Vũ ‘nhôm’ – hồi chuông báo động về ‘tư bản thân hữu’ ở Việt Nam

Vũ ‘nhôm’ là ai mà người ta đặt ra biệt danh mafia của Đà Nẵng? Tại sao để Vũ “nhôm” tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế? Còn Vũ “nhôm” nào chưa lộ diện?

Ngày 20/12 vừa rồi, cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (hay còn gọi là Vũ “nhôm”) về tội “cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”. Từ trước đó, dư luận, báo chí đã liên tục đặt câu hỏi: “Vũ nhôm là ai?”.

“Vũ ‘nhôm’ là ai mà người ta đặt ra biệt danh mafia của Đà Nẵng? Tại sao để Vũ “nhôm” tác động nhiều đến Đà Nẵng như thế? Vũ “nhôm” không chỉ thao túng kinh tế mà còn thao túng cả chính quyền Đà Nẵng?” – câu hỏi này được cử tri Hoàng Ngọc Khang (phường Hòa Thọ Đông) đặt ra từ gần 3 tháng trước (ngày 4/10), tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Cẩm Lệ chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.

Và mới đây, đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cũng lại tiếp tục đặt câu hỏi cho tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa: Có hay không việc người này gây sức ép buộc chính quyền TP phải thực hiện giải quyết nhà, đất công sản ở nơi thuận lợi, đắc địa của TP? Có hay không việc Vũ “nhôm” chỉ mặt và hăm dọa Chủ tịch UBND TP khi chính quyền không đồng ý yêu cầu của Vũ về một dự án nào đó?

Vị đại tá về hưu cũng đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ “Phan Văn Anh Vũ là ai, thế lực và cá nhân nào đứng đằng sau để hà hơi, tiếp sức, tạo điều kiện, làm chỗ dựa để Vũ tự tung, tự tác khuynh đảo các cơ quan Nhà nước”.

Trên báo chí, bức chân dung của Vũ “nhôm” được “phác họa” là cán bộ công an, một đại gia bất động sản khét tiếng ở Đà Nẵng, còn khá trẻ (sinh năm 1975).

Vũ từng có vai trò quan trọng trong hàng loạt doanh nghiệp như Công ty TNHH The Sunrise Bay Đà Nẵng, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng, Công ty I.V.C, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 ở TP.HCM… – được cho biết là những doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án “khủng”, nhà đất công trên địa bàn TP.Đà Nẵng.

Vũ còn nổi tiếng vì có mối quan hệ rộng rãi với các quan chức qua nhiều thời kỳ. Vũ chính là chủ doanh nghiệp đã tặng xe cho Thành ủy Đà Nẵng để ông Nguyễn Xuân Anh (cựu bí thư Đà Nẵng) sử dụng từng khiến dư luận xôn xao. Chưa hết, Vũ còn cho ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng nhà 45-47 của công ty do Vũ làm chủ.

Tóm lại, Vũ “nhôm” là người có quyền, có tiền và có quan hệ! Và chừng đó yếu tố có lẽ đã phần nào đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi mà ông Khang, ông Thạnh đã đặt ra.

Tôi dám cá rằng, kiểu kinh doanh dựa trên quan hệ như Phan Văn Anh Vũ không phải là hiếm. Thậm chí đây là một lối làm ăn “truyền thống” vốn được đa số các ông chủ doanh nghiệp sử dụng. Quan hệ có khi “trong sáng” theo kiểu gặp gỡ, trò chuyện, đối thoại nhằm hiểu biết lẫn nhau. Nhưng không ít quan hệ doanh nghiệp – chính quyền lại nằm trong ngoặc kép: “quan hệ sân sau”, “quan hệ gầm bàn”, “quan hệ đút túi”, “bôi trơn”…

Làm ăn nhỏ thì có khi chỉ cần quan hệ với cán bộ thuế, công an khu vực. Nhưng lên tầm doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản thì quan hệ lại càng phải rộng và sâu, tới cấp quận, cấp tỉnh… Thế nên mới có chuyện, không ít “quan huyện”, “quan tỉnh” giàu lên nhờ “lộc, lá” là vì vậy.

Trong Nghị quyết Trung ương 5 nêu rất rõ về tình trạng này: “Thời gian qua đã xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân và cơ quan quản lý Nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách, để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”. Nghị quyết này nhấn mạnh quan điểm: phòng, chống mọi biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính..

“Tư bản thân hữu” là gì? Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã khái quát rằng: “Một số doanh nghiệp dựa vào mối quan hệ này nọ bằng cách này cách khác để làm giàu, khi giàu rồi thì tìm mọi cách để can thiệp vào một số việc của chính quyền nhà nước” và ông Nghĩa cho rằng đây là một sự “sỉ nhục” với chính quyền, với hệ thống công quyền.

Bây giờ, Vũ “nhôm” đã bị phát lệnh truy nã và Bộ Công an cũng đã công bố điều tra việc mua, chuyển nhượng 9 dự án và 31 nhà, đất công sản ở Đà Nẵng (trong đó nhiều dự án, nhà đất công sản có liên quan đến Vũ “nhôm”).

Đến lúc này, một loạt câu hỏi mới lại tiếp tục được đặt ra và cần câu trả lời, đó là: Đã có lệnh truy nã, nhưng đến bao giờ thì Vũ “nhôm” bị bắt? Có hay không chính sách đã bị “bẻ cong” vì lợi ích của Vũ “nhôm”? Có hay không quan chức liên quan và nếu có, trách nhiệm của họ đến đâu và bị xử lý thế nào? Nhất là câu hỏi liệu có những Vũ “nhôm” nào nữa mà chưa lộ diện?

Theo BÍCH DIỆP / DÂN TRÍ

Tags: ,