⠀
Vụ Mỹ đánh rơi bom nhiệt hạch xuống châu Âu năm 1966
Một vụ tai nạn máy bay của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh đã làm rơi 4 quả bom nhiệt hạch xuống một làng chài phía Nam Tây Ban Nha.
Buổi trưa ngày 17/11/1966, một số người dân làng chài Palomares, Tây Ban Nha đang đánh cá ven bờ bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn trên bầu trời đi kèm nhiều quả cầu lửa khổng lồ rơi thẳng xuống biển và các cánh đồng trồng cà chua, khoai tây trong làng. Thời điểm đó, họ được thông báo rằng đây chỉ là một vụ tai nạn máy bay thông thường từ một đợt diễn tập của không quân Mỹ.
Vài ngày sau dân làng ngạc nhiên khi chứng kiến hàng trăm người đàn ông mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng, mang mặt nạ xanh sử dụng các máy dò hiện đại tiến vào làng. Các cánh đồng thì bị phong tỏa và toàn bộ cà chua và khoai tây sắp thu hoạch bị thối rữa.
Mặc dù Lầu Năm Góc ra sức phủ nhận, nhưng truyền thông Mỹ lúc đó đã “đánh hơi” được một thảm họa hạt nhân đã xảy ra tại Palomares.
Ngày 20/1/1966, dưới sức ép của báo chí, Bộ chỉ huy không quân Mỹ đã có bản thông cáo chính thức thừa nhận một máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đang bay tuần tra thường lệ trên bầu trời Địa Trung Hải đã va chạm với máy bay tiếp dầu KC-135 làm rơi 3 quả bom nhiệt hạch xuống vùng đất gần ngôi làng Palomares và một quả rơi xuống biển.
Vụ việc xảy ra trong thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Trong một chiến dịch mang tên “Vòm Chrome” được tiến hành đầu năm 1961, Mỹ đã điều từ 12-24 chiếc B-52 trang bị vũ khí hạt nhân hoặc nhiệt hạch hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, trong suốt 365 ngày trong năm nhằm ngăn chặn kịp thời nếu Moscow có ý định thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu vào Washington.
Những chiếc máy bay B-52 thực hiện nhiều hành trình tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Chiếc B-52 gặp nạn ở Palomares đang bay trên tuyến đường phía nam, lặp đi lặp lại hành trình từ bắc Carolina đi vòng quanh Địa Trung Hải thì bất ngờ đâm phải chiếc máy bay chở dầu đã cất cánh từ căn cứ gần đó ở phía nam Tây Ban Nha để tiếp nhiên liệu.
Ở độ cao hơn 9.000m, hai chiếc máy bay đâm mạnh vào nhau và bốc cháy. 3 thành viên trong phi hành đoàn 7 người của B-52 bị chết, toàn bộ 4 phi công của chiếc KC-135 thiệt mạng. Trước khi lao mình qua cơn mưa lửa xuống biển, các phi công đã bấm nút hệ thống thả bom sự cố. Một quả bom nhiệt hạch rơi an toàn xuống cánh đồng trồng cà chua gần làng, hai quả khác bị ngòi nổ phi hạt nhân phá tung gây ra một trận mưa bụi plutonium và quả cuối cùng rơi xuống biển.
Nhiều ngày sau tai nạn, vùng bờ biển làng chài Palomares trở thành hiện trường cho một chiến dịch tìm kiếm lớn với sự tham gia của khoảng 700 binh sĩ cùng các nhà khoa học Mỹ và Tây Ban Nha. Họ nhanh chóng tìm được 3 quả bom rơi trên đất liền. Sở sĩ có hai quả bị ngòi nổ phi hạt nhân phá tung là do dù an toàn đã không bung ra khi phi công ấn nút thả bom sự cố.
Theo các nhà khoa học Mỹ, các quả bom rơi xuống Palomares có năng lượng lượng nổ 25 megaton (sức công phá gấp 1000 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, Nhật Bản) có thể ngay lập tức hủy diệt hoàn toàn sự sống nằm cách tâm nổ 15 km. Bụi phóng xạ giết người có thể phát tán trong phạm vi hàng chục nghìn km2. Nếu cả 4 quả bom bị kích nổ cùng lúc thì Tây Ban Nha sẽ có nguy cơ bị xóa sổ. Rất may là điều đó đã không xảy ra.
Tuy nhiên lượng plutonium bị phát tán lên đến 4,5kg đã khiến 250 ha đất ở Palomares bị ô nhiễm nặng (theo tính toán chỉ cần 1/triệu g plutonium hít phải, một người khỏe mạnh đã có thể bị ung thư). Trong khi tiến hành công tác dọn dẹp, hơn 14.000 m3 đất bị nhiễm phóng xạ được thu gom vào 4.000 chiếc thùng chở về Mỹ để tiêu hủy.
Đối với quả bom rơi xuống biển Địa Trung Hải, giới chức Mỹ đã phải huy động hơn 30 tàu hải quân cùng nhiều thiết bị lặn hiện đại làm việc liên tục trong 81 ngày mới đưa được thiết bị nhiệt hạch này ở độ sâu 869 m lên bờ an toàn.
Đến đầu tháng 3/1966, để trấn an dư luận, Bộ trưởng Thông tin và Du lịch Tây Ban Nha lúc đó là Manuel Fraga Iribarne và Đại sứ Mỹ Biddle Duke vẫn tổ chức cuộc thi bơi thường niên và cùng nhau bơi trong vùng biển gần làng Palomares trước sự chứng kiến của người dân địa phương cùng nhiều phóng viên.
Sau hơn 50 năm, vẫn có 3 khu vực nhiễm phóng xạ với diện tích khoảng 40 ha vẫn bị rào kín do công tác làm sạch gặp nhiều khó khăn.
Theo VOV
Tags: Tây Ban Nha, Mỹ, Chiến tranh Lạnh, Vũ khí hạt nhân