Xung đột môi trường và nguy cơ tiềm ẩn bất ổn định xã hội

Khái niệm xung đột môi trường có thể mới nhưng trong thực tế đã xảy ra những xung đột môi trường gay gắt, gây mất ổn định chính trị, làm tổn hại đến tài sản, tiền của, thậm chí thiệt hại về người.

Xung đột môi trường và nguy cơ tiềm ẩn bất ổn định xã hội

Chẳng hạn, vụ xử lý chất thải từ việc sản xuất mỳ chính của Công ty Vedan; vụ bãi rác thải ở Sóc Sơn; tranh cãi xung quanh việc đường Hồ Chí Minh đi qua vùng đệm vườn Quốc gia Cúc Phương… Trong nhiều làng nghề, khu dân cư, khu công nghiệp cũng đã và đang xuất hiện hoặc ngấm ngầm những bất đồng, mâu thuẫn giữa cộng đồng dân cư với doanh nghiệp, hợp tác xã, giữa các gia đình, cá nhân với nhau xung quanh vấn đề sử dụng, khai thác tài nguyên, môi trường.

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, vấn đề tài nguyên, môi trường đang ngày càng bức xúc hơn trong tương ai. Từ đó xảy ra những xung đột ngày càng gay gắt nếu không xử lý khéo léo, hài hòa giữa các lợi ích các mối quan hệ. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu những nguyên nhân của xung đột môi trường, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn, giải quyết vấn đề đang đặt ra cho xã hội hiện nay. Trước hết, cần có sự hiểu biết sâu sắc về môi trường mà chúng ta đang sống. Các nhà nghiên cứu đã phân môi trường của trái đất thành 3 chức năng chính:

Thứ nhất, môi trường là nơi cung cấp những tài nguyên, thiên nhiên thiết yếu cho cuộc sống như: nước, không khí, thức ăn, tài nguyên rừng núi, khoáng sản để làm ra hàng hóa, vật liệu sinh hoạt tiêu dùng… Có những tài nguyên có thể khôi phục, tái sinh nhưng cũng có những loại không bao giờ tái sinh được. Ngay cả một số tài nguyên có thể tái sinh, khôi phục được thì cũng hạn chế, chậm chạp hơn sức tiêu thụ, sử dụng của con người. Nước sạch là loại tài nguyên như thế.

Thứ hai, môi trường là nơi chứa đựng rác tải do con người tạo ra. Trong quá trình sinh tồn, phát triển, con người sử dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường để phục vụ cho mình, đồng thời con người cũng thải ra môi trường những thứ đã ăn uống, sử dụng.

Thứ ba, môi trường còn là nơi cung cấp không gian sống cho động, thực vật nói chung và nơi cư trú, sinh sống của con người nói riêng.

Tất cả những mâu thuẫn, xung đột môi trường suy cho cùng đều xoay quanh ba chức năng nói trên của môi trường. Trong thời gian qua, xung đột môi trường ở nước ta bắt đầu phát sinh tập trung vào một số lĩnh vực, địa bàn, đối tượng chủ yếu sau:

Do mâu thuẫn, tranh chấp về khai thác, sử dụng làm lãng phí, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Đó là việc khai thác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, nguồn nước, khoáng sản, động, thực vật… đồng thời việc chất thải của quá trình sản xuất, tiêu dùng ảnh hưởng xấu, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Những xung đột này chủ yếu tập trung ở việc quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên rừng, biển; xử lý chất thải… Những vấn đề tài nguyên, môi trường này nếu không được xử lý khéo léo, hài hòa sẽ có nguy cơ dẫn đến xung đột của cả một cộng đồng, tập thể lớn, lâu dài, khó giải quyết.

Những xung đột môi trường trong quá trình phát triển đô thị. Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh đồng thời với dòng người từ nông thôn đổ về các đô thị, trong khi đó việc quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp đã làm nảy sinh xung đột, mâu thuẫn trong cộng đồng, khu dân cư ngày càng nhiều, có khi gay gắt. Vấn đề giải quyết nạn thiếu nước sạch vào mùa hè, nạn úng lụt vào mùa mưa, nước thải, chất thải rắn, độc hại ở đô thị không được xử lý làm ô nhiễm môi trường; việc lấn chiếm vỉa hè, hồ ao, kênh rạch, đất lưu không, nơi công cộng, không gian chung để xây dựng, cơi nới nhà cửa, làm nơi buôn bán, dịch vụ… trở thành những vấn đề bức xúc ở các thành phố lớn, các khu đô thị, trở thành ‘điểm nóng’ ở nhiều khu dân cư, làm mất tình làng nghĩa xóm giữa các cộng đồng với cá nhân, giữa các gia đình, cá nhân với nhau, thậm chí nhiều vụ án mạng đã xảy ra từ những xung đột, mâu thuẫn nói trên.

Những xung đột môi trường diễn ra trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, làng nghề. Ở nhiều nơi, có các nhà máy được xây dựng, hoạt động từ trước khi đô thị phát triển. Đến nay, khu dân cư, nhà ở của dân được xây dựng xung quanh nhà máy; nhiều nhà máy đã quá cũ nát, công nghệ lạc hậu, từ đó nảy sinh xung đột do chất thải, nước thải, ô nhiễm môi trường không khí, nước, tiếng ồn. Không khí khu công nghiệp, khu chế xuất tuy được xây dựng cách xa khu dân cư nhưng vì chưa coi trọng công tác bảo vệ môi trường cho nên vẫn ảnh hưởng xấu, gây ô nhiễm môi trường cho các khu vực xung quanh.

Xung đột môi trường giữa các hộ gia đình với nhau. Xung đột môi trường này thường biểu hiện ở các dạng như: do ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi gia súc; do các công trình vệ sinh, nước thải bị tắc, gây ô nhiễm; do ô nhiễm về tiếng ồn…

Có những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến xung đột môi trường, trong mỗi loại xung đột môi trường thường có những nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu, nhưng tựu chung có các nguyên nhân chính như: Sự gia tăng dân số ngày càng cao mà tài nguyên, môi trường thì ngày càng cạn kiệt, thiếu thốn. Sự nhận thức thiếu đúng đắn, không đầy đủ về tài nguyên, môi trường cũng như giá trị của nó. Hệ giá trị khác nhau dẫn đến sự khác nhau về lợi ích, mục tiêu trong khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường. Thiếu sự tham gia xây dựng, đóng góp của các bên có liên quan trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường. Thiếu cân bằng, hài hòa về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường. Sự phân bố quyền lực khác nhau giữa các lực lượng, các nhóm xã hội trong quản lý, chi phối, điều hòa nguồn lợi tài nguyên, môi trường. Thiếu cơ chế, chính sách hoặc cơ chế chính sách không rõ ràng, yếu kém trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường, đặc biệt là xác định, thực hiện quyền sở hữu và quyền sử dụng, khai thác. Chưa tôn trọng, phát huy được những phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc, cộng đồng dân cư trong việc khai thác, quản lý,sử dụng, giữ gìn tài nguyên, môi trường.

Cùng với nhiều vấn đề khác, xung đột môi trường đã và đang tiềm ẩn gây phức tạp, thậm chí trở thành ‘điểm nóng’, những vụ khiếu kiện tranh chấp kéo dài ở các khu dân cư trong cộng đồng xã hội, trong chúng ta đang nỗ lực, tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Do đó, để ngăn chặn, hạn chế giải quyết xung đột môi trường, cần có nhiều giải pháp đồng bộ vừa mang tính cơ bản, lâu dài vừa cấp thiết trước mắt, kết hợp các giải pháp về giáo dục tư tưởng với các giải pháp về kinh tế, hành chính… Theo chúng tôi, có thể là một giải pháp:

Thứ nhất, xây dựng ban hành cơ chế, chính sách chia sẻ nguồn lợi chung về tài nguyên, môi trường. Phần lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường là của chung cho nên cần có sự chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm giữa nhà nước với các địa phương, cộng đồng. Chế độ quản lý tài sản bảo đảm lợi ích hài hòa cho tất cả những bên liên quan. Cần kết hợp giữa lợi ích nhà nước, lợi ích xã hội, lợi ích cá nhân trong các chính sách về tài nguyên, môi trường. Sự phân bố quyền lực khác nhau giữa các lực lượng, các nhóm xã hội trong quản lý, chi phối, điều hòa nguồn lợi tài nguyên, môi trường. Thiếu cơ chế, chính sách hoặc cơ chế chính sách không rõ ràng, yếu kém trong quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường đặc biệt là xác định, thực hiện quyền sở hữu và quyền sử dụng, khai thác. Chưa tôn trọng, phát huy được những phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi việc khai thác, quản lý, sử dụng, gìn giữ tài nguyên, môi trường. Kết hợp với lợi ích công đồng với nhóm xã hội và lợi ích cá nhân trong các chính sách tài nguyên, môi trường.

Thứ hai, xây dựng các chính sách về tài nguyên, môi trường trong đó xác định rõ hơn về quyền sở hữu với quyền sử dụng các nguồn tài nguyên, môi trường. Xác lập được quyền quan trọng này là một yếu tố cơ bản để quản lý, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, môi trường, giảm thiểu xung đột môi trường. Hiện nay, trong các chính sách về tài nguyên và môi trường ở nước ta xác định chưa thật đầy đủ, rõ ràng hoặc thực hiện không chặt chẽ, nghiêm túc giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị, ở nhiều nơi, tài nguyên môi trường bị tư nhân hóa dẫn đến thay đổi quyền sở hữu, tạo ra mất công bằng xã hội. Những yếu tố văn hóa xã hội truyền thống trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bị thay đổi, xóa bỏ dẫn đến tình trạng đất đai, rừng, sông suối, khoáng sản bị khai thác, sử dụng một cách kiệt quệ vì nhiều người hiểu rằng tài nguyên, môi trường là “tài sản công cộng” nên ai cũng có quyền khai thác, sử dụng.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính về tài nguyên, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Hiện nay, chính sách tài chính về tài nguyên, môi trường ở nước ta chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa nhất quán, công bằng và còn nhiều kẽ hở. Việc đánh thuế tài nguyên, môi trường là một ví dụ. Có những tập tể, nhóm người trong xã hội sử dụng môi trường làm nơi chứa chất thải của mình trong sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận còn xã hội phải hứng chịu ô nhiễm môi trường. Xã hội phải bỏ một khoản tài chính nhất định, có khi rất lớn, để khắc phục sự ô nhiễm này. Việc đánh thuế tài nguyên cũng quá thấp hoặc chưa thực hiện nghiêm túc cũng là tác nhân gây thất thoát tài nguyên của đất nước. Từng đối tượng xã hội khác nhau cũng chịu sự chi phối, có quyền lợi, trách nhiệm khác nhau trong khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường nhưng chúng ta vẫn chưa đánh thuế đối với từng đối tượng này. Do đó việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách tài chính về tài nguyên, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững là quan trọng và cấp thiết.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, xã hội hóa công tác quản lý, giải quyết xung đột môi trường bằng hòa giải. Công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường cần được tăng cường đồng bộ hơn nữa, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Theo VUSTA.VN

Tags: ,