn tượng trong việc cân bằng lợi ích của các đối tác ngoại giao.

Chẳng hạn Nhật Bản từ lâu là nguồn viện trợ song phương lớn nhất của Lào, hoặc Việt Nam vẫn được xem là đối tác an ninh quan trọng nhất của Lào.

Bất chấp khó khăn về kinh tế, cho đến nay Vientane tránh tiếp xúc với các nhà cho vay quốc tế để tái đàm phán về khoản nợ. Trong dịch COVID-19, Lào chọn cách vay thêm tiền của Bắc Kinh, thay vì vay của các tổ chức cho vay đa quốc gia.

Nhà phân tích Murphy nói: “Lý tưởng nhất là Lào có thể có được những lợi thế tốt nhất trong khi giải quyết vấn đề nợ của họ. Trong trường hợp xấu nhất, nếu các đối tác ngoại giao khác cảm thấy vị thế của họ ở Lào đang bị suy giảm bởi ảnh hưởng của Trung Quốc, khủng hoảng kinh tế của Lào có thể trở thành một vấn đề địa chính trị”.

Theo MỘT THẾ GIỚI / DEUTSCHE WELLE

Tags: , , ,